1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên trong lịch sử điều khiển tiêm kích Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử để trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành phi công trên tiêm kích F-16, một bước tiến lớn có thể ảnh hưởng tới tác chiến trong tương lai.

Trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên trong lịch sử điều khiển tiêm kích Mỹ - 1

Phiên bản cải tiến của F-16, tiêm kích VISTA, bay trên bầu trời California tháng 8/2022 (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) thông báo, một máy bay chiến đấu F-16 của nước này đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm do AI điều khiển lần đầu tiên trong lịch sử.

Không chỉ lái máy bay, AI thậm chí đã tham gia vào một cuộc diễn tập giả lập tấn công mục tiêu. Đây được xem là diễn biến đánh dấu một bước đột phá quan trọng của ngành quốc phòng Mỹ trong việc phát triển các năng lực liên quan tới AI trong hoạt động tác chiến tương lai.

Cùng với phi công là người thật trong buồng lái, 2 chương trình AI đã điều khiển chiếc tiêm kích F-16 thực hiện 12 cuộc thử nghiệm hồi tháng 12 năm ngoái ở căn cứ Edwards, bang California.

Chiếc tiêm kích tham gia thử nghiệm là F-16 hai chỗ ngồi được chỉnh sửa, với tên gọi "VISTA", theo DARPA. VISTA được cải tiến để AI có thể điều khiển nó. Ngoài ra, máy bay này cũng có thể bắt chước các đặc tính của các dòng máy bay khác nhau, bao gồm F-16 và máy bay không người lái MQ-20, nhằm phục vụ hoạt động huấn luyện và thử nghiệm.

Một thông cáo báo chí do DARPA công bố có nội dung: "Trong vòng chưa đầy 3 năm, các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển theo chương trình Nâng cấp Không chiến (ACE) của DARPA đã đạt bước tiến từ việc điều khiển những chiếc F-16 mô phỏng trên màn hình máy tính sang điều khiển một chiếc F-16 chiến đấu ngoài đời thực".

DARPA kết luận, công nghệ AI của Mỹ có thể điều khiển một máy bay chiến đấu trên thực tế.

Chuyến bay thử nghiệm thành công là một bước đột phá đối với chương trình ACE của DARPA, vốn bắt đầu từ năm 2019 dựa trên ý tưởng con người có thể hợp tác với máy móc trong không chiến. Lầu Năm Góc đang tích hợp AI vào hơn 600 dự án, bao gồm cả ACE, để tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia.

Nó cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong công nghệ quốc phòng hiện đại và có thể tạo ra bước ngoặt khi tích hợp AI với hoạt động tác chiến trong tương lai.

Theo Eurasian Times