DMagazine

Chuyên gia châu Âu: "Chưa phải lúc so sánh HLV Kim Sang Sik với ông Park"

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn Dân trí, chuyên gia bóng đá người Scotland, Richard Harcus cho rằng bóng đá Việt Nam, không chỉ riêng đội tuyển quốc gia, vẫn chưa phát triển đến trình độ đáng ra phải đạt được.

Chuyên gia châu Âu: Chưa phải lúc so sánh HLV Kim Sang Sik với ông Park - 1

Ông đánh giá như thế nào về đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của tân HLV Kim Sang Sik?

- Đánh giá của tôi về HLV Kim Sang Sik và những gì ông ấy đã làm với đội tuyển Việt Nam cho đến nay là... còn quá sớm để đưa ra nhận định chính xác.

Vì bản thân HLV Kim Sang Sik từng là tiền vệ phòng ngự, tôi nghĩ rằng chúng ta cần thấy một đội bóng tập trung nhiều hơn vào phòng ngự, nơi đội tuyển Việt Nam không được thủng lưới những bàn thua "không đáng có" nữa. "Không đáng có" ở đây ý tôi là những bàn thua xuất phát từ hàng loạt sai sót không được phép xảy ra.

Chuyên gia châu Âu: Chưa phải lúc so sánh HLV Kim Sang Sik với ông Park - 3

Tôi nghĩ mọi người đều kỳ vọng đội tuyển Việt Nam đánh bại Ấn Độ. Tôi tin nếu HLV Park Hang Seo dẫn dắt, đội bóng sẽ đạt được kết quả ấy, thậm chí theo cách dễ dàng. Còn HLV Troussier thì sao? Tôi không chắc lắm.

Điều đó đã nói lên khá nhiều điều. Tuy nhiên, bóng đá không hoạt động theo cách đơn giản như vậy, và việc so sánh dễ dàng không bao giờ là cách đúng đắn để nhìn nhận vấn đề.

HLV Kim Sang Sik đã đưa các cầu thủ Tô Văn Vũ, Châu Ngọc Quang, Nguyễn Thái Sơn, Khuất Văn Khang, Nguyễn Đình Bắc, Lê Phạm Thành Long và Bùi Vĩ Hào vào đội hình, vì vậy chúng ta đã thấy một diện mạo hoàn toàn mới mẻ, và hầu hết họ đã thể hiện khá tốt.

Tôi nghĩ Nguyễn Quang Hải khi vào sân từ băng ghế dự bị đã tạo ra tác động lớn. Anh ta trông rất "năng động" và gần như trở lại phong độ trước đây. Văn Vũ ở cánh phải cũng rất thú vị, anh ta thi đấu khá thoải mái và mang lại một yếu tố mới cho đội hình cũng như lối tấn công chung.

Chuyên gia châu Âu: Chưa phải lúc so sánh HLV Kim Sang Sik với ông Park - 4

Về mối liên hệ giữa các tuyển thủ và HLV trưởng, ông nhận xét ra sao?

- Không ai thích chứng kiến việc huấn luyện viên trưởng bị sa thải, và tôi biết rằng Troussier rất buồn về cách mọi thứ kết thúc. Ông ấy cảm thấy rằng mình không được trao đủ thời gian. Cá nhân tôi cảm thấy rằng các cầu thủ ngày nay cần có sự gắn bó mật thiết với HLV, không chỉ đơn thuần là mối quan hệ với "sếp".

Tôi không chắc rằng chúng ta đã thấy điều đó ở HLV Troussier, nếu so với HLV Park Hang Seo. Vai trò liên lạc giữa cầu thủ và huấn luyện viên không thực sự tồn tại trong bóng đá Đông Nam Á, vì vậy mối liên kết này phải đến từ huấn luyện viên.

Chúng ta đã thấy điều này với HLV Park Hang Seo, nhưng không quá rõ ràng với HLV Troussier. Liệu chúng ta có thấy điều đó với HLV Kim Sang Sik hay không, chỉ thời gian mới trả lời được.

Cảm nhận chung của tôi về nhiều đội tuyển quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam, là có quá nhiều người làm việc xung quanh huấn luyện viên trưởng. Dường như lúc nào cũng có rất nhiều người, nhưng họ mang lại gì?

Họ có những bằng cấp chuyên sâu nào để được ở đó? Đôi khi nó chỉ đơn thuần là để trông có vẻ tốt, hơn là có mục đích thực tế. Tôi cảm thấy điều này với đội ngũ huấn luyện của Troussier.

Chuyên gia châu Âu: Chưa phải lúc so sánh HLV Kim Sang Sik với ông Park - 6

Theo ông, bóng đá Việt Nam cần bao lâu để trở lại đỉnh cao?

- Định nghĩa "đỉnh cao" như thế nào? Thời kỳ đỉnh cao gần nhất là lúc nào? Phải chăng là kỷ nguyên của HLV Park Hang Seo? Tôi không nghĩ bóng đá Việt Nam, ít nhất đội tuyển quốc gia (ĐTQG) hoặc V-League đạt được trình độ có thể và nên đạt đến. Tôi nghĩ có vài lần đến rất gần nhưng chưa bao giờ thực sự chạm đến.

Có rất nhiều lý do, và chúng ta chỉ đang nói về ĐTQG, còn V-League thì sao? Có rất nhiều điều cần thay đổi. Cần có một khát khao để thay đổi. Nhưng trước khi có thể thay đổi, cần có sự trung thực và mọi người cần thừa nhận những sai lầm, thất bại của mình. Đây sẽ là yếu tố lớn nhất và khó khăn nhất phải vượt qua.

Không ai sẽ thừa nhận những sai lầm của bản thân, không ai muốn mất mặt, và vì vậy chúng ta sẽ còn tiếp tục có cuộc trò chuyện này lặp đi lặp lại cho đến khi những người Việt Nam trẻ tuổi, có học thức và được đào tạo chuyên nghiệp bước vào với những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo.

Chuyên gia châu Âu: Chưa phải lúc so sánh HLV Kim Sang Sik với ông Park - 9

Việc Văn Quyết chia tay đội tuyển Việt Nam có phải là điều đáng tiếc, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng bây giờ anh ta có cơ hội để tập trung hoàn toàn vào V-League và CLB Hà Nội. Sau 58 lần khoác áo ĐTQG, tôi mong muốn được chứng kiến Văn Quyết chạm mốc 60 trận. Anh ta muốn nhường cơ hội cho đàn em trẻ hơn.

Dù sao đi nữa, Văn Quyết cũng đã có 13 năm cống hiến cho đội tuyển Việt Nam. Tôi nghĩ nếu anh ta tham dự thêm một kỳ AFF Cup nữa thì sẽ là lời chia tay đẹp hơn nhưng tất nhiên quyết định cuối cùng thuộc về Văn Quyết.

Đối với trường hợp Hoàng Đức, quan điểm của ông như thế nào về quyết định đầu quân cho một đội bóng hạng Nhất của cầu thủ này?

- Theo như tôi biết, những gì CLB Ninh Bình đang nỗ lực xây dựng khá thú vị. Với việc Văn Lâm cũng gia nhập, đội bóng này có thể rất hấp dẫn. Tôi tò mò hơn về kế hoạch phát triển lâu dài của câu lạc bộ là gì, chiến lược dài hạn ra sao?

Gần đây, chúng ta đã chứng kiến một số câu lạc bộ tự hào rằng mình sẽ trở thành Paris Saint Germain của V-League, nhưng những câu lạc bộ này dường như không có chiến lược dài hạn và nhanh chóng suy tàn.

Đây là một chủ đề lớn hơn để thảo luận và nằm sâu trong cốt lõi của các vấn đề phát triển bóng đá Việt Nam. Bạn không thể trách một cầu thủ muốn trở thành một phần của điều đó và cũng được hưởng lợi về mặt tài chính, bởi xét cho cùng, sự nghiệp bóng đá rất ngắn ngủi.

Chuyên gia châu Âu: Chưa phải lúc so sánh HLV Kim Sang Sik với ông Park - 10

Theo ông, cầu thủ Việt Nam có nên xuất ngoại?

- Tại sao cầu thủ Việt Nam lại ra nước ngoài thi đấu khi những cầu thủ hàng đầu có thể kiếm được rất nhiều tiền và vẫn ở lại trong nước? Những cầu thủ hàng đầu sẽ không nhận được số tiền tương tự ở nước ngoài.

Họ sẽ không được người hâm mộ thần tượng như ở Việt Nam, và họ cũng sẽ không kiếm được tiền từ các nhà tài trợ như ở Việt Nam, hoặc ít nhất họ nghĩ vậy. Vậy tại sao cầu thủ phải ra đi?

Cầu thủ nên ra nước ngoài để chơi ở những giải đấu tốt hơn, thử thách bản thân ở trình độ cao hơn, thi đấu với những cầu thủ giỏi hơn, học hỏi và hiểu biết trong những môi trường tiên tiến hơn, và mang những ý tưởng này trở lại Việt Nam. Bóng đá Việt Nam sẽ không tiến lên nếu không có nhiều cầu thủ Việt Nam làm điều này.

Điều tương tự tôi cũng có thể nói với các huấn luyện viên Việt Nam và mọi bộ phận tại các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam, bởi thành thật mà nói, bóng đá Việt Nam, ngoài sân cỏ, đang tụt hậu hàng thập kỷ so với vị trí lẽ ra phải có, và điều đó thật không công bằng với người hâm mộ.

Số lượng người hâm mộ đến sân đang giảm mạnh, gần như không ai ở Việt Nam quan tâm đến bóng đá trong nước nữa. Điều đó thật đau lòng khi chứng kiến. Các sân vận động đã cũ, bảo dưỡng kém và không đáp ứng được mục đích... điều tương tự cũng có thể nói về những người đang làm việc tại các câu lạc bộ.

Và ai là người chịu thiệt? Chính là người hâm mộ. Bóng đá là dành cho ai? Người hâm mộ! Vậy tại sao một khái niệm cơ bản như vậy lại bị phớt lờ một cách đáng buồn như thế?

Chuyên gia châu Âu: Chưa phải lúc so sánh HLV Kim Sang Sik với ông Park - 12

Ông đánh giá như thế nào về Đình Bắc, một tài năng hứa hẹn nhưng cũng đầy tranh cãi của bóng đá Việt Nam?

- Tôi thực sự thích cậu ấy. Tôi rất hy vọng cậu ấy sẽ làm tốt. Cậu ấy mang lại luồng gió mới cho đội tuyển quốc gia, mang đến năng lượng, tốc độ và khát khao. Tôi nghĩ đôi khi cậu ấy muốn làm quá nhiều thứ, và cậu ấy sẽ học được điều này theo thời gian.

Đình Bắc sẽ học qua việc được huấn luyện tốt hơn và tự thử thách bản thân nhiều hơn. Điều tôi lo lắng là quá nhiều áp lực đang đặt lên cậu ấy quá sớm và cậu ấy có thể sẽ cảm thấy thoải mái với mức độ hiện tại của mình. Cậu ấy cần phải được thử thách thêm... và đúng vậy, điều đó có nghĩa là cậu ấy nên ra nước ngoài thi đấu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Thủy Tiên