1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine phản công, Nga dùng chiến thuật "bức tường thép" ứng phó

Ngọc Huy

(Dân trí) - Để đối phó với cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine, Quân đội Nga đã áp dụng chiến thuật phòng thủ khá đặc biệt, đó là tạo ra các khu vực vùng xám rộng lớn phía trước tuyến phòng thủ chính.

Ukraine phản công, Nga dùng chiến thuật bức tường thép ứng phó - 1

Xe tăng, thiết giáp Ukraine bị Nga phá hủy hôm 24/6 (Ảnh: WM. Blood).

Thực thế chiến sự Ukraine đã chứng minh chiến thuật này của Nga hoàn toàn hợp lý, khiến đối phương, dù nỗ lực phản công lớn bất chấp thiệt hại nặng, nhưng vẫn chưa tiếp cận được tuyến phòng thủ chính.

Vậy chiến thuật vùng xám của Nga có gì đặc biệt? Và tại sao nó lại hiệu quả?

Phát huy ưu thế về hỏa lực và tác chiến cơ động

Là cường quốc quân sự, từng trải qua những trận chiến quy ước quy mô lớn với sự tham gia của hàng triệu người, Liên Xô trước đây và Nga hiện nay nằm trong số ít quốc gia có bề dầy chiến lệ và chiến thuật đa dạng, đã khẳng được hiệu quả trong thực tế với nguyên tắc chung là "vây, lấn, tấn, diệt".

Quy tắc này cũng được thể hiện trong chiến thuật vùng xám Quân đội Nga đang áp dụng tại chiến trường Ukraine.

Khi so sánh tương quan về trang bị và hỏa lực pháo binh, không quân…, Nga luôn vượt trội so với Ukraine. Tuy nhiên, để các loại hỏa lực này phát huy hiệu quả, thì cần có một không gian vùng đệm nhất định và vùng xám chính là mảnh ghép còn thiếu đó.

Các loại hỏa lực tầm xa hay không quân chiến thuật sẽ phát huy khả năng công phá tối đa với sự hỗ trợ, chỉ thị từ các thiết bị trinh sát trên tiền tuyến.

Với đặc điểm là vùng "tự do oanh tạc", vùng xám rộng lớn cũng cho phép Nga triển khai những trận địa mìn khổng lồ bám sát theo các trục đường, khu định cư, buộc Ukraine muốn tấn công cần phải có thời gian quét mìn.

Vùng xám giúp Nga phát hiện sớm và định vị các mũi phản công của Ukraine để lên phương án ngăn chặn trước khi đối phương kịp tiếp cận vào tuyến phòng thủ chính cách tiền duyên từ 15-25km.

Một yếu tố quan trọng khác là việc vùng xám đã cơ bản ngăn chặn hoàn toàn các hoạt động tấn công thăm dò, tìm điểm yếu trên tuyến phòng thủ dài cả nghìn km của Nga tại miền Đông và Nam Ukraine.

Khi không tìm được điểm yếu trên tuyến phòng thủ của Nga, Kiev sẽ rất khó có đủ dữ liệu để tung đòn tấn công chủ lực.

Một điểm đặc biệt khi tác chiến tại vùng xám là lực lượng phòng thủ Nga thay vì cố gắng giữ các cứ điểm, chiến hào, thì họ lựa chọn phương án cơ động, có thể tùy nghi rút lui để sau đó huy động pháo binh, không quân bào mòn mũi tiến công của Ukraine.

Cùng với đó, những nhóm tác chiến của Nga có thể chủ động phân tán, phát huy ưu thế của hỏa lực chống tăng để bọc sườn, vu hồi vào các mũi xung kích đối phương. Khi tác chiến tại vùng xám, lực lượng Nga ít phải lo lắng về việc không có chốt chặn sau lưng bởi tuyến phòng thủ chính vẫn chưa bị tiếp cận.

"Bức tường thép" của Nga tiêu hao lực lượng tấn công Ukraine

Ukraine có nhận ra chiến thuật vùng xám của Nga hay không? Điều này có thể khẳng định là có, nhưng làm sao để vô hiệu hóa chiến thuật này là điều khá khó khăn.

Chính vì sự thua kém về hỏa lực và trang bị so với phía Nga, Ukraine đã phải thử nhiều phương án để phá vỡ vùng xám của Nga, nhưng đều bất thành.

Trong 3 tuần phản công vừa qua, Ukraine đã huy động từ các đơn vị cơ giới hạng nhẹ, rồi các đơn vị thiết giáp hạng nặng có sự hỗ trợ của bộ binh cơ giới nhưng đều không thể xuyên thủng được các vùng xám, chứ chưa nói tới tiếp cận được tuyến phòng thủ chính của Nga với những thiệt hại đáng kể.

Theo con số thống kê từ Bộ Quốc phòng Nga và nhiều nguồn trung lập, Ukraine đã thiệt hại hơn 13.000 binh sĩ, 200 xe tăng và 500 phương tiện chiến đấu bọc thép nhưng cơ bản chưa thể giành được bất kỳ thắng lợi quan trọng nào trên chiến trường.

Tại các mặt trận Nam Donetsk hay Zaporizhia, quân Nga thường tránh quyết chiến với các mũi tấn công Ukraine, chủ yếu để đối phương tiến vào các khu vực phòng thủ đã chuẩn bị sẵn để huy động hỏa lực áp đảo bào mòn và tiêu hao sinh lực đối thủ.

Đồng thời, các đơn vị bộ binh sẽ chủ động phản công đẩy lùi đổi thủ sau khi chiến trường đã được "làm mềm". Điều này giải thích cho con số thiệt hại nặng nề của phía Ukraine tại các khu vực Orekhov, Vremevsky hay Artemovsk (Bakhmut).

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, chính chiến lược vùng xám của Nga đã khiến các hoạt động tấn công trinh sát sử dụng các đơn vị cỡ nhỏ từ cấp đại đội tới tiểu đoàn của Ukraine nhằm thăm dò tuyến phòng thủ của Nga không đạt được kết quả.

Chuyên gia cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại Mỹ, Rob Lee nhận định, từ thực tế chiến trường cho thấy, Nga đã chủ động phương án tấn công các mũi đột kích của Ukraine, sau đó rút lui để tránh các đòn phản kích.

Đánh giá về chiến thuật phòng thủ chủ động của Nga, chuyên gia quân sự, cựu chiến binh Mỹ Dick Black cho rằng, cuộc phản công của Ukraine có thể so sánh là đang va vào một "bức tường thép" được tổ chức bài bản.

Việc phản công không thành công, lại hứng chịu thương vong lớn và thiệt hại đáng kể về trang bị khí tài quân sự được coi như là liều thuốc độc đối với tình thần chiến đấu của binh sĩ Ukraine, khiến nhiều đơn vị lựa chọn né tránh ra trận, thậm chí là chủ động đầu hàng phía Nga.

Ukraine phản công, Nga dùng chiến thuật bức tường thép ứng phó - 2

Lực lượng Ukraine nã pháo đáp trả một cuộc tấn công của Nga ở gần thị trấn Avdiivka, thuộc vùng Donetsk, miền đông Ukraine vào ngày 31/5 (Ảnh: Reuters).

"Đòn tấn công lớn" của Ukraine vẫn ở phía trước

Trong phát biểu gần đây, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hana Malyar khẳng định, cuộc phản công mới chỉ ở giai đoạn đầu và không thể đánh giá thành bại chỉ qua vài ngày chiến đấu. Bà nhấn mạnh, "đòn tấn công lớn" của Ukraine sắp bắt đầu.

Tuyên bố trên của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraine là hoàn toàn có cơ sở. Dù có thiệt hại và chưa thể tạo được bước đột phá trên chiến trường khi vấp phải hệ thống phòng thủ vững chắc của Nga, nhưng Ukraine thực tế vẫn còn lực lượng dự bị đáng kể do NATO đào tạo và trang bị, cũng như nguồn viện trợ không ngừng từ Mỹ và phương Tây.

Với lực lượng hiện có, Ukraine hoàn toàn đủ khả năng tạo ra một đợt phản công đủ lớn tiếp cận vào tuyến phòng thủ chính, thậm chí là khoan phá tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga. Tuy nhiên, rủi ro có thể rất lớn.

Ngoài ra, sau khi tấn công làm sao giữ được chiến quả cũng là vấn đề đau đầu đối với Kiev khi lực lượng cơ động chiến lược của Nga vẫn chưa lộ diện.

Nếu xác định được mũi phản công chiến lược của đối phương, các đơn vị này chắc chắn sẽ được Moscow tung vào trận để bẻ gẫy, thậm chí là bao vây lực lượng phản công Ukraine trong "mê cung" trận địa phòng thủ mà Nga đã mất nhiều tháng xây dựng.

Đây thực sự là ván cờ mạo hiểm, Ukraine chắc chắn không hề muốn có bất cứ sai lầm nào.

Theo Reuters