Triển vọng nào cho hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ về hòa bình ở Ukraine?
Trong 2 ngày 15 và 16/6, Thụy Sĩ tổ chức một hội nghị về Ukraine với các nhà lãnh đạo thế giới tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock sang trọng trên sườn núi nhìn ra hồ Lucerne, để thảo luận về cách đạt được tiến trình hòa bình cuối cùng, mặc dù Nga không tham gia.
Cuộc họp này diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở miền nam Italy, trong đó các nước thành viên thảo luận về Ukraine với sự có mặt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo nước chủ nhà Thụy Sĩ, mục đích của Hội nghị này "là truyền cảm hứng cho một tiến trình hòa bình trong tương lai và phát triển các yếu tố thực tế cũng như các bước hướng tới một tiến trình như vậy". Chủ nhà cũng kêu gọi: "Tất cả các quốc gia có mặt tại hội nghị thượng đỉnh nên đóng góp ý tưởng và tầm nhìn cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine".
Tham dự hội nghị có tổng cộng 92 quốc gia, chủ yếu từ châu Âu.
Chương trình hội nghị do nước chủ nhà phát triển, dựa trên kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Zelensky nhưng tập trung vào chủ quyền lãnh thổ, nền hòa bình công bằng ở Ukraine và duy trì Hiến chương Liên hợp quốc. Hội nghị cũng đề cập đến một số chủ đề nằm trong kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine, cụ thể là 3 nội dung: an ninh hạt nhân; tự do hàng hải và an ninh lương thực; và các khía cạnh nhân đạo, bao gồm cả việc trao đổi tù nhân.
Thụy Sĩ không dẫn đầu các cuộc thảo luận theo các chủ đề trên, mà là các quốc gia phương Nam toàn cầu hoặc các quốc gia có kỹ năng trong mỗi lĩnh vực này.
Nga nói hội nghị "vô nghĩa"
Nga nhiều lần tuyên bố không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào nếu Ukraine không chấp nhận hiện trạng Nga đã sáp nhập khoảng 20% lãnh thổ Ukraine từ đầu cuộc xung đột đến nay. Chính phủ Nga cũng lên án hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Thụy Sĩ, cho rằng các cuộc đàm phán là "vô nghĩa" nếu không có sự tham gia của Nga. Trong lời chỉ trích hội nghị hồi tháng 4, Tổng thống Putin nhắc lại rằng Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận đã thực hiện nào mà bỏ qua lợi ích của Nga.
Nga cũng không còn coi Thụy Sĩ là trung lập nên Moscow cho biết họ không quan tâm đến việc tham gia hội nghị thượng đỉnh. Do đó, Thụy Sĩ đã không đưa ra lời mời Nga, nhưng nước chủ nhà tin rằng từ những gì đạt được từ hội nghị thượng đỉnh này cuối cùng Nga sẽ tham gia. Thụy Sĩ nhiều lần thừa nhận rằng không thể có tiến trình hòa bình nếu không có Nga.
Các đồng minh của Nga thuộc nhóm BRICS cũng không nhất quán việc tham gia hội nghị này. Ấn Độ cho biết tham gia nhưng không ở cấp nguyên thủ quốc gia.
Trung Quốc không tham gia vì cho rằng hội nghị thiếu một bên trong cuộc xung đột là Nga. Trung Quốc đã nói ủng hộ một hội nghị hòa bình được triệu tập "vào thời điểm thích hợp", trong đó có "sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các lựa chọn hòa bình".
Brazil và Nam Phi cho biết không dự hội nghị này, nhưng chưa làm rõ chính xác quan điểm của mình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden không dự hội nghị thượng đỉnh này vì tham dự một sự kiện gây quỹ bầu cử. Ông cử bà Phó Tổng thống Kamila Harris đi thay; Phó Tổng thống nhấn mạnh cam kết của chính quyền Biden-Harris trong việc hỗ trợ nỗ lực của Ukraine nhằm bảo đảm một nền hòa bình công bằng và lâu dài, dựa trên chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Bà Harris "tái khẳng định sự ủng hộ đối với người dân Ukraine". Tháp tùng Phó Tổng thống có Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.
Vấn đề là nếu Tổng thống Biden đến dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình, nhưng hội nghị không đạt kết quả cụ thể thực sự nào, đảng Cộng hòa sẽ ngay lập tức nói rằng đó là lỗi của ông Biden. Như vậy rất bất lợi cho Tổng thống và đảng Dân chủ, nhất là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp đến.
Gần 3 năm kể từ khi xảy ra cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng vẫn là vấn đề được các chính phủ ở châu Á hết sức quan tâm. Tuy nhiên, hội nghị hòa bình Thụy Sĩ một lần nữa nhấn mạnh những cách tiếp cận khác nhau của các quốc gia khu vực đối với cuộc xung đột này.
Trong số 11 quốc gia khu vực ở Đông Nam Á, có 5 quốc gia đã cử đại diện tham dự, đó là Timor-Leste, Philippines, Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Tại Đối thoại Shangri La năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã công bố đề xuất về "kế hoạch hòa bình" để chấm dứt xung đột. Năm nay, ông Prabowo nhắc lại kế hoạch tương tự tại cuộc Đối thoại ở Singapore, nhiều khả năng Tổng thống Widodo cử tổng thống đắc cử Prabowo, người đã gặp Tổng thống Zelensky tại Đối thoại Shangri La hồi đầu tháng này.
Ukraine mong muốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế về các điều kiện của mình để chấm dứt chiến tranh với Nga.
Khoảng 4.000 nhân viên quân sự được triển khai để đảm bảo an ninh và hỗ trợ vận chuyển hàng không, giám sát cũng như triển khai hàng rào an ninh và thông tin liên lạc cho hội nghị thượng đỉnh này.
Không ngay lập tức dẫn đến một kế hoạch hòa bình
Mục đích bao trùm của hội nghị thượng đỉnh là tập hợp các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ để cố gắng phát triển "sự hiểu biết chung về con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine", có thể tạo thành nền tảng cho một tiến trình hòa bình lâu dài hơn.
Theo nước chủ nhà Thụy Sĩ, 80 quốc gia và tổ chức, bao gồm Ukraine và 4 tổ chức châu Âu, ngày 16/6 đã ký tuyên bố chung cuối cùng về hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine, kêu gọi đối thoại để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine. Hội nghị cũng thảo luận các vấn đề an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và trao đổi tù nhân.
Tuy nhiên, cũng theo Thụy Sĩ, nhiều quốc gia từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị, bao gồm Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Indonesia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Armenia, Bahrain, Brazil, Tòa thánh Vatican, Libya, Mexico và Slovakia.
Chính phủ Thụy Sĩ đã xác định 3 mục tiêu cho hội nghị thượng đỉnh: Cung cấp nền tảng đối thoại về các con đường hướng tới một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; Thúc đẩy sự hiểu biết chung về khuôn khổ khả thi để đạt được mục tiêu này; Cùng nhau xác định lộ trình về cách thu hút sự tham gia của cả hai bên xung đột vào tiến trình hòa bình trong tương lai.
Việc trao đổi các quan điểm khác nhau về cách đạt được hòa bình ở Ukraine được coi là "có tầm quan trọng sống còn".
Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh này không ngay lập tức dẫn đến một kế hoạch hòa bình, điều đó cho thấy có khả năng sẽ diễn ra hội nghị thứ hai hoặc hơn nữa.
Kể từ khi nổ ra xung đột, một số kế hoạch hòa bình đã được đưa ra, như Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Zelensky. Trung Quốc đã đề xuất 2 sáng kiến hòa bình: một theo ý riêng của Trung Quốc gồm 12 điểm và một hợp tác với Brazil gồm 6 điểm.
Hòa bình lâu dài không chỉ đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hai bên mà còn đòi hỏi những nỗ lực thực sự và ý chí chính trị vững chắc của tất cả các bên liên quan để chấm dứt xung đột. Nếu thiếu điều đó, hội nghị thượng đỉnh và tiến trình hòa bình, cho dù được khái niệm một cách chân thành đến đâu, cũng vẫn chỉ là vòng xoáy bất tận của những cuộc thảo luận không hồi kết và một cuộc tranh cãi rỗng tuyếch.
Rõ ràng là thế giới không nên kỳ vọng, mong đợi hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nhưng đây có thể là bước khởi đầu cho chặng đường cụ thể hơn ở phía trước.
Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.