DMagazine

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi "một mình một kiểu"?

(Dân trí) - 111 ngày là quãng thời gian mà V-League phải tạm nghỉ nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia. Có lẽ, chỉ có ở Việt Nam, người ta mới thấy giải vô địch quốc gia nghỉ quá dài vì đội tuyển như vậy…

111 ngày là quãng thời gian mà các đội bóng ở V-League phải tạm nghỉ nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia. Có lẽ, chỉ có ở Việt Nam, người hâm mộ mới thấy giải vô địch quốc gia nghỉ quá dài vì đội tuyển quốc gia như vậy…

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 1

Sau lượt đấu cuối tuần trước, tất cả các giải vô địch quốc gia ở châu Âu và thế giới đã tạm nghỉ khoảng hai tuần để nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia tập trung. Tất nhiên, điều này chẳng phải bàn cãi bởi nó quy định trong luật của FIFA.

Thế nhưng, tại Việt Nam, sau vòng 4 V-League, các đội bóng đã được tạm nghỉ tới… 4 tháng. Chính xác con số ấy là 111 ngày. Phải tới tháng 7, giải đấu cao nhất của Việt Nam mới bắt đầu trở lại thi đấu ở vòng 5.

Có lẽ, trên thế giới, chỉ có duy nhất giải vô địch quốc gia Việt Nam lại được nghỉ dài tới vậy (mà không vì lý do khách quan như dịch bệnh, chiến tranh...). Vào năm ngoái, giải V-League đã tạm dừng từ đầu tháng 5 vì ảnh hưởng của Covid-19 và sau đó là nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia thi đấu ở vòng loại World Cup, AFF Cup.

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 3

Sau 9 tháng nghỉ, các CLB ở V-League mới chỉ thi đấu trong vòng chưa đầy một tháng ở mùa giải này, trước khi lại tiếp tục nghỉ… 4 tháng. Nguyên nhân của đợt nghỉ dài này là do giải đấu phải nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia tập trung tham dự vòng loại World Cup 2022 (theo FIFA Days) và U23 Việt Nam dự SEA Games vào tháng 5 và giải U23 châu Á vào tháng 6.

Rõ ràng, nói tới đây là thấy được sự bất hợp lý trong lòng bóng đá Việt Nam. Giải vô địch quốc gia là bộ mặt của nền bóng đá, mà từ đó người ta thấy được sự chuyên nghiệp và sức mạnh. Đương nhiên, không một nền bóng đá mạnh nào cho phép giải vô địch quốc gia đứt quãng liên tục như vậy (nhất là lần này không phải yếu tố khách quan như dịch bệnh).

Dưới góc nhìn của chuyên gia châu Âu, nhà môi giới Jernej Kamensek cho rằng việc sắp xếp lịch thi đấu như vậy là "quá nghiệp dư" và "nhiều bất cập". Ông cũng nhấn mạnh: "Đã đến lúc tất cả cần lên tiếng về vấn đề này".

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 5

Không nói tới việc đội tuyển quốc gia tập trung vào FIFA Days, có lẽ bóng đá Việt Nam đang chơi "một mình một kiểu" so với thế giới, khi tạm dừng cả giải vô địch quốc gia để nhường chỗ cho đội trẻ thi đấu.

Hãy nhìn sang Thái Lan. Mặc dù SEA Games 31 khai mạc ngày 12/5 (môn bóng đá nam bắt đầu từ ngày 6/5) nhưng giải vô địch quốc gia nước này vẫn sẽ thi đấu cho tới vòng cuối cùng diễn ra vào ngày 7/5. Trước đó, họ cũng không hoãn cả giải đấu ngay cả khi đội U23 Thái Lan tham dự giải U23 Đông Nam Á vừa qua.

Đội tuyển Trung Quốc cũng tập trung dài ngày giống Việt Nam nhưng vấn đề ở chỗ, họ đã gói gọn giải vô địch quốc gia thi đấu theo kiểu cuốn chiếu (chỉ nghỉ sau khi hết giai đoạn một) và sau đó tiếp tục diễn ra giai đoạn hai như bình thường.

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 7

Tất nhiên, việc so sánh với hai đội bóng ở gần trình độ với chúng ta để thấy được sự khác biệt. Còn trên thế giới, tính chuyên nghiệp của giải vô địch quốc gia được đề cao hơn rất nhiều. Họ chỉ nghỉ đúng hai tuần trong dịp FIFA Days (mang tính chất bắt buộc). Trong khi đó, các giải trẻ được tổ chức ở trùng với khi đội tuyển quốc gia tập trung hoặc mùa Hè để tạo nên sự đồng bộ. Điều này giúp "bảo vệ" các CLB khỏi việc mất cầu thủ khi bận thi đấu ở giải vô địch quốc gia, nhằm đảm bảo tính xuyên suốt.

Không phải những người chuyên môn ở Việt Nam không nhìn thấy bất cập. Cựu danh thủ Phạm Như Thuần nhấn mạnh: "Hãy nhìn đội tuyển Thái Lan ở AFF Cup 2020, họ có những cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Những người này sang Singapore rồi đá luôn. Trong khi đó, chúng ta đôi khi chỉ đá 1-2 trận nhưng lại tập trung quá lâu. Thực tế, các cầu thủ tập thể lực ở CLB rồi và khi lên tuyển họ không cần tập thêm. Đó chưa kể tới việc nảy sinh tâm lý chán nản".

Trong khi đó, HLV Mano Polking của đội tuyển Thái Lan cũng cảm thấy lạ lùng về cách tổ chức bóng đá ở Việt Nam. Ông chia sẻ: "Ở Thái Lan, các CLB luôn tập trung tối đa để giành danh hiệu. Việc nghỉ thi đấu quá lâu cũng không có lợi, nhất là khi nó ảnh hưởng tới nhà tài trợ và bản quyền. Không một đội bóng nào tập trung dài như đội tuyển Việt Nam. Đó là cách làm không bình thường nếu so với trên thế giới".

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 8
Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 10

Theo ước tính, có khoảng hơn 50 gương mặt sẽ lên tập trung ở đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam trong vòng vài tháng tới. Trong đó, nhiều tuyển thủ quốc gia Việt Nam sẽ nghỉ chơi dài sau trận đấu với đội tuyển Nhật Bản vào ngày 29/3. Tất cả chỉ để nhường chỗ cho… những cầu thủ trẻ ở U23. Một vài người khác sẽ cùng HA Gia Lai và Viettel chinh chiến ở cúp châu Á.

Nói vậy để thấy rằng, sẽ có khoảng 700 cầu thủ "không làm gì" trong vòng 4 tháng tới. Tất nhiên, họ có thể tập trung đào tạo cùng CLB nhưng việc không thi đấu trong thời gian dài sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khôn lường.

Yếu tố đầu tiên đương nhiên là tiền bạc. Nó sẽ tạo ra gánh nặng trả lương cho nhiều CLB ở V-League trong thời gian dài, ngay cả khi cầu thủ không thể thi đấu. Chi phí hoạt động trung bình của một đội bóng ở V-League vào khoảng 70 tỷ đồng/năm. Việc đình trệ lại 4 tháng, có nghĩa rằng các CLB cũng sẽ ngốn cả chục tỷ đồng.

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 12

Cần nói thêm rằng, ở mùa giải trước, khi giải V-League dừng vô thời hạn, các CLB đã lâm vào cảnh lao đao về tài chính. Một trong những minh chứng điển hình là việc CLB Than Quảng Ninh đã phải tuyên bố giải thể vì gánh nặng tài chính. Rõ ràng, khoảng 700 cầu thủ không thể "hít khí trời" sống ngay cả khi họ không thi đấu. Trong khi đó, quãng nghỉ dài khiến CLB không tạo ra nhiều nguồn thu.

Nhưng tất nhiên, tiền bạc chỉ là một yếu tố. Điều ảnh hưởng không kém chính là phong độ của các cầu thủ. HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hải Phòng đã thừa nhận rằng việc các CLB nghỉ thi đấu quá lâu, khiến cho cầu thủ không duy trì được phong độ (vốn đã lấy đà sau 4 vòng). Có nghĩa rằng, khi trở lại vào tháng 7, nhiều người lại trở về như mới.

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 14

Quan điểm trên cũng được HLV Trần Minh Chiến nêu ra. Ông cho rằng ở giai đoạn trở lại, các cầu thủ sẽ lại phải thi đấu dồn dập để "đuổi kịp" lịch thi đấu, trong khi phần đông đã "ngồi chơi xơi nước" trong vài tháng.

Có thể, bóng đá Việt Nam có nhiều đặc thù khi các giải như SEA Games, U23 châu Á, AFF Cup… không diễn ra trùng với lịch FIFA Days. Nhưng câu hỏi đặt ngược lại, phải chăng chúng ta quá "tham lam" danh hiệu, ở mọi cấp độ, mà quên đi lợi ích và sự sống còn của từng CLB?

Thực tế, có một câu chuyện không liên quan nhiều tới V-League nhưng nó cũng phản ánh tư tưởng này, đó là khi HLV Park Hang Seo nói về tương lai của Quang Hải: "Việc cậu ấy xuất ngoại ảnh hưởng tới đội tuyển Việt Nam. Không ai xuất sắc hơn Quang Hải ở vị trí ấy. Tôi nghĩ VFF nên có tham vấn và ý kiến về chuyện này. Đó là công việc của VFF, chứ không phải việc của tôi".

Vẫn biết, trong những năm qua, đội tuyển Việt Nam đã gặt hái thành công rực rỡ trên nhiều đấu trường. Thế nhưng, xin một lần nữa nhắc lại, giải vô địch quốc gia mới là tấm gương phản chiếu của nền bóng đá. Suy cho cùng, đội tuyển chỉ thi đấu một năm vài lần, còn ở CLB, các cầu thủ ra sân mỗi tuần (thậm chí một tuần hai trận).

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 15

Quang Hải không thể hy sinh sự phát triển của cá nhân, chỉ để đá tốt một vài trận trên tuyển (trong bối cảnh đội tuyển Việt Nam không còn chinh chiến ở giải đấu lớn). Suy cho cùng, nếu cầu thủ này "tung cánh" ở nước ngoài thì cũng sẽ có lợi cho đội tuyển. Tình cảnh tương tự đối với các CLB. Họ không thể dừng tới 4 tháng không thi đấu chỉ phục vụ lợi ích của đội U23.

Thử hỏi, đã bao giờ chúng ta xem giải SEA Games hay U23 châu Á về đúng với giá trị. Nó chỉ đơn thuần là giải đấu để các cầu thủ trẻ cọ xát, rèn luyện, chứ không phải là sân chơi "vơ vét" những danh hiệu.

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 17

Có lẽ, đây là câu hỏi nan giải mà trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn đi tìm câu trả lời thỏa đáng. Bóng đá Việt Nam luôn đứng giữa lằn ranh của sự chuyên nghiệp và nghiệp dư. Đôi khi tính chuyên nghiệp bị phá vỡ bởi một quyết định hay động thái nào đó.

Để hình thành giải đấu chuyên nghiệp số một châu Á như hiện nay, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đã phải thuê hai chuyên gia người Đức, Harald Dolles và Stern Soderman thực hiện công trình nghiên cứu tổng quát về xã hội, con người, xu hướng phát triển thể thao… để xây dựng giải đấu một cách chuyên nghiệp nhất. Nhưng tất nhiên, để có được như ngày nay, họ đã phải trải qua nhiều lần sửa đổi và hoàn thiện.

Chẳng cần đâu xa, nhìn sang Thái Lan để thấy mức độ chuyên nghiệp của giải đấu này. Người Thái đã mua hẳn bản quyền tổ chức giải Premier League (Anh) để áp dụng nguyên vào giải vô địch quốc gia Thái Lan. Trong đó, nhiều yêu cầu khắt khe của giải bóng đá xứ Sương mù cũng được áp dụng cho các CLB Thái Lan.

Hà cớ gì bóng đá Việt Nam đang chơi một mình một kiểu? - 19

Mọi thứ không đơn thuần là việc áp dụng nguyên cách vận hành, tổ chức giải đấu. Thay vào đó, các CLB Thái Lan cũng xây dựng và phát triển theo mô hình kinh doanh của những đội bóng ở Anh như xây dựng tổ hợp thể thao, giải trí, tham quan… để thu hút người hâm mộ vào cuối tuần. Chính sự phát triển này tạo nên sự đồng bộ.

Đừng ngạc nhiên khi giải vô địch quốc gia Thái Lan là giải đấu gần như là duy nhất thu được tiền bán bản quyền truyền hình. Hồi năm 2020, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và đối tác là công ty truyền thông Zense, đơn vị sở hữu kênh Eleven Sport, chính thức thông báo gói hợp tác bản quyền truyền thông các giải đấu bóng đá tại Thái Lan, cũng như các đội tuyển Thái Lan, với tổng giá trị lên đến 12 tỷ baht (gần 9.000 tỷ đồng). Gói bản quyền truyền thông này kéo dài trong 8 năm, từ 2021 - 2028, và mỗi năm bình quân bóng đá Thái Lan nhận được khoảng 1,5 tỷ baht (hơn 1.115 tỷ đồng).

Cần nói thêm rằng giải VĐQG Thái Lan đã bán được bản quyền từ năm 2010 với số tiền ban đầu chỉ là 40 triệu baht (tương đương 27,5 tỷ đồng) mỗi mùa. 10 năm sau, con số này đã tăng lên tới… hơn 40 lần. Bởi thế mà, trong top 10 đội bóng đắt giá nhất Đông Nam Á, Thái Lan chiếm tới 5 đại diện, còn Việt Nam chỉ có một đội góp mặt là CLB Hà Nội, kém cả giải VĐQG Indonesia với hai đại diện.

Nói vậy để thấy rằng, việc xây dựng môi trường bóng đá chuyên nghiệp, lành mạnh là vô cùng cần thiết để thu hút đầu tư. Trong đó, sự chuyên nghiệp cần phải được thể hiện từ những quyết định tưởng chừng bình thường nhất, như việc duy trì tính ổn định, xuyên suốt của giải vô địch quốc gia.

Đừng để V-League trở nên vỡ vụn!

Nội dung: H. Long

Thiết kế: Thủy Tiên