DNews

Đội tuyển Đức: "Cỗ xe tăng" đa sắc và nhạc trưởng kỳ tài Toni Kroos

Ngọc Trung

(Dân trí) - Đội tuyển Đức khởi đầu Euro 2024 trên sân nhà một cách hoàn hảo bằng chiến thắng 5-1 trước Scotland. Một diện mạo mới căng tràn sinh khí đang được thể hiện và nỗi ám ảnh quá khứ dần được xua tan.

Đội tuyển Đức: "Cỗ xe tăng" đa sắc và nhạc trưởng kỳ tài Toni Kroos

Đẳng cấp của Toni Kroos

Thực hiện 683 đường chuyền, kiểm soát bóng 73%, tung ra 20 cú dứt điểm, đồng thời chỉ để cho đối phương thực hiện 251 đường chuyền và tung ra duy nhất một pha dứt điểm, chung cuộc giành chiến thắng 5-1, không thể đòi hỏi màn trình diễn thuyết phục hơn từ đội tuyển Đức trước Scotland trên sân Allianz Arena rạng sáng 15/6.

Sự áp đảo ấy in đậm dấu ấn Toni Kroos, người vừa trở lại Die Mannschaft sau 3 năm vắng bóng. Như những gì vẫn thể hiện trong màu áo Real Madrid, tiền vệ trung tâm này làm chủ trận đấu, phân phối bóng và điều tiết nhịp độ bằng khả năng chuyền bóng kiệt xuất.

Trong hơn 80 phút hiện diện trên sân, Kroos tung ra 102 đường chuyền với 101 đường chuyền đi trúng đích. Riêng hiệp 1, quãng thời gian đội tuyển Đức thi đấu ấn tượng nhất, Kroos đạt tỷ lệ chuyền bóng chính xác 100% cho cả 55 đường chuyền, bao gồm cú phất bóng chéo sân ngoạn mục sang biên phải cho Joshua Kimmich, trước khi cầu thủ này kiến tạo cho Florian Wirtz ghi bàn mở tỷ số.

Đội tuyển Đức: Cỗ xe tăng đa sắc và nhạc trưởng kỳ tài Toni Kroos - 1

Đẳng cấp của Toni Kroos giúp Đức tạo nên sự khác biệt trước Scotland (Ảnh: Getty).

Chứng kiến màn trình diễn bậc thầy của Kroos, giới mộ điệu không khỏi luyến tiếc vì anh sẽ giải nghệ sau Euro 2024. Tờ Marca của Tây Ban Nha còn giật tít: Kroos, piénsatelo: "No te vayas todavía, no te vayas, por favor" (Kroos, hãy suy nghĩ lại: "Đừng đi, xin anh đừng đi, làm ơn").

Cầu thủ mới chỉ 34 tuổi này có suy nghĩ lại hay không có lẽ sau Euro 2024 mới có câu trả lời. Tuy nhiên, ít nhất Kroos sẽ ghi dấu ấn tại giải đấu này và hứa hẹn cùng đội tuyển Đức tiến xa.

Cách giải bài toán khủng hoảng thừa tiền vệ

Trong cách bố trí đội hình của HLV Julian Nagelsmann, với đẳng cấp vượt trội như thế, Kroos được giao vị trí tiền vệ cầm trịch giữa sân. Anh thi đấu trong vai trò "số 6" ở sơ đồ 4-2-3-1, tức là khu vực hoạt động chủ yếu ở vòng tròn giữa sân và có xu hướng lùi về phần sân nhà để nhận bóng rồi phân phối. Những đường chuyền của tiền vệ này có thể ví như mạch máu nuôi sống cả cơ thể đội tuyển Đức.

Để tránh giẫm chân nhau, HLV Nagelsmann đẩy Ilkay Gundogan lên vị trí tiền vệ tấn công. Trong 90 phút thi đấu, Gundogan "chỉ" chạm bóng 45 lần và thực hiện 34 đường chuyền, song đóng góp của cầu thủ đang khoác áo Barca không hề nhỏ.

Nếu Kroos làm nhiệm vụ phân phối bóng từ sân nhà thì Gundogan giữ vai trò đưa trái bóng tiếp cận vòng cấm địa đối phương. Vai trò này đòi hỏi sự linh hoạt, khả năng rê dắt và chạy chỗ nhiều hơn. So với Kroos thiên về "tĩnh", Gundogan phù hợp với vai trò "động" hơn.

Đội tuyển Đức: Cỗ xe tăng đa sắc và nhạc trưởng kỳ tài Toni Kroos - 2

Tuyển Đức áp đảo hoàn toàn Scotland ở tuyến giữa (Ảnh: AFP).

Bàn thắng thứ hai của tuyển Đức cũng phản ánh rõ cách vận hành của hàng tiền vệ. Phút 19, từ nửa dưới vòng tròn giữa sân, Kroos chuyền cho Gundogan đứng ở nửa trên vòng tròn giữa sân. Bằng nhịp không chế và xoay người uyển chuyển, tiền vệ đang khoác áo Barca loại bỏ cầu thủ đeo bám bên phía đối phương.

Khoảng trống được mở ra, Gundogan dẫn bóng thêm một nhịp rồi thực hiện cú chọc khe chính xác cho Kai Havertz, cầu thủ chơi ở vị trí "số 9 ảo", băng xuống rồi chuyền trả ngược cho Jamal Musiala ghi bàn.

Đến bàn thắng thứ ba, Musiala đột phá ở trung lộ và chuyền bóng cho Gundogan. Gundogan nhanh chóng đưa bóng ra biên cho Joshua Kimmich rồi đâm vào vòng cấm. Kimmich quan sát trước khi tạt bóng cực khéo để Gundogan đánh đầu.

Thủ thành Scotland truy cản được nhưng ở tình huống tiếp theo, Gundogan bị phạm lỗi trong vòng cấm và Kai Havertz tận dụng thành công cơ hội trên chấm phạt đền.

Cần nói thêm, Kimmich cũng là một tiền vệ cầm trịch đại tài. Tuy nhiên vì giữa sân đã quá chật chội, cầu thủ đang khoác áo Bayern Munich được đẩy sang đá hậu vệ phải, vị trí anh thi đấu khi bắt đầu sự nghiệp.

Tam tấu Musiala - Wirtz - Havertz

Nếu những ngôi sao kỳ cựu như Kroos, Gundogan hay Kimmich làm nhiệm vụ luân chuyển bóng thì vai trò xuyên phá trên hàng công được giao cho 3 gương mặt tương đối mới mẻ là Musiala, Wirtz và Havertz.

Việc chuyền bóng sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu đi những tài năng tấn công biết cách tạo ra sự khác biệt và tam tấu của tuyển Đức đã tạo ra khác biệt trước Scotland.

Musiala mới chỉ 21 tuổi. Nhiều đồng đội tại đội tuyển Đức vẫn gọi anh là "Bambi". Điều đó không khiến cầu thủ của Bayern Munich khó chịu, nhưng với tốc độ thăng tiến trong sự nghiệp như hiện tại, biệt danh ấy sớm trở nên nhỏ bé và không còn phù hợp.

Đội tuyển Đức: Cỗ xe tăng đa sắc và nhạc trưởng kỳ tài Toni Kroos - 3

Musiala để lại dấu ấn trên hàng công (Ảnh: Getty).

Trước các hậu vệ có phần chậm chạp của Scotland, khả năng chơi bóng biến hóa và rê dắt của Musiala được phát huy hiệu quả. Trong khi đó, Florian Wirtz lại gây ấn tượng mạnh bởi tốc độ.

Không đơn thuần là sự nhanh nhẹn trong di chuyển và rê dắt, mỗi khi bóng đến chân Wirtz, nhịp độ trận đấu đều được đẩy lên rất cao. Sau khi bỏ lỡ World Cup 2022 vì chấn thương, Euro 2024 là cơ hội để cầu thủ của Leverkusen để lại dấu ấn.

Gương mặt cuối cùng trong "tam tấu" của đội tuyển Đức là Havertz. Cầu thủ này đã chơi ở vị trí "số 9 ảo" tại Arsenal trong suốt mùa giải qua và HLV Nagelsmann bắt đầu thử nghiệm từ tháng 3. Đến trận khai mạc với Scotland, có thể nói, vị trí độc đáo của Havertz đã được đưa vào hệ thống chiến thuật của đội chủ nhà.

Cầu thủ tấn công của Arsenal là người kiến tạo cho Musiala ghi bàn ở phút thứ 19 và thực hiện thành công quả phạt đền ở phút 45+1. Anh tạo dấu ấn bằng khả năng di chuyển không bóng kéo dãn hàng phòng ngự đối phương và sự uyển chuyển trong phối hợp cùng đồng đội.

Tuy nhiên, Havertz vẫn cần nhiều khoảnh khắc bùng nổ hơn nữa để củng cố vị trí. Đừng quên bên ngoài sân, Nagelsmann có một phương án dự phòng rất hữu hiệu là Niclas Fullkrug, tác giả bàn thắng thứ tư với một cú vô lê đẹp mắt và bị từ chối một bàn thắng khác vì lỗi việt vị.

Giải tỏa áp lực và kỳ vọng tái tạo diện mạo

Chiến thắng trong trận mở màn chưa hẳn đảm bảo thầy trò HLV Julian Nagelsmann sẽ tiến xa, nhưng nỗi ám ảnh về thất bại thảm hại tại 3 giải đấu lớn gần nhất tạm thời được xua tan. Hai kỳ World Cup gần nhất, tuyển Đức đều bị loại ngay từ vòng bảng, trong khi tại euro 2020, họ cũng chỉ dừng chân ngay vòng 1/8.

Tại kỳ Euro được chơi trên sân nhà, Die Mannschaft không được phép thất bại theo kiểu như thế. Thực tế, thầy trò Nagelsmann cũng thể hiện diện mạo khác. Một đội tuyển Đức trẻ trung hơn được giao hòa giữa các ngôi sao kỳ cựu và gương mặt mới.

Lối chơi cũng trở nên cởi mở, uyển chuyển, biến hóa nhưng vẫn dựa trên hệ thống chiến thuật được thiết kế chi tiết và vận hành trơn tru.

Không khó để nhận ra, các đợt lên bóng của đội tuyển Đức trước Scotland đều được thực hiện chuẩn chỉnh, đôi khi cầu kỳ một cách quá mức nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Đó là đặc điểm đáng chú ý của diện mạo Die Mannschaft dưới thời Nagelsmann.

Đội tuyển Đức: Cỗ xe tăng đa sắc và nhạc trưởng kỳ tài Toni Kroos - 4

Đức hứa hẹn mang đến diện mạo tươi sáng ở Euro 2024 (Ảnh: AFP).

Nói cách khác, đội tuyển Đức hiện tại là "cỗ xe tăng" tân kỳ và đa sắc, đa sắc từ con người đến lối chơi. Lối chơi như đã đề cập, con người cũng đại diện cho nước Đức mới, đất nước có tỉ lệ nhập cư cao thứ hai thế giới.

Đội tuyển Đức không còn là những cầu thủ lầm lì, gai góc như trước. Die Mannschaft hiện tại có những cầu thủ uyển chuyển tại giữa sân và những tiền đạo lắt léo hai bên cánh.

Musiala là dẫn chứng sống động về sự đa dạng chủng tộc. Cầu thủ này có cha gốc Yoruba (Tây Phi) và mẹ là người Đức gốc Ba Lan. Trong khi đó, thủ quân Gundogan hay tiền vệ Emre Can đều có gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

World Cup 2006, giải đấu lớn gần nhất nước Đức đăng cai, đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nước này thi đấu rất thành công và trình làng thế hệ mới, diện mạo mới. Sau thất bại tại Euro 2004, Die Mannschaft thực hiện cuộc cách mạng nhân sự, HLV Klinsmann thổi luồng sinh khí mới cùng những gương mặt trẻ như Podolski, Lahm hay Schweinsteiger.

Lứa cầu thủ này giúp đội tuyển Đức tiếp tục thi đấu thành công ở Euro 2008 hay World Cup 2010, trước khi đăng quang tại World Cup 2014 với sự bổ sung lứa cầu thủ của Toni Kroos.

Euro 2024 là cơ hội để tuyển Đức tái tạo sinh khí và diện mạo như 18 năm trước. Chiến thắng trước Scotland phần nào thể hiện triển vọng ấy.