DMagazine

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại

(Dân trí) - Nga và Ukraine là hai quốc gia tách ra từ Liên Xô. Mối quan hệ của họ gắn bó mật thiết trên mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị hay xã hội. Bóng đá, một địa hạt rất nhỏ nhưng không phải là ngoại lệ…

Nga và Ukraine là hai quốc gia lớn nhất tách ra từ Liên Xô (cũ). Mối quan hệ giữa hai quốc gia quan hệ mật thiết trên mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị hay xã hội. Bóng đá, một địa hạt rất nhỏ của đời sống văn hóa nhưng không phải là ngoại lệ…

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 1

Liên Xô (cũ) tạo ra ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến lịch sử bóng đá thế giới, thậm chí không hề kém cạnh các quốc gia vang danh là cường quốc bóng đá như Anh, Đức, Pháp hay Brazil. Về thành tích thi đấu trên trường quốc tế, đội tuyển Liên Xô chính là nhà vô địch châu Âu (Euro) đầu tiên vào năm 1960 và á quân vào các năm 1964, 1972 và 1988. Tại giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup), Liên Xô là đệ tứ anh hào năm 1966. Đấu trường oanh liệt nhất của bóng đá Liên Xô là Thế vận hội (Bóng đá nam Olympic) với 2 tấm Huy chương vàng vào các năm 1956, 1988 và 3 lần đoạt huy chương đồng.

Đóng góp lớn nhất vào thành công của bóng đá Liên Xô chính là Nga và Ukraine hiện nay. Điều thú vị, đóng góp của Ukraine không hề kém cạnh Nga, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn. Về mặt tài năng, bóng đá Liên Xô từng sản sinh ra 3 huyền thoại đã giành Quả bóng vàng châu Âu. Bao gồm Lev Yashin (1963), Oleg Blokhin (1975) và Igor Belanov (1986).

Lev Yashin vẫn được xưng tụng là thủ thành vĩ đại nhất lịch sử túc cầu. Oleg Blokhin được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu ở kỷ nguyên của Hoàng đế Franz Beckenbauer và Thánh Johan Cruyff. Còn Igor Belanov, ít tiếng tăm hơn, đã chấm dứt hattrick Bóng vàng của Michel Platini. Lev Yashin là người Moscow, Nga. Hai huyền thoại còn lại đều là người Ukraine, Blokhin sinh ra ở Kiev, Belanov sinh quán Odessa.

Mở rộng câu chuyện một chút, tính từ năm 1956, thời điểm Quả bóng vàng khai sinh, đến năm 1991, khi Liên Xô tan rã, chỉ có Tây Đức giành nhiều Quả bóng vàng châu Âu hơn Liên Xô. Hà Lan hay Bồ Đào Nha cho đến tận ngày nay cũng mới chỉ bằng Liên Xô về số Quả bóng vàng. Tây Ban Nha thậm chí cho đến nay mới chỉ có 2. Đó là minh chứng hùng hồn cho sự dồi dào tài năng bóng đá xuất chúng của đất nước này.

Tại giải Hạng Nhất Liên Xô, giải đấu được khai sinh vào năm 1936 và tồn tại đến khi quốc gia này tan rã, Dynamo Kiev mới là đội bóng giàu truyền thống nhất với 13 lần đăng quang. Tiếp đến là 4 đại diện của thủ đô Moscow, bao gồm Spartak Moscow (12), Dynamo Moscow (11), CSKA Moscow (7) và Torpedo Moscow (3). Tổng quát hơn, các đội bóng của Nga có 31 lần đăng quang, Ukraine là 14 lần.

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 3
Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 5

Không chỉ có những ngôi sao sân cỏ lẫy lừng, Liên Xô còn sản sinh ra hai chiến lược gia vĩ đại, một người Nga, một Ukraine, những người tạo ra tầm ảnh hưởng đến mức nắn chỉnh dòng chảy chiến thuật bóng đá. Thú vị hơn, giữa hai nhà cầm quân này lại có mối liên hệ thú vị. Gương mặt tiêu biểu đầu tiên phải nói đến là Viktor Maslov. Cái tên này có lẽ nghe khá xa lạ kể cả với những tín đồ nhiệt thành của túc cầu giáo. Nhưng nhắc đến pressing (gây áp lực) hay sơ đồ 4-4-2, hẳn không ai là không biết. Đó chính là sản phẩm của Maslov.

Jonathan Wilson, cây bút thể thao nổi tiếng người Anh, không phải người Nga, đã ca tụng ông là người khai sinh ra bóng đá hiện đại. "Khi dinh dưỡng và sự hiểu biết về thể chất được cải thiện trong những năm 1960, vị chiến lược gia vĩ đại gốc Moscow, Viktor Maslov đã trình làng "pressing" tại Dynamo Kiev, nơi có thể xem là sự ra đời của bóng đá hiện đại. Đội bóng của ông săn đuổi đối phương một cách có tổ chức, nhưng hệ thống được tổ chức đủ tốt để bọc lót cho các vị trí nguy cơ bị xuyên phá, bằng cách thu hẹp những khoảng trống có thể bị khai thác", Jonathan Wilson viết.

Không chỉ vậy, Maslov đã sử dụng sơ đồ 4-4-2 rất nhiều năm trước khi Alf Ramsey "chẳng may" sử dụng sơ đồ này và… đăng quang World Cup 1966, để rồi từ đó được xem là người sáng tạo ra sơ đồ này cùng đội tuyển Anh.

Vì sơ đồ 4-4-2 quá mới mẻ của Maslov, sự nghiệp cầu thủ của một cầu thủ chạy cánh nổi tiếng với kỹ thuật điêu luyện đã lụi tàn. Đó là Valeriy Lobanovskyi. Không có chỗ đứng ở Dynamo Kiev của Maslov, Lobanovskyi phải lang bạt sang những đội bóng khác và giải nghệ ở tuổi 29. Nhưng đôi khi, cánh cửa này đóng lại, một cánh cửa khác lại mở ra chân trời tươi mới hơn. Lobanovskyi là trường hợp như vậy. Ông chuyển sang nghiệp cầm quân và chính là người kế thừa di sản vĩ đại của Maslov ở Dynamo Kiev.

Tất nhiên, có một sự thật, Lobanovskyi không ưa gì ông thầy Maslov. Có nhiều đồn đoán về sự đổ vỡ mối quan hệ giữa đôi bên, trong đó có chuyện Maslov ép Lobanovskyi và các học trò uống horilka (tức vodka trong tiếng Ukraine) sau khi chuyến bay bị hoãn, nhưng vốn là một thanh niên nghiêm túc, Lobanovskyi đã từ chối. Dù nguyên nhân là gì, hai thầy trò, một Nga một Ukraine, không nhìn mặt nhau, phần lớn là do sự khác biệt về quan điểm sống lẫn tư duy bóng đá, cho dù cùng là những người đi trước thời đại.

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 7
Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 9

Từng là học sinh giỏi toán từng giành Huy chương vàng thời học cấp 3, Lobanovskyi được biết đến như một nhà cầm quân tiên phong trong việc áp dụng những con số thống kê, khi yêu cầu các thuộc cấp ghi lại số cú sút, đường chuyền, những pha lừa bóng, tắc bóng, đánh chặn hay phạm lỗi trong mỗi trận đấu. Đó là công việc ngày nay đã trở thành mặc định trong mỗi trận đấu bóng đá và giới quan sát vẫn ví von từ khi bước sang thế kỷ 21, bóng đá đã bước sang kỷ nguyên Opta (hãng thống kê bóng đá nổi tiếng). Còn Lobanovskyi, ông áp dụng thống kê từ 30 năm trước.

Trong cuốn Inverting the Pyramid: The History of Football Tactics (Đảo ngược kim tự tháp: Lịch sử chiến thuật bóng đá), Jonathan Wilson kể lại Lobanovskyi trưởng thành trong thời kỳ bùng nổ khoa học của Liên Xô, từ năng lượng hạt nhân đến chinh phục vũ trụ, riêng thành phố Kiev quê hương ông còn là trung tâm nghiên cứu về công nghệ máy tính. Chính khi theo học ngành kỹ thuật nhiệt tại Đại học Bách khoa Kiev, Lobanovskyi được rèn luyện thêm niềm yêu thích đối với hệ thống, số liệu thống kê và tư duy phân tích - bên cạnh tình yêu bóng đá.

Lobanovskyi xem trận đấu bóng đá như một hệ thống gồm 22 yếu tố - chia thành hai hệ thống con gồm 11 yếu tố - di chuyển trong một khu vực xác định (sân bóng) và phải tuân theo một loạt các hạn chế (luật). Nếu hai hệ thống con bằng nhau, trận đấu kết thúc với tỷ số hòa. Nếu hệ thống con nào mạnh hơn, hệ thống đó chiến thắng. Khía cạnh Lobanovskyi thấy hấp dẫn nhất là hệ thống con có đặc điểm: hiệu quả của toàn hệ thống con lớn hơn tổng hiệu quả của từng đơn vị cấu thành.

Dễ hiểu hơn, 11 cầu thủ phối hợp ăn ý sẽ luôn chiến thắng đội hình 11 ngôi sao. Hoặc như Jose Mourinho từng phát biểu: "Tôi sẽ vô địch Champions League hàng năm với 11 cầu thủ như Azpilicueta". Nhấn mạnh, không phải Messi hay Ronaldo mà là Azpilicueta, một cầu thủ đa năng, tròn trịa ở mọi phẩm chất và tuyệt đối tuân thủ đấu pháp. Tóm lại, những gì Mourinho nói, vị chiến lược gia huyền thoại người Kiev đã lập ra cả một đề án từ vài thập kỷ trước. Vì vậy, cùng Rinus Michels, Lobanovskyi được công nhận là người phát minh ra lối đá Total Football (bóng đá tổng lực) lừng lẫy.

Không chỉ giỏi số học, Lobanovskyi còn là bậc thầy về tâm lý học lẫn dinh dưỡng. Ông mang đến một hệ thống tính toán chính xác của quá trình tập luyện và mô hình toán học về tải trọng vật lý cho các cầu thủ. Trong một cuộc phỏng vấn, ông từng chia sẻ: "Điều thực sự quan trọng là phải biết tính cách và bản lĩnh của mỗi cầu thủ. Bạn có thể nghiêm khắc hơn với một cầu thủ và ít nghiêm khắc hơn với cầu thủ khác, nhưng để làm được điều đó, bạn cần phải biết tính cách của họ".

Ngày nay, những gì đang diễn ra hàng ngày trong bóng đá đỉnh cao dựa rất nhiều vào lý thuyết của Lobanovskyi.

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 11
Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 13

Nếu Tây Ban Nha luôn kiêu hãnh với El Clasico giữa Real Madrid và Barcelona, Argentina sục sôi cùng SuperClásico giữa Boca Juniors và River Plate, Italia sở hữu Derby d'Italia giữa Juventus và Inter Milan, hay Anh có đại chiến Liverpool và Manchester United, thì bóng đá Liên Xô trước đây tự hào với đại chiến giữa Dynamo Kiev và Spartak Moscow. Đó là cuộc chạm trán hội tụ đủ mọi yếu tố của một trận cầu kinh điển, từ yếu tố xung đột chính trị, truyền thống và tầm vóc.

Như đã đề cập, Dynamo Kiev chính là đội bóng giàu thành tích nhất giải Hạng Nhất Liên Xô trước đây, với 13 lần đăng quang. Spartak Moscow xếp thứ hai, với 12 chiếc cúp. Những cuộc chạm trán giữa hai đội bóng này luôn rất căng thẳng và đầy biến cố, ngay cả khi Liên Xô đã tan rã. Đó là cuộc tái ngộ thú vị ở Champions League 1994/95.

"Trận đấu ấy không thể nào quên", tiền vệ Serhiy Kovalets của Dynamo Kiev nói. "Đây là lần đầu tiên hai đội đại diện cho Nga và Ukraine chạm trán nhau ở đẳng cấp cao nhất như vậy. Chúng tôi muốn chứng minh rằng chúng tôi mạnh hơn. Thật không công bằng khi Liên Xô tan rã, Nga chiếm lấy hết các thành tích và hệ số tính điểm trên trường quốc tế. Điều đó không đúng. Dynamo Kiev và các cầu thủ Ukraine nói chung đã đóng góp cho bóng đá Liên Xô nhiều hơn Nga".

Có lẽ vì quá tập trung đòi quyền lợi, Dynamo Kiev để Spartak Moscow vượt lên dẫn trước. Phút thứ 12, Dmitri Pisarev đánh đầu mở tỷ số trận đấu. Một phút sau, Dmytro Mykhaylenko phung phí cơ hội nhân đôi cách biệt trên chấm phạt đền. Tức giận và thất vọng, Dynamo Kiev thi đấu thiếu kỷ luật như thường lệ và 7 phút trước khi hiệp 1 kết thúc, với sự trợ giúp của thủ thành Oleksandr Shovkovskiy trong khung gỗ, Spartak nhân đôi cách biệt nhờ công Andrei Tikhonov.

Dynamo cần bàn thắng ngay sau khi hiệp 2 bắt đầu nếu muốn ngược dòng, và họ đã có được điều đó, với pha rê bóng và dứt điểm của Viktor Leonenko. Niềm tin được củng cố, Dynamo tràn lên tấn công, tạo ra hết cơ hội này đến cơ hội khác về phía khung thành Spartak. Shovkovskiy thực hiện một loạt pha cứu thua xuất thần, trong đó có pha cản phá không tưởng cú sút của Ilya Tsymbalar. Những pha bóng điên rồ, khó ưa như vậy khác xa khuôn mẫu Valeriy Lobanovskyi tạo dựng và chuyển tải.

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 15

Tuy nhiên, điều mà HLV Jossef Szabo, ở lần thứ 2 trong 5 lần dẫn dắt Dynamo, đã duy trì từ vị chiến lược gia vĩ đại là chú trọng vào thể lực. Dần dần, thể lực vượt trội của đội bóng đại diện cho Ukraine tạo ra sự áp đảo và khác biệt.

Khi trận đấu còn 14 phút, Leonenko bắt kịp đường chuyền của Vitaliy Kosovskyi và dứt điểm chính xác vào góc thấp. Bàn thắng này khiến người dân Ukraine vỡ òa vui sướng và phấn khích. Leonenko được các nhà tài trợ tặng cả một chiếc xe Ford đời mới. Anh chạy xe không biển số trên đường mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào. "Đó là khoảng thời gian điên rồ", cựu cầu thủ Dynamo nhớ lại. "Bất cứ khi nào cảnh sát chặn tôi trên đường, tôi chỉ cần ló đầu ra khỏi cửa và hỏi anh ta đã xem trận đấu chưa. Và thế là họ cho tôi đi. Và tôi cũng chẳng phải trả tiền xăng".

Trở lại với trận đấu, điều tuyệt vời hơn nữa đã đến. Phút thứ 86, Kovalets tung ra một quả tạt từ cánh trái, và cầu thủ vào sân thay người 18 tuổi Serhiy Rebrov, đón lõng ở cột hai để tung cú vô lê vào góc thấp khung thành. 90.000 người hâm mộ tại Olympyskyi phát cuồng, Rebrov lăn lộn trong niềm vui sướng tột độ. Dynamo ngược dòng thắng Spartak 3-2.

Ở trận lượt về, Spartak phục hận bằng chiến thắng 1-0. Nếu theo quy định luật bàn thắng sân khách vừa bị bãi bỏ, đại diện của Nga giành chiến thắng chung cuộc. Nhưng đây là một trận đấu vòng bảng. Và cả hai đội đều không thể vượt qua bảng đấu còn có Bayern Munich và PSG. Nhưng trận đấu ở Ukraine mãi mãi được nhắc nhớ như đêm huyền diệu bậc nhất của Dynamo ở đấu trường châu Âu. "Vì chiến thắng đó," Kovalets nói, "người hâm mộ của chúng tôi đã tha thứ cho sự thật rằng chúng tôi đã thua 5 trận đấu tiếp theo".

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 17

Hai đội tuyển Nga và Ukraine nằm ở bảng 4 vòng loại Euro 2000. Trận đấu vòng loại Euro 2000 giữa đội tuyển Nga và đội tuyển Ukraine vào ngày 5/12/1998 tại Kiev được nhắc đến là cuộc so tài lịch sử với hai nền bóng đá nước này. Đây là trận đấu đầu tiên giữa hai đội tuyển sau khi Liên Xô (cũ) tan rã năm 1991.

Ở trận đấu này, Nga không có được lực lượng tốt nhất khi hai hậu vệ quan trọng Yuri Nikiforov và Dmitri Khlestov đều vắng mặt. Ngôi sao số một Aleksandr Mostovoi gặp vấn đề về thể lực và HLV Byshovets quyết định để cầu thủ này ngồi dự bị. Igor Dobrovolski được đá từ đầu để thay thế.

Với lợi thế sân nhà, Ukraine dẫn 2-0 từ sớm. Mostovoi chỉ được tung vào sân từ phút 65 và tiền vệ CLB Celta Vigo tạo ra ảnh hưởng khi kiến tạo cho Yevgeni Varlamov lập công. Thủ môn Dmitri Kharine của Nga sau đó bị đuổi khi ngăn cản Sergei Rebrov trong vòng cấm. Với 10 người, Nga kiên cường chống trả nhưng cũng chỉ khiến trận đấu kết thúc với tỷ số thua 2-3.

Với chiến thắng lịch sử 3-2 trước Nga tại Kiev, Ukraine càng chơi càng thăng hoa sau đó. Ukraine thắng dễ Andorra và Armenia để dẫn đầu bảng với 9 điểm. Pháp đứng thứ hai với 7 điểm. Iceland có 5 điểm, Nga 0 điểm ngang bằng Andorra. Thất bại này đã khiến đội tuyển Nga gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn còn lại vòng loại. Nga sau đó gặp Pháp tại Moscow và thua 2-3. 4 ngày sau đó, Nga thua tiếp Iceland 0-1 và họ trải qua chuỗi trận tệ hại với ba trận liên tục trắng tay.

HLV Byshovets bị sa thải và Oleg Romantsev được chọn thay thế. Nga thắng Armenia 3-0 và thắng đậm Andorra 6-1, trong khi Ukraine cầm hòa Pháp tại Paris. Tuy nhiên, trận hòa 1-1 của Ukraine trước Iceland tại Kiev giúp người Nga sống lại hy vọng. Người Nga cần chiến thắng trước Pháp tại Stade de France để níu giữ hy vọng vượt qua vòng loại qua đường play-off. Pháp cũng bị dồn vào thế phải thắng để vượt qua Ukraine và giành vé dự Euro 2000. Đây là trận đấu mà hai nhạc trưởng Zinedine Zidane vắng mặt, còn Mostovoi dù chấn thương vẫn ra sân.

Aleksandr Panov mở tỷ số cho Nga ở cuối hiệp 1, nhưng Pháp lại vượt lên dẫn 2-1 nhờ công Emmanuel Petit và Sylvain Wiltord. Panov hoàn tất cú đúp và đến những phút cuối cùng, Valeriy Karpin ấn định chiến thắng 3-2 cho người Nga. Vài ngày sau, Nga đã đánh bại Iceland 1-0 cũng nhờ bàn thắng của Kapin. Tiếp đó "Gấu Nga" liên tục hạ Armenia, Andorra và hoàn thành chuỗi 6 trận thắng liên tiếp. Trong khi đó, Ukraine hòa hai trận liên tục cùng tỷ số 0-0 trước Pháp và Armenia.

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 19

Người Nga chịu rất nhiều áp lực trước lượt trận cuối cùng, khi họ ở thế chân tường. Ukraine đứng đầu bảng với 19 điểm, Nga và Pháp cùng có 18 điểm. Ngày 9/10/1999, Nga và Ukraine quyết đấu tại Moscow còn Pháp gặp Iceland. Đội tuyển Pháp đã hoàn thành mục tiêu của mình với chiến thắng 3-2 trước Iceland, với bàn thắng quyết định của David Trezeguet. Họ đợi kết quả cuộc so tài ở Moscow để xem giành vé chính thức hay đá play-off, đồng thời cũng đẩy cả Nga và Ukraine vào thế quyết đấu căng thẳng.

Tại Moscow, Nga vượt lên dẫn 1-0 ở phút 18 sau quả đá phạt kỹ thuật của Kapin. Tưởng như người Nga đã cầm chắc chiến thắng thì đúng vào phút cuối, Shevchenko ở góc hẹp tung cú đá tưởng chừng không nguy hiểm, nhưng bóng đập vào tay thủ môn Filimonov vào lưới, ấn định kết quả hòa chung cuộc 1-1. Kết thúc vòng loại, Pháp giành ngôi đầu bảng với 21 điểm và giành vé dự Euro 2000. Ukraine đứng thứ hai bảng đấu với 20 điểm cùng suất dự play-off còn Nga đứng thứ ba (19 điểm) và bị loại.

15 năm sau trận cầu cay đắng đó, HLV đội tuyển Nga Oleg Romantsev chia sẻ: "Xin đừng nhắc lại về ký ức tồi tệ nhất cuộc đời ấy, tôi vẫn đang cố gắng quên nó. Không ai trong số chúng tôi muốn sống sau trận bóng với Ukraine. Tất cả đều cảm thấy tốt hơn là tự sát hoặc ít nhất là giã từ bóng đá vĩnh viễn. Tôi không nhớ nổi cụ thể những gì đã diễn ra. Thật đau đớn và không đáng, cứ như là chúng tôi chạy marathon và bị bỏ mặc đến chết".

Bóng đá Nga và Ukraine: Cộng hưởng, thù nghịch và huyền thoại - 21

Từng tồn tại trong một thực thể rồi tách ra thành 2 quốc gia, bóng đá Nga và Ukraine có mối liên hệ mật thiết và phức tạp hơn bất cứ hai nền bóng đá nào trên thế giới. Đó vừa là sự cộng hưởng, kết tinh để tạo ra những di sản vĩ đại cho bóng đá Liên Xô cũ. Đó là sự thừa hưởng trên cùng một nền tảng. Và đó vừa là sự cạnh tranh thậm chí thù nghịch mang nặng màu sắc địa chính trị.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Nguyễn Vượng