DMagazine

Những thách thức làm khó giấc mơ trở lại "ghế nóng" của ông Trump

(Dân trí) - Tối 8/8, một sự kiện chấn động chính trường Mỹ đã xảy ra khi hàng chục đặc vụ FBI tổ chức cuộc đột kích và khám xét tại dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump.

NHỮNG THÁCH THỨC LÀM KHÓ GIẤC MƠ TRỞ LẠI "GHẾ NÓNG" CỦA ÔNG TRUMP

Tối 8/8, một sự kiện chấn động chính trường Mỹ đã xảy ra khi hàng chục đặc vụ FBI tổ chức cuộc đột kích và khám xét tại dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump.

Những thách thức làm khó giấc mơ trở lại ghế nóng của ông Trump - 1
Dinh thự Mar-a-Lago của gia đình cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida (Ảnh: NYT).

Vụ đột kích không báo trước vào dinh thự Mar-a-Lago, nhà riêng của cựu Tổng thống Trump đã gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ chính trường Mỹ. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định vụ việc có thể tác động tới tham vọng tái tranh cử tranh cử tổng thống năm 2024 của ông Trump.

CUỘC ĐỘT KÍCH BẤT NGỜ

Hơn 30 đặc vụ thuộc Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) được bảo vệ bởi cảnh sát địa phương đã thực hiện một cuộc đột kích bất ngờ vào dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida vào tối thứ Hai. Đây là nơi cựu tổng thống và gia đình sinh sống và giành phần lớn thời gian sau khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.

Những thách thức làm khó giấc mơ trở lại ghế nóng của ông Trump - 2
Hơn 30 đặc vụ FBI đã tham gia vào vụ khám xét dinh thự Mar-a-Lago của gia đình ông Trump vào tối 8/8 (Ảnh: Guardian).

Cả Bộ Tư pháp Mỹ và FBI đều chưa lên tiếng về lý do chính thức của cuộc đột kích trên.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ tiết lộ sau khi rời khỏi cương vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và về sinh sống tại Florida, ông Trump đã mang theo 15 thùng tài liệu, trong đó có những văn bản được đánh giá là tuyệt mật về an ninh quốc gia.

Theo Luật Hồ sơ Tổng thống của Mỹ, tất cả những văn bản thuộc quyền sở hữu của một tổng thống mãn nhiệm sẽ cần phải được gửi lại cho Cục Lưu trữ Quốc gia. Vì vậy, giới quan sát nhận định cuộc khám xét này dường như tập trung vào việc tìm kiếm những tài liệu mà ông Trump đã mang khỏi Nhà Trắng sau khi hết nhiệm sở vào đầu năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ Carolyn B. Maloney, một thành viên của đảng Dân chủ, vào cùng ngày cho biết: "Các tổng thống có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ và những cáo buộc rằng cựu Tổng thống Trump đã khiến an ninh của chúng ta gặp nguy hiểm bằng cách xử lý không đúng các tài liệu mật cần phải được xem xét kỹ lưỡng".

Ngay sau khi vụ đột kích xảy ra, ông Trump, người lúc đó đang không có mặt tại Florida, đã đăng tải một thông điệp bày tỏ sự giận dữ lên mạng xã hội.

"Đây là thời khắc đen tối đối với đất nước chúng ta. Dinh thự Mar-a-Lago của gia đình tôi tại Palm Beach, Florida hiện đang bị bao vây, đột kích và kiểm soát bởi một số đông các đặc vụ FBI. Đây là điều chưa từng xảy ra đối với một cựu tổng thống Mỹ.

Sau khi tôi đã làm việc và hợp tác với các cơ quan hữu quan của chính phủ thì cuộc bố ráp không báo trước nhằm vào nhà riêng của tôi là một điều cực kỳ không cần thiết và bất hợp lý", cựu Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Ông Trump đồng thời cáo buộc cơ quan tố tụng đã "vũ khí hóa hệ thống tư pháp" nhằm hỗ trợ cho cuộc tấn công của những người theo phe cánh tả cực đoan - những người không muốn ông tái tranh cử tổng thống vào năm 2024.

Những thách thức làm khó giấc mơ trở lại ghế nóng của ông Trump - 3
Người ủng hộ ông Trump đổ về trước cửa Mar-a-Lago ngay sau khi có tin FBI tổ chức khám xét dinh thự này (Ảnh: Guardian).

Bất chấp sự phản đối của cựu tổng thống cũng như đám đông người ủng hộ tập trung tại cổng dinh thự Mar-a-Lago, cuộc khám xét của các đặc vụ FBI vẫn diễn ra trong một vài giờ đồng hồ.

"Khoảng 30 mật vụ FBI, có thể nhiều hơn thế, đã xuất hiện ở Mar-a-Lago hoàn toàn không thông báo trước. Họ đi qua cổng, bắt đầu lục soát văn phòng, lục soát tủ quần áo và họ đã phá một chiếc két sắt", Eric Trump, con trai thứ của cựu Tổng thống Trump, nói với Fox News.

NHỮNG NGUY CƠ PHÁP LÝ

Một số chuyên gia  cho rằng vụ khám xét vào tối 8/8 chỉ là một phần trong chuỗi những rắc rối pháp lý mà cựu Tổng thống Donald Trump có thể phải đối mặt.

Những thách thức làm khó giấc mơ trở lại ghế nóng của ông Trump - 4
Người biểu tình giăng biểu ngữ ủng hộ ông Trump khi chiếm trụ sở Quốc hội Mỹ tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021 (Ảnh: Washington Post).

Trong một văn bản được đưa ra vào tháng 3/2022, Ủy ban Điều tra của Hạ viện Mỹ về vụ tấn công đồi Capitol ngày 6/1/2021 cho biết họ có đủ bằng chứng để đi đến kết luận rằng ông Trump đã kích động bạo lực trong nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng được cho là đã gây sức ép lên phó Tổng thống Mike Pence nhằm trì hoãn kết quả bầu cử và công nhận chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden - đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Ủy ban này dự định sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Tư pháp để có thể chính thức mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào cựu tổng thống.

Ngoài ra, vào tháng 6/2022, một số thành viên của đảng Dân chủ đã lên tiếng tố cáo ông Trump về tội "gian lận" vì đã tổ chức quyên góp một khoản tiền khổng lồ lên tới 250 triệu USD từ những người ủng hộ nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch pháp lý để đảo ngược kết quả bầu cử. Phe Dân chủ khẳng định họ có bằng chứng về việc số tiền trên đã không được sử dụng một cách đúng mục đích.

Tiếp đó, các thẩm phán liên bang tại bang Georgia, Mỹ đã đồng ý thành lập bồi thẩm đoàn để xem xét 3 vụ kiện chống lại ông Trump. Biện lý Fani Willis của hạt Fulton, bang Georgia cáo buộc ông Trump có ý đồ làm gián đoạn bầu cử vì gây sức ép lên các quan chức bầu cử của bang này.

Giới chức bang Georgia đang tích cực điều tra cuộc điện thoại của ông Trump gọi cho Ngoại trưởng bang Georgia Brad Raffensperger, một thành viên của đảng Cộng hòa, sau khi nhận tin thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020. Cựu Tổng thống Trump được cho là đã yêu cầu ông Raffensperger "tìm" thêm phiếu để giúp đảo ngược kết quả bầu cử.

Một đội các công tố viên dày dạn kinh nghiệm ở New York đã được thành lập, dẫn đầu bởi công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg, để mở cuộc tra nhằm vào công ty bất động sản của gia đình ông Trump vì cáo buộc gian lận. Theo đó, công ty của ông Trump bị nghi ngờ đã cung cấp thông tin tài chính sai lệch với mục đích nhận được những khoản vay ưu đãi và trốn thuế.

Cuối cùng, cuộc khám xét của FBI vào ngày 8/8 vừa qua có thể là bước khởi đầu cho việc điều tra ông Trump về nghi vấn sở hữu và sử dụng tài liệu mật của chính phủ bất hợp pháp.

KHẢ NĂNG TÁI TRANH CỬ 2024

Ông Trump chưa bao giờ giấu giếm ý định sẽ chạy đua cho vị trí tổng thống vào năm 2024. Từ giữa năm 2021, cựu tổng thống đã liên tục tổ chức những buổi vận động nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái tranh cử.

Những thách thức làm khó giấc mơ trở lại ghế nóng của ông Trump - 5
Cựu Tổng thống Trump trong một sự kiện sau khi rời Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).

Trong một buổi mít tinh được tổ chức vào tháng 3/2022 tại thành phố Florence, bang Nam Carolina, ông Trump đã tuyên bố sẽ giành lại Nhà Trắng trong kỳ bầu cử tới. "Các bạn đã có một vị tổng thống luôn luôn đề cao lợi ích của nước Mỹ. Tôi sẽ trở lại và chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết", ông Trump nói trước đám đông người ủng hộ.

Trong lịch sử, nước Mỹ đã có một người đảm nhiệm vai trò tổng thống trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp khi tổng thống đương nhiệm Grover Cleveland thất bại trong cuộc bầu cử năm 1888 nhưng đã giành lại Nhà Trắng sau chiến thắng năm 1893. Điều này đưa ông Cleveland trở thành Tổng thống thứ 22 và 24 của nước Mỹ. Nhiều nguồn tin thân cận với ông Trump cho biết ông luôn muốn mình trở thành một Grover Cleveland thứ 2.

Nhìn nhận một cách thực tế, viễn cảnh ông Trump tái tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 không phải là không thể xảy ra.

Cựu Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ hiện vẫn đang giữ vững được vị trí như là "người lãnh đạo không chính thức của đảng Cộng hòa". Ông đã liên tục sử dụng sức ảnh hưởng cá nhân để vận động cho các ứng viên có cùng quan điểm với mình và nhiều người trong số họ đã giành được những chiến thắng áp đảo trong cuộc đua giành lấy những vị trí lãnh đạo cấp liên bang và tiểu bang.

Trong một cuộc thăm dò dư luận của New York Times/Siena College vào giữa tháng 7, ông Trump hiện vẫn là người dẫn đầu trong danh sách các ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa cho vị trí tổng thống với hơn 49% phiếu ủng hộ.

Những phản ứng mạnh mẽ của nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa sau cuộc đột kích của FBI vào tối 8/8 cũng phần nào thể hiện sự ủng hộ của nội bộ đảng này đối với cựu Tổng thống Trump.

Theo họ, cuộc đột kích vào tối 8/8 có thể được coi là "một nỗ lực tuyệt vọng nhằm hủy hoại danh tiếng của cựu tổng thống và buộc đảng Cộng hòa tìm kiếm một ứng viên thay thế ông Trump vào năm 2024".

Những thách thức làm khó giấc mơ trở lại ghế nóng của ông Trump - 6
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Kevin McCarthy (Ảnh: Reuters).

Trong một thông báo được đưa ra vào tối 8/8, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Kevin McCarthy cho biết một cuộc điều tra toàn diện sẽ được thực hiện nhằm vào quyết định đột kích vào nhà riêng của cựu Tổng thống Trump của Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và FBI.

"Tôi đã thấy đủ rồi. Bộ Tư pháp đã đạt đến tình trạng không thể chấp nhận được với quyết định vũ khí hóa chính trị lần này. Khi đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra toàn diện vụ việc này trên mọi khía cạnh. Bộ trưởng Garland, hãy bảo quản tài liệu và sắp lịch làm việc của ông đi", Thượng nghị sĩ McCarthy tuyên bố.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người được cho là đang có ý định tranh cử vào năm 2024, nhấn mạnh rằng "việc vũ khí hóa chính trị của Bộ Tư pháp và FBI là một điều đáng xấu hổ". Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng gọi việc tiến hành lục soát đối với một cựu tổng thống là "rất nguy hiểm" và yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp phải lên tiếng giải trình.

Phản ứng một cách gay gắt hơn, ông Anthony Sabatini, một thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện bang Florida kêu gọi cơ quan lập pháp của bang này lập tức điều chỉnh luật để ngăn chặn những vụ đột kích tương tự có thể xảy ra, đồng thời cắt đứt mọi liên hệ với Bộ Tư pháp Mỹ ngay lập tức.

Những dẫn chứng trên cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang giành được sự tin tưởng của một bộ phận lớn thành viên đảng Cộng hòa và điều này sẽ mang đến nhiều lợi thế cho ông trong việc trở lại đường đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Tuy nhiên, những rắc rối pháp lý đang gặp phải có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tái tranh cử của ông Trump. Theo giáo sư luật Brian Kalt từ Đại học bang Michigan, Bộ Tư pháp Mỹ không có chính sách miễn trừ truy tố với các ứng cử viên tổng thống. Vì vậy, giáo sư Kalt cho rằng đây là một "cửa ải" mang tính chất sống còn đối với ông Trump và đảng Cộng hòa, đặc biệt là khi kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 đang tới gần.

Những tính toán sai lầm vào lúc này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giành lại quyền kiểm soát Quốc hội của đảng Cộng hòa mà còn có thể tác động tới cuộc đua trở lại Nhà Trắng đối với cựu Tổng thống Donald Trump. Đặc biệt, nếu bị cáo buộc sở hữu và sử dụng trái phép tài liệu mật của chính phủ, ông Trump có thể sẽ bị cấm đảm nhiệm tất cả chức vụ chính quyền trong tương lai và nếu điều đó xảy ra có thể là dấu chấm hết sự nghiệp chính trị của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ

Tùng Nguyễn

Theo Vox, Reuters, Guardian

10/08/2022