(Dân trí) - Cristiano Ronaldo sẽ bước vào kỳ Euro thứ 6 trong sự nghiệp và liệu anh có thể hưởng vinh quang cùng Bồ Đào Nha ở lần cuối cùng hiện diện ở sân chơi đỉnh cao cấp độ đội tuyển quốc gia?
Sinh ngày 3/9/1983, Nicky Hunt là một trong những học viên chất lượng nhất của lò đào tạo Bolton. Sau quãng thời gian thử lửa tại Championship (giải Hạng Nhất Anh) theo dạng cho mượn trong màu áo Birmingham City và Derby County, Hunt trở lại Bolton từ mùa giải 2003-04.
Ngày 16/8/2003, hậu vệ này có trận đấu ra mắt, cũng là lần đầu đá chính tại đấu trường Premier League trong chuyến hành quân đến sân Old Trafford của Man Utd. Sau 70 phút, Bolton chỉ bị các nhà đương kim vô địch dẫn 1-0 và Hunt chơi rất tròn vai. Một khởi đầu không hề tệ cho cầu thủ mới 19 tuổi này.
Nhưng 20 phút cuối trận là câu chuyện khác. Sir Alex Ferguson tung vào sân tân binh rất được chú ý vì cái tên giống "Người ngoài hành tinh" Ronaldo và kế thừa chiếc áo số 7 biểu tượng của "tài tử sân cỏ" David Beckham. Hôm ấy cũng là ngày ra mắt Premier League và Man Utd của Cristiano Ronaldo.
Nghe đâu anh chàng gày còm, tóc nhuộm điệu đà và mặt đầy mụn, chỉ dấu của dậy thì chưa xong này được Man Utd chiêu mộ nhân dịp sang Bồ Đào Nha thi đấu giao hữu với Sporting Lisbon. Bị cậu nhóc quần cho tơi tả, các hậu vệ của Man Utd, đặc biệt là John O'Shea, nằng nặc yêu cầu HLV Ferguson phải chiêu mộ "thằng bé" ngay lập tức.
12,2 triệu bảng là số tiền Man Utd chi ra để có một tài năng mới chỉ 18 tuổi, sinh ngày 5/2/1985, nhỏ hơn Hunt 2 tuổi. Thời điểm này, kỷ lục chuyển nhượng tại Premier League cũng "chỉ" có 29,1 triệu bảng, cho thương vụ Rio Ferdinand từ Leeds United sang Man Utd.
"Tôi đang chuẩn bị cho trận đấu đầu tiên của mình và nghe rất nhiều sự cường điệu về cầu thủ 18 tuổi được ví như Maradona này", Hunt nhớ lại.
Sau khi "tiểu Maradona" này được tung vào sân, trong pha chạm bóng đầu tiên tại sát đường biên, cậu chàng bị Hunt cướp bóng chỉ sau 3 nhịp. "Khi cậu ta vào sân, suy nghĩ đầu tiên của tôi không hề là: "Thôi xong rồi. Rắc rối đã đến rồi. Hắn lột da mình mất".
Tôi thấy mình đang chơi tốt. Nhiệm vụ của tôi là phải "xử lý" hắn. Và tôi đã làm như vậy. Tôi "phang" hắn được hai lần".
Nhưng đó là tất cả những gì Hunt làm được. "Tôi lâm vào tình cảnh bi đát vô cùng", cựu hậu vệ Bolton nhớ lại. "Mục tiêu chính của tôi là theo sát trái bóng và giữ hắn càng xa khung thành càng tốt. 5 phút đầu tôi làm được điều đó. 17 phút tiếp theo hắn xuất hiện khắp nơi và không thể theo kèm".
"Tôi may mắn ở giai đoạn tiền mùa giải thường xuyên đối đầu Jay-Jay Okocha trong các buổi tập. Anh ấy cũng là cầu thủ nổi tiếng về kỹ thuật và khả năng rê dắt bóng. Một vài pha đảo chân rồi đẩy bóng để đua tốc độ. Tôi biết cách xử lý là như vậy", Hunt tiếp tục.
"C.Ronaldo còn làm nhiều hơn, cảm giác như 6 hay 7 cú đảo chân liên tiếp", cựu cầu thủ này nhấn mạnh. "Và cậu ta có thể đột phá bằng cả hai chân, khó khăn nhân lên gấp bội. Hắn cũng tạt và sút được cả hai chân". Trận đấu này, sau khi Cristiano Ronaldo vào sân, Man Utd ghi thêm 3 bàn nữa để giành chiến thắng 4-0 trước Bolton.
Sau mùa giải đầu tiên khoác áo Bolton, Hunt thừa nhận anh chỉ thuộc hàng trung bình tại Premier League. "Một số đạt trình độ hàng đầu và một số nữa, thuộc diện đặc biệt", Hunt nói. Dĩ nhiên, C.Ronaldo còn là đặc biệt của đặc biệt.
Sau mùa giải đầu tiên khoác áo Man Utd, C.Ronaldo cùng đội tuyển Bồ Đào Nha tham dự Euro 2004 trên sân nhà. Đây là giải đấu lớn đầu tiên của CR7 ở cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG).
Seleccao cũng được đánh giá là ứng viên hàng đầu nhờ dàn hảo thủ chất lượng và đồng đều, vốn là sự giao thoa giữa "thế hệ vàng" của Luis Figo, Rui Costa, Nuno Gomes và lứa cầu thủ vừa cùng Porto vô địch Champions League như Ricardo Carvalho, Paolo Ferreira, Maniche hay Deco.
Tất nhiên, tài năng trẻ khoác áo Man Utd cũng là điểm nhấn thú vị. Hai trận đầu tiên vòng bảng chỉ vào sân từ ghế dự bị, Ronaldo vẫn để lại dấu ấn đậm nét với một bàn thắng (Hy Lạp) và một pha kiến tạo (Nga), C.Ronaldo được HLV Scolari trao cơ hội đá chính ở lượt trận cuối mang ý nghĩa quyết định với Tây Ban Nha.
Kể từ đó cho đến trận chung kết, anh luôn có tên trong đội hình xuất phát của Bồ Đào Nha. Trong trận gặp Hà Lan tại bán kết, CR7 in dấu giày trong cả 2 bàn thắng của Seleccao (một bàn thắng, một kiến tạo).
Đáng tiếc, Bồ Đào Nha đã không thể bước lên ngôi vô địch. Đội chủ nhà để thua Hy Lạp trong trận chung kết, tạo ra một trong những bất ngờ lớn nhất lịch sử Euro.
Những giọt nước mắt rơi lã chã trên gương mặt non trẻ của C.Ronaldo cũng là hình ảnh ăn sâu trong tâm trí người hâm mộ. CR7 dễ khóc nhưng chẳng hề dễ bị khuất phục. Sau này siêu sao người Bồ Đào Nha còn nhiều lần rơi nước mắt vì chiến bại, nhưng cứ sau mỗi lần gục ngã hoặc bị hoài nghi, anh trở lại mạnh mẽ hơn gấp bội.
Tới nỗi, giới quan sát phải cảm thấy e dè khi dự đoán thời điểm "đi xuống" hoặc "giã từ" của C.Ronaldo, vì càng dự đoán càng sai.
Sau tuổi 30, siêu sao người Bồ Đào Nha này đã ghi hơn 450 bàn, con số nhiều tiền đạo cự phách mất cả sự nghiệp chưa thể chạm đến, và giành nhiều danh hiệu cao quý. Đáng kể là 3 chức vô địch Champions League, 2 Quả bóng vàng và chức vô địch châu Âu cùng đội tuyển Bồ Đào Nha.
Hành trình của C.Ronaldo tại Euro cũng phản ánh nét đặc trưng trong sự nghiệp cầu thủ này. Sau khi không thể đưa Bồ Đào Nha bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá châu Âu ở giai đoạn sung mãn nhất sự nghiệp vào các năm 2008 và 2012, nhiều ý kiến cho rằng CR7 đã hết cơ hội.
Ronaldo tham dự Euro 2016 khi đã bước qua tuổi 31, độ tuổi vẫn bị xem là bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Nhưng, như đã đề cập, C.Ronaldo là "đặc biệt của đặc biệt".
Anh đưa Bồ Đào Nha lách qua hết khe cửa hẹp này đến khe cửa hẹp khác để có mặt trong trận chung kết. Cho dù chỉ có thể thi đấu vỏn vẹn 25 phút đầu của trận đấu cuối cùng, không ai có thể phủ nhận dấu ấn CR7 trong chức vô địch của Seleccao.
Thời điểm rời sân bằng cáng, C.Ronaldo đã khóc vì sự nghiệt ngã của số phận. Và khi Bồ Đào Nha đăng quang, giọt nước mắt lại lăn dài trên má người đàn ông can trường này. Cái kết ấy thật đẹp cho cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử túc cầu này.
Nhưng, như cái cách C.Ronaldo tuyên bố trong nước mắt khi Bồ Đào Nha bị loại tại tứ kết World Cup 2022, CR7 vẫn khóc vì chiến bại, rằng: "Mọi chuyện chỉ dừng lại khi tôi tuyên bố kết thúc". Lão tướng đến nay đã 39 tuổi vẫn chưa nói lên câu giã từ ấy.
Dù đã chia tay bóng đá đỉnh cao tại châu Âu để sang Saudi Arabia chơi bóng song không thể nói CR7 đi dưỡng già. Mùa giải vừa qua, anh đóng góp 50 bàn sau 51 lần ra sân trên mọi đấu trường cho Al-Nassr, bao gồm việc thiết lập kỷ lục ghi 35 bàn (sau 31 trận) tại giải VĐQG.
Khi CR7 chưa chịu già thì chắc chắn không ai dám dự đoán anh đã hết thời. Euro 2024 trước mắt không phải ngoại lệ.
Phát biểu trước truyền thông, C.Ronaldo vẫn tự tin đánh giá: "Tôi vừa trải qua mùa giải hay bậc nhất sự nghiệp, không chỉ với bàn thắng mà còn cả nhiều pha kiến tạo (13). Điều này thật ý nghĩa vì tôi đã nỗ lực rất nhiều. Tôi muốn tiếp tục duy trì phong độ như vậy để cống hiến cho Al-Nassr và đội tuyển Bồ Đào Nha".
Tại giải đấu lớn thứ 11 và có thể là lần cuối cùng với đội tuyển Bồ Đào Nha, rất nhiều suy đoán về vị trí và vai trò của C.Ronaldo. Tuy vắng mặt ở 2 trận giao hữu trước thềm Euro 2024 nhưng dữ kiện quan trọng hơn là số liệu tại vòng loại.
Cụ thể, chỉ có Bruno Fernandes (10) đá chính nhiều trận hơn Ronaldo. CR7 có tên trong đội hình xuất phát ở 9 trên tổng số 10 trận vòng loại Euro 2024 của Bồ Đào Nha. Trận đấu duy nhất anh vắng mặt là chiến thắng 9-0 trước Luxembourg vào tháng 9/2023 vì lý do treo giò.
Tính trên số phút thi đấu, cũng chỉ có Fernandes (844) và Ruben Dias (810) thi đấu nhiều hơn con số 726 phút của C.Ronaldo. Chỉ cần những số liệu vừa nêu đủ để thấy Ronaldo vẫn quan trọng như thế nào tại đội tuyển Bồ Đào Nha.
Trong 9 lần ra sân ấy, C.Ronaldo vẫn duy trì hiệu suất ngoạn mục như vẫn thể hiện suốt cả sự nghiệp, với 10 lần làm tung lưới đối phương, nhiều hơn ít nhất 4 bàn so với bất kỳ đồng đội nào và chỉ có Lukaku (Bỉ - 14 bàn) ghi nhiều bàn hơn tại chiến dịch vòng loại.
Dù vậy, điều không thể phủ nhận là dưới thời HLV Roberto Martinez, Bồ Đào Nha ít phụ thuộc vào Ronaldo hơn. Seleccao hiện sở hữu khá nhiều cầu thủ tấn công tài năng và tuổi tác đã ảnh hưởng không ít đến CR7.
Dưới thời HLV Fernando Santos, người tiền nhiệm của Martinez, Bồ Đào Nha sử dụng lối chơi phòng ngự phản công. Toàn đội tập trung phòng thủ và hy vọng ghi bàn đặt hết vào CR7. Có hai kế hoạch lên bóng được đưa ra. Kế hoạch 1 là nhồi bóng cho C.Ronaldo. Kế hoạch 2 là thử lại kế hoạch 1.
Tuyển Bồ Đào Nha dưới thời Martinez biến hóa hơn. Với những cầu thủ có khả năng tạo đột biến cao như Bernardo Silva, Fernandes, Vitinha, Rafael Leao và Joao Felix, Seleccao không cần quá phụ thuộc vào CR7.
Bằng chứng là ở vòng loại, Ronaldo chỉ có 332 lần chạm bóng trong 9 trận, tương đương 36,9 lần chạm bóng mỗi trận. 10 cầu thủ khác của Bồ Đào Nha có tỷ lệ chạm bóng trung bình mỗi trận cao hơn Ronaldo.
Nói cách khác, HLV Martinez xây dựng hệ thống tấn công biến hóa và đồng thời kết hợp với Ronaldo. Điều này giảm tải cho CR7, điều cần thiết với cầu thủ đã 39 tuổi.
Nhiệm vụ chính của tiền đạo đang khoác áo Al Nassr là sử dụng kinh nghiệm, kỹ năng và bản năng săn bàn để kết thúc các đợt lên bóng bằng những pha dứt điểm thay vì ôm đồm từ việc rê bóng hay sút xa.
Tiếp tục dẫn chứng số liệu, tại vòng loại Euro 2024, Ronaldo không hề tung ra quả tạt nào và chỉ thực hiện 3 tình huống rê bóng. Tuy nhiên, quan trọng là anh tung ra 46 pha dứt điểm, nhiều hơn ít nhất 24 pha dứt điểm so với bất kỳ đồng đội nào.
C.Ronaldo là tượng đài sống của vòng chung kết Euro. Sau lần ra mắt tại EURO 2004, cách nay tròn 20 năm, siêu sao người Bồ Đào Nha đang hướng tới kỳ euro thứ 6 trong sự nghiệp.
5 lần tham dự vòng chung kết trước đây của anh đã là một kỷ lục. Vì thế, có lẽ rất lâu nữa mới xuất hiện một cầu thủ đủ khả năng cân băng chứ chưa nói xô đổ số lần dự vòng chung kết châu Âu của CR7.
Là tay săn bàn cự phách, nghiễm nhiên Ronaldo cũng là chân sút vĩ đại nhất lịch sử Euro, với 14 lần làm tung lưới đối phương - 2 bàn năm 2004, 1 bàn năm 2008, 3 bàn năm 2012 và 2016 và 5 bàn tại Euro 2020 (thực ra tổ chức vào năm 2021) để giành danh hiệu đồng Vua phá lưới.
Nếu có mục tiêu ghi bàn nào C.Ronaldo khó chinh phục tại Euro, đó là kỳ tích ghi 9 bàn tại một vòng chung kết của huyền thoại Michel Platini vào năm 1984. Platini cũng là chân sút ghi nhiều bàn thứ hai trong lịch sử giải đấu này. Xếp sau là Shearer (Anh), Griezmann (Pháp) với 7 bàn. Ronaldo cũng là cầu thủ duy nhất ghi 3 bàn ở 2 kỳ Euro trở lên.
14 bàn thắng của C.Ronaldo được ghi trong 25 trận, một kỷ lục khác của Euro. Anh cũng là cầu thủ có nhiều trận thắng nhất lịch sử giải đấu này, với 12 trận được hưởng trọn niềm vui. CR7 cũng là cầu thủ mang băng thủ quân nhiều nhất, với 16 trận.
Cuối cùng, C.Ronaldo đang chia sẻ kỷ lục 3 lần lọt vào đội hình tiêu biểu Euro cùng Paolo Maldini (Italy), Lautent Blanc (Pháp) và người đồng đội Pepe. Euro 2024 sẽ là cơ hội để Ronaldo độc chiếm kỷ lục này.