DNews

Vũ khí trí tuệ nhân tạo: Tương lai của tác chiến hay mối đe dọa tiềm tàng?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sự phát triển bùng nổ của công nghệ khiến vũ khí trí tuệ nhân tạo (AI) được dự đoán sẽ trở thành tương lai của tác chiến hiện đại, nhưng cũng gây ra những lo ngại về mối đe dọa của dòng khí tài này.

Vũ khí trí tuệ nhân tạo: Tương lai của tác chiến hay mối đe dọa tiềm tàng?

Từ cuối năm ngoái, ứng dụng có tên gọi ChatGPT đã tạo ra "cơn địa chấn" khi được trình làng. Ứng dụng này được xem là một trong những đột phá của trí tuệ nhân tạo và nó đã khiến giới chuyên gia dự đoán rằng trong tương lai thế giới có thể tiếp tục chào đón những hệ thống có nhận thức như con người, hoặc thậm chí sở hữu trí thông minh "siêu phàm".

Mặt khác, một số chuyên gia về AI cảnh báo rằng nếu con người không có các biện pháp kiểm soát, sự phát triển bùng nổ về công nghệ có thể gây đe dọa tới chính nhân loại, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí.

Cuộc chạy đua phát triển vũ khí AI

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy, cây viết Michael Hirsh nhận định: "AI đang cách mạng hóa hoạt động tác chiến tương lai". Hiện có ít nhất 50 quốc gia đang nghiên cứu robot chiến trường, tích hợp AI vào các khí tài quân sự, trong đó cuộc đua của 3 "ông lớn" Nga - Mỹ - Trung đang diễn ra tương đối quyết liệt.

Cả 3 nước đều đang dồn các nguồn lực vào việc phát triển công nghệ AI trong vũ khí.

Vũ khí trí tuệ nhân tạo: Tương lai của tác chiến hay mối đe dọa tiềm tàng? - 1

Phiên bản cải tiến của F-16 Mỹ, tiêm kích VISTA, là máy bay được tích hợp phi công AI (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Mỹ trong những năm qua đã lên chiến lược về ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực trong quân đội, từ thu thập thông tin tình báo, tới điều khiển khí tài quân sự. Năm ngoái, Mỹ từng thử nghiệm cho AI điều khiển tiêm kích F-16 như một phi công, ứng dụng khả năng của trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý nhanh chóng một lượng lớn dữ liệu thu thập được để ra quyết định tấn công mục tiêu với tốc độ có thể còn nhanh hơn con người. Mỹ bắt đầu phát triển các hệ thống truy vết tên lửa đối phương tự động, có khả năng tấn công hỏa lực ngay từ khi chúng mới rời khỏi bệ phóng bằng dữ liệu thu thập từ vệ tinh, trong khi phát triển đội máy bay không người lái hùng hậu có khả năng tự tìm và tiêu diệt mục tiêu.

Vũ khí trí tuệ nhân tạo: Tương lai của tác chiến hay mối đe dọa tiềm tàng? - 2

UAV do AI điều khiển (khoanh đỏ) trong một cuộc thử nghiệm không chiến ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Trung Quốc cũng được xem là có những bước nhảy vọt nhanh chóng trong ứng dụng AI nhờ đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm cho công nghệ của tương lai. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, quốc gia tỷ dân đang theo đuổi phát triển nhiều loại vũ khí ứng dụng AI như xe tăng, tàu ngầm, tiêm kích, cường kích, máy bay ném bom, UAV. Theo nhiều chuyên gia, tham vọng của Trung Quốc là trở thành một nước đứng hàng đầu thế giới về công nghệ AI và ứng dụng AI vào công nghệ phát triển khí tài.

Tháng 3 năm nay, báo South China Morning Post dẫn thông tin từ các nhà khoa học quân sự Trung Quốc ngày 3/3 cho biết, họ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm không chiến một đấu một giữa cặp máy bay không người lái (UAV). Đây là hai UAV cánh cố định, một chiếc do phi công AI điều khiển và chiếc còn lại do con người điều khiển từ mặt đất. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trong các điều kiện thực chiến. Kết quả cho thấy phi công AI cho thấy khả năng vượt trội trong điều kiện cận chiến, liên tục lấn lướt đối phương do con người điều khiển.

Một bằng chứng cho thấy kỷ nguyên của công nghệ AI trong tác chiến đang tới rất gần chính là những diễn biến cho chiến sự Nga - Ukraine.

Theo giới quan sát, cuộc chiến kéo dài 15 tháng qua có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng, trong kỷ nguyên mới, bên nào làm chủ được công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ là bên có sức mạnh "thống trị" được thế giới. Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.

Vũ khí trí tuệ nhân tạo: Tương lai của tác chiến hay mối đe dọa tiềm tàng? - 3

Robot chiến đấu Uran-9 (Ảnh: RBTH).

Nga đang thử nghiệm robot chiến đấu Uran-9 ở Ukraine, vũ khí trông giống xe tăng với súng nòng 30mm, súng phun lửa và 4 tên lửa chống tăng. Ngoài ra, Lục quân Nga đã có kế hoạch phát triển một số loại robot chiến đấu mạnh hơn nữa, dựa trên các xe tăng uy lực T-72 và T-14 Armata. Những robot này có thể mang vũ khí hạng nặng và tự chủ tấn công mục tiêu dựa trên phần mềm đã lập trình sẵn.

Nga còn có tham vọng tăng cường tự động hóa các loại vũ khí và thiết bị thông thường do con người vận hành. Ví dụ, giống Mỹ đang làm với F-16, Nga cũng phát triển tính năng AI trên máy bay Su-57, hay còn gọi là phi công ảo, với mục tiêu có thể cho phép nó thực hiện hầu hết các nhiệm vụ mà không cần phi công người thật trong buồng lái. Ngay cả những chiếc xe tăng kiểu cũ cũng được tự động hóa và điều khiển từ xa.

Ngoài ra, trong cuộc chiến kéo dài hơn 15 tháng qua, cả Nga và Ukraine đều đang sở hữu dàn máy bay không người lái hùng hậu, lên tới hàng nghìn chiếc và chúng đang thể hiện uy lực trên chiến trường khi có thể phá hủy những vũ khí hạng nặng hiện đại nhất như xe tăng chiến đấu chủ lực, tàu chiến, máy bay. Ukraine cũng có đội xuồng tự sát có khả năng tự tấn công mạnh mẽ, đe dọa tới lợi thế của hạm đội Nga ở khu vực Biển Đen.

Zachary Kallenborn, nhà phân tích tại Đại học George Mason, cho biết: "Nhiều nước đang phát triển công nghệ AI. Rõ ràng, nó không phải là một loại vũ khí quá khó để chế tạo".

Chuyên gia quân sự Douglas Shaw nhận định: "Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng ra một tương lai trong đó máy bay không người lái đông hơn số người trong lực lượng vũ trang khá nhiều.

Một ưu điểm lớn nhất của AI chính là công nghệ có thể khiến giảm thương vong trong các cuộc giao tranh. Bằng cách mở rộng đáng kể vai trò của thiết bị không người lái do AI điều khiển trong lực lượng không quân, hải quân và lục quân, mạng sống của con người có thể được bảo toàn. Hiện thời, nhiều nền quân đội đã phát triển các đội robot chiến đấu tự vận hành. Theo Asia Times, tương lai của tác chiến có thể là cuộc đối đầu của máy móc và công nghệ.

Những rủi ro tiềm tàng 

Vũ khí trí tuệ nhân tạo: Tương lai của tác chiến hay mối đe dọa tiềm tàng? - 4

Hình ảnh mô phỏng một dự án máy bay không người lái tấn công kiểu bầy đàn của Mỹ (Ảnh: DARPA).

Với sự phát triển mạnh như vũ bão của AI, các chuyên gia tỏ ra lo ngại về mối đe dọa của nó gây ra đối với nhân loại.

Thứ nhất, theo Foreign Policy, các phần mềm AI có thể giúp các cường quốc ra quyết định nhanh chóng hơn, trong vài phút, thay vì vài giờ hoặc vài ngày như hiện tại, nhờ khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ nhanh chóng. Đây là điều được xem khá rủi ro, nhất là khi các nước này nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân. Chuyên gia Herbert Lin từ Đại học Stanford cảnh báo, việc phụ thuộc vào dữ liệu từ AI để đưa ra quyết định do trí tuệ nhân tạo tính toán nhanh hơn rất nhiều con người có thể khiến nguy cơ xung đột bùng phát lớn hơn.

Một mối lo ngại khác là công nghệ AI tiên tiến có thể cho phép những kẻ xấu như đối tượng khủng bố có được kiến thức và công nghệ trong việc chế tạo vũ khí gây chết người. Mặt khác, thông tin do AI cung cấp có thể bị vũ khí hóa một cách tiêu cực gây ảnh hưởng tới nhân loại. Ví dụ, kẻ xấu có thể dùng thông tin giả mạo để khiến AI đưa ra khuyến nghị sai lầm tới những người có quyền ra quyết định, gây ra rủi ro lớn.

Rõ ràng là một cuộc chạy đua vũ trang liên quan tới AI đang diễn ra và việc ngăn chặn nó không mấy dễ dàng. Trong một bức thư ngỏ vào cuối tháng 3, hơn 2.000 nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ, bao gồm cả tỷ phú Elon Musk, đã kêu gọi các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới tạm dừng đào tạo các mô hình AI mới nhất vì lo ngại rằng chúng có thể dẫn đến thảm họa cho con người.

"Chúng ta phải tự hỏi rằng, chúng ta có nên phát triển những bộ óc phi nhân loại mà cuối cùng có thể đông đảo hơn, thông minh hơn và thay thế chúng ta không? Chúng ta có nên mạo hiểm và có thể dẫn tới kết cục mất kiểm soát nền văn minh của mình không?", bức thư ngỏ viết.

Mặt khác, về lý thuyết, AI trên vũ khí không người lái có thể nhận ra các mục tiêu trên chiến trường. Nhưng vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu, ví dụ dân thường, hay không. Lo ngại này là có cơ sở trong bối cảnh các hoạt động tác chiến mạng, tấn công trực tuyến đang diễn ra với tần suất ngày càng lớn. Máy móc có thể có trí thông minh trong việc tính toán, nhưng thiếu đi cảm xúc, tri giác cần thiết khi đưa ra những quyết định quan trọng như con người. Chúng có thể thông minh hơn, nhưng đặt quyền ra quyết định vào máy móc và phần mềm có thể gây ra những hậu quả ngược khi chúng trở nên không còn có thể kiểm soát.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí với AI?

Vũ khí trí tuệ nhân tạo: Tương lai của tác chiến hay mối đe dọa tiềm tàng? - 5

Các chuyên gia kêu gọi một cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn sự phát triển của AI để tận dụng lợi ích hơn là gây ra mối đe dọa cho chính nhân loại (Ảnh minh họa: Asia Times).

Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 2, tổ chức Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ) cho biết AI và các công nghệ mới khác, như tên lửa siêu vượt âm, có thể "xóa mờ sự khác biệt giữa một cuộc tấn công thông thường và hạt nhân".

Báo cáo nói rằng cuộc cạnh tranh để "phát triển các công nghệ mới nổi cho mục đích quân sự đã tăng tốc với tốc độ nhanh hơn nhiều so với nỗ lực đánh giá những mối nguy hiểm mà chúng gây ra và những giới hạn trong việc sử dụng. Do đó, điều cần thiết là phải làm chậm tốc độ vũ khí hóa các công nghệ này, cân nhắc cẩn thận các rủi ro khi làm như vậy và áp dụng các hạn chế có ý nghĩa đối với việc sử dụng chúng cho mục đích quân sự".

Các chuyên gia nhận định, việc cố gắng hạn chế sự phát triển của AI là không hợp lý và có thể phản tác dụng. Tuy nhiên, con người cần bắt đầu cân nhắc tới mối đe dọa phát sinh khi các hệ thống AI tham gia vào hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của con người, đặc biệt trong công nghệ vũ khí. 

Trong thời gian qua, một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã bắt đầu hệ thống hóa các quy định về kiểm soát các vũ khí sát thương nhằm ngăn việc vũ khí gây chết người có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người.

Các chuyên gia cũng nhận định, giống vũ khí hạt nhân, các nước lớn giờ đây có thể cần phải tính toán tới hiệp ước kiểm soát vũ khí đối với khí tài sử dụng AI như "bộ não". Các cơ chế kiểm soát, thanh sát minh bạch cùng các quy định với giới hạn được đặt ra rõ ràng có thể giúp con người tận dụng những ưu điểm của AI, đồng thời giảm thiểu rủi ro các vũ khí thông minh trở nên mất kiểm soát và gây nguy hiểm cho chính nhân loại.

Đức Hoàng

Theo Foreign Policy, Asia Times, TNSR