DNews

Nga dựng thành lũy, tung chiến thuật chặn đà phản công của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đã triển khai các chiến thuật khác nhau, đồng thời sử dụng nhiều vũ khí và thiết bị để đối phó chiến dịch phản công của Ukraine, trong bối cảnh Kiev liên tục nhận viện trợ quân sự từ phương Tây.

Nga dựng thành lũy, tung chiến thuật chặn đà phản công của Ukraine

Quân đội Ukraine đang thăm dò hệ thống phòng thủ của Nga khi hai bên sắp bước sang mùa hè giao tranh thứ hai và Kiev mở chiến dịch phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát.

Các nhà phân tích cho rằng Nga đã rút ra được bài học từ những sai lầm trong 16 tháng xung đột, đồng thời cải thiện vũ khí cũng như chiến thuật của mình để đối phó với lực lượng Ukraine vốn được phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ.

Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố dọc theo chiến tuyến dài 1.000km, cải tiến vũ khí điện tử để giảm bớt lợi thế của Ukraine về máy bay không người lái (UAV) chiến đấu và biến những quả bom hạng nặng từ kho vũ khí khổng lồ thời Chiến tranh Lạnh của nước này thành đạn dẫn đường chính xác, có khả năng tấn công các mục tiêu mà không gây nguy hiểm cho các máy bay chiến đấu của Moscow.

Chiến thuật thay đổi của Nga cùng với việc tăng quân số và cải tiến vũ khí có thể khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc giành được bất kỳ chiến thắng nhanh chóng mang tính quyết định nào, thậm chí có nguy cơ biến cuộc xung đột thành một trận chiến tiêu hao kéo dài.

Nga dựng thành lũy, tung chiến thuật chặn đà phản công của Ukraine - 1

Binh sĩ Nga chiến đấu ở Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Richard Barrons, một vị tướng đã nghỉ hưu, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên quân Anh, cho biết quân đội Nga đã xây dựng các tuyến phòng thủ kiên cố và điều chỉnh chiến thuật sau cuộc rút lui vội vã khỏi các khu vực rộng lớn ở Kharkov và Kherson vào mùa thu năm ngoái sau cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine.

Ông Barrons nhận định, năng lực của Nga đã được cải thiện trong cả việc đối phó và sử dụng máy bay không người lái, đồng thời lưu ý rằng Moscow đã học cách bảo vệ các cơ sở quan trọng như sở chỉ huy và kho đạn ngoài tầm bắn của pháo binh Ukraine.

Theo ông Barrons, Nga đã triển khai thêm quân để bảo vệ các phòng tuyến trải dài, mặc dù nhiều binh sĩ có thể chưa được huấn luyện bài bản. Trước đó, vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, các đoàn xe quân sự của Nga trải dài hàng km đã trở thành mục tiêu dễ dàng cho pháo binh và máy bay không người lái của Ukraine.

Đây từng được xem là một điểm yếu lớn của Nga. Tuy nhiên sau đó, Nga đã dồn quân để bảo vệ phần lớn lãnh thổ mà họ giành quyền kiểm soát tại Ukraine. Vào tháng 5, Nga tuyên bố kiểm soát thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine sau trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra.

Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho rằng Nga vẫn duy trì lợi thế về quân số và vũ khí, bất chấp mọi điểm yếu.

Ông Zhdanov cho biết, trong bối cảnh Nga ngày càng khai thác nhiều kho vũ khí thời Chiến tranh Lạnh, việc triển khai các xe tăng từ thập niên 1950 để bổ sung cho những tổn thất lớn trong giai đoạn đầu xung đột, những vũ khí cũ như vậy vẫn có thể hoạt động tốt.

"Không quan trọng họ có xe tăng loại nào. Họ có hàng nghìn chiếc", ông Zhdanov nói, đồng thời cho biết Nga đã sử dụng nhiều loại xe tăng làm vũ khí cố định trong các tuyến phòng thủ, bao gồm ở khu vực Zaporizhzhia - nơi xe tăng đã phát huy hiệu quả.

Chuyên gia Zhdanov cũng thừa nhận thành công của Nga trong việc tấn công các kho quân sự của Ukraine. Ông cho biết Nga ngày càng sử dụng nhiều máy bay không người lái và tác chiến điện tử cải tiến để gây nhiễu cho phía Ukraine.

Theo ông Zhdanov, Nga đã ngừng sử dụng các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn mà họ từng triển khai trong giai đoạn đầu xung đột và chuyển sang các đơn vị nhỏ hơn. Mặc dù lực lượng không quân Nga hoạt động với số lượng tương đối nhỏ, nhưng họ đã hiện đại hóa kho bom để biến chúng thành bom lượn và phát huy hiệu quả của vũ khí này.

Những quả bom nặng 500kg được điều chỉnh bằng mô-đun GPS có thể gây sát thương lớn. Các blogger quân sự Nga ca ngợi sức mạnh của bom lượn và khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 70km.

Những chuyển đổi này cho phép lực lượng không quân Nga tăng cường các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Ukraine mà không gây nguy hiểm cho các máy bay chiến đấu của họ.

Nga dựng thành lũy, tung chiến thuật chặn đà phản công của Ukraine - 2

Bản đồ chiến sự Ukraine tính đến tháng 6/2023 (Ảnh: WSJ).

Viện RUSI, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London tập trung vào các vấn đề quốc phòng và an ninh, đã xếp bom lượn cùng nhóm với những cải tiến khác về vũ khí và chiến thuật của Nga.

"Mặc dù chúng chỉ có độ chính xác hạn chế, nhưng kích thước của những loại đạn này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng", RUSI nhận định trong một báo cáo gần đây, đồng thời cho biết Nga đang nỗ lực cải thiện độ chính xác của loại vũ khí này.

Theo báo cáo của RUSI, các kỹ sư Nga đã thể hiện năng lực trong việc xây dựng các công sự dã chiến và các chướng ngại vật phức tạp dọc theo chiến tuyến, bao gồm các chiến hào và hầm chỉ huy được gia cố bằng bê tông, hệ thống dây điện chằng chịt, mương, rào cản chống tăng hoặc "răng rồng" và các bãi mìn phức tạp.

Báo cáo của RUSI cho rằng, việc bố trí rộng rãi các loại mìn tinh vi để chống lại xe tăng và bộ binh đã đặt ra "một thách thức chiến thuật lớn đối với các hoạt động tấn công của Ukraine".

Những cải tiến khác của Nga được ghi nhận trong báo cáo của RUSI còn bao gồm khả năng ngụy trang nhiệt tốt hơn cho xe tăng, triển khai pháo nhanh hơn vào nhiều vị trí, bao gồm tích hợp với máy bay không người lái để tránh tổn thất và tấn công pháo binh Ukraine bằng đạn bay lảng vảng - máy bay không người lái bay lơ lửng cho đến khi chúng phát hiện và tấn công mục tiêu.

Báo cáo của RUSI nhận định, hỏa lực của Nga là "thách thức lớn nhất đối với các chiến dịch phản công của Ukraine".

Các hệ thống tác chiến điện tử cải tiến của Nga đã phá hủy khoảng 10.000 máy bay không người lái của Ukraine mỗi tháng, trong khi chúng cũng có thể chặn và giải mã các thông tin liên lạc chiến thuật của Ukraine theo thời gian thực.

Vũ khí của Nga cũng "học cách" đánh chặn các tên lửa dẫn đường bằng GPS được bắn từ các bệ phóng do phương Tây cung cấp như HIMARS do Mỹ sản xuất. Các vũ khí của phương Tây trước đây từng khiến Nga lo ngại và gây ra thiệt hại lớn.

Theo RUSI, quân đội Nga "có thể cải thiện và phát triển việc sử dụng các hệ thống vũ khí quan trọng", nhưng lưu ý rằng Moscow có thể gặp khó khăn trong việc đối phó với những điều chỉnh nhanh chóng tương tự của Kiev. Điều này có thể khiến các đơn vị của Moscow "có thể nhanh chóng mất khả năng phối hợp".

"Cánh đồng chết" chặn đà phản công

Nga dựng thành lũy, tung chiến thuật chặn đà phản công của Ukraine - 3

Bãi mìn trở thành một trong những rào cản lớn nhất của Ukraine (Ảnh: Moscow Times).

Để đối phó với chiến dịch phản công của Ukraine, Nga đã xây dựng nhiều công sự đến mức không có đủ quân để triển khai dọc theo tất cả tuyến phòng thủ của mình. Mạng lưới chiến hào và chướng ngại vật, trong đó có các khối bê tông răng rồng, tập trung ở khu vực Zaporizhia - trục then chốt cho cuộc phản công của Ukraine.

Các bãi mìn cũng nằm rải rác khắp đông nam Ukraine.

"Họ dành nhiều tháng để tạo ra một kế hoạch phòng thủ, họ đã đào và sử dụng địa hình, họ đã ở đó trong 6 tháng để đặt những chiếc bẫy và mìn nhỏ. Họ tự tin vì có lẽ họ cảm thấy đã hiểu rõ tuyến phòng thủ của mình", Dara Massicot, một chuyên gia về quân đội Nga tại Rand Corp, cho biết.

Theo các chuyên gia quân sự, mạng lưới phòng thủ khổng lồ của Nga có những điểm yếu, song nó vẫn khiến đà phản công của Ukraine chậm lại. Các lớp phòng thủ cũng tạo ra nút thắt cổ chai, buộc quân đội Ukraine phải cố gắng đột phá trên những con đường hẹp, từ đó cho phép lực lượng Nga tập hợp lại và nhắm mục tiêu chính xác hơn.

"Có rất nhiều bãi mìn ở ngay phía trước và cách xa hàng km so với các vị trí của quân đội Nga. Nó có ở trên đường, trên cánh đồng, và chúng thực sự gây khó khăn. Rất nhiều thiết bị phá mìn của Ukraine đã bị phá hủy. Việc cố gắng cắt xuyên qua tất cả số mìn này thực sự là một thách thức lớn. Đó mới chỉ là tuyến phòng thủ đầu tiên", bà Massicot nói.

Một tháng sau khi mở chiến dịch phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, quân đội Ukraine đang gặp phải một loạt thách thức, gây khó khăn cho các kế hoạch của họ. Khó khăn đến ngay cả khi họ sử dụng các vũ khí tinh vi mới do phương Tây cung cấp.

Một trong những thách thức lớn nhất với Ukraine là những trận địa mìn rộng lớn của Nga, tạo thành những "cánh đồng chết chóc" khi lực lượng Ukraine tiến công qua khu vực này.

"Khu vực nào cũng bị gài mìn", trung úy Ashot Arutiunian, chỉ huy một đơn vị UAV của Ukraine, cho biết. Quan sát từ UAV của mình, Arutiunian có thể thấy những xe bọc thép của phương Tây phát nổ do trúng mìn và đà tiến công của đoàn xe quân sự Ukraine bị cản trở.

Ngoài các bãi mìn quy mô lớn và chiến hào trên diện rộng, các lực lượng Nga cũng thành thạo trong việc liên tục bổ sung các bãi mìn mà Ukraine đã dọn sạch bằng các thiết bị do phương Tây cung cấp. Trước hàng rào phòng thủ kiên cố của Nga, các lực lượng Ukraine ở một số khu vực dọc chiến tuyến đang tạm dừng tiến công để đánh giá lại chiến thuật và kỹ thuật rà phá mìn.

Đòn giáng từ trên không

UAV "sát thủ" Nga lao thẳng mục tiêu, đánh nổ xe tăng Ukraine (Nguồn: Sputnik).

Địa hình ở khu vực đông nam Ukraine đa phần bằng phẳng với những cánh đồng rộng, trái ngược với địa hình đồi núi ở Donbass hoặc khu vực phía bắc, nơi có nhiều rừng rậm. Do vậy, quân đội Ukraine không có nhiều chỗ trú ẩn ở khu vực này. Nga cũng mở rộng hệ thống chiến hào trong suốt nhiều tháng.

Ngoài ra, các trực thăng tấn công Ka-52 cũng thường xuyên xuất kích, thách thức hệ thống phòng không của Ukraine, làm chậm tốc độ di chuyển của đối phương, đồng thời làm hư hại hoặc phá hủy xe tăng cũng như phương tiện chiến đấu bọc thép do phương Tây cung cấp cho Kiev.

Bên cạnh hệ thống phòng thủ kiên cố, Nga còn triển khai các máy bay không người lái để đối phó chiến dịch phản công của Ukraine. Các blogger và phóng viên Nga đã đăng tải video ghi lại cảnh UAV cảm tử Lancet của Nga phá hủy thiết bị của phương Tây viện trợ cho Ukraine như xe tăng Leopard, xe chiến đấu bộ binh Bradley gần như hàng ngày trong những tuần qua.

Theo Yury Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, tình báo Kiev tin rằng Nga đã "bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào việc sản xuất các máy bay không người lái cảm tử Lancet". Các UAV Lancet của Nga có thể bay ở tầm thấp để tránh bị phát hiện, có khả năng cơ động cao và có thể lảng vảng trên không cho đến khi mục tiêu lộ diện.

Những yếu tố này khiến Lancet trở thành mối đe dọa lớn đối với pháo binh Ukraine, đặc biệt là khi Kiev không muốn sử dụng tên lửa phòng không đắt đỏ để tiêu diệt những UAV giá rẻ này.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4 với The Economist, Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, đã mô tả Lancet là "máy bay không người lái nguy hiểm nhất" đối với Ukraine và có khả năng tấn công lực lượng pháo binh nước này.

Trong những tuần gần đây, quân đội Nga đã nhiều lần tuyên bố sử dụng thành công loại UAV này để phá hủy các đội súng cối, pháo tự hành, xe tăng và các phương tiện hạng nặng khác của Ukraine.

Theo LostArmour, một dự án chuyên tổng hợp video và hình ảnh về các cuộc tấn công bằng Lancet, Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái tự sát và tổ chức ít nhất 33 cuộc tấn công trong tháng 6.

"Gần đây, chúng tôi nhận thấy thiết bị đó xuất hiện nhiều hơn. Hệ thống phản công của Nga đã được cải thiện về tốc độ đưa ra quyết định và nhắm mục tiêu vào các vị trí của Ukraine", chuyên gia Massicot nói.

Pavel Aksenov, một phóng viên về quân đội Nga, cho biết hiện nay máy bay Nga tiến hành không kích ở cự ly gần hơn, mang tính dứt điểm cao hơn so với các tháng trước. Đây là một thay đổi trong chiến thuật không quân Nga. Trước kia, các trực thăng tấn công của Nga thường chỉ khai hỏa từ xa, nên độ chính xác thấp hơn.

Trong khi đó, Ukraine thiếu sự yểm trợ trên không. Do vậy, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ các hệ thống phòng không hiện đại và cung cấp máy bay chiến đấu F-16.

Kẽ hở phòng tuyến

Nga dựng thành lũy, tung chiến thuật chặn đà phản công của Ukraine - 4

Hàng rào chống tăng được dựng tại khu vực Lugansk ở Ukraine (Ảnh: RIA FAN).

Ukraine đang tìm cách chia cắt lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía nam thành hai khu vực, cắt đứt đường tiếp tế cho bán đảo Crimea và tạo bàn đạp cho những bước tiến xa hơn. Để thực hiện kế hoạch này, họ phải tiến về phía nam khoảng gần 100km tính từ tiền tuyến cũ, nơi Ukraine đã ngăn bước tiến của Nga vào tháng 3/2022, tới Biển Azov.

Hệ thống phòng thủ chính của Nga nằm cách hàng chục km phía sau các vùng lãnh thổ được bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là những rào cản lớn nhất mà Ukraine phải vượt qua.

Chiến lược của Ukraine là thăm dò, tấn công vào nhiều khu vực để tìm ra điểm yếu trong tuyến phòng thủ của Nga. Sau nhiều tháng chuẩn bị, Nga đang tìm cách cản đà tiến của quân đội Ukraine bằng mìn, pháo, trực thăng tấn công và các cuộc tiến công trước khi Kiev có thể tìm ra lỗ hổng và đưa quân vào các vùng lãnh thổ Moscow đang kiểm soát.

Thành công của Ukraine hiện phụ thuộc vào số lượng xe tăng, xe bọc thép và binh sĩ mà họ có thể bảo toàn trước khi tiếp cận tuyến phòng thủ chính của Nga và triển khai các khí tài này vào trận chiến đột phá sau đó. Trong suốt mùa đông, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã huấn luyện và trang bị cho khoảng 40.000 binh sĩ cho chiến dịch phản công lần này.

Ukraine cũng tìm cách khai thác những điểm yếu và tận dụng lợi thế cho chiến dịch phản công. Những giờ đầu tiên của ban đêm là thời điểm tốt nhất để "săn" xe tăng Nga bằng camera hồng ngoại, vì lớp giáp kim loại cồng kềnh có thể phát sáng trong bóng tối.

"Hoàng hôn là thời điểm vàng của chúng tôi. Chúng tôi đang kiểm tra khả năng phòng thủ của họ. Các binh sĩ phát hiện ra xe tăng, sau đó gửi tọa độ cho một đội pháo binh. Tôi chưa thể gọi đó là một cuộc phản công toàn diện. Chúng tôi đang thăm dò", chỉ huy Ukraine Arutiunian cho biết.

Theo chuyên gia Massicot, Nga đang lo lắng về khả năng chiến đấu ban đêm của Ukraine trong bối cảnh họ thiếu hệ thống quang học, bao gồm thiết bị nhìn đêm ảnh nhiệt. Lợi dụng điểm yếu này của Moscow, Ukraine đang mở rộng hoạt động tấn công ban đêm dựa vào trang thiết bị do phương Tây viện trợ.

Những thiết bị đó có thể kể đến kính nhìn đêm và ống nhòm đêm, máy bay không người lái được trang bị ảnh nhiệt.

Pavel Luzin, chuyên gia quân sự tại Jamestown Foundation, nhận định tuy chiếm ưu thế về sức mạnh không quân và pháo binh, nhưng Nga "thiếu nhân lực, vũ khí, chỉ huy và cơ cấu chỉ huy bền vững, hiệu quả".

"Các đơn vị đang chiến đấu hiện nay của Nga, họ không mạnh, mà họ chỉ đang ở tình trạng ổn định. Nga đã huy động cả những lính mới đào tạo", chuyên gia Massicot nói.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự đoán nào về kết quả phản công của Ukraine vì Kiev vẫn đối mặt với bài toán chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Theo New York Times, Washington Post, Reuters