DNews

Cầu thủ nhập tịch Việt Nam và bài học từ đội tuyển Trung Quốc

Trọng Vũ

(Dân trí) - Sau ấn tượng từ Nguyễn Xuân Son, nhiều cầu thủ muốn nhập tịch để khoác áo đội tuyển Việt Nam. Dù vậy, không phải cầu thủ nào cũng phù hợp và việc sử dụng cầu thủ nhập tịch chỉ là giải pháp tạm thời.

Cầu thủ nhập tịch Việt Nam và bài học từ đội tuyển Trung Quốc

Ý kiến chuyên gia

Trong số các cầu thủ muốn được nhập tịch Việt Nam, đáng kể có tiền vệ Hendrio (CLB Nam Định, gốc Brazil), tiền đạo Geovane Magno (CLB Hà Tĩnh, gốc Brazil), thủ môn Patrik Lê Giang (CLB TPHCM, người Slovakia gốc Việt), Jason Pendant Quang Vinh (CLB Công an Hà Nội, người Pháp gốc Việt).

Dù vậy, tính chất của các cầu thủ này không giống nhau, đồng thời không phải cầu thủ nào cũng phù hợp để khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Về vấn đề này, cựu Phó chủ tịch (PCT) VFF Dương Vũ Lâm bình luận: "Cầu thủ nhập tịch có thể giải quyết câu chuyện thành tích nhất thời cho đội tuyển Việt Nam, nhưng thành tích ở mức nào mới là vấn đề quan trọng".

"Ngoài ra, chúng ta cũng nên xem xét kỹ bản chất của dàn cầu thủ nhập tịch của các đội Thái Lan, Philippines và Indonesia hiện nay. Thực chất, đấy là những cầu thủ Thái kiều, Phi kiều và Indonesia kiều, họ có gốc gác Thái Lan, Philippines, Indonesia, ít nhất là có cha hoặc mẹ, ông hoặc bà là người Thái, người Philippines và người Indonesia.

Chính vì thế, không thể nói những cầu thủ nhập tịch dạng này là người ngoài với bóng đá Thái Lan, Philippines và Indonesia. Họ hòa nhập nhanh, thi đấu tốt, tận hiến vì họ cũng có niềm tự hào của bóng đá Thái Lan, Philippines và Indonesia trong người họ, niềm tự hào này được nuôi dưỡng từ khi họ còn rất nhỏ", ông Dương Vũ Lâm nói thêm.

Cầu thủ nhập tịch Việt Nam và bài học từ đội tuyển Trung Quốc - 1

Thủ môn Việt kiều Nguyễn Filip thi đấu tốt trong màu áo đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Điều tương tự cũng đã xảy ra với bóng đá Việt Nam, các thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm và Nguyễn Filip không khác các cầu thủ nội. Họ hòa nhập tốt với đội tuyển Việt Nam, với bóng đá Việt Nam, có giá trị sử dụng ở đội tuyển lâu dài.

Bóng đá Việt Nam cũng có thể chờ đợi điều tương tự nơi các cầu thủ Việt kiều Patrik Lê Giang và Jason Pendant Quang Vinh. Riêng thủ thành Patrik Lê Giang là thủ môn hay nhất giải V-League trong 2-3 mùa bóng gần nhất. Anh luôn khát khao khoác áo đội tuyển.

Thực tế từ bóng đá toàn cầu

Câu chuyện sử dụng cầu thủ nhập tịch không phải là câu chuyện hiếm trên bình diện bóng đá toàn cầu ngày nay.

Ở Đông Nam Á, như đã đề cập, Thái Lan, Indonesia, Philippines giờ không hiếm cầu thủ nhập tịch, được sinh ra tại châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, như đã nói, các cầu thủ này có gốc gác thuộc những quốc gia Đông Nam Á kể trên.

Cầu thủ nhập tịch Việt Nam và bài học từ đội tuyển Trung Quốc - 2

Thủ môn Việt kiều Patrik Lê Giang khao khát được khoác áo đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Hải Long).

Ở Euro 2020 (thực chất diễn ra trong năm 2021), đội tuyển Italy vô địch giải đấu năm đó với một cầu thủ sinh ra tại Brazil trong đội hình, đó là tiền vệ Jorginho. Tuy nhiên, phía nhà nội của Jorginho là người gốc Italy, bản thân cầu thủ này cũng chuyển đến sinh sống tại đất nước hình chiếc ủng từ năm 15 tuổi.

Điều đó có nghĩa là Jorginho có "chất Italy" trong người. Đây là yếu tố rất quan trọng để các cầu thủ phát huy hết sức mạnh tinh thần của bóng đá Italy, lối chơi đặc trưng kiểu Italy mà chỉ có đội này mới có.

Ở đội tuyển Đức, từng có các tiền đạo Mirovlas Klose và Lucas Podolski là những người sinh ra ở Ba Lan, giúp đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014. Tuy nhiên, họ đều là những người gốc Đức. Cha của Mirovlas Klose, ông Josef Klose là một người gốc Đức. Còn bà nội của Podolski sinh ra tại Đức.

Tính chất các cầu thủ Klose và Podolski khi họ khoác áo đội tuyển Đức giống như tính chất của tiền vệ Jorginho khoác áo đội tuyển Italy. Đấy chính là hình mẫu để sau này các đội Thái Lan, Indonesia và Philippines tại Đông Nam Á, học theo để xây dựng lực lượng tham dự các giải quốc tế.

Cầu thủ nhập tịch Việt Nam và bài học từ đội tuyển Trung Quốc - 3

Cầu thủ nhập tịch của đội tuyển Indonesia phần lớn có gốc gác Indonesia (Ảnh: Tiến Tuấn).

Bài học từ thất bại của đội tuyển Trung Quốc

Không đi theo mô hình vừa nêu, lại chọn cách nhập tịch ồ ạt, đó là đội tuyển Trung Quốc. Có thời điểm, trong đội hình của đội tuyển Trung Quốc tràn ngập các cầu thủ gốc Brazil.

Dù vậy, đội hình được "Brazil hóa" này của bóng đá Trung Quốc vẫn không phải là đối thủ của hầu hết các đội trong nhóm đầu châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia, Iraq, Uzbekistan…

Thậm chí, thành tích của đội tuyển Trung Quốc khi sử dụng ồ ạt cầu thủ nhập tịch còn thấp hơn so với lúc họ chưa sử dụng dàn cầu thủ này. Trong quá khứ, khi chưa sử dụng cầu thủ nhập tịch, đội tuyển Trung Quốc từng vào đến vòng chung kết (VCK) World Cup 2002.

Cầu thủ nhập tịch Việt Nam và bài học từ đội tuyển Trung Quốc - 4

Đội tuyển Trung Quốc với nhiều cầu thủ nhập tịch gốc Brazil từng thua đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 (Ảnh: Đỗ Linh).

Sau khi có thêm dàn cầu thủ này, đội bóng của quốc gia tỷ dân chưa bao giờ trở lại với VCK của giải vô địch thế giới. Riêng tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Trung Quốc với rất nhiều cầu thủ gốc Brazil trong đội hình, còn thua đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình.

Ở Đông Nam Á, Malaysia cũng sử dụng rất nhiều cầu thủ nhập tịch, từ Anh, Brazil, Argentina, Colombia cho đến châu Phi, châu Đại Dương. Tuy nhiên, đội này vẫn không hề mạnh lên với chính sách sử dụng cầu thủ từ quá nhiều nguồn khác nhau như trên.

Thậm chí, ngay khi một đội bóng nhập tịch và có thành tích, thì như cựu Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm bình luận: "Vấn đề là thành tích ấy ở mức nào?".

Với đội tuyển Việt Nam, việc nhập tịch có thể giúp chúng ta giải quyết được thành tích nhất thời ở một hoặc một vài kỳ AFF Cup, nhưng chúng ta có tiến lên được trình độ châu Á, tham dự các VCK World Cup như chúng ta đặt mục tiêu dài lâu của nền bóng đá hay không, là chuyện không ai dám chắc?

Cầu thủ nhập tịch Việt Nam và bài học từ đội tuyển Trung Quốc - 5

Malaysia cũng thất bại với chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch ồ ạt (Ảnh: FAM).

Các CLB có thể háo hức trong việc nhập tịch cho các cầu thủ như Hendrio hay Geovane Magno, chủ yếu vì thành tích của chính họ tại giải V-League. Tuy nhiên, đội tuyển quốc gia có tính chất khác hẳn với tính chất của các CLB.

Còn về mặt chuyên môn, những cầu thủ như Hendrio hay Geovane Magno có vượt trội so với các trung vệ tầm châu Á, có giúp đội tuyển lên tầm châu Á hay không, tiếp tục là điều đáng bàn.

Nhìn rộng ra các nền bóng đá hàng đầu thế giới và châu lục, Argentina, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy ở cấp độ thế giới, Nhật Bản, Hàn Quốc ở cấp độ châu Á, đều phát triển dựa trên nguồn cầu thủ do chính họ đào tạo từ nhỏ. Không nền bóng đá nào trong số này tìm kiếm thành công lâu dài bằng dàn cầu thủ nhập tịch.

Ngay đến chuyên gia bóng đá Indonesia, ông Peri Sandria bình luận về tình trạng nhập tịch cầu thủ ở đội tuyển Indonesia: "Khi gọi cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển quốc gia, nên có sự chọn lọc. Đấy không chỉ là vấn đề với các quan chức của Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI), mà còn là vấn đề của HLV Shin Tae Yong".

"Nhiều cầu thủ trẻ của bóng đá Indonesia tạo ấn tượng ở giải trong nước, nhưng họ không hề có cơ hội thể hiện ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Có ích gì khi các cầu thủ trẻ được đào tạo qua nhiều năm, nhưng khi trưởng thành họ lại mất cơ hội khoác áo đội tuyển về tay người khác?

Điều này liệu có tốt cho tương lai lâu dài của bóng đá Indonesia", chuyên gia Peri Sandria chia sẻ thêm cách đây chưa lâu, với vẻ đầy lo ngại.

Dòng sự kiện: AFF Cup 2024