DMagazine

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ

(Dân trí) - Chi phí để các quốc gia sở hữu bản quyền phát sóng World Cup trên lãnh thổ nước mình ngày càng đắt đỏ. Ở một số quốc gia tại Đông Nam Á, chi phí để mua bản quyền truyền thông đã lên mức nghìn tỷ đồng.

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ

Chi phí để các quốc gia sở hữu bản quyền phát sóng World Cup trên lãnh thổ nước mình ngày càng đắt đỏ. Ở một số quốc gia tại Đông Nam Á, chi phí để mua bản quyền truyền thông đã lên mức nghìn tỷ đồng.

Giá bản quyền truyền thông tăng phi mã

Quyền tổng thư ký Ủy ban Phát thanh truyền hình và Ủy ban viễn thông quốc gia Thái Lan (NBTC) Trairat Wiriyasirikul: "Ngân sách mà Tổng cục Thể thao Thái Lan (SAT) yêu cầu được hỗ trợ mua bản quyền truyền thông World Cup 2022 lên đến 1,6 triệu baht (hơn 1.000 tỷ đồng)".

Theo tiết lộ của một số kênh truyền thông tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu bản quyền truyền thông World Cup 2022 đầy đủ nhất trong khu vực, với mức giá phải trả cho đại lý ủy quyền của FIFA Infront Sports & Media vào khoảng 14 triệu euro (khoảng 350 tỷ đồng).

Con số này tăng khoảng 30% (4 triệu euro - tăng gần 100 tỷ đồng) so với giá bản quyền của kỳ World Cup gần nhất.

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 1

Để người dân được xem World Cup 2022, Việt Nam phải trả số tiền khoảng 14 triệu euro (khoảng 350 tỷ đồng) cho gói bản quyền truyền thông, tăng 30% so với bản quyền của kỳ World Cup gần nhất.

Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với số tiền mà một số nước trong khu vực Đông Nam bỏ ra để sở hữu bản quyền truyền thông World Cup 2022.

Cụ thể, cho đến thời điểm hiện tại, Indonesia là nước ở Đông Nam Á phải trả cao nhất, để nhận được quyền phát sóng giải vô địch bóng đá thế giới trên lãnh thổ nước mình. Xứ sở vạn đảo phải chi ra đến gần 39 triệu euro (hơn 960 tỷ đồng).

Đây là con số khổng lồ so với thu nhập bình quân của người dân Indonesia. Dù bỏ ra khoản tiền rất lớn, Indonesia vẫn không sở hữu trọn gói quyền phát sóng trực tiếp tất cả các trận đấu tại World Cup 2022.

Một báo cáo cho thấy xứ sở Vạn đảo chỉ phát sóng trực tiếp 56/64 trận đấu thuộc giải vô địch thế giới trên đất Qatar. 8 trận còn lại (8 trận lượt cuối cùng vòng bảng đá cùng giờ), họ phát sóng theo hình thức người hâm mộ muốn xem phải trả tiền, với mức giá 5,11 euro/trận (khoảng 126.000 đồng/trận)

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 2
Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 3
Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 4

Đến nay, chỉ có Việt Nam và Campuchia là 2 quốc gia tại Đông Nam Á sở hữu quyền phát sóng trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu thuộc giải đấu này, trên lãnh thổ từng nước.

Cũng tính đến thời điểm hiện tại, mức giá bản quyền truyền thông World Cup 2022 tại Việt Nam chỉ đứng thứ 4 ở Đông Nam Á, sau Indonesia, Philippines và Singapore.

Philippines mua gói bản quyền truyền thông World Cup từ đại lý của FIFA với mức 34,7 triệu euro (hơn 855 tỷ đồng), Singapore mua gói phát sóng với giá gần 17,87 triệu euro (hơn 440 tỷ đồng).

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 5
Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 6

Điều đáng chú ý tiếp theo, Singapore và Philippines không phát rộng rãi cho người dân nước mình trên hệ thống truyền hình quốc gia, mà phát theo hình thức xem trận nào trả tiền trận đó.

Bản quyền World Cup 2022 tại Singapore chỉ phát trực tiếp 9 trận, gồm 6 trận đầu tiên vòng bảng, 2 trận bán kết và trận chung kết. Còn lại, những trận khác, người hâm mộ đảo quốc sư tử muốn xem phải trả phí 84,42 euro/trận (gần 2,1 triệu đồng/trận), là mức phí xem từng trận đắt đỏ nhất Đông Nam Á.

Về phía Philippines, hình paper-view (xem - trả tiền) của quốc gia này có giá 34,67 euro/trận 9 (khoảng 855.000 đồng/trận).

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 7
Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 8

Trong nhóm 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á (gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Malaysia), Malaysia là quốc gia hiện sở hữu bản quyền truyền thông World Cup 2022 với mức giá rẻ nhất: Gần 7 triệu euro (hơn 172 tỷ đồng), bằng một nửa giá bản quyền tại Việt Nam.

Tuy nhiên, người dân Malaysia cũng không được xem toàn bộ 64 trận đấu thuộc giải vô địch bóng đá thế giới qua hệ thống truyền hình phổ cập. Nước này chỉ mua gói phát sóng trực tiếp 27 trận. Các trận còn lại họ bán cho người xem với mức giá 38,3 euro/trận (khoảng 944.000 đồng), xem thêm trận nào trả tiền trận đó.

Kỷ lục nối dài kỷ lục

Campuchia, Timor Leste và Brunei cũng là các quốc gia ở Đông Nam Á sở hữu bản quyền truyền thông World Cup 2022, nhưng không công bố giá trị cụ thể.

Như vậy, với các quốc gia đã công bố giá trị để sở hữu bản quyền truyền thông World Cup 2022 cho thấy họ đều phải trả giá đắt hơn nhiều so với các kỳ giải gần nhất.

Theo đó, con số gần 39 triệu euro mà Indonesia đã chi trả cho bản quyền World Cup năm nay vẫn chưa phải là mức giá cao nhất ở Đông Nam Á, nếu hợp đồng giữa đại lý của FIFA và Thái Lan được chốt trong ít ngày tới.

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 9

Theo lý giải của một số kênh truyền thông trong khu vực, Việt Nam cũng như một vài nước Đông Nam Á rất hâm mộ bóng đá, nên FIFA càng ngày càng đẩy giá bản quyền truyền thông World Cup lên cao.

Cho đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Phát thanh truyền hình và Ủy ban viễn thông quốc gia (NBTC), cùng Tổng cục thể thao Thái Lan (SAT) - các đơn vị được chính phủ Thái Lan ủy quyền đàm phán và chi trả bản quyền truyền thông World Cup trên lãnh thổ Thái Lan - tiết lộ họ đã chuẩn bị 1,6 tỷ baht (hơn 1.000 tỷ đồng) để trả cho đối tác.

Sở dĩ xứ sở Chùa Vàng chậm trễ trong quá trình sở hữu bản quyền này, cũng vì họ phải liên tục đàm phán với phía đối tác, trước khi chốt mức giá nói trên.

Báo Matichon (Thái Lan): "Chúng ta đang bị đại lý của FIFA nâng giá bản quyền truyền thông World Cup 2022, vì họ đánh vào tâm lý bắt buộc phải có World Cup để chiều lòng người xem. Mức giá 1,6 tỷ baht đối với Thái Lan hiện được cho là quá cao, khiến cho Thái Lan đến giờ này vẫn phải thương lượng".

Con số 1,6 tỷ baht cao gấp 4 lần so với số tiền mà Thái Lan từng bỏ ra để chi cho bản quyền phát sóng World Cup 2014 ở Brazil 8 năm trước. Thái Lan cam kết với người hâm mộ bóng đá nước mình rằng họ sẽ phát sóng trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu tại World Cup 2022 trên đất Qatar, mà không thu tiền người dân, giống như gói bản quyền tại Việt Nam và Campuchia.

Dù rất đắt, nhưng xứ sở Chùa Vàng quyết tâm sở hữu bản quyền này. Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan đã ra chỉ thị cho NBTC sử dụng tiền ngân sách để mua bản quyền truyền thông World Cup 2022 trên lãnh thổ Thái Lan, mà không được đụng đến các nguồn tư nhân.

Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Thái Lan (SAT) Kongsak Yodmanee xác nhận Thái Lan chắc chắn sẽ có bản quyền trước khi giải đấu khai mạc vào ngày 20/11 tới đây. Người dân Thái Lan sẽ được xem xuyên suốt giải cho đến khi World Cup bế mạc ngày 18/12.

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 10
Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 11

Tờ Guardian của Anh tiết lộ, FIFA thu về 1,85 tỷ USD (hơn 46.000 tỷ đồng) khi bán bản quyền truyền thông của các kỳ World Cup 2018 và 2022 trên toàn cầu, tăng gần gấp đôi con số mà họ thu được cho mục đích tương tự ở 2 kỳ World Cup trước đó vào các năm 2010 và 2014.

Chi tiết cho thấy World Cup tiếp tục là "con gà đẻ trứng vàng" của FIFA. Cũng chiếu theo mức giá mà FIFA bán bản quyền cho các quốc gia có quan tâm, nền kinh tế càng lớn, người dân càng hâm mộ bóng đá thì FIFA và các đối tác của FIFA càng chào giá cao (bản quyền truyền thông World Cup tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ ba khu vực, cao hơn hẳn bản quyền tại Việt Nam).

Một ví dụ khác, bên ngoài Đông Nam Á, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, mua bản quyền phát sóng 2 kỳ World Cup 2018 và 2022 từ đối tác của FIFA với mức lên đến 156 triệu USD (khoảng 3.900 tỷ đồng, tương đương gần 2.000 tỷ đồng cho quyền phát một kỳ World Cup).

Nhiều tờ báo trong khu vực nhận định, FIFA rất biết cách đánh tâm lý của người hâm mộ và các nhà đài, bởi ở một số quốc gia, "World Cup như một món ăn tinh thần bắt buộc phải có trên truyền hình", bình luận của tờ Matichon (Thái Lan).

Bản quyền truyền thông World Cup: Cuộc đua nghìn tỷ - 12

Nội dung: Trọng Vũ

Ảnh: Hữu Khoa - Matichon