1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga thẳng thừng bác đề xuất của nhóm ông Trump về Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nga không hài lòng với đề xuất hòa bình Ukraine từ đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dù ông Trump chưa đưa ra kế hoạch chính thức nào.

Nga thẳng thừng bác đề xuất của nhóm ông Trump về Ukraine - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: TASS).

"Dựa vào nhiều thông tin rò rỉ và cuộc phỏng vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 12/12 có thể thấy ông ấy đang nói về việc đóng băng xung đột theo chiến tuyến hiện tại, chuyển trách nhiệm đối đầu với Nga cho châu Âu", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 29/12 bình luận.

Ông nói thêm: "Chúng tôi chắc chắn không hài lòng với đề xuất từ nhóm của Tổng thống đắc cử Trump về việc hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình gồm các lực lượng Anh và châu Âu ở Ukraine".

Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Moscow hiện chưa nhận được bất kỳ tín hiệu chính thức nào từ Mỹ về việc giải quyết vấn đề Ukraine.

"Cho đến ngày tuyên thệ nhậm chức 20/1/2025, ông Donald Trump vẫn chỉ có tư cách tổng thống đắc cử. Tất cả các chính sách trên mọi lĩnh vực đều được do tổng thống và chính quyền đương nhiệm quyết định. Hiện tại, chỉ có chính quyền này mới có thẩm quyền làm việc với Nga thay mặt cho Mỹ", ông Lavrov nhấn mạnh.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ. Trong những phát ngôn gần đây, ông tiếp tục khẳng định có thể nhanh chóng kết thúc chiến sự Ukraine.

Ông không đưa ra kế hoạch cụ thể nào để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, đội ngũ của ông Trump đã thảo luận một số đề xuất.

Đặc phái viên về xung đột Nga  - Ukraine mới được ông Trump đề cử, Keith Kellogg, hồi tháng 4 đưa ra kế hoạch kêu gọi cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" đối với cuộc chiến Nga - Ukraine. Theo ông, Mỹ nên tham gia vào một cuộc đàm phán nhằm giúp các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine.

Kế hoạch  đề xuất Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự giúp Ukraine tự vệ. Tuy nhiên, viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có tham gia đàm phán hòa bình với Nga hay không.

Kế hoạch cũng cho rằng các nhà lãnh đạo NATO nên đề nghị hoãn tham vọng của Ukraine gia nhập liên minh để thuyết phục Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Hé lộ về kế hoạch hòa bình của ông Trump, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ J.D Vance hồi tháng 9 tiết lộ, Tổng thống đắc cử sẽ bắt đầu đàm phán với cả lãnh đạo Nga, Ukraine và châu Âu.

"Và ranh giới phân định hiện nay giữa Nga và Ukraine có thể trở thành một khu vực phi quân sự", ông nói.

Kế hoạch của ông Vance gợi ý Ukraine sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát gồm một phần gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Các nước châu Âu có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực phi quân sự Nga - Ukraine, song Mỹ sẽ không tham gia sứ mệnh đó.

Tuy nhiên, cả Moscow và Kiev đều tuyên bố không chấp nhận đóng băng xung đột.

Trả lời phỏng vấn Sputnik, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng đàm phán để giải quyết xung đột Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán này nên nhằm loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng và tính đến tình hình thực tế "trên thực địa".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, cả chính quyền hiện tại và sắp tới của Mỹ đều có đủ đòn bẩy để khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine.

"Nếu Washington thực sự muốn chấm dứt xung đột thì họ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev, yêu cầu các đồng minh của họ làm điều tương tự, yêu cầu Ukraine ngừng bắn, nối lại quá trình đàm phán mà không cần bất kỳ điều kiện nào", ông Lavrov nói.

Ông cho biết, cách tiếp cận của Nga để giải quyết xung đột ở Ukraine đã được Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/6 cũng như trong cuộc họp báo cuối năm vào ngày 19/12.

"Đặc biệt, chúng tôi nói về phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, đảm bảo tình trạng không liên kết, trung lập và không có vũ khí hạt nhân, đồng thời loại bỏ các mối đe dọa lâu dài đối với an ninh của Nga đến từ phương Tây, bao gồm cả việc mở rộng NATO. Ukraine phải đảm bảo quyền, tự do và lợi ích của công dân nói tiếng Nga, thừa nhận thực tế mới về lãnh thổ", ông Lavrov nhấn mạnh.

Theo Sputnik, TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine