Tổng thống Ukraine mong đợi gì từ hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ?
(Dân trí) - Chính phủ Thụy Sĩ hôm 10/6 cho biết đã có 90 quốc gia và tổ chức đăng ký tham gia hội nghị hòa bình về Ukraine, nhưng theo các chuyên gia, không có nhiều kỳ vọng cho hội nghị này.
Thụy Sĩ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào ngày 15-16/6 tới tại khu nghỉ dưỡng Alpine gần Lucerne, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với các đề xuất hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong đó bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga ra khỏi Ukraine
Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine diễn ra ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc ở miền Nam Italy, nơi lãnh đạo các nước G7 cũng sẽ thảo luận về tình hình xung đột ở Ukraine, đồng thời xem xét cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp viện trợ mới cho Ukraine.
Tuy nhiên, vấn đề là Nga chưa được mời tham dự hội nghị dù chính phủ Thụy Sĩ cho biết hội nghị sẽ hướng tới "xác định một lộ trình" tìm cách đưa cả Moscow và Kiev vào một tiến trình hòa bình trong tương lai.
Lãnh đạo nước nào tham dự?
Văn phòng của ông Zelensky cho biết, tính đến đầu tháng 6 này, có 107 quốc gia và tổ chức quốc tế đã xác nhận tham gia, bao gồm các đồng minh phương Tây của Ukraine và các quốc gia từ Nam Mỹ, châu Phi và Trung Đông. Tổng cộng Kiev đã gửi lời mời tới khoảng 160 quốc gia và tổ chức.
Trong khi đó, chính phủ Thụy Sĩ hôm 10/6 cho biết đã có 90 quốc gia và tổ chức đăng ký tham gia hội nghị hòa bình về Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là những nhà lãnh đạo G7 đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị này.
Tuy nhiên, Trung Quốc, một quốc gia có mối quan hệ thân cận với Nga, tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh, động thái khiến Kiev thất vọng. Tổng thống Zelensky hồi tuần trước cáo buộc Bắc Kinh giúp Moscow phá hoại hội nghị thượng đỉnh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.
Nga cho rằng Thụy Sĩ không còn ở vị trí trung lập và tuyên bố không quan tâm tham dự hội nghị trên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ "hoàn toàn vô ích" khi không có sự tham gia của Nga.
Trong một tuyên bố, Ukraine cho biết Moscow có thể được mời tham dự một hội nghị thượng đỉnh khác trong tương lai để thảo luận về việc chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của mình, nhưng phải theo các điều kiện của Kiev.
Chương trình nghị sự 10 điểm
Trong bối cảnh chiến sự đã bước sang năm thứ 3 và ngày càng khốc liệt khiến lực lượng của Kiev chịu áp lực ngày càng tăng ở tiền tuyến, Tổng thống Zelensky hy vọng sẽ đưa cuộc chiến Ukraine này trở lại tâm điểm ngoại giao sau nhiều tháng toàn thế giới tập trung vào cuộc chiến Gaza.
Phát ngôn viên Văn phòng tổng thống Ukraine, ông Serhiy Nikiforov, tiết lộ hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ được xây dựng dựa trên công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine. Trong đó, các bên sẽ tập trung vào 3 chủ đề gồm: an ninh lương thực, an toàn hạt nhân, và việc giải thoát toàn bộ tù nhân cũng như người bị trục xuất. "Chính xác là 3 điểm này có tiềm năng đoàn kết các quốc gia có quan điểm khác nhau", ông Nikiforov phát biểu trên đài truyền hình Ukraine.
Công thức hòa bình 10 điểm của ông Zelensky lần đầu được giới thiệu ở cuộc họp G20 tháng 11/2022, trong đó có một số điều kiện như khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, binh sĩ Nga rút hoàn toàn và thiết lập một tòa án đặc biệt xét xử tội ác chiến tranh.
Mục đích cuối cùng nhằm đạt được sự đồng thuận về hai vấn đề được đề cập trong công thức, việc tạo ra cơ chế an ninh quốc tế và ký kết thỏa thuận chấm dứt giao tranh với Nga. Theo Tổng thống Ukraine, đây sẽ trở thành nền tảng để "cải thiện cấu trúc an ninh cho Ukraine, châu Âu và toàn thế giới, ngăn chặn các hành động tấn công tiếp theo". Và Kiev mong đợi hội nghị sẽ ra thông cáo chung.
Trong khi đó, theo chính phủ Thụy Sĩ, chương trình nghị sự của hội nghị được phát triển dựa theo kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine nhưng có thể tập trung vào chủ quyền lãnh thổ, nền hòa bình công bằng ở Ukraine và duy trì hiến chương Liên hợp quốc.
Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết, hội nghị sẽ thảo luận các lĩnh vực được quốc tế quan tâm rộng rãi, như nhu cầu về an ninh hạt nhân và lương thực, tự do hàng hải cũng như các vấn đề nhân đạo.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nêu rõ mục tiêu của hội nghị là "thúc đẩy một tiến trình hòa bình trong tương lai và phát triển các yếu tố thiết thực cũng như các bước hướng tới tiến trình đó". Bộ này cũng nhấn mạnh "tất cả các quốc gia tham dự hội nghị cần đóng góp ý kiến và tầm nhìn cho một nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine".
Các sáng kiến khác
Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Ukraine và Nga diễn ra vào những ngày đầu khi xung đột bùng nổ. Các phái đoàn đã gặp nhau ở Belarus và sau đó vào tháng 3/2022 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng nhanh chóng tan vỡ.
Trong năm 2022 và 2023, các sáng kiến hòa bình riêng biệt đã được Trung Quốc, Vatican và một nhóm các nước châu Phi công bố nhưng cũng không có kết quả.
Vào tháng 9/2022, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Các quan chức Ukraine vẫn giữ quan điểm rằng, các cuộc đàm phán hòa bình với Nga sẽ chỉ có thể thực hiện được khi Moscow rút lực lượng khỏi lãnh thổ của Kiev mà nước này đang nắm quyền kiểm soát.