(Dân trí) - Sau một năm mộng mơ cùng Cristiano Ronaldo, Man Utd đến lúc nhận ra siêu sao người Bồ Đào Nha không thể giúp đội bóng này mạnh hơn và càng không đặt Quỷ đỏ lên trên hết.
Sau một năm mộng mơ cùng Cristiano Ronaldo, Man Utd đến lúc nhận ra siêu sao người Bồ Đào Nha không thể giúp đội bóng này mạnh hơn và càng không đặt Quỷ đỏ lên trên hết.
C.Ronaldo ra đi là một thảm họa đối với Man Utd? Câu trả lời không dễ để đưa ra, bởi kết quả còn phụ thuộc quá nhiều yếu tố, đặc biệt là thời gian. Nhưng, sẽ thật ngờ nghệch khi đặt ra câu hỏi: "Nếu không có những bàn thắng của C.Ronaldo, Man Utd sẽ trôi về đâu?". Câu hỏi này hết sức ngớ ngẩn và thiếu kiến thức về bóng đá.
Ở cấp độ cá nhân, quả thực C.Ronaldo đã thi đấu rất xuất sắc ở mùa 2021/22. Tính riêng 2 trận địa quan trọng nhất là Premier League và Champions League, siêu sao người Bồ Đào Nha đã ghi 24 bàn sau 37 lần ra sân. Chân sút ghi nhiều bàn thắng thứ hai cho Quỷ đỏ là Bruno Fernandes, với vỏn vẹn 10 pha lập công.
Thông tin C.Ronaldo muốn rời Old Trafford, chỉ sau một năm trở về với câu chuyện chuyển nhượng kịch tính và cũng có thể giàu tính kịch bậc nhất lịch sử túc cầu, nếu trở thành hiện thực, sẽ cho chúng ta biết câu trả lời xác đáng. Sự hiện diện của C.Ronaldo, với ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh kiên cường, nỗ lực không biết mệt mỏi và tài nghệ săn bàn điêu luyện, sẽ khiến giới mộ điệu rất nhớ. Nhưng có những lý do chính đáng để lập luận rằng việc chia tay "ông trùm săn bàn" không phải là tin xấu đối với Man Utd, thậm chí có thể là điều tích cực nhất có thể cho tân HLV Erik Ten Hag về lâu về dài.
Bóng đá không phải là một phương trình tuyến tính, như kiểu 1+1=2, để khi bổ sung một tiền đạo X là có thêm Y bàn thắng do tiền đạo này mang lại. C.Ronaldo ra đi không có nghĩa số bàn thắng của Man Utd sẽ giảm đi đúng bằng số bàn thắng của C.Ronaldo. Tương tự, một ví dụ khác, số bàn thắng của Man City mùa tới không thể bằng số bàn thắng của Man City mùa trước cộng với số bàn thắng của Erling Haaland.
Bóng đá không chỉ là phương trình phi tuyến tính mà còn trong không gian và thời gian không đồng nhất. Một đội bóng vô cùng phức tạp, biến hóa, bao gồm 11 biến số chuyển động phụ thuộc lẫn nhau, và mặc dù C.Ronaldo giúp Man United tốt hơn ở khía cạnh nào đó, nhưng khía cạnh khác, siêu sao người Bồ Đào Nha cũng làm giảm đi giá trị tập thể.
Thực tế đơn giản là Man Utd mùa trước, với C.Ronaldo, là đội bóng tệ hơn đáng kể so với phiên bản Man Utd không C.Ronaldo của mùa trước nữa. Bất kể biện pháp kiểm soát thế trận của Quỷ đỏ khiêm tốn như thế nào dưới thời Ole Gunnar Solskjaer, chưa bao giờ Man Utd mất kiểm soát như mùa giải có C.Ronaldo. Tỷ lệ cầm bóng của đội chủ sân Old Trafford giảm từ 55,6% xuống 52,1% và tỷ lệ dứt điểm so với đối phương trong các trận đấu giảm từ 55,1% xuống 49,9%.
Đó có phải là lỗi của C.Ronaldo không? Tất nhiên không thể đổ lỗi cho siêu sao người Bồ Đào Nha hoàn toàn, nhưng sự thiếu tương thích của lão tướng 37 tuổi này với cấu trúc pressing (gây áp lực) mạch lạc là nguyên nhân chính. Thống kê chỉ ra: C.Ronaldo nỗ lực gây áp lực chỉ hơn thủ môn và trung vệ tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa trước. Ngày nay, phòng ngự ngay từ hàng tiền đạo (hay nói cách khác là high-pressing hoặc gây áp lực từ tiền tuyến) là yếu tố quan trọng để những đội bóng hàng đầu hiện nay như Man City, Liverpool hay Bayern Munich dồn nén áp lực vào 1/3 phần sân tấn công, do đó chiếm ưu thế về kiểm soát bóng lẫn cơ hội ghi bàn.
Thierry Henry, huyền thoại của Arsenal và Barcelona, thì ví von một cách hình ảnh hơn sau trận đấu giữa Man Utd và Villarreal tại Champions League mùa trước: "Vấn đề là khi chất độc đã trở thành liều thuốc, mọi con bệnh đều phải vật lộn cho đến lúc chết. Sau cùng, C.Ronaldo lại cứu Man Utd, nhưng khi phòng ngự, đội bóng này không thể phòng ngự như một tập thể. Tất cả chúng ta đều biết nếu muốn chiến thắng thì tất cả phải cùng chạy".
Hai ngày sau khi tiếp quản Man Utd trong vai trò HLV tạm quyền, một đồng sự đã nói với Ralf Rangnick rằng ông không thể làm việc chung với C.Ronaldo, nhưng chắc chắn ông không thể không sử dụng cầu thủ người Bồ Đào Nha. Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế HLV Man Utd đều phải đối đầu.
C.Ronaldo vẫn có giá trị của siêu sao. Là số lượng và tỷ trọng bàn thắng. Là những khoảnh khắc tỏa sáng đúng thời điểm ngặt nghèo. Hay là những màn trình diễn bùng nổ trác tuyệt. Có thể CR7 bớt sung mãn và dẻo dai đi chút ít, nhưng cơ thể anh là minh chứng cho nỗ lực của cả sự nghiệp. Cho dù tuổi tác đã lấy đi ít nhiều phẩm chất, nhưng đôi khi người hâm mộ vẫn tin rằng C.Ronaldo có thể tạo ra khác biệt.
Nhưng thực tế, sự khác biệt C.Ronaldo đem đến ở mùa trước xuất hiện trong các cuộc chạm trán Atalanta, Norwich và Tottenham, những đội bóng chìm sâu trong khủng hoảng. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để người hâm mộ vỡ òa về sự phi phàm của siêu sao người Bồ Đào Nha. Dĩ nhiên, CR7 chẳng đáng bị chỉ trích hay chê bai vì anh đã 37 tuổi, độ tuổi tuyệt đại đa số tiền đạo đã về hưu chứ đừng nói chinh chiến ở môi trường khốc liệt bậc nhất như Premier League.
Nhưng tuyên bố muốn rời Man Utd của C.Ronaldo minh chứng sự thất bại trong quyết định một năm trước của cả hai. Mức phí chuyển nhượng chỉ 20 triệu bảng nhưng mức lương là 500.000 bảng/tuần. C.Ronaldo là minh chứng cho sự hỗn loạn của Quỷ đỏ thành Manchester. Đơn giản, cuộc cải tổ hay tái thiết thì không thể xoay quanh một lão tướng, cho dù anh ta tài nghệ siêu quần tới đâu.
Vì lý do đó, nếu C.Ronaldo ra đi, việc tái thiết của tân HLV Erik Ten Hag sẽ tốt hơn. Vị chiến lược gia người Hà Lan tuyên bố ông rất muốn làm việc với siêu sao người Bồ Đào Nha, CĐV Man Utd có thể yên tâm rằng ông là người lịch thiệp và giỏi ngoại giao. Thực tế, nếu C.Ronaldo ra đi, quỹ lương được giải phóng đáng kể và dễ dàng hơn trong việc áp dụng triết lý của HLV mới. Nói chung mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Erik Ten Hag là một HLV mang phong cách Ajax truyền thống. Đó là ưa thích sử dụng pressing (gây áp lực) kịch liệt và chơi thứ bóng đá khó cưỡng. Trong khi đó, như đã đề cập, C.Ronaldo chỉ pressing nhiều hơn thủ môn và trung vệ. Đó là hệ thống và chi tiết không ăn khớp. Một sự mất kết nối căn bản và bất khả dung hòa. Thực tế, chẳng có nhà cầm quân đương đại nào phù hợp với C.Ronaldo. Có chăng là những nhà cầm quân thế hệ cũ như Carlo Ancelotti hay chiến lược gia theo trường phải "cổ lỗ" như Diego Simeone.
Nhưng vấn đề không chỉ là phong cách. C.Ronaldo tạo ảnh hưởng to lớn tới mức gây cảm giác anh ngang bằng hoặc hơn đội bóng chủ quản. Man Utd nhanh chóng trở thành FC C.Ronaldo chỉ sau một năm. Mọi thứ đều thăng hoa khi siêu sao người Bồ Đào Nha thăng hoa. Có rất nhiều câu chuyện về việc các buổi tập của Man Utd mùa trước đã bị gián đoạn vì C.Ronaldo cảm thấy giáo án quá nhàm chán và nhấn mạnh tập luyện phải vui vẻ. C.Ronaldo cũng đụng độ Harry Maguire trong cuộc tranh giành băng thủ quân. Và khi Rangnick cho CR7 nghỉ trận derby Mancheser, anh lập tức quay về Bồ Đào Nha với lý do điều trị chấn thương, và vì vậy, ngay cả khi C.Ronaldo vắng mặt, câu chuyện tâm điểm tại Man Utd vẫn xoay quanh siêu sao người Bồ Đào Nha.
Bất kỳ đội bóng nào C.Ronaldo khoác áo đều phát sinh sự phụ thuộc không lành mạnh vào siêu sao người Bồ Đào Nha. CR7 là tay săn bàn xuất chúng, vì vậy đội bóng phải thực thi lối đá phục vụ cho điểm mạnh của anh, tức làm sao tạo càng nhiều cơ hội để C.Ronaldo ghi bàn càng tốt. Vấn đề là điều đó sẽ phá hoại mô hình toàn đội, khiến đội bóng trở nên dễ đoán. Quay lại câu nói cũ, người ta có thể nói những bàn thắng của C.Ronaldo cứu Man Utd một mùa giải tồi tệ hơn nữa, những nếu siêu sao người Bồ Đào Nha không có mặt ở Old Trafford, có lẽ Quỷ đỏ đã không cần đến những bàn thắng của C.Ronaldo!
Tình cảm là con đường một chiều. Người hâm mộ bóng đá chỉ muốn nghe những điều tốt đẹp về thần tượng hay đội bóng yêu quý. Thế cho nên, dựa trên "thuyết âm mưu", bình luận của Thierry Henry có thể suy đoán là phát ngôn từ một huyền thoại Arsenal và cựu danh thủ Barcelona, hai đội bóng kình địch của Man Utd và Real Madrid, thật tình cờ là hai đội bóng C.Ronaldo khoác áo. Trong khi đó, câu chuyện của Rangnick có thể xem là sự bao biện cho một vị chiến lược gia lỗi thời và thất bại tại Old Trafford.
Nhưng có một sự thật, câu chuyện người hâm mộ C.Ronaldo và Man Utd muốn nghe nhất đã diễn ra từ năm ngoái. Siêu sao người Bồ Đào Nha đang trên đường đến Man City, kẻ láng giềng lắm mồm của Quỷ đỏ, và rồi sức nặng nguyên tử của tình yêu khiến tiền tài và danh vọng vỡ vụn: C.Ronaldo quay về mái nhà xưa Old Trafford, nơi anh vẫn là thần tượng của hàng vạn cổ động viên.
Tuy nhiên, ngoài dàn bài ấy, rất ít dữ kiện tạo nên cú "quay xe" ngoạn mục bậc nhất lịch sử. Thâm cung bí sử của thương vụ, bằng một cách nào đó, đều được các bên liên quan giữ kín như bưng. Không ai chia sẻ, không ai tiết lộ động cơ vì họ không có trách nhiệm phải làm điều đó. Lý thuyết và phỏng đoán đều là giọt hư không. Và vì vậy, một khi C.Ronaldo trở về nhà, những dữ kiện ít ỏi được phân tích, đánh giá và uốn nắn sao cho phù hợp.
Nhưng sau một mùa giải, cuộc hạnh ngộ đã biến thành thuyết âm mưu. Man City chơi chiêu để Man Utd chiêu mộ C.Ronaldo. Hay C.Ronaldo dùng Man City như quân xanh để câu kéo Man Utd? Rio Ferdinand, đồng đội cũ, Alex Ferguson, thầy cũ, đã can thiệp để siêu sao người Bồ Đào Nha nhận ra đâu là bến đỗ của trái tim. Rất lãng mạn. Nhưng khi sự lãng mạn đã đi qua thì tất cả phải trở về thực tại. Và thực tại như đã đề cập là hai vấn đề liên quan một cách mơ hồ với nhau.
Thứ nhất, C.Ronaldo, ở tuổi 37, có còn là cầu thủ xuất sắc, cho dù đã sa sút so với thời đỉnh cao. Câu trả lời là siêu sao người Bồ Đào Nha vẫn duy trì phẩm chất của một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử.
Thứ hai, quan trọng hơn, liệu C.Ronaldo, ở tuổi 37, có giúp Man Utd trở nên hùng mạnh hơn, tất nhiên bất khả hoàn hảo, nhưng mạnh hơn khi không có C.Ronaldo? Câu trả lời là không. Rõ ràng, sự hiện diện của C.Ronaldo buộc toàn đội phải chơi theo cách của anh hơn là sự hiện diện của anh giúp toàn đội mạnh lên theo cách của HLV. Tóm lại, C.Ronaldo vẫn là cầu thủ xuất sắc trên sân cỏ nhưng anh khiến Man Utd trở thành tập thể kém thân thiện hơn.
Tuy nhiên, điều bất khả hoài nghi là C.Ronaldo và Man Utd đã bị lôi kéo lại với nhau bởi mối ràng buộc không thể xóa nhòa từ quá khứ đến hiện tại. Câu chuyện người hâm mộ muốn nghe, muốn chứng kiến đã diễn ra. Ngay cả mức lương nửa triệu đô mỗi tuần cũng chẳng là gì trước huyền thoại, nỗi nhớ và sự lãng mạn.
Nhưng đến bây giờ, tất cả đã dừng chiêm bao. C.Ronaldo thông báo với Man Utd về việc muốn ra đi. Quỷ đỏ rốt cuộc không quan trọng bằng Champions League. Từ Sporting Lisbon, Man Utd, Real Madrid đến Juventus, rõ ràng mối liên hệ giữa C.Ronaldo và các CLB chủ quản lại không thể khăng khít bằng mối liên hệ với đấu trường danh giá nhất châu Âu.
C.Ronaldo sinh ra để tung hoành tại Champions League. Đó là đấu trường hun đúc nên huyền thoại của siêu sao người Bồ Đào Nha. Với tư cách là cầu thủ vĩ đại nhất Champions League, C.Ronaldo đã chứng minh nỗ lực phi thường tạo nên những kết quả phi thường, khi đối thủ của anh luôn là một Messi phi phàm. Bởi vậy, bất cứ CLB nào, chỉ hữu ích với siêu sao người Bồ Đào Nha nếu giúp anh nâng tầm vĩ đại tại đấu trường danh giá nhất châu Âu. Ngay khi Man Utd không thể dự Champions League, C.Ronaldo lập tức cắt mối quan hệ.
Thế nên, đã đến lúc Quỷ đỏ thôi đừng chiêm bao về C.Ronaldo và nhìn nhận rõ ràng thực tế phũ phàng của đội bóng.
Đã 10 năm rồi Man Utd không còn là thế lực của bóng đá châu Âu. Họ đang tham vọng tái thiết một lần nữa với Ten Hag. Vậy hãy quên C.Ronaldo để tập trung vào Ten Hag. Vị chiến lược gia người Hà Lan này đặc biệt đề cao pressing. Mùa trước, Ajax là đội bóng cho phép đối phương thực hiện ít đường chuyền nhất để thực hiện mỗi hành động phòng ngự tại đấu trường Champions League. Trung bình mỗi trận, Ajax thực thi 40,4 lần pressing ở 1/3 cuối sân, xấp xỉ Man Cityu (43,8) và chỉ kém "trùm cuối" Liverpool (52,8), trong khi thông số này ở Man Utd vỏn vẹn 29,1. Rất thấp.
Nói một cách đơn giản, thật khó để thấy làm cách nào Ten Hag vận hành cỗ máy high-press khi trơ trọi trên cùng một tiền đạo bất khả xâm phạm. Nếu C.Ronaldo ra đi, Man Utd sẽ được giải phóng để tạo ra sự khác biệt mới trên hàng công. Ngay cả giai đoạn xế chiều sự nghiệp, siêu sao người Bồ Đào Nha vẫn là tay săn bàn kiệt xuất, nhưng ngày nay anh đã làm tâm điểm tĩnh, gã khổng lồ nuốt chửng mọi đường chuyền của đồng đội nhưng lại tạo ra rất ít cơ hội cho đồng đội. Như Giorgio Chiellini, đồng đội cũ của CR7 tại Juventus đã nói: "Bạn không thể chơi bóng với anh ta".
Bởi vậy, không Ronaldo, Ten Hag sẽ dễ dàng hơn để sử dụng kiểu luân chuyển vị trí linh hoạt và lối chơi phối hợp nhuần nhuyễn đặc trưng. Bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào đi chăng nữa, suy cho cùng, khó lường mới là yếu tố lợi hại nhất.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên