1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trí tuệ nhân tạo Trung Quốc hé lộ bước ngoặt cuộc chiến vũ khí siêu thanh

Quỳnh Diễm

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu của Trung Quốc cho biết, công nghệ trí tuệ nhân tạo của nước này đã mô phỏng thành công một trận không chiến của máy bay siêu thanh với tốc độ Mach 11 (gấp 11 lần tốc độ âm thanh).

Trí tuệ nhân tạo Trung Quốc hé lộ bước ngoặt cuộc chiến vũ khí siêu thanh - 1

Một máy bay (Ảnh minh họa: Weibo).

Theo SCMP, trong trận giao tranh mô phỏng, máy bay siêu thanh chạm trán với một máy bay chiến đấu đang bay với tốc độ Mach 1.3, gần bằng tốc độ tối đa của chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ.

Phi công của máy bay siêu thanh được lệnh bắn hạ đối phương.

Nếu dựa trên kết quả mô phỏng trước đó, phi công bay thẳng về phía mục tiêu. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của trí tuệ nhân tạo (AI), phi công đã bay đến một vị trí bất ngờ, vượt máy bay địch khoảng 30km và khai hỏa.

Theo mô phỏng của máy tính, tên lửa đã bắn trúng máy bay địch với tốc độ lên đến Mach 11, kết thúc trận không chiến chưa đến 8 giây. 

Nhóm nghiên cứu của Phó giáo sư Liu Yanbin tại Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh cho biết cách tiếp cận phản trực giác này mang lại tầm sát thương xa nhất với rủi ro thấp nhất cho phi công. 

Các nhà nghiên cứu đã mô phỏng trận chiến ở tốc độ từ Mach 5 đến Mach 11. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh vào tháng trước. 

Máy bay siêu thanh tái sử dụng có nhiều tiềm năng khi không chiến, bao gồm chi phí nhiệm vụ thấp, tốc độ nhanh và cơ động cao. Tuy nhiên, hệ thống điều khiển hỏa lực vẫn chưa được phát triển cho máy bay ở tốc độ siêu thanh từ Mach 5 trở lên.

Máy bay siêu thanh yêu cầu thời gian phản ứng nhanh và đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống điều khiển hỏa lực. Hệ thống này phải có khả năng thực hiện các tính toán cực kỳ chính xác. 

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, AI có thể được sử dụng trong máy bay siêu thanh để cải thiện hiệu suất chiến đấu. 

Kết quả bất ngờ nhất của mô phỏng này là tốc độ Mach 11 và phạm vi tấn công tối đa của máy bay siêu thanh. 

Trong một trận không chiến thông thường ở tốc độ dưới Mach 5, các phi công thường cố gắng đối đầu và tránh bị theo đuôi. 

"Khi thực hiện các nhiệm vụ không chiến, máy bay siêu thanh có thể tấn công từ bên ngoài tầm chiến đấu bằng cách phóng tên lửa ở khoảng cách xa về phía trước mục tiêu", nhóm nghiên cứu cho biết thêm. 

Sau khi khai hỏa, máy bay siêu thanh sẽ nhanh chóng rời khỏi trận chiến. Khả năng tấn công nhanh từ khoảng cách xa giúp tận dụng tối đa hiệu suất bay của máy bay siêu thanh và cải thiện cơ hội sống sót của phi hành đoàn. 

"Tình hình chiến trường trên không trong tương lai ngày càng phức tạp. Các nhiệm vụ chiến đấu trở nên khó khăn hơn. Phi công cần xử lý nhanh chóng một lượng lớn thông tin và đưa ra các quyết định chiến thuật tối ưu", nhóm nghiên cứu nhận định. 

Việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong hệ thống điều khiển hỏa lực có thể cải thiện phản xạ của phi công, cũng như tốc độ phản ứng tấn công và phòng thủ của hệ thống. 

Trong các bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng AI để giúp máy bay siêu thanh phối hợp và thực hiện một cuộc tấn công đa lớp, đa nhiệm. 

"Khả năng răn đe chiến lược trong tương lai phụ thuộc vào khả năng tấn công nhanh toàn diện và  mức độ thâm nhập. Trong những năm gần đây, tất cả các cường quốc quân sự đã tăng cường nghiên cứu về máy bay chiến đấu tốc độ cao", nhóm nghiên cứu viết. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm