(Dân trí) - Tình cờ gặp nhau ở Trung Quốc, Mauro Jeronimo, chuyên gia bóng đá đến từ Bồ Đào Nha, bị thuyết phục hoàn toàn với triết lý bóng đá của HLV Philippe Troussier.
Tình cờ gặp nhau ở Trung Quốc, Mauro Jeronimo, chuyên gia bóng đá đến từ Bồ Đào Nha, bị thuyết phục hoàn toàn với triết lý bóng đá của HLV Philippe Troussier. Và cũng thông qua lời mời đến Việt Nam của "vị hiền triết" người Pháp, Jeronimo đã đến đất nước hình chữ S trong vai trò cộng sự một thời gian, trước khi đang dẫn dắt Phố Hiến, CLB tại giải hạng Nhất hiện tại.
Rất cảm ơn ông Mauro Jeronimo đã tham gia trò chuyện với Dân trí. Được biết, ông từng có thời gian làm cộng sự với HLV Philippe Troussier, khi cả hai tham gia công tác điều hành và đào tạo bóng đá trẻ tại Trung tâm PVF. Cơ duyên nào để hai chuyên gia bóng đá từ châu Âu đến Việt Nam làm việc như vậy?
- Xin chào độc giả Dân trí! Thực ra bối cảnh tôi gặp ông Troussier không phải ở Việt Nam mà là Trung Quốc. Tôi cùng 30 HLV người Bồ Đào Nha sang đất nước này theo dự án được phát triển bởi cựu danh thủ Luis Figo với một đối tác Trung Quốc.
Mục tiêu là thành lập các học viện bóng đá cho Trung Quốc. Sau một năm làm việc tại học viện của Figo, tôi có cơ hội đến Phúc Kiến làm việc. Đó là một CLB tại giải hạng Ba. Chính tại đó, tôi đã gặp Philippe Troussier, tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam hiện tại của các bạn. À, xin chúc mừng ông Troussier vì điều đó.
Cuộc gặp gỡ của hai người tại Trung Quốc đã diễn ra thế nào, trước khi cả hai cùng đến Việt Nam vào năm 2019?
- Đó là năm 2016. Khi tôi đến CLB Phúc Kiến thì ông Troussier vốn dĩ đang đảm nhận cương vị Giám đốc thể thao của Chongqing Dangdai.
Ông ý cũng đã có nhiều năm làm việc tại Trung Quốc. Ông Troussier đã đi khắp đất nước để tìm kiếm những tài năng trẻ cho Trùng Khánh Lực Phàm. Tôi bị ấn tượng về điều đó. Một ai đấy đã giới thiệu cho Troussier về Phúc Kiến, CLB có 100% lực lượng là những gương mặt U22, đang được tôi dẫn dắt.
Ông Troussier đến gặp và trò chuyện với tôi cũng từ cơ duyên ấy. Rồi một năm rưỡi, ông ấy gọi cho tôi, đề nghị tôi sang Việt Nam để tham gia một dự án về bóng đá.
Quả thực, qua ít lần tiếp xúc, tôi sớm ấn tượng với ông Troussier. Đó là một con người theo chủ nghĩa hoàn hảo, tỉ mỉ, luôn đeo đuổi thứ bóng đá đẹp và cống hiến.
Ông ấy là một người quá đam mê với bóng đá. Công việc của Troussier có lẽ chỉ xoay quanh trái bóng tròn. Ông ấy có thể truyền đạt liên tục 3 tiếng đồng hồ mà chẳng hề mệt mỏi. Đến độ, những cộng sự trẻ tuổi cũng phải choáng với năng lượng của Troussier, một HLV đã gần 70 tuổi!
Ông có nói về một dự án mà Troussier mời mình sang Việt Nam làm việc. Cụ thể, dự án đó là như thế nào?
- Đó là một dự án bắt đầu từ năm 2018 và hướng tới World Cup 2026. Troussier nói với tôi rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF sẽ chung tay đào tạo các cầu thủ từ 8-20 tuổi, sau đó đưa họ đến các CLB.
Troussier được mời về với vai trò chủ chốt. Đó là phát triển các cầu thủ trẻ và huấn luyện viên địa phương, với mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam dự World Cup 2026.
Ông Troussier đã chia sẻ với tôi rằng PVF sẽ là nơi thực hiện dự án lớn nhất từ trước tới nay đối với bóng đá Việt Nam, bằng một tầm nhìn kéo dài 6-8 năm, thông qua mục tiêu lớn nhất là giúp đội tuyển Việt Nam dự World Cup.
Ông ấy cũng tâm sự nhiều điều với tôi về bóng đá Việt Nam, về khát khao giành vé đến World Cup. Khi đó, ông đã chia sẻ rằng nếu muốn dự World Cup thì HLV trưởng trước hết phải có quan hệ chặt chẽ với các CLB chuyên nghiệp. Nên nhớ cho đến hiện tại, 99% các cầu thủ Việt Nam vẫn chơi bóng ở trong nước.
Vậy nên, con đường quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giải vô địch quốc gia trong tương lai gần. Nếu không, kế hoạch khó lòng đi đến hiệu quả như mong muốn.
Từng làm việc trong vai trò cộng sự với ông Troussier, từ quan sát của cá nhân ông, một ngày làm việc của vị HLV người Pháp diễn ra thế nào?
- Tôi ấn tượng ở cách ông Troussier xây dựng kế hoạch cho một buổi tập luyện. Quan điểm của Troussier là cần một sự hoàn hảo trong khâu tổ chức, phối hợp giữa các bộ phận liên quan. Troussier cho rằng nếu bạn tập luyện tốt thì bạn ra sân mới thi đấu tốt. Vậy nên, buổi tập luyện luôn được Troussier đề cao đến mức có thể xem là tuyệt đối.
Troussier yêu cầu tất cả các cộng sự của mình phải là người đề cao tính tiểu tiết. Đúng, bạn không nghe nhầm đâu. Mọi chi tiết phải được các cộng sự của Troussier đảm bảo nhằm hướng tới chất lượng cao nhất cho buổi tập. Cũng chính điều này mà ông Troussier sẽ có sự khác biệt trong cách huấn luyện so với Park Hang Seo, dù cả hai đều là những chiến lược gia giỏi, có quan điểm rõ ràng về phương pháp.
Ông Troussier sẽ trực tiếp thị phạm bài tập thay vì giao cho các trợ lý. Ông ấy thích tham gia trực tiếp vào các bài tập, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, nhận xét các cầu thủ và đưa ra yêu cầu cao cho từng bài tập.
Ông sẽ yêu cầu, thúc ép họ phải thể hiện hết sức có thể. Tôi nhớ có một lần, ông Troussier giải thích cho một cầu thủ mất tận 2 tiếng. Ông muốn cậu ấy chỉnh sửa từng động tác nhỏ nhất, đưa ra phản hồi với cậu ấy cần phải thay đổi gì.
Ít người biết là Troussier có tật ở đầu gối. Nhưng ông ấy không vì thế mà nề hà trong các buổi tập. Troussier sẵn sàng tham gia 2-3 tiếng trong các buổi tập, kể cả khi bị đau gối. Ông ấy đi lại khắp sân, trao đổi với cầu thủ. Điều đó thật đáng ngưỡng mộ.
Lại nói về buổi tập, giới báo chí từng bất ngờ khi ông Troussier đã yêu cầu đội U19 Việt Nam tập buổi tối, thậm chí là đến gần giữa đêm cách đây vài năm về trước. Và đó không chỉ là 1-2 buổi tập nhất thời. Vì sao ông Troussier lại chọn một khung giờ vốn dĩ trời tối mịt như thế?
- Các bạn cũng biết Hà Nội có tới 8 tháng mà thời tiết nóng nực. Bạn không thể đưa cầu thủ ra tập lúc 3-4 giờ chiều trong bối cảnh nhiệt độ lên đến 37-40 độ C được. Tập như vậy là phá cơ thể chứ không phải nâng cao giới hạn cùng sức chịu đựng của bản thân.
Troussier rất muốn buổi tập hoàn hảo và đòi hỏi cường độ cao từ thể chất đến chiến thuật. Rõ ràng, với đòi hỏi như vậy, cầu thủ chẳng thể nào phát huy nếu tập ở một điều kiện nóng nực.
Cho nên, Troussier thường có thói quen chọn tập luyện khi trời còn sớm tinh mơ hoặc vào buổi tối. Lúc đó, thời tiết đã mát hơn. Các cầu thủ cũng ở trạng thái tốt nhất. Họ sẽ thể hiện được đúng như những gì HLV Troussier mong muốn.
Ông Troussier quả thực là một HLV tỉ mỉ đến mức đòi hỏi mọi thứ xung quanh phải thật hoàn hảo. Nhưng đặt một giả thiết thế này, ông ấy sẽ cư xử ra sao khi mọi thứ không diễn ra như bản thân vị HLV này kỳ vọng?
- Đúng là Troussier luôn muốn tất cả những người xung quanh phải tập trung 100% cho nhiệm vụ, hành động giao phó. Ông là một người thẳng thắn, thích giải quyết trực diện, thậm chí là quyết liệt. Khi có điều gì lấn cấn, Troussier sẽ nói thẳng, giải quyết ngay khi đó chứ không chờ đến ngày mai.
Đương nhiên, khi các cầu thủ không thể tập trung 100% như yêu cầu, ông sẽ gay gắt. Chỉ cần cầu thủ có một chút biểu hiện lười biếng thôi, ông sẽ mắng ngay. Tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường.
Bất cứ HLV khác cũng sẽ cư xử như Troussier thôi. Bởi tất cả đều muốn hướng đến chiến thắng. Bản thân tôi cũng vậy. Ai cũng muốn học trò của mình phải nỗ lực bằng 100%.
Với những gì quan sát từ phía Troussier, ông cho rằng những tiêu chí để vị HLV này đánh giá rằng đó là một cầu thủ có năng lực?
- Đây sẽ là quan điểm của tôi. Nhưng với quãng thời gian làm việc với Troussier, tôi cho rằng ông ấy sẽ nhìn vào 4 yếu tố cốt lõi. Đó là kỹ thuật, chiến thuật, thể trạng và tinh thần thi đấu.
Bên cạnh đó, Troussier cũng là người đề cao những tiểu tiết. Ông ý sẽ quan sát tính cách, tư chất cá nhân, mối quan hệ xã hội xung quanh cầu thủ và cách cậu ấy phối hợp với đồng đội, gặp gỡ người này người kia qua xã hội.
Thật khó để tôi đưa ra đâu là những cái tên đáp ứng được những tiêu chí kể trên mà Troussier hướng đến. Ông ấy đã làm việc với rất nhiều cầu thủ trẻ tại Trung tâm PVF rồi tuyển chọn nhiều gương mặt ở các vùng miền khác nhau cho U19 Việt Nam.
Như các bạn thấy đấy, Troussier có trong tay bản danh sách hơn 100 cầu thủ trẻ. Ông ấy cũng là người thích trao cơ hội cho cầu thủ trẻ. Sắp tới, nhiệm vụ đầu tiên của Troussier là SEA Games 2023. Đó là lúc mà lứa cầu thủ sinh năm 2002, 2003, 2004 sẽ được thử sức. Chúng ta sẽ chờ xem Troussier tạo điều kiện cho họ thế nào.
Theo ông, Troussier sẽ mang lại gì cho bóng đá Việt Nam?
- Troussier là một chuyên gia bóng đá. Ông ấy còn được AFC đề cử là một trong 5 HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá châu Á cơ mà. Ông ấy cũng đã có gần 2 năm rưỡi làm việc ở Việt Nam. Đó là cơ sở để tôi cho rằng Troussier là lựa chọn hoàn hảo của VFF.
Nhưng mục tiêu World Cup có phải là một áp lực với Troussier, thưa ông?
- Đúng là chúng ta không thể khẳng định điều gì xoay quanh việc đội tuyển Việt Nam có dự World Cup được hay không. Trong bóng đá, không có điều gì là không thể. Một đội tuyển yếu hoàn toàn có thể đánh bại một đại gia.
Việc World Cup tăng thêm số lượng đội tham dự cũng mở ra một chút nào đó hy vọng cho Việt Nam.
Nhưng những gì tôi đang nói ở trên là lý thuyết. Còn thực tế thì sẽ cần nhiều điều phải thay đổi, chứ không chỉ dừng lại ở sự hiện diện của Troussier.
Các cầu thủ trẻ ở châu Âu thuộc cấp U17 được chơi 30-40 trận đấu/năm. Nhưng tại Việt Nam, các cầu thủ trẻ ở cấp độ tuổi tương ứng chỉ chơi tối đa 12 trận trong vòng đúng một tháng.
Giai đoạn những tháng còn lại, các bạn sẽ chỉ tập luyện, đá vài trận giao hữu và thiếu đi động lực phát triển. Như thế, bóng đá Việt Nam sao có thể cạnh tranh được với tốc độ phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thêm vào đó, giải chuyên nghiệp quốc gia cũng phải thay đổi. Mặt sân là điển hình. Một mặt sân xấu sẽ khiến trận đấu diễn ra chậm. Hãy nhìn các trận tại J-League hay AFC Champions League, với mặt sân tốt, các cầu thủ có thể tăng tốc 30-40 km/h. Tốc độ trận đấu diễn ra rất nhanh.
Trong khi ở V-League, nhịp độ trận đấu chậm, bóng chết rất nhiều. Tôi ước tính thời gian thực tế chơi bóng của Việt Nam chỉ khoảng 45 phút.
Đội tuyển Việt Nam không thể vào World Cup chỉ vì thắng được AFF Cup hay giành HCV SEA Games. Việt Nam và Thái Lan đúng là đang thuộc diện số một Đông Nam Á. Nhưng mức độ với các đội phía dưới lại chênh rất xa.
Điều đó khiến cho Việt Nam không có được sự cạnh tranh thường trực. Nếu nghĩ đến World Cup, giải chuyên nghiệp phải áp dụng được như những gì Thái Lan làm với giải chuyên nghiệp của họ. Rồi các bạn cũng phải hướng đến các giải lớn của châu Á.
Cũng chẳng thể có chuyện giải chuyên nghiệp phải tạm dừng vì đội U thi đấu được. Ngoại hạng Anh sẽ dừng vì U23 Anh thi đấu ư? Đó là điều phi lý!
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: Tường Vy
Thiết kế: Đỗ Diệp