(Dân trí) - Trả lời Dân trí, HLV Bae Ji Won, cựu trợ lý của HLV Park Hang Seo, cho rằng Olympic Việt Nam đã thi đấu không tốt tại Asiad 19 và không thể lấy những lý do về tuổi tác hay đối thủ trên cơ để bao biện.
Trả lời phỏng vấn Dân trí, cựu trợ lý của HLV Park Hang Seo, ông Bae Ji Won (người tham gia chiến dịch Asiad 18), cho rằng Olympic Việt Nam đã thi đấu không tốt tại Asiad 19 và không thể lấy những lý do về tuổi tác hay đối thủ trên cơ để bao biện.
Tại Asiad 19 đang diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc, Olympic Việt Nam sớm bị loại ngay từ vòng bảng. Kết quả này không gây nhiều bất ngờ khi đối thủ chung bảng như Iran hay Saudi Arabia đều ở đẳng cấp hàng đầu châu lục. Một lý do khác được đưa ra là đội hình Olympic Việt Nam có độ tuổi trung bình trẻ nhất giải (20,3 tuổi) và những cầu thủ quá tuổi Đỗ Sỹ Huy, Phan Tuấn Tài và Nhâm Mạnh Dũng đều không thể ra sân thi đấu. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tôi nghĩ cần phải so sánh giữa Asiad 18 và Asiad 19 để nhận ra vấn đề. Lý do các đội bóng tham dự Asian Games là chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội (Olympic) tiếp theo. Ví dụ như đội tuyển Olympic Hàn Quốc, những cầu thủ đang thi đấu tại nước ngoài cũng được triệu tập đội hình tối ưu.
Tuy nhiên, nếu đội tuyển Olympic Việt Nam không thể giành được kết quả tốt trước những đối thủ mạnh chỉ vì đội hình quá trẻ và non kinh nghiệm, vậy người Nhật sẽ lý giải như thế nào?! Tại giải U23 châu Á năm ngoái ở Uzbekistan, đội hình toàn những cầu thủ U21 của Nhật Bản đã đánh bại U23 Hàn Quốc.
Và nếu Việt Nam nhận định khó có cửa tham dự Thế vận hội và để cả cầu thủ trẻ hơn lứa U23 thi đấu thì toàn đội vẫn phải nhận trách nhiệm và chịu chỉ trích vì nhiều khía cạnh bất hợp lý.
Kết quả tại Asiad 18 không đem đến tấm vé dự Thế vận hội cho những đội dẫn đầu. Nếu có vé dự Thế vận hội tại giải đấu ấy, Việt Nam đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên góp mặt ở Thế vận hội.
Bất cứ người hâm mộ nào đều nhớ, U23 Việt Nam đã giành ngôi á quân U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc, đứng thứ tư tại Asiad 18 ở Indonesia, khi chỉ chịu thua UAE trong loạt đá luân lưu ở trận tranh huy chương đồng.
Thời điểm ấy, ở bất cứ giải đấu nào, U23 lẫn đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Việt Nam đều chiến đấu hết mình và đạt được những kết quả ngoài mong đợi. HLV Park Hang Seo cũng như toàn thể thành viên ban huấn luyện và đội bóng đều nỗ lực hết mình để giành chiến thắng bằng lực lượng và tinh thần tốt nhất.
Tuy nhiên, tôi nghĩ khó ai có thể chấp nhận logic rằng đội tuyển Olympic Việt Nam gặp khó khăn tại Asiad 19 vì trao cơ hội cho lứa cầu thủ trẻ hơn độ tuổi U23 và phải đương đầu với những đội bóng mạnh như Iran và Saudi Arabia.
Asiad 19 cũng không có vé dự Thế vận hội như Asiad 18, vậy chẳng có lý gì lại không nỗ lực hết sức để đạt kết quả tốt nhất trong từng trận đấu?! Hãy nhìn Nhật Bản, họ đã đạt được kết quả tốt nhất có thể cùng lứa U21 khi tham dự U23 châu Á năm ngoái để giành vé dự Thế vận hội (Olympic) lẫn Á vận hội (Asiad) đang diễn ra.
Hiện Olympic Việt Nam vẫn chịu nhiều ý kiến trái chiều từ giới mộ điệu. Dường như người hâm mộ thất vọng về cách trình diễn của Olympic Việt Nam hơn là kết quả trận đấu. Dưới góc độ chuyên môn, theo ông đâu là vấn đề lớn nhất của Olympic Việt Nam tại Asiad 19? Đội hình thiếu kinh nghiệm? Tâm lý thi đấu? Chênh lệch trình độ quá lớn? Hay đấu pháp chưa hợp lý?
- Nếu Việt Nam tham dự Asiad 19 chỉ với mục đích đơn giản là cọ xát và rút kinh nghiệm thì có thể nói, Việt Nam đã đánh giá quá thấp những đội bóng mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia hay Iran.
Hơn nữa, nếu ngay từ đầu Olympic Việt Nam dự đoán sẽ thua trong các trận đấu với Iran và Saudi Arabia hoặc từ bỏ khả năng giành chiến thắng thì có thể nói rằng họ đã bỏ qua sự quan tâm từ dư luận.
Ở bất kỳ giải đấu nào, vai trò và sứ mệnh của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là tạo ra kết quả tốt nhất bằng cách tạo điều kiện tốt nhất và đào tạo những cầu thủ tốt nhất. Bởi lẽ đơn giản, người hâm mộ vốn rất cuồng nhiệt, luôn gửi gắm tình yêu và niềm đam mê cho những người đại diện cho đất nước tranh tài trên trường quốc tế.
Ngay từ giải U23 châu Á mà thầy trò HLV Park Hang Seo đã làm nên lịch sử tại Thường Châu, tôi đã rất ấn tượng với tinh thần dân tộc và tình yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam.
Có rất nhiều lý do để thua một trận đấu. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được tận gốc nguyên nhân, kết quả sẽ lặp đi lặp lại.
Nhìn vào đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự Asiad 19 tại Hàng Châu, không khó để nhận ra thầy trò Hoàng Anh Tuấn đã nhận bàn thua trong những tình huống số lượng cầu thủ phòng ngự áp đảo số lượng cầu thủ tấn công của đối phương trong khu vực phòng thủ.
Ở khía cạnh này, vấn đề nằm ở khả năng phối hợp và tổ chức của hàng phòng ngự. Khi đối đầu với những đội mạnh, việc cần làm là tập trung vào hệ thống phòng thủ bằng cách tăng số lượng cầu thủ tham gia.
Mục đích là để chơi phản công. Ngoài việc ngăn chặn đợt lên bóng tấn công của đối phương một cách hiệu quả, số đông cầu thủ phòng ngự sẽ tăng khả năng kiểm soát bóng thông qua đội hình phòng thủ ổn định.
Ví dụ như Ngoại hạng Anh, khi đội cửa dưới vượt lên dẫn trước đội cửa trên và tập trung vào khâu phòng ngự để bảo toàn lợi thế, đội hình 4-4-2 thường được áp dụng. Có thể gọi đó là sơ đồ phòng ngự 4-4-2 đặc trưng của người Anh.
Đội hình 3-4-3 lại tạo điều kiện để hai cầu thủ chạy cánh (wing-back) lẫn các tiền vệ trung tâm nhanh chóng quay về phòng thủ và lập tức tăng số lượng cầu thủ phòng ngự.
Tuy nhiên, kể cả khi có đông quân số tổ chức phòng ngự thì nguy cơ nhận bàn thua vẫn hiển hiện.
Nếu điều đó xảy ra, có thể chỉ ra rằng vấn đề nằm ở các cầu thủ thiếu am tường chiến thuật để đảm bảo cấu trúc hệ thống phòng ngự, việc tổ chức ngăn chặn cũng thiếu đồng bộ và ăn ý. Ngoài ra là vấn đề về mặt tinh thần, chẳng hạn sự thiếu tập trung hoặc tự tin.
Một trong những vấn đề quan trọng ở Olympic Việt Nam là sự sụp đổ nhanh chóng về thể lực. Các đội cửa dưới vốn thua kém về kỹ chiến thuật so với đối phương thì phải đảm bảo được thể lực vượt trội. Nếu không đảm bảo được những yêu cầu vừa nêu, cơ hội chiến thắng sụt giảm đáng kể.
Một khía cạnh khác, Olympic Việt Nam cần lưu ý rằng các đội mạnh tại Á vận hội Hàng Châu đều đặt mục tiêu đạt kết quả tốt nhất có thể và thể hiện qua việc triệu tập những cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài về thi đấu.
Có ý kiến cho rằng, nếu sử dụng lối chơi phòng ngự phản công như HLV Park Hang Seo áp dụng cách đây 4 năm tại Asiad 18, Olympic Việt Nam có thể đã có nhiều cơ hội hơn để vượt qua vòng bảng. Quan điểm của ông về ý kiến này ra sao?
- Olympic Việt Nam đạt được thành quả tốt tại Asiad 18 không chỉ nhờ phòng ngự co cụm. Chẳng hạn như trận đấu với Nhật Bản tại vòng bảng, Việt Nam đã giành chiến thắng trước đối thủ không phải nhờ lối chơi phòng ngự phản công. Mặc dù Nhật Bản nhỉnh hơn ở kỹ năng cá nhân nhưng các cầu thủ Việt Nam không hề lùi bước.
Mọi cầu thủ đều chạy, di chuyển rất nhiều và chiến đấu hết mình. Sức ép quyết liệt và cự ly đội hình chặt chẽ của U23 Việt Nam đã khiến Nhật Bản không tận dụng được ưu thế về kỹ thuật và sự tinh tế trong lối chơi.
Nên nhớ lịch thi đấu tại Á vận hội luôn dày đặc. Mặc dù vậy, các cầu thủ Việt Nam tham dự Asiad 18 không hề có dấu hiệu mệt mỏi và luôn thi đấu với phong độ cao nhất. Còn tại giải U23 châu Á 2018, chính thể lực vượt trội đã giúp U23 Việt Nam nhiều thời điểm áp đảo Uzbekistan trong trận chung kết.
Dù tập trung vào thế trận phòng ngự, HLV Park Hang Seo luôn đề ra những kế hoạch và mục tiêu rõ ràng trong tấn công. Đội bóng sẽ phản công như thế nào, giữ bóng ra sao, lên bóng ở cánh như thế nào? Và ai sẽ là người hỗ trợ phát triển bóng tấn công từ hàng tiền vệ? Hậu vệ nào án ngữ phía sau để bọc lót trong trường hợp mất bóng và bị phản công?
Thậm chí, ngay cả khi trận đấu đã diễn ra, các phương án vẫn liên tục được nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai. Phòng ngự phải có mục đích và khi lên bóng tấn công, phải có sự chuẩn bị ổn định cho hệ thống phòng thủ.
Đó là sự hiểu biết về chiến thuật và việc đặt ra các mục tiêu phù hợp trong trận đấu. Tuy nhiên, mọi ý đồ kỹ chiến thuật đều sẽ phá sản nếu thiếu thể lực.
HLV Hoàng Anh Tuấn từng khẳng định gặp đối thủ mạnh mà chơi kiểm soát bóng là vô lý, nhưng lối chơi đó mở ra cơ hội chiến thắng và đúng với sở trường của người Việt Nam, còn phòng ngự phản công là thời điểm thôi. Tuy nhiên, có lẽ triết lý kiểm soát bóng chưa đủ thuyết phục người hâm mộ. Ông có thể phân tích một chút về hai triết lý kiểm soát bóng và phòng ngự phản công? Phải chăng lối chơi cầm bóng sẽ giúp các cầu thủ lẫn đội bóng tiến bộ hơn về mặt kỹ năng?
- Về nhận định trên, cần nhìn lại lối chơi của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Tất nhiên, cần phải cố gắng để tăng tỷ lệ kiểm soát bóng trước đối thủ mạnh, nhưng điều quan trọng là làm thế nào và trong hoàn cảnh nào để tăng khả năng kiểm soát bóng. Và làm thế nào để đội bóng yếu có thể tạo ra cơ hội ghi bàn rõ rệt trước đối thủ mạnh?
Nếu có chiến thuật rõ ràng và việc tập trung phòng ngự với mục đích cụ thể thì không nên xem đó là chiến thuật phòng ngự đơn thuần. Tuy nhiên, điều quan trọng là mục tiêu tấn công, phản công được đặt ra có rõ ràng hay không và liệu có thể tạo ra cơ hội ăn bàn thật sự hay không.
Nói cách khác, một đội bóng phòng ngự có chiến thuật sẽ còn chuẩn bị kỹ lưỡng cho phương án tấn công, phản công để ghi bàn. Đó chính là lối chơi đã được thể hiện dưới thời HLV Park Hang Seo. Các cầu thủ cũng hiểu rất rõ chiến thuật đề ra và đạt được kết quả như mong muốn nhờ tâm lý vững vàng và thể lực tuyệt hảo.
HLV Troussier vừa công bố danh sách tập trung của đội tuyển Việt Nam tại FIFA Days. Danh sách này có khá nhiều cầu thủ dưới độ tuổi 23 và ông HLV Troussier đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện đội hình nhằm chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026? Nói cách khác, ông Troussier chưa có được đội hình ưng ý như HLV Park từng có? Và theo ông, đội tuyển Việt Nam đang thiếu những nhân tố như thế nào để hoàn thiện đội hình theo triết lý kiểm soát bóng?
- Ý nghĩa của ĐTQG không phải là tuyển chọn cầu thủ trẻ hay già mà chọn những cầu thủ xuất sắc được số đông thừa nhận. Tất nhiên, sự hòa hợp giữa các cầu thủ giàu kinh nghiệm và trưởng thành cùng những cầu thủ trẻ đầy nghị lực và tươi mới là điều quan trọng.
Chẳng hạn thời gian tôi cùng HLV Lee Young Jin làm việc cùng ông Park tại đội tuyển Việt Nam, chúng tôi lên kế hoạch làm việc dựa theo lịch thi đấu V-League. Trước hết, chúng tôi lập danh sách 100 cầu thủ có tiềm năng, sau đó chọn lại 50 người dựa trên các yếu tố như kinh nghiệm thi đấu, số lần ra sân...
Chúng tôi cũng quan sát và phân tích chặt chẽ từng cầu thủ dựa trên lịch thi đấu V-League. HLV Park Hang Seo, HLV Lee Yong Jin và tôi sẽ chia theo khu vực, lập lịch thi đấu từng đội và theo dõi các trận đấu có những cầu thủ là ứng viên trở thành tuyển thủ quốc gia.
Công việc này thật sự vất vả và khó khăn. Rất nhiều cố gắng cũng như gạch đầu dòng được đưa ra để đánh giá các cầu thủ.
Chúng tôi phải làm việc cật lực để loại trừ mọi sai sót. Ngoài ra, HLV Park Hang Seo luôn đề cao cơ cấu tổ chức của đội bóng, sự đoàn kết giữa các đồng đội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ của cầu thủ Việt Nam. Không hề ngẫu nhiên để đạt được những thành công, rất nhiều công sức và sự cần mẫn mới có được kết quả như vậy!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!