Tổng thống Trump đổi "nước cờ" chiến thuật, xung đột Ukraine đến hồi kết?
(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump "bỏ lỡ" mục tiêu giải quyết xung đột Ukraine trong 24 giờ sau khi nhậm chức đã đặt ra nghi vấn về khả năng cuộc chiến sớm đi đến hồi kết.
Dù chỉ mới nhậm chức vài ngày, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã thay đổi quan điểm về cuộc xung đột Ukraine.
Ông Trump từ lâu đã nhấn mạnh mong muốn chấm dứt cuộc xung đột này. Thậm chí, trong chiến dịch tranh cử, ông còn tuyên bố có thể chấm dứt cuộc chiến Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức.
Tuy nhiên, cam kết 24 giờ đã không thực hiện được. Tổng thống Trump thậm chí còn không đề cập đến Ukraine trong diễn văn nhậm chức của mình.
Phát biểu trước các phóng viên ngay sau đó, ông Trump tuyên bố chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đánh đổi nhiều hơn những gì ông đạt được.
"Ông ấy không thể vui mừng, ông ấy không làm tốt lắm", Tổng thống Trump nói.
Tân Tổng thống Mỹ thậm chí đặt nghi vấn về vai trò lãnh đạo của Tổng thống Putin.
"Nga lớn hơn Ukraine, họ có nhiều binh lính hơn để triển khai, nhưng đó không phải là cách để điều hành một quốc gia", ông Trump nhận xét.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của mình, Tổng thống Trump thậm chí còn đi xa hơn. Ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra "tối hậu thư" với Nga.
"Nếu không đạt được thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh, sớm thôi, tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp thuế, thuế quan và mức trừng phạt cao đối với bất kỳ thứ gì mà Nga bán cho Mỹ và nhiều quốc gia liên quan khác", ông Trump cảnh báo.
Người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Joe Biden, cũng từng thực hiện biện pháp này. Chính quyền Biden đã cấm nhập khẩu hầu hết sản phẩm của Nga, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt rộng rãi đối với các thực thể và cá nhân có vai trò quan trọng của Nga.
Liệu có phải Tổng thống Trump đang tiếp tục đi theo chính sách của người tiền nhiệm hay không? Nga chắc chắn sẽ suy nghĩ như vậy, theo trang tin Asia Times.
Vào ngày 23/1, để đáp lại những lời cảnh báo của Tổng thống Trump, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với truyền thông Nga rằng: "Chúng tôi không thấy bất kỳ yếu tố mới đặc biệt nào ở đây".
Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính sách đối ngoại của Mỹ không thay đổi nhiều như chính sách đối nội và các cam kết của Mỹ ở nước ngoài phần lớn vẫn được tiếp nối từ tổng thống này sang tổng thống khác.
Một ví dụ cho nhận định trên là sự tiếp nối về chính sách Trung Đông của cựu Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Ông Trump đã duy trì một mức độ tương tác nhất định, trong khi vẫn giữ dấu ấn của Mỹ trong khu vực ở quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với Ukraine có vẻ sẽ đi xa hơn so với người tiền nhiệm theo hai cách.
Thứ nhất, ông Trump đã đặt ra mục tiêu mới là 100 ngày để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông cũng bổ nhiệm một đặc phái viên, ông Keith Kellogg, để đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán.
Tổng thống Trump dường như muốn phá vỡ các yêu cầu được đặt ra trước đó mà Điện Kremlin đã thiết lập về các điều kiện ngừng bắn. Các điều kiện này bao gồm từ bỏ đòi hỏi chủ quyền của Ukraine đối với bán đảo Crimea và 4 tỉnh phía đông, đồng thời đảm bảo rằng Kiev sẽ không trở thành thành viên NATO.
Trên thực tế, Tổng thống Trump có vẻ như đang tiếp tục chính sách gây áp lực và cô lập Nga của cựu Tổng thống Biden. Tuy nhiên, mục tiêu chính của chính quyền Trump không phải là giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga, mà là chấm dứt xung đột bất kể kết quả ra sao.
Ông Trump muốn thúc đẩy cả hai bên đồng ý ngừng bắn, trước khi tìm hiểu các chi tiết cụ thể sau đó. Đến lúc đó, ông Trump có thể tuyên bố đã mang lại hòa bình cho Ukraine, trong khi phần lớn từ bỏ các cuộc đàm phán sau đó để duy trì hòa bình.
Thứ hai, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump cho thấy ông đang tìm cách đi xa hơn người tiền nhiệm Biden bằng cách gây sức ép với các quốc gia mà Nga vẫn hợp tác. Điều này sẽ bao gồm không chỉ Iran và Triều Tiên, cả hai nước được cho đều đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga, mà có lẽ còn cả các quốc gia khác như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước mua dầu và khí đốt tự nhiên với số lượng lớn từ Nga.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump đã chứng minh rằng ông coi thuế quan là cách để khắc phục những sai sót của Mỹ. Ông cảnh báo sẽ áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu từ Nhóm BRICS, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, nếu họ không cân bằng thương mại với Mỹ. Do vậy, các hình phạt của Mỹ đối với các quốc gia này vì tiếp tục hợp tác với Nga có thể không phải là viễn cảnh quá xa vời.
Cựu Tổng thống Biden đã tìm cách để lại chỗ trống cho các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ để đóng vai trò xây dựng trong việc mang lại hòa bình bền vững giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Trump hy vọng rằng những lời cảnh báo của ông sẽ khuyến khích Trung Quốc và Ấn Độ đóng vai trò quyết định hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong bài phát biểu trực tuyến trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos ngày 23/1, ông Trump công bố ý định đề nghị Ả Rập Xê Út và Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm giá dầu để nhanh chóng chấm dứt chiến sự Ukraine. Xuất khẩu dầu khí vẫn là một trong những nguồn thu chính cho ngân sách Nga.
"Nếu giá giảm, chiến tranh Nga - Ukraine sẽ kết thúc ngay lập tức. Hiện tại, giá vẫn cao", ông nói.
Nhà phân tích chính trị Faisal Alshammeri nói với hãng tin Sputnik rằng việc tác động vào giá dầu không chỉ ảnh hưởng đến Nga mà còn đến tất cả các quốc gia sản xuất dầu trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, do thị trường dầu mỏ toàn cầu "liên kết chặt chẽ" với nhau.
Việc ép giá dầu xuống có thể "thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp" tại Mỹ, nhưng cũng mang lại "rủi ro đáng kể" cho nền kinh tế Mỹ.
Do đó, chuyên gia Alshammeri cho rằng, niềm tin của Tổng thống Trump về việc "tận dụng giá dầu thấp hơn có thể gây áp lực kinh tế khiến Nga phải xem xét lại chính sách đối ngoại của mình" là một sai lầm lớn.
Sức ép với Ukraine
Vào năm 2018, Randall Schweller, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang Ohio ở Mỹ, đã nhận định rằng: "Cách tiếp cận của ông Trump trong quan hệ đối ngoại cho thấy một nước Mỹ ít quan tâm đến việc duy trì các mối quan hệ dài hạn, thay vào đó là kiếm lợi nhuận từ các thỏa thuận ngắn hạn, ngay cả khi phải đánh đổi bằng các đồng minh lâu năm".
Cách tiếp cận đàm phán này thể hiện qua cách ông Trump - một doanh nhân tỷ phú - nghĩ về các cuộc đàm phán thương mại.
Trong một bài viết vào năm 2019, chuyên gia Eugene B Kogan tại Đại học Harvard, nhận định ông Trump muốn đưa ra "lựa chọn có cấu trúc trong các cuộc đàm phán: hoặc chấp nhận lời đề nghị của ông hoặc đối mặt với cơn thịnh nộ khó lường của ông. Việc chấp nhận lời đề nghị của ông Trump thường khiến các bên khác mắc nợ ông, trong khi ông có thể dọa đáp trả nếu họ không đáp lại".
Ukraine có thể sẽ là nước chịu nhiều áp lực nhất để đồng ý với các điều khoản của Tổng thống Trump vì họ có nhiều thứ để mất nhất. Ukraine đang tìm kiếm sự toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo an ninh thông qua việc tiếp cận NATO. Điều này khiến Ukraine bất đồng trực tiếp với Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Ông Dmitry Suslov, thành viên của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, cho rằng việc hỗ trợ Ukraine không còn là ưu tiên của Mỹ nữa.
"Lợi ích của ông Trump không phải là ủng hộ Ukraine theo cách chống lại Nga, mà là chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt, để giải phóng nguồn lực đối phó Trung Quốc", ông nói.
Tuy nhiên, ông Suslov lưu ý, Mỹ có thể sẽ không để Kiev phải chịu thất bại hoàn toàn hoặc chấp nhận đầu hàng vì mọi người sẽ ngay lập tức sử dụng điều đó để chống lại ông Trump và coi ông là yếu đuối.
Ông dự đoán ông Trump sẽ cố gắng tái lập ngoại giao trực tiếp với Nga dù hai nước có thể vẫn là đối thủ trong tương lai gần.
"Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu cuộc đối thoại có nhanh chóng mang lại kết quả tích cực hay không, vì cách tiếp cận của Nga và Mỹ để chấm dứt xung đột ở Ukraine hiện không khớp nhau", ông nhận định.
Ông nhấn mạnh: "Có những lằn ranh đỏ mà không bên nào muốn vượt qua. Ông Trump coi Ukraine là một quốc gia có quân đội mạnh và có mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây, trong khi Nga cho rằng Ukraine phải được chuyển đổi thành một quốc gia trung lập với quy mô lực lượng vũ trang cần phải giảm đáng kể".
Các bên đều đang chờ đợi "nhà đàm phán" Donald Trump có thể làm gì để thay đổi lập trường của cả Nga và Ukraine trước khi giải quyết cuộc xung đột kéo dài 3 năm.
Xung đột Ukraine về đâu trong năm 2025?
Theo trang tin Kyiv Post, xung đột Nga - Ukraine khó có thể kết thúc trong năm 2025.
Các cuộc thảo luận về khả năng đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga vẫn tiếp tục. Hiện một số ý kiến cho rằng sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Kiev sẽ sẵn sàng đàm phán với Moscow hơn do viện trợ của phương Tây giảm dần và đội ngũ của ông Trump thảo luận về một kế hoạch hòa bình tiềm năng.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức liên tục về kinh tế, tỷ lệ thương vong cao và các vấn đề về nhân lực, có vẻ như không bên nào tìm kiếm một hình thức ngừng bắn hoặc giải pháp hòa bình trong nửa đầu năm 2025.
Ukraine đang tiến hành một cuộc chiến "sinh tồn" và giới chức Ukraine hiện tại không muốn đàm phán với Nga trên cơ sở nhượng bộ lãnh thổ. Đổi lại, Nga cho rằng nước này đang chiếm ưu thế trên chiến trường và tìm cách tối đa hóa lợi ích lãnh thổ càng nhiều càng tốt, nếu động lực chiến tranh tiếp tục có lợi cho Moscow trong những tháng tới.
Cuộc chiến sinh tồn của Ukraine
Ukraine coi cuộc chiến hiện tại là mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn tại của nước này. Do đó, giới lãnh đạo chính trị của Ukraine khó có thể tìm cách đàm phán trong năm 2025, trừ khi tình hình trở nên vô cùng nghiêm trọng.
Vào tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra sắc lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Putin.
Trong khi vẫn khẳng định sẽ không có sự trao đổi nào về chủ quyền, an ninh hoặc tương lai của Ukraine hay từ bỏ chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ của mình, ông Zelensky nói rằng không có khả năng xem xét đàm phán từ một vị thế yếu.
Tổng thống Zelensky cũng nói rằng Mỹ không thể ép Kiev đàm phán vì Ukraine đã chứng minh rằng việc "ngồi xuống và lắng nghe" không hiệu quả. Tuy nhiên, ông dường như thừa nhận sẽ rất khó để lực lượng Nga bị đẩy trở lại biên giới năm 1991.
Tất cả những điều này cho thấy mặc dù thừa nhận Ukraine không có khả năng khôi phục lại biên giới năm 1991, Tổng thống Zelensky không muốn bắt đầu đàm phán với Moscow cho đến khi tình hình trên thực tế được cải thiện. Nhiều khả năng giới lãnh đạo Ukraine sẽ không đàm phán mà sẽ tập trung vào việc ngăn chặn Nga tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.
Mục tiêu của Nga
Kyiv Post dẫn một số nguồn tin cho biết Nga không loại trừ khả năng chấm dứt chiến tranh dọc theo các tiền tuyến hiện có, nhưng sẽ không thảo luận về bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ lớn nào đối với Ukraine ngoài các khu vực nhỏ mà nước này kiểm soát ở các vùng Kharkov và Mykolaiv.
Tuy nhiên, xét đến những bước tiến quân sự gần đây ở miền Đông Ukraine cũng như lợi thế của Nga về quân số và vũ khí so với Ukraine, có vẻ như Moscow sẽ không cân nhắc đàm phán trên cơ sở nhượng bộ lãnh thổ vào năm 2025.
Tổng thống Putin đã nói rõ vào tháng 10/2022 và nhắc lại trong "kế hoạch hòa bình" vào tháng 6/2024 rằng mục tiêu tối thiểu của ông là sáp nhập hoàn toàn các vùng Zaporizhzhia, Kherson, Lugansk và Donetsk.
Các hoạt động ở tiền tuyến hiện tại cho thấy Nga vẫn tập trung vào việc kiểm soát càng nhiều lãnh thổ càng tốt ở 4 khu vực mà Moscow đã tuyên bố sáp nhập. Đây là một phần trong bước đệm cho mục tiêu lớn hơn của Nga. Mọi dấu hiệu đều cho thấy, Nga có kế hoạch tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" với tốc độ tương tự hoặc thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong năm nay.
Nga đang tăng cường sản xuất quân sự, triển khai binh lính ở tiền tuyến tích cực hơn và đẩy mạnh tuyển quân với sự hỗ trợ của các đồng minh. Bất chấp thương vong và tổn thất ngày càng tăng, cuộc xung đột này dường như sẽ tiếp tục ít nhất cho đến giữa năm 2025 trừ khi tình hình kinh tế và áp lực từ Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đàm phán.
Tình hình xung đột năm 2025
Trong năm 2025, quân đội Nga được dự đoán sẽ hướng đến mục tiêu tăng cường các nỗ lực tấn công ở phía nam và phía đông Ukraine, sử dụng khoảng thời gian mùa đông để bổ sung kho dự trữ và tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ vào mùa xuân để giành thêm lãnh thổ ở Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson và có thể ở các khu vực Kharkov.
Ngoài ra, Nga có thể tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, đặc biệt là ngành năng lượng trong mùa đông.
Mặc dù quân đội Nga có khả năng giành được phần còn lại của khu vực Donetsk và tiến chậm về phía nam Ukraine, nhưng Moscow nhiều khả năng sẽ không đạt được những bước tiến đáng kể về lãnh thổ trong năm nay, do không thể duy trì tốc độ tấn công khốc liệt trước sự kháng cự dữ dội của Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine sẽ tập trung vào việc ngăn chặn các lực lượng Nga tiến về phía đông và phía nam, vì Moscow sẽ cố gắng tận dụng ưu thế về nhân lực và lợi thế về máy bay không người lái, đạn pháo và tên lửa để áp đảo hệ thống phòng thủ của Ukraine và tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.
Trước nguy cơ viện trợ quân sự của Mỹ đang cạn kiệt, Ukraine sẽ phải tập trung vào việc tăng chi tiêu quân sự trong nước bằng cách cắt giảm các khoản chi khác.
Việc đảm bảo sản xuất quân sự trong nước và nhận được những gì còn lại trong các gói viện trợ đã cam kết của Mỹ và EU có thể cho phép Ukraine làm chậm hơn nữa các bước tiến của Nga ở phía đông và phía nam trong năm 2025.
Theo Kyiv Post, Asia Times, Aljazeera