DNews

Thấy gì từ việc Ukraine tuyên bố liên tiếp bắn hạ Su-34 của Nga?

N. Tuấn Sơn

(Dân trí) - Mặc dù lép vế hoàn toàn so với Nga, phòng không Ukraine vẫn thể hiện là "đối thủ cứng". Hai trận phục kích, chớp nhoáng hạ 8 máy bay hiện đại của Nga cho thấy nhiều điều.

Thấy gì từ việc Ukraine tuyên bố liên tiếp bắn hạ Su-34 của Nga?

Không quân Nga liên tiếp mất máy bay

Ngày 22/12, Nga nhận "tin sét đánh" khi Kiev tuyên bố liên tiếp bắn hạ 3 chiếc tiêm kích bom Su-34 hiện đại. Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga không bình luận về thông tin này nhưng các kênh truyền thông ủng hộ Nga cũng gián tiếp xác nhận việc các chiến đấu cơ "thú mỏ vịt" bị phục kích, có thiệt hại về phương tiện chiến đấu và phi công.

Kênh Rybar viết rằng: "3 chiếc tiêm kích bom Su-34 Nga đã bị Ukraine phục kích ở Chaplinka... Theo thông tin có được, một phi công đã được cứu, số phận của những người còn lại vẫn chưa rõ". Như vậy, có thể ngầm hiểu Nga bị thiệt hại nhiều hơn 1 chiếc Su-34.

Do Su-34 rơi trên phần lãnh thổ do Nga kiểm soát nên hiện chưa có hình ảnh cụ thể tại hiện trường và các kênh truyền thông Ukraine đều lấy ảnh cũ từ năm 2022 làm "hình minh họa", bởi nếu rơi trên vùng Kiev kiểm soát thì họ chắc chắn sẽ chụp ảnh quay phim công bố rộng rãi.

Theo bản đồ dưới đây của kênh Rybar thì phòng không Ukraine bí mật đưa tên lửa kéo đến thiết lập trận địa ở sát bờ sông Dnieper ở vùng Kheson nhằm phục kích chiến đấu cơ Nga hoạt động ở sâu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát. Loại tên lửa được cho là đã bắn rơi Su-34 hiện đại của Moscow được cho là Patriot do Mỹ sản xuất, chúng ta sẽ phân tích cụ thể ở phần sau.

Trên bản đồ có ký hiệu trận địa hỏa lực Patriot, bố trí cách bờ sông chỉ chừng 10km, coi như nằm ngay trên chiến tuyến. Nga đã không phát hiện được "con át chủ bài" nguy hiểm này và họ đã phải trả giá đắt. Một lần nữa chiến thuật phòng tránh, đánh trả, bí mật bất ngờ phục kích của Ukraine lại mang tới "quả ngọt".

Trước đó, Nga đã vài lần phải hứng chịu "đòn đau" như thế, chẳng hạn như vụ bắn chìm soái hạm - tàu tuần dương Moskva - của hạm đội Biển Đen, vụ phục kích hạ gục Su-24M ở gần đảo Rắn. Đặc biệt nhất là trận phục kích diệt 4 máy bay hiện đại của Nga trong vài giờ ở vùng Bryansk giáp đông bắc Ukraine.

Hãng tin Kommersant ngày 13/5 cho biết, 2 chiến đấu cơ phản lực và 2 trực thăng của Moscow bị bắn hạ gồm 1 Su-35, 1 Su-34 và 2 Mi-8.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, cả 4 chiếc nói trên bị hạ là kết quả của một trận phục kích do phòng không Ukraine thực hiện. Lực lượng Kiev đã bất ngờ điều động một số hệ thống tên lửa lên sát biên giới phục kích tuyến hoạt động quen thuộc của Không quân Nga.

Thấy gì từ việc Ukraine tuyên bố liên tiếp bắn hạ Su-34 của Nga? - 1

Phòng không Ukraine đưa tên lửa Patriot lên sát sông Dnieper (vị trí ở đuôi mũi tên dài màu xanh) để bắn hạ 3 Su-34 Nga (các chấm nhỏ ở đầu mũi tên), nằm sâu trong vùng Kherson do Nga kiểm soát (Ảnh: Rybar).

Ukraine dùng Patriot làm nên "chuyện lớn"?

Những chiếc tiêm kích bom Su-34 Nga bị bắn hạ trên hướng tác chiến Kherson trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tấn công mục tiêu Ukraine ở đầu cầu Krynki bằng bom lượn FAB-500M-62.

Nhìn trên bản đồ, có thể thấy Chaplinka nơi các máy bay Nga được cho là đã bị bắn hạ nằm rất sâu sau chiến tuyến, cách bờ trái sông Dnieper tới 80-90km. Trong khi đó, trận địa tên lửa phòng không Ukraine thiết lập ở Chernobaevka tại phía bắc thành phố Kheson, địa điểm đến bờ phải chỉ chừng 10km, tức ngay ở sát chiến tuyến. 

Cụ thể, xét thực tế là nếu vị trí các tuyến để Su-34 ném bom lượn vào vị trí kiên cố của Ukraine ở Krynki nằm cách bờ phải sông Dnieper khoảng 50-55km thì khả năng bắn trúng Su-34 bằng tên lửa 9M38M1 của hệ thống phòng không Buk-M1 là không thể, bởi lẽ tầm bắn hiệu quả của chúng tối đa chỉ là 35km.

Đối với thông tin do Kiev thông báo về việc đã sử dụng hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa của dòng "Patriot", thật không may, thông tin ấy có một số lý do thuyết phục về mặt chiến thuật và kỹ thuật.

Các nhà phân tích cho rằng Kiev có thể đã sử dụng hệ thống tên lửa Patriot, một loại vũ khí do phương Tây cung cấp, Reuters đưa tin.

Điểm mấu chốt của thông tin là tầm bắn của tên lửa phòng không dẫn đường MIM-104C và MIM-104E GEM-T+ trong phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng không Patriot PAC-2/GEM-T, đạt tầm bắn 160km khi đánh chặn các mục tiêu ở độ cao lớn hơn 10km và 130 - 140km ở độ cao trung bình 5-7km.

Như đã biết, Su-34 thực hiện các chuyến xuất kích ném bom lượn thường ở các độ cao hơn 12km. Bởi vậy, dựa trên những dữ liệu sơ bộ, có thể đi đến kết luận rằng tổ hợp tên lửa phòng không của Ukraine có thể đã thực hiện một mưu đồ chiến thuật bằng việc triển khai một vài bệ phóng M903 và radar AN/MPQ ở một địa điểm nào đó bên bờ phải sông Dnieper ở cự ly 80-100km tính từ bờ sông (cũng là đường giới tuyến).

Họ cũng không đưa radar chiếu xạ AN/MPQ-65 (hoặc cũng có thể là radar AN/MPQ-53 đời cũ hơn) vào chế độ quét vùng trời chủ động cho đến khi nhận được chỉ định mục tiêu từ các radar cảnh giới nhìn vòng ST-68UM hoặc 36D6 được triển khai cách đó vài chục km hoặc từ máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-3B/C AWACS của NATO đang hoạt động trên bầu trời Romania.

Ngay sau khi nhận được chỉ thị tham số mục tiêu từ nguồn bên ngoài, radar chiếu xạ MPQ-53/65A với khả năng bắt mục tiêu tức đã được kích hoạt để tự động theo dõi chính xác cả 3 chiếc Su-34 cùng lúc (như đã biết, MPQ-53 có 9 kênh mục tiêu) để khai hỏa. Ở giai đoạn cuối tên lửa MIM-104C/E mới kích hoạt đầu dò radar bán chủ động để lao vào mục tiêu.

Vì những lý do như vậy, nên mặc dù những trạm cảnh báo chiếu xạ L-150 "Pastel" đã được lắp đặt trên Su-34 để có thể ngay lập tức ghi lại chế độ bị chiếu xạ từ phương tiện của radar đối phương với nhận dạng loại bằng hoạt động băng tần G, nhưng các phi công Su-34 đã không có thời gian hạ thấp độ cao từ 13km để sớm rời khỏi màn hình chân trời vô tuyến của radar MPQ-53 (tốc độ quỹ đạo trung bình của MIM-104C/E đạt 3.7-4.3 M). 

Hơn nữa, khi Su-34 dùng cấu hình treo bom thì chúng hiếm khi được trang bị thêm tên lửa bức xạ Kh-31PD chống radar để có thể phản đòn rất nhanh vào chính tổ hợp Patriot. Thật không may, vì một lý do nào đó mà hệ thống phòng thủ Khibiny đã không thể cung cấp các biện pháp đối phó vô tuyến đầy đủ đối với radar MPQ-53 của đối phương.

Cùng với giả thiết về hệ thống Patriot đã khai hỏa tấn công Su-34 ngày 22/12, Kiev cũng còn có thể tổ chức một bẫy tên lửa phòng không tương tự (như đã nêu) ở bờ phải Dnieper trên cơ sở hệ thống phòng không tầm trung S-300PS.

Khả năng này là có nhưng khá thấp, bởi tầm bắn của đạn tên lửa 5V55R trong tổ hợp là 90km, nhưng tầm bắn hiệu quả đối với mục tiêu có diện tích phản xạ radar lớn là 75km, nếu so từ vị trí trận địa "lập công" đến vùng 3 Su-34 hoạt động là gần 100km thì quá xa, không kíp chiến đấu phòng không nào khai hỏa nhằm vào mục tiêu ở kịch tầm vì xác suất trúng đích cực thấp. Bắn dọa, bắn đuổi thì được còn để diệt mục tiêu thì chỉ có phí đạn.

Thế nên, căn cứ vào tình huống chiến đấu thực tế thì khả năng Patriot tham chiến và "lập công" là cao nhất. Kíp tên lửa Ukraine khôn khéo, cao tay đợi thời cơ, chớp nhoáng bật radar khai hỏa diệt mục tiêu xong là thu hồi khí tài rút ngay khỏi trận địa khiến Nga khó phát hiện để trả đũa.

Thấy gì từ việc Ukraine tuyên bố liên tiếp bắn hạ Su-34 của Nga? - 2

Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo (Ảnh: Defence Blog).

Khâu tác chiến của Nga có vấn đề?

Việc Không quân Nga bị phục kích và mất tới 3 Su-34 cùng lúc (giả định là tuyên bố của Kiev là đúng) thì chứng tỏ trong khâu tác chiến "có vấn đề".

Thứ nhất, không phát hiện kịp thời tổ hợp tên lửa phòng không đối phương bí mật kéo lên sát chiến tuyến phục kích và bất ngờ ra đòn chớp nhoáng. Hậu quả vô cùng lớn, như chúng ta đã thấy, Nga thậm chí còn không kịp trả đũa vì sau khi Patriot "lập công", Ukraine ngay lập tức thu hồi khí tài và sơ tán ngay khỏi trận địa khai hỏa.

Có lẽ khâu trinh sát điện tử của Nga hoạt động ở vùng này không tốt khi không phát hiện sóng radar của Patriot? Qua đó, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo và khả năng làm chủ khí tài kỹ thuật của Ukraine.

Thứ hai, Nga thường dùng biên đội 2 chiếc Su-34. Như vậy là có đến hai biên đội bị tấn công nhưng Nga không kịp phản ứng hay điều chỉnh chiến thuật để có tới 3 chiếc bị đối phương bắn rơi.

Thứ ba, phải chăng Nga đã chủ quan? Cách đây không lâu, liên tục có thông tin Nga dùng Su-34 hoạt động ở sâu trong hậu phương Kherson và dùng bom lượn từ "ngoài tầm hỏa lực phòng không đối phương" đã gián tiếp xác nhận rằng Nga chủ quan.

Nga dường như chủ quan, không coi trọng mặt trận Kherson, tập trung cho các mặt trận khác về nguồn lực, cũng như khí tài vì cho rằng Kiev có vượt sông cũng không làm gì được, nên chỉ tập trung dùng pháo và không quân đánh vào điểm tập hợp của Ukraine. Không quân Nga dường như cũng nghĩ Kiev không coi trọng vùng này, chỉ đánh nghi binh. Thế nên cũng không bật radar phòng bị, sục sạo trước đường đi nên bị đối phương phục kích.

Cái có thể gọi là chủ quan chính, theo chuyên gia quân sự, là sức ì, ít thay đổi, thể hiện rõ nhất là việc lặp lại đường bay trong thời gian dài. Một phần nguyên nhân là do Nga lo ngại "quân ta bắn quân mình", nên các chiến đấu cơ chỉ hoạt động trong khoảng không gian đã quy ước, có hiệp đồng trước với phòng không.

Mỗi lần thay đổi là rất phức tạp vì phải hiệp đồng nhiều, bố trí phối thuộc lại nhiều nên không đổi mới thường xuyên, do vậy bị phục kích là tất yếu. Mới đây, một chiếc cường kích Su-25 Nga cũng bị hỏa lực thân thiện (Buk-M3) bắn rơi, phi công hy sinh, ở mặt trận Kherson, do bị nhầm là Su-25 của Ukraine. Phi công này hình như lệch khỏi tuyến vì một lý do gì đó, mà trên kênh FighterBomber giả thiết là đồng hồ sai hay đọc sai đồng hồ. 

Cần phải thừa nhận là Ukraine cũng lắm mưu mẹo, thế nên không phải bỗng dưng mà họ làm nên chuyện lớn. Do đó, trong mọi trường hợp, không được phép xem nhẹ đối phương.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine