DNews

Vì sao Ukraine gặp khó với "bức tường thép" phòng thủ của Nga?

Minh Phương

(Dân trí) - Chiến dịch phản công của Ukraine đang diễn tiến chậm hơn so với kỳ vọng do "bức tường thép" phòng thủ mà Nga đã kỳ công dựng lên trong nhiều tháng.

Vì sao Ukraine gặp khó với "bức tường thép" phòng thủ của Nga?

Một đoàn xe bọc thép Bradley lao ầm ầm về phía trước, chở đầy binh lính Ukraine, mang vũ khí mới và đầy uy lực của Mỹ đến mặt trận phía nam.

Tuy nhiên, một chiếc đã đè trúng mìn. Vụ nổ thổi bay một trong những bánh xích của chiếc xe bọc thép này, khiến nó bất động. Toàn bộ đội hình phải chuyển hướng, rút lui.

Ba tuần kể từ khi bắt đầu chiến dịch phản công vốn được chờ đợi từ lâu, quân đội Ukraine đang gặp phải một loạt thách thức khiến kế hoạch của họ trở nên phức tạp ngay cả khi họ sử dụng những vũ khí tinh vi mới do phương Tây viện trợ.

Các chuyên gia quân sự tin rằng, cuộc tấn công phía nam có thể quyết định số phận của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Phần lớn lãnh thổ Ukraine là thảo nguyên và rừng rậm, nhưng phía nam đặc biệt bằng phẳng khiến việc tiến quân trở nên nguy hiểm hơn.

Giới chức trách Ukraine cho biết, cuộc phản công đang diễn ra theo kế hoạch, mặc dù rõ ràng các phương tiện của Ukraine, bao gồm cả xe tăng phương Tây mới cung cấp và xe bọc thép chở quân, đều bị hư hại và phá hủy. Lực lượng của Kiev đã giành lại một số ngôi làng nhỏ, nhưng thương vong của họ đang tăng.

Theo một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, lực lượng Ukraine ở một số địa điểm dọc theo chiến tuyến đang tạm dừng tấn công để đánh giá lại chiến thuật nào hiệu quả nhất.

Sự kháng cự quyết liệt của Nga đã gây thiệt hại cho vũ khí của Ukraine. Mỹ đã giao 113 xe chiến đấu Bradley vào tháng 3 năm nay. Vị quan chức này cho biết, ít nhất 17 chiếc, tức hơn 15%, đã bị hư hại hoặc phá hủy trong cuộc giao tranh kể từ khi Kiev bắt đầu phản công.

Những trở ngại này đã biến giai đoạn đầu của cuộc phản công thành một cuộc chiến chậm chạp và đẫm máu. Đến nay, lực lượng Ukraine chỉ tiến công được tối đa hơn 6km, chưa đạt một nửa quãng đường mà họ cần phải vượt qua để đến được các vị trí phòng thủ chính của Nga.

Giống một số binh sĩ khác, Yevhen, một binh nhì thuộc đơn vị cảnh sát bán quân sự của Ukraine, mô tả: "Họ đã đào hào rất sâu, họ đặt mìn, họ đã sẵn sàng chiến đấu. Rất khó khăn, nhưng không còn lựa chọn nào khác".

Vì sao Ukraine gặp khó với bức tường thép phòng thủ của Nga? - 1

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Nga gây trở ngại cho chiến dịch phản công của Ukraine (Đồ họa: New York Times).

Hệ thống phòng thủ chính của Nga nằm cách hàng chục km phía sau lãnh thổ được bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là thách thức lớn nhất mà Ukraine cần vượt qua. Vì vậy, chiến lược của Ukraine là thăm dò, tấn công vào nhiều địa điểm để tìm ra điểm yếu trong phòng thủ.

Thành công của Ukraine giờ đây phụ thuộc vào số lượng xe tăng, xe bọc thép và binh sĩ mà nước này có thể bảo toàn trước khi tiếp cận tuyến phòng thủ chính.

"Quan trọng là đến khi đó họ sẽ còn bao nhiêu nguồn lực", Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại CNA (Virginia), nhận định.

Tại hai trong ba điểm tấn công, gồm phía nam thị trấn Velyka Novosilka và thành phố Zaporizhia, Ukraine tiến công dần dần và giành lại tổng cộng 8 ngôi làng. Ở vị trí thứ ba, phía nam thị trấn Orikhiv, nơi chiếc Bradley trúng mìn, cuộc tấn công dường như bị đình trệ trên các cánh đồng.

Đáng chú ý, Ukraine có bước tiến ở hai địa điểm mà quân đội được cung cấp ít vũ khí mới của phương Tây hơn, trong khi bị đình trệ ở nơi có những vũ khí mới tinh vi nhất, gồm xe bọc thép Bradleys của Mỹ và xe tăng Leopard 2 của Đức.

Không rõ liệu đó có phải là do vũ khí phương Tây được triển khai có chủ ý ở những khu vực mà Nga có hệ thống phòng thủ vững chắc hơn hay không. Tuy nhiên, những người lính chiến đấu trong khu vực này cho biết, các yếu tố địa phương có thể là lời giải thích cho việc này.

Trên những cánh đồng nông trại rộng lớn ở miền nam Ukraine, những người lính chiến đấu ngoài mặt trận hoặc phụ trách hỗ trợ sơ tán y tế cho biết, họ hiểu chiến lược thăm dò của Kiev và cũng hiểu được hệ thống phòng thủ của Nga kiên cố tới mức nào.

"BỨC TƯỜNG THÉP" PHÒNG THỦ CỦA NGA

Cả Ukraine và phương Tây đều thừa nhận Nga đã xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố gồm nhiều lớp. Các đội hình của Moscow cũng đã cải thiện chiến thuật của họ kể từ đầu cuộc chiến.

Cuộc nổi loạn ngắn ngủi của nhóm quân sự tư nhân Wagner cuối tháng 6 cũng không có tác động ngay lập tức đến tiền tuyến ở miền nam Ukraine. Thực tế, không một binh sĩ Nga nào rời vị trí để trở về nước trong thời gian xảy ra vụ nổi loạn.

Các chuyên gia đã "bóc tách" chi tiết các lớp phòng thủ của Nga gồm địa thế tự nhiên, mạng lưới công sự dày đặc, những bãi mìn.

Những cánh đồng trống 

Vì sao Ukraine gặp khó với bức tường thép phòng thủ của Nga? - 2

Nga biến những cánh đồng mở trở thành bẫy mìn đối với lực lượng tiến công của Ukraine (Đồ họa: New York Times).

Địa hình ở khu vực đông nam Ukraine chủ yếu bằng phẳng với những cánh đồng rộng lớn, trái với những ngọn đồi thoai thoải ở Donbass hoặc rừng rậm ở miền Bắc. Điều này khiến quân đội Ukraine không có chỗ trú ẩn.

Những cánh đồng bằng phẳng, mở ở miền Nam Ukraine rõ ràng là địa hình tối ưu cho bên phòng thủ. Các loại cây trồng như lúa mì, ngô và hoa hướng dương khó có thể che chắn cho bộ binh Ukraine so với quân đội Nga được bố trí trong các hàng cây liền kề. Chúng gần như không thể ngăn chặn mảnh đạn và súng trường.

Lúc này, lực lượng Ukraine phải dùng tới những phương tiện cồng kềnh với vũ khí hạng nặng cần thiết, như xe tăng và xe bọc thép chở quân, mới hy vọng đánh bật lực lượng Nga khỏi vị trí của họ. Tuy nhiên, những phương tiện đó dễ bị phát hiện bởi kích thước và tiếng ồn lớn.

Ngoài những bãi đất trống, các trận pháo kích dữ dội đến mức một phi công lái máy bay không người lái thường xuyên bay qua khu vực này cho biết chiến trường trông giống miếng pho mát Thụy Sĩ.

Hàng cây rậm rạp

Vì sao Ukraine gặp khó với bức tường thép phòng thủ của Nga? - 3

Trong khi cánh đồng mở gây bất lợi cho đà tiến công của Ukraine, những hàng cây rậm rạp là lợi thế cho phòng thủ của Nga (Đồ họa: New York Times).

Những hàng cây bao quanh các cánh đồng ở miền Nam Ukraine là điểm phòng thủ tự nhiên. Vào mùa hè, tán lá phát triển rất tốt, tạo lớp ngụy trang cho hệ thống phòng thủ của Nga trước các thiết bị quan sát từ trên không.

Dưới tán lá rậm rạp, người Nga có thể che giấu xe tăng, tổ đội tên lửa chống tăng và các đơn vị bộ binh. Xa tiền tuyến hơn một chút, pháo binh và phòng không cũng có thể được bố trí giữa các rặng cây xanh. Sự kết hợp này đủ để ngăn chặn hoặc làm trì hoãn bước tiến của Ukraine, vì vậy, họ phải khai pháo trước bất kỳ một cuộc tấn công nào nhằm xác định điểm phòng thủ của Nga.

Trong suốt cuộc chiến, một thực tế thường thấy là, bắn phá những điểm phòng thủ này chỉ đơn giản là phá hủy cây cối và bụi rậm, để lộ boongke và chiến hào của đối phương bên dưới.

Các rặng cây cũng là trở ngại cho hệ thống phòng không. Lực lượng phi công trực thăng Nga được đào tạo bài bản để có thể bay ngang tầm cây, tự bảo vệ trước tên lửa phòng không tầm ngắn trước khi phóng lên và nã đạn vào quân đội Ukraine.

Mạng lưới công sự dày đặc

Vì sao Ukraine gặp khó với bức tường thép phòng thủ của Nga? - 4

Nga xây dựng mạng lưới công sự dày đặc (Đồ họa: New York Times).

Trong hơn một năm để chuẩn bị đối phó với cuộc phản công của Ukraine ở miền Nam, Nga đã có nhiều thời gian để xây dựng một mạng lưới công sự dày đặc. Theo quân đội Ukraine, các chiến hào của Nga thường được xây dựng kỹ lưỡng và sâu, giúp bảo vệ lực lượng ở bên trong khỏi hỏa lực pháo binh.

Thông thường, quân đội của cả hai bên sẽ che giấu đỉnh chiến hào bằng cành cây và khúc gỗ, vì vậy đội hình tiến công sẽ không thể nhìn thấy chúng cho đến khi tiếp cận ở cự ly rất gần.

Tuy nhiên, chiến hào là nơi thấp trũng cũng có thể trở thành nhược điểm đối với bên phòng thủ. Nếu không có sự liên lạc thích hợp giữa các công sự liền kề, chúng có thể dễ dàng bị đánh úp hoặc vượt qua. Video gần đây do một đơn vị đặc nhiệm của Ukraine đăng tải cho thấy một nhóm nhỏ binh sĩ xâm nhập vào chiến hào của Nga mà họ không hề hay biết.

Khu dân cư

Vì sao Ukraine gặp khó với bức tường thép phòng thủ của Nga? - 5

Các khu dân cư có lợi cho thế phòng thủ của Nga (Đồ họa: New York Times).

Xen kẽ giữa các cánh đồng và hàng cây là những ngôi làng và thị trấn nhỏ ở nông thôn. Đây là một chướng ngại vật khác sẽ làm chậm bất kỳ cuộc tấn công nào. Khu dân cư thường được xây dựng dọc theo các địa hình quan trọng, chẳng hạn như sông, rừng.

Các tòa nhà hai và ba tầng là nơi những đơn vị Nga có thể đặt điểm quan sát quan trọng. Chúng có thể che chắn cho các phương tiện khỏi hỏa lực pháo binh. Đường xá ở nông thôn cũng là những điểm án ngữ tự nhiên có thể dùng để đặt mìn, máy móc và bố trí các khẩu đội tên lửa chống tăng.

Trong các chiến dịch trước đó ở miền Đông Ukraine, những ngôi làng nhỏ gần như bị phá hủy hoàn toàn do hai bên tìm cách đảm bảo rằng lực lượng phòng thủ của đối phương còn lại rất ít vũ khí. Quét sạch các ngôi làng của đối phương là một nhiệm vụ tốn thời gian và nguy hiểm vì phía quân đội đang rút lui thường gài bẫy ở các tòa nhà.

Cho đến nay, Ukraine đã cố gắng giành lại một số ngôi làng trong cuộc phản công. Tuy nhiên, hiện không rõ liệu lực lượng Ukraine có đủ nguồn lực để chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga xung quanh những khu định cư lớn hơn như Tokmak hay không.

Bẫy mìn khắp nơi

Một trong những vũ khí quan trọng mà Nga sử dụng để đối phó với cuộc phản công của Ukraine là những bãi mìn rộng lớn. Chúng được sử dụng để bảo vệ tuyến phòng thủ của Nga, tạo thành một chiến trường chết chóc đối với quân đội Ukraine đang tiến công trên thảo nguyên rộng lớn ở miền Nam. Để giành lại lãnh thổ, tổ hợp xe bọc thép và bộ binh của Ukraine sẽ cần phải đi qua các tuyến đường mà Nga đã đặt bãi mìn.

"Mìn gài khắp nơi", Trung úy Ashot Arutiunian, chỉ huy đơn vị máy bay không người lái của Ukraine, nói. Ông từng chứng kiến qua video cảnh quả mìn phát nổ bên dưới xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine thiết bị rà phá bom mìn, bao gồm cả thuốc nổ có thể giúp dọn một làn đường thông thoáng xuyên qua bãi mìn. Tuy nhiên, ngay cả với thiết bị này, nhiệm vụ đó vẫn rất khó khăn. Các đoạn video được công bố từ những ngày đầu của cuộc phản công cho thấy, máy ủi dọn mìn bị đình trệ và các phương tiện bọc thép của Ukraine bị phá hủy.

Khi lực lượng Ukraine và các kỹ sư của họ rà phá bom mìn nhằm đưa đồng đội tiến lên, họ sẽ phải hứng chịu hỏa lực từ pháo binh, xe tăng và trong một số trường hợp là trực thăng.

Không chỉ đặt các bãi mìn lớn với số lượng ngày càng nhiều, mà quân đội Nga còn rất thành thạo trong việc thiết lập lại một số bãi mìn đã bị Ukraine dọn sạch bằng thiết bị do phương Tây cung cấp, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết.

TƯƠNG LAI CHIẾN DỊCH PHẢN CÔNG CỦA UKRAINE

Ukraine đang tìm cách chia cắt lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía nam thành hai khu vực, cắt đứt đường tiếp tế tới bán đảo Crimea và tạo bàn đạp cho những bước tiến xa hơn. Để làm như vậy, họ phải tiến về phía nam gần 100km tính từ tiền tuyến cũ, nơi Ukraine đã ngăn bước tiến của Nga vào tháng 3/2022, tới Biển Azov.

Kiev đã dành nhiều tháng để tích trữ những loại vũ khí mạnh mẽ của phương Tây và huấn luyện hàng chục nghìn binh sĩ cho cuộc phản công. Tuy nhiên, Nga cũng có thời gian để chuẩn bị mạng lưới công trình phòng thủ dày đặc, giúp cải thiện đáng kể khả năng giữ vững vị trí của mình.

Cho đến nay, những thành tựu mà Ukraine đạt được vẫn còn khiêm tốn, so với mục tiêu quân sự tổng thể là cắt đứt cây cầu trên đất liền nối giữa miền tây nước Nga và Crimea do Nga kiểm soát.

Mặc dù các nhà phân tích quân sự cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về tiến độ cuộc phản công, nhưng các nhà lãnh đạo Ukraine đang cố gắng giảm bớt kỳ vọng về việc giành lại lãnh thổ nhanh chóng.

Theo các nhà phân tích quân sự, cuộc phản công có thể tiếp diễn ra trong vài tuần, thậm chí vài tháng nữa. Ukraine vẫn có các lực lượng dự bị, vì vậy còn phải xem liệu nước này có thể vượt qua nhiều trở ngại và tiến sâu hơn ở phía nam hay không.

Theo New York Times, Washington Post, Reuters