(Dân trí) - Theo giới phân tích, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, với sự đối đầu giữa 2 "cao thủ" - đương kim Tổng thống Trump và cựu Phó tổng thống Biden - có thể bị tác động lớn bởi "yếu tố Trung Quốc".
Yếu tố Trung Quốc và cuộc đối đầu giữa hai "cao thủ" Trump - Biden
Theo giới phân tích, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, với sự đối đầu giữa 2 "cao thủ" - đương kim Tổng thống Trump và cựu Phó tổng thống Biden - có thể bị tác động lớn bởi "yếu tố Trung Quốc".
Cả Tổng thống Donald Trump và đối thủ tiềm tàng - ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden - đang tung ra các màn tấn công đầu tiên liên quan tới Trung Quốc và đại dịch Covid-19 vốn có thể biến thành một "cuộc đấu quan trọng" trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, hãng tin CNN nhận định.
Ông Trump giờ đây đang nhắm vào Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 khởi phát, trong một động thái có thể là nhằm đánh lạc hướng sự chỉ trích của dư luận nhằm vào sự phản ứng chậm chạp của ông đối với cuộc khủng hoảng, vốn đã khiến hơn 48.000 người thiệt mạng tại Mỹ cho tới nay. Tuy nhiên, ông cũng bị chỉ trích khi liên tục khen ngợi cách xử lý của Chủ tịch Trung Quốc đối với đại dịch. Và ông Trump đang xem tấn công là cách thức phòng thủ tốt nhất, chỉ trích ông Biden về điều mà ông cáo buộc là hồ sơ dài về sự nhân nhượng Bắc Kinh.
Nhưng ông Biden cũng đang đáp trả với một quảng cáo gay gắt không kém, trong đó khẳng định rằng “ông Trump đã chuyển hướng sang Trung Quốc. Chính ông ta đã tin lời họ”.
Quảng cáo của ông Biden đã nhắm vào một cáo buộc gay gắt mà nhiều khả năng sẽ là tâm điểm suốt mùa thu tới - trực tiếp cáo buộc ông Trump làm mất việc làm và khiến hàng chục nhìn người thiệt mạng, và rằng ông đã khiến nước Mỹ “không được bảo vệ và chuẩn bị” trước đại dịch.
Đó là một dấu hiệu cho thấy đại dịch Covid-19 có thể định hình một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng sự chật vật của ông Trump nhằm tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng trong nước tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II nhiều khả năng sẽ quyết định vận mệnh của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Tranh cãi về Trung Quốc cũng gây tác động lớn vì nó không chỉ là về virus. Nó còn cho thấy những quan điểm, thế giới quan khác nhau và các khuynh hướng kinh tế và chính trị của hai đối thủ trong cuộc bầu cử.
Quan hệ Mỹ - Trung ảnh hưởng tới nhiều vấn đề có thể định hình nền chính trị Mỹ - thiệt hại công nghiệp tại các bang “chiến trường” bầu cử ở miền trung tây, cuộc chiến thương mại, chủ nghĩa ‘Nước Mỹ là trên hết’ của ông Trump, thách thức đối với sự ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á và quan điểm bác bỏ của ông Trump đối với biến đổi khí hậu.
Nhưng dù ai giành chiến thắng trong cuộc đối đầu chính trị vì Trung Quốc thì một điều rõ ràng là: Nó sẽ làm xấu thêm điều mà các chuyên gia gọi là mối quan hệ an ninh, ngoại giao, kinh tế quan trọng nhất thế giới.
"Canh bạc Trung Quốc" của Tổng thống Trump
Cuộc tấn công sớm của ông Trump nhằm vào ông Biden liên quan tới Trung Quốc - mặc dù có thể hiệu quả - cũng khá rủi ro vì nó cũng bộc lộ các nghĩa vụ chính trị của chính ông.
Việc ông Trump nhiều tuần ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc về cách ứng phó với đại dịch Covid-19 đã khiến ông chủ Nhà Trắng vấp phải các cáo buộc “đạo đức giả”.
“Trung Quốc đã rất nỗ lực nhằm kiểm soát virus”, ông Trump viết trên Twitter hôm 24/1, một giai đoạn mà giờ đây ông lại cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới “đồng lõa” để che giấu thông tin cùng Bắc Kinh. “Mỹ rất đánh giá cao các nỗ lực và sự minh bạch của họ. Tất cả mọi chuyện sẽ ổn. Đặc biệt, thay mặt nhân dân Mỹ, tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông Trump viết.
Chiến dịch tranh cử 2020 của ông Trump đang cố gắng biến một điểm yếu đó thành điểm mạnh, khi tấn công ông Biden với các quảng cáo trong đó nói rằng chính cựu Phó tổng thống, chứ không phải ông Trump, là người có quan điểm mềm mỏng với Bắc Kinh.
“Trung Quốc rất muốn Joe ngủ gật”, ông Trump viết trong một tweet đẩy mạnh chiến dịch tranh cử hôm 18/4. “Họ muốn lấy lại tất cả hàng tỷ USD mà họ đã trả cho Mỹ và nhiều hơn thế nhiều. Joe là một người dễ dãi, là ứng viên mơ ước của họ”.
Ông Trump xem chính sách cứng rắn với Trung Quốc là “dấu ấn” trong nhiệm kỳ tổng thống, và đã phát động chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, vốn cũng đi ngược với tinh thần ủng hộ thương mại tự do của đảng Cộng hòa và làm tăng giá các mặt hàng đối với người tiêu dùng Mỹ.
Nhưng Trung Quốc cũng lợi dụng việc Mỹ rút lui khỏi một số thỏa thuận thương mại để tăng cường ảnh hưởng, nhất là khi Mỹ rút khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà chính quyền Barack Obama coi một nỗ lực nhằm đối trọng với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Các đồng minh mạnh của ông Trump trong giới truyền thông bảo thủ đã nhấn mạnh tới các sai sót của Bắc Kinh trong đại dịch Covid-19, trong khi các hãng truyền thông khách quan hơn nhắm vào các sai lầm của ông Trump.
Ông Trump đã nêu ra một số câu hỏi về giả thuyết rằng Covid-19 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc chứ không phải một chợ động vật hoang dã. Cũng giống ông Trump, Trung Quốc cũng cố gắng đánh lạc hướng khỏi sự chỉ trích nhằm vào mình, nhưng điều này cũng khiến ông Trump có thêm cơ để "bật lại" Bắc Kinh. Ông Trump đã nắm lấy một thuyết âm mưu từ một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các binh sĩ Mỹ đưa virus tới Trung Quốc để cáo buộc Bắc Kinh hành động không đáng tin cậy.
Chỉ trích Trung Quốc là một truyền thống trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ: Ví dụ, ông Bill Clinton từng chỉ trích Tổng thống Bush “cha” vì nhẹ tay với Bắc Kinh và sau đó trên cương vị tổng thống ông đã có các bước đi quyết liệt nhằm tăng cường kinh tế của Mỹ.
Ông Trump đã biến chiến thuật trên thành một dạng nghệ thuật chính trị vào năm 2016 khi cáo buộc Trung Quốc “ăn hiếp đất nước của chúng ta”, một thông điệp hiệu quả đối với các bang chiến trường ở miền trung tây nước Mỹ vốn bị mất nhiều việc làm ra nước ngoài.
CNN bình luận, một cuộc chiến giành cử tri ở những bang như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin có thể quyết định cuộc bầu cử năm 2020 và ông Trump sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm đối đầu với Trung Quốc.
Không giống nhiều cuộc tấn công chính trị của ông Trump, sự chỉ trích của ông nhằm vào Trung Quốc có cơ sở và nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Nhiều nước trên thế giới cũng đã đặt câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc đối với sự bùng phát dịch Covid-19 và về sự minh bạnh của nước này trong việc cung cấp thông tin.
Chỉ trích Trung Quốc là một chiến thuật khác trong chiến dịch tranh cử của ông Trump - bằng cách nhấn mạnh rằng một thế lực nước ngoài đang đe dọa đời sống và văn hóa Mỹ. Nhưng điều này có thể làm gia tăng những lo ngại về làn sóng phản ứng từ người Mỹ gốc Á.
Một quảng cáo chiến dịch tranh cử mới của ông Trump đã cáo buộc ông Biden ủng hộ Trung Quốc trong khi “Trung Quốc làm tê liệt nước Mỹ”, với các hình ảnh cho thấy ông Biden nói rằng Mỹ cũng có lợi khi Trung Quốc thịnh vượng.
Một tổ chức chính trị ủng hộ ông Trump mang tên America First Action (Hành động vì nước Mỹ là trên hết) đã chỉ trích “Biden Bắc Kinh” trong một quảng cáo 10 triệu USD tại các bang chiến trường là Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.
Quảng cáo của ông Trump đã bóp méo và cắt ghép một số quan điểm của ông Biden. Nhưng nhóm của ông Trump có thể lập luận rằng ông Biden là một nhân vật kỳ cựu về quan hệ Mỹ-Trung trong thời kỳ trước, khi các tổng thống tiền nhiệm nhìn thấy cần phải kiểm soát sự lớn mạnh của Bắc Kinh để tránh đối đầu. Những người chỉ trích cách tiếp cận đó ở cả hai đảng giờ đây đều nói này chính cách tiếp cận này đã khiến Trung Quốc mạnh thêm. Và ông Trump đã đưa ra sự thay đổi quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung gần 50 năm qua.
Ông Trump cũng có thể lập luận rằng các chính quyền trước, trong đó có chính quyền Obama mà ông Biden là phó tổng thống, đã không ngăn chặn các vụ lạm dụng thương mại và đánh cắp trí tuệ của Bắc Kinh.
Ông Trump cũng có một lý khác để chĩa vào Trung Quốc. Hồi năm ngoái, ông đã kêu gọi Bắc Kinh mở một cuộc điều tra nhằm vào ông Biden và con trai ông, Hunter, cáo buộc họ nhận các khoản tiền trị giá hàng tỷ USD.
Một công ty mà ông Hunter Biden làm thành viên ban điều hành sau này được cho là đã nhận được một khoản tiền đầu tư lớn ngay sau khi ông này đến thăm Bắc Kinh cùng cha mình. Luật sư của ông Hunter đã bác bỏ điều này.
Nhưng cũng giống như khi tấn công ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton vào năm 2016, ông Trump có thể đặt ra các câu hỏi về xung đột lợi ích, bất chấp các thỏa thuận làm ăn đầy lợi nhuận của chính ông, mà ông cố gắng giấu với công chúng Mỹ bằng cách từ chối công bố hồ sơ thuế.
Ông Biden có thể "phản đòn"
CNN bình luận rằng mỗi lần ông Biden bị tấn công, ông lại có thể nêu ra một danh sách dài các lần ông Trump khen Trung Quốc về cách kiểm soát đại dịch Covid-19.
Chiến dịch của ông Biden đã phản ứng nhanh với các đòn chỉ trích gia tăng của ông Trump và cũng chất vấn Tổng thống về thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” mà theo đó Bắc Kinh nhất trí gia tăng mua các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc để đổi lại việc Mỹ ngừng đánh thuế 250 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thỏa thuận không dỡ bỏ hầu hết các mức thuế, vốn cũng làm tới người tiêu dùng Mỹ, nhưng sẽ cải thiện một số tiếp cận đối với lĩnh vực sản xuất và ngân hàng Mỹ tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các vấn đề cốt lõi như đánh cắp sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết.
“Cuộc tấn công không chính đáng của Tổng thống Trump nhằm vào ông Biden chỉ là một nỗ lực khác nhằm làm đánh lạc hướng khỏi sự thất bại của ông Trump nhằm đương đầu Trung Quốc vì người lao động Mỹ, và quan trọng hơn, là sự thất bại ngay lúc này của ông Trump nhằm chuẩn bị cho đất nước trước đại dịch Covid-19”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown, một người ủng hộ ông Biden, nói.
Cuộc bầu cử thống Mỹ 2020 dự kiến diễn ra vào ngày 3/11 sẽ chứng kiến sự đối đầu giữa đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và đối thủ Joe Biden - người cầm chắc tấm vé ứng cử tổng thống của đảng Dân chủ. Ông Trump năm nay 73 tuổi trong khi ông Biden 77 tuổi.
An Bình