DMagazine

Trận chiến quyết định ở Donbass và những nước cờ chiến thuật của Nga

(Dân trí) - Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước vào giai đoạn mới, Nga đã thay đổi đáng kể chiến thuật nhằm tạo ra một thế trận có lợi hơn với hy vọng giành một chiến thắng mang tính quyết định.

TRẬN CHIẾN QUYẾT ĐỊNH Ở DONBASS VÀ NHỮNG NƯỚC CỜ CHIẾN THUẬT CỦA NGA

Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước vào giai đoạn mới, Nga đã thay đổi đáng kể chiến thuật nhằm tạo ra một thế trận có lợi hơn với hy vọng giành một chiến thắng mang tính quyết định.

"THÙNG THUỐC SÚNG" DONBASS

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 19/4 tuyên bố, chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine chính thức bước sang giai đoạn hai. "Một giai đoạn khác của chiến dịch đã bắt đầu, và tôi chắc rằng đây sẽ là một thời khắc rất quan trọng của toàn bộ chiến dịch đặc biệt này", ông Lavrov nói.

Tròn một tháng sau khi bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch quân sự với trọng tâm là mặt trận Donbass, Nga đang mở rộng tấn công khắp khu vực này.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk hôm 24/5 cho biết chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước vào giai đoạn "dữ dội nhất". Các lực lượng Nga đang tìm cách bao vây quân đội Ukraine tại thành phố Severodonetsk và Lysychansk, nằm hai bên bờ sông Siverskyi Donets ở miền Đông.

Ông Motuzyanyk cũng cho biết thêm, các trận chiến đang diễn ra ở miền Đông Ukraine có thể quyết định vận mệnh của Ukraine. "Tình hình ở mặt trận phía đông rất khó khăn. Vận mệnh của đất nước có thể được quyết định ở đó ngay bây giờ", ông Motuzyanyk nói.
Sau khi bị đẩy lùi ở Kharkov, Nga bắt đầu tập trung tấn công nhằm bao vây lực lượng của Ukraine ở Lugansk và Donetsk, hai tỉnh thuộc vùng Donbass. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng đây là cuộc tấn công lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay, ước tính mỗi ngày có 50-100 binh sĩ của Ukraine hy sinh ở mặt trận miền Đông.

Trận chiến quyết định ở Donbass và những nước cờ chiến thuật của Nga - 1

Thành phố Soledar ở Donbass bị tập kích hôm 24/5 (Ảnh: AFP).

Ở giai đoạn hai của chiến dịch quân sự, Nga được cho là có nhiều lợi thế hơn so với giai đoạn đầu do chỉ tập trung lực lượng vào một mặt trận. Với sự vượt trội về hỏa lực, Nga cũng có ưu thế hơn ở địa hình rộng, trống trải.

Tuy nhiên, đà tiến công của Nga gặp trở ngại khi những cây cầu bị Ukraine phá hủy. Kiev cho biết, lực lượng của họ đã phá hủy hàng chục xe quân sự Nga tìm cách vượt sông Siversky Donets ở Lugansk. Ngoài ra, ở Donbass, Nga cũng sẽ phải đối mặt với khoảng 40.000 binh sĩ thuộc những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Ukraine - lực lượng đã có kinh nghiệm chiến đấu 8 năm qua và đã quen thuộc với địa hình.

Nếu giữ được phòng tuyến Donbass, Ukraine gần như có thể chặn đứng chiến dịch quân sự của Nga và có thêm thời gian để củng cố lực lượng. Ngược lại, nếu Nga kiểm soát hoàn toàn Donbass, đó sẽ là bàn đạp để họ dễ dàng kiểm soát Kharkov, Odessa, lập một hành lang trên bộ nối đến bán đảo Crimea, ngăn Ukraine tiếp cận các vùng biển, và thậm chí đưa lực lượng trở lại Kiev một lần nữa.

Theo giới phân tích, dù nhận được nguồn hỗ trợ quân sự dồi dào từ phương Tây nhưng Ukraine sẽ đối mặt với những khó khăn rất lớn tại Donbass. Khác với Nga, họ không thể huy động toàn bộ lực lượng từ phía bắc sang phía đông vì vẫn cần phòng thủ ở Kiev và các khu vực xung quanh. Do vậy, các lực lượng của Ukraine đồn trú ở phía đông sẽ là lực lượng chủ đạo để đối phó với các cuộc tấn công của Nga trong bối cảnh các tuyến đường tiếp tế bị phá hủy.

NGA THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT

Giới phân tích cho rằng, sau những thất bại ở giai đoạn đầu của chiến dịch, Nga đã rút ra kinh nghiệm, thay đổi chiến thuật ở mặt trận miền Đông. Điều dễ nhận thấy nhất, Nga dường như không còn theo đuổi chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh".

Nga đang đạt được những bước tiến nhỏ tại Donbass do tốc độ tiến công chậm lại so với giai đoạn đầu nhằm giảm thương vong. Mặt khác, theo các chuyên gia phương Tây, Moscow khó có thể đạt bước tiến lớn ở mặt trận này dù đã kiểm soát đến 80% Donbass do chưa thể khắc phục hết những thiếu sót ở giai đoạn đầu và do thiếu binh sĩ. Các chuyên gia cho rằng, việc Nga huy động lực lượng từ Kharkov và Mariupol để tập trung cho mặt trận Donbass cũng không thể tạo nên sự khác biệt.

Washington Post dẫn nhận định của giới chức Lầu Năm Góc cũng cho rằng, chiến thuật của Nga hiện nay là tấn công bằng các đơn vị nhỏ và thu hẹp phạm vi mục tiêu, thay vì tấn công bằng các đơn vị cấp tiểu đoàn quy mô lớn như trước kia. Cụ thể, các đại đội Nga với khoảng vài chục đến vài trăm binh sĩ tiến hành các đợt tấn công vào Donbass, thay vì các đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn với quân số lên đến 1.000 người. Các đơn vị này tập trung tấn công và kiểm soát các khu dân cư như làng mạc hay các giao lộ, thay vì tìm cách bao vây cả một thành phố lớn.

Trận chiến quyết định ở Donbass và những nước cờ chiến thuật của Nga - 2

Một khẩu pháo của Nga khai hỏa (Ảnh: Getty).

Tuy chưa thể khắc phục triệt để những thiếu sót từng cản trở nỗ lực kiểm soát Kiev, trong đó có vấn đề hậu cần hay hệ thống chỉ huy, nhưng Nga đã điều chỉnh chiến thuật phù hợp với địa hình trống trải, bằng phẳng của vùng Donbass, giúp họ giành lợi thế trước quân đội Ukraine vốn bị áp đảo về khí tài.

Hiện giờ, lực lượng Nga tập trung bên ngoài phòng tuyến của Ukraine, liên tục pháo kích vào mục tiêu, phá hủy các hệ thống phòng thủ, loại bỏ sức kháng cự của đối phương sau đó mới tiến vào khi quân đội Ukraine buộc phải rút lui. Chiến thuật này của Nga được cho là đang gây áp lực lớn cho lực lượng của Ukraine trong bối cảnh họ cũng đã bắt đầu mệt mỏi sau 3 tháng liên tục chiến đấu trên nhiều mặt trận.

Để chuẩn bị cho trận chiến ở Donbass, Nga đã tấn công các tuyến kho vận của Ukraine ở miền đông và thủ đô Kiev để ngăn chặn vận chuyển lương thực, nhiên liệu và đạn dược nhằm làm suy yếu khả năng phản công của Ukraine.

Nga cũng tăng cường pháo kích và bắn rocket để cầm chân lực lượng Ukraine. Ben Barry, cựu đại tá quân đội Anh, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng điều này sẽ tiếp tục diễn ra ở mặt trận Donbass và pháo kích sẽ là yếu tố chính gây thương vong cho cả hai bên trong vài tuần, thậm chí vài tháng tới đây.

Nga đang dồn sức tấn công từ 2 hướng chính, từ Izyum ở miền bắc và từ phía tây xung quanh thành phố Severedonetsk, thuộc tỉnh Lugansk. Theo các nhà quan sát, Nga đang tìm cách buộc Ukraine phải tập trung lực lượng của mình ở các điểm chiến lược để sau đó trở thành mục tiêu pháo kích của Moscow. Tuy nhiên, theo ông Ben Barry, Ukraine vẫn có thể sử dụng các khu vực đô thị tại Donbass để làm chậm bước tiến của Nga, tương tự như từng làm ở Kiev.

CUỘC CHIẾN TIÊU HAO KÉO DÀI

Trận chiến quyết định ở Donbass và những nước cờ chiến thuật của Nga - 3

Các phương tiện quân sự của Nga bị phá hủy tại Ukraine (Ảnh: Reuters).

Ông Rob Lee, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Pennsylvania, Mỹ, cho rằng bằng cách thu hẹp mục tiêu, chỉ tập trung vào vùng Donbass và khu vực Đông Nam Ukraine, Nga có thể dồn lực lượng lớn hơn cho một mặt trận nhằm chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews, Scotland, cho rằng khi đẩy mạnh chiến dịch ở miền Đông Ukraine nhằm giành một chiến thắng mang tính quyết định, Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn lực trước sự kháng cự mạnh của Ukraine, đặc biệt là khi luồng vũ khí phương Tây đổ vào Ukraine càng nhiều.

Hiện tại, mặt trận Donbass vẫn ở thế giằng co khi cả hai phe đều không thể tập hợp lực lượng để tiến hành những trận đánh quyết định, mà chủ yếu sử dụng hỏa lực tầm xa để bào mòn sinh lực đối phương.

Ông John Arterbury, chuyên gia an ninh châu Âu tại Navanti, nhận định, trận chiến tại Donbass sẽ gây thêm áp lực cho quân đội Nga, trong khi Ukraine sẽ phải chịu nhiều tổn thất về vũ khí, đặc biệt trong bối cảnh quân đội nước này không thể thay thế xe tăng và vũ khí hạng nặng với tốc độ nhanh như Nga do còn phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây.

Theo cố vấn chính phủ Ukraine Oleksandr Danylyuk, giao tranh hiện nay ở mặt trận miền Đông ác liệt đến mức nguồn khí tài của Ukraine cạn kiệt rất nhanh, từ đạn dược đến xe bọc thép, máy bay không người lái và nhiên liệu. Ông Danylyuk thừa nhận, các lực lượng Nga đã "chuyển sang một chiến lược tốt hơn trước rất nhiều". "Họ đã bắt đầu coi các lực lượng Ukraine như đối thủ nặng ký, điều này không tốt cho chúng tôi", quan chức này cho biết. Đó là lý do tại sao Kiev vẫn không ngừng kêu gọi phương Tây đẩy nhanh tốc độ viện trợ quân sự.

Những tuần tới được đánh giá sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cục diện xung đột Nga - Ukraine khi cả hai bên đều chạy đua với thời gian để đạt được lợi thế. "Nga phải đạt được những gì họ muốn sớm nhất có thể trước khi Ukraine được trang bị thêm những khí tài quan trọng. Hiện tại, lực lượng Nga đang vượt trội về hỏa lực, nhưng đến một thời điểm nào đó, Ukraine có thể cân bằng cục diện khi có trong tay vũ khí phương Tây", chuyên gia O'Brien nói.

Việc Nga đạt được những bước tiến nhưng nhỏ và chậm rãi ở Donbass khi vũ khí phương Tây viện trợ Ukraine tiếp tục đổ về đây đang tạo ra thế giằng co và có thể là yếu tố khiến cuộc chiến miền Đông kéo dài.

Simon Schlegel, chuyên gia cấp cao tại viện nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, bình luận hai bên sẽ tiếp tục giao tranh, nhưng không thể tung ra những đòn quyết định để thay đổi cục diện. "Tình hình sẽ rất giống những gì đã diễn ra ở miền Đông Ukraine giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 2/2022", ông Schlegel nói và cho rằng đây là điều cả Nga và Ukraine đều không mong muốn nhưng buộc phải chấp nhận nó trong một thời gian dài trước khi gỡ được bế tắc đàm phán.

Minh Phương
Theo New York Times, Vox, AFP

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine