(Dân trí) - Các vấn đề "nóng" như xung đột Nga - Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung, suy thoái kinh tế hay biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ tiếp tục chi phối tình hình thế giới năm 2023.
NHỮNG GAM MÀU CHI PHỐI BỨC TRANH THẾ GIỚI NĂM 2023
Các vấn đề "nóng" như cuộc xung đột Nga - Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung, suy thoái kinh tế hay biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ tiếp tục chi phối tình hình thế giới năm 2023 và tác động tới các quốc gia ở nhiều cấp độ khác nhau.
Nếu năm 2022 là năm thế giới phải vừa xoay chuyển phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 vừa chứng kiến lạm phát tăng cao ở nhiều nơi trên toàn cầu cùng với hệ quả tiêu cực của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, thì năm 2023 được dự đoán sẽ tiếp tục bị chi phối bởi đại dịch Covid-19 (đặc biệt ở Trung Quốc), cuộc xung đột ở Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung, các cú sốc địa chính trị, an ninh năng lượng, các xu hướng về phi toàn cầu hóa và tái tổ chức chuỗi cung ứng chính trị, tác động của biến đổi khí hậu và tác động chính trị của các cuộc bầu cử lớn sâu sắc hơn.
Xung đột Nga - Ukraine
Thế giới vẫn đang "nín thở" theo dõi cuộc xung đột ở Ukraine. Nhiều nước đã kêu gọi chấm dứt chiến sự thông qua ngoại giao. Xuất khẩu lúa mì của Ukraine sụt giảm cùng với giá nhiên liệu tăng vọt đã gây tổn hại cho một số quốc gia.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng đàm phán dường như vẫn là viễn cảnh xa vời. Trong bối cảnh cả Nga và Ukraine đều chưa thể đánh bại hoàn toàn đối phương sau hơn 10 tháng giao tranh, hai bên cho đến nay đều không sẵn sàng nhượng bộ.
Ukraine đang phải đối mặt với các cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng nước này, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh mất điện và nước. Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí và viện trợ nhân đạo cho Kiev. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chính phủ của ông được cho là bên quyết định thời điểm và cách thức đàm phán với Nga.
Mặc dù đối mặt với một số tổn thất trên chiến trường, song Nga dường như không có ý định dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga đã huy động 300.000 tân binh và tăng cường trang bị vũ khí, trong đó có máy bay không người lái. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga dường như hoạt động tốt hơn so với dự đoán. GDP của Nga dự kiến chỉ giảm khoảng 4%, trong khi các nước như Đức, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua hàng trăm triệu USD dầu mỏ và khí tự nhiên của Nga mỗi ngày.
Thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông có thể khiến giao tranh chậm lại phần nào, nhưng giới phân tích nhận định một lệnh ngừng bắn chính thức dường như khó có thể đạt được trong tương lai gần. Một kịch bản nhiều khả năng xảy ra là giao tranh giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục diễn ra, ít nhất trong nửa đầu năm 2023, trong khi các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ tạo ra làn sóng di tản của dân thường.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra sự gián đoạn đáng kể, khiến thị trường lương thực và năng lượng trở nên bất ổn, đồng thời khiến giá cả tăng vọt sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, sự nghi ngại về một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ đã dẫn đến việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, với việc các chính phủ phương Tây và các công ty xuyên quốc gia ngày càng giảm sự phụ thuộc vào nhà sản xuất khổng lồ ở châu Á này.
Căng thẳng Mỹ - Trung
Cuộc xung đột Nga - Ukraine là một trong những điểm nóng toàn cầu, tuy nhiên căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng có tác động mạnh đến tương lai của thế giới.
Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022 cho thấy cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn ngăn chặn nguy cơ quan hệ song phương xấu đi. Cuộc gặp này đã khởi động lại cuộc đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh, sau những tranh cãi liên quan tới chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào mùa hè.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đã nhận ra tính toán của phương Tây trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Do vậy, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng "pháo đài kinh tế" để giảm bớt phụ thuộc vào đầu tư từ phương Tây. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nỗ lực độc lập hơn với Trung Quốc, đặc biệt về nguyên liệu thô và vi mạch. Ngoại trừ Canada, hầu hết các nước phương Tây đang rút lại quan hệ với các công ty viễn thông Trung Quốc.
Cuộc đối đầu Mỹ - Trung trong năm 2023 được dự đoán sẽ ngày càng sâu sắc hơn cả về chiều rộng và chiều sâu, nhưng xác suất cho một cuộc đối đầu quân sự dường như khó xảy ra vào năm 2023. Ở một nước Mỹ đang bị phân cực sâu sắc với đảng Cộng hòa giữ đa số mỏng manh trong Hạ viện và đảng Dân Chủ vẫn còn chiếm ưu thế mỏng manh ở Thượng viện, thì một trong số ít lĩnh vực đạt được thỏa thuận lưỡng đảng ở Quốc Hội là chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden sẽ không mạo hiểm chính trị bằng cách trở nên mềm mỏng với Trung Quốc thông qua các thỏa thuận thương mại hay dàn xếp chính trị, cho dù chúng có thể hợp lý đến đâu. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng chính quyền Mỹ đang dùng vấn đề Đài Loan và cáo buộc "Trung Quốc bá quyền" để thu hút sự phân tâm của người Mỹ khỏi sự yếu kém của nền kinh tế trong nước do lạm phát cao trong 4 thập niên qua.
Bà Angela Mancini tại tổ chức Kiểm soát Nguy cơ (Control Risks) nói rằng sẽ chỉ có thêm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung vào năm tới. Quan hệ Mỹ - Trung là rủi ro địa chính trị lớn nhất đối với các doanh nghiệp vào năm 2023. Bà nói thêm rằng xác suất nguy cơ xung đột quân sự xảy ra xung quanh eo biển Đài Loan thấp, nhưng có những lo ngại xung quanh những phát ngôn từ cả hai quốc gia. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được tiến bộ trong nhiều lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung, chẳng hạn đưa ra một thỏa thuận hợp lý về thương mại để thay thế hệ thống trả đũa thuế quan lẫn nhau dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đóng góp cho quỹ "tổn thất và thiệt hại" nhằm khắc phục biến đổi khí hậu trên toàn cầu sau cuộc họp về khí hậu COP27 ở Ai Cập.
Trên bình diện thương mại, Mỹ đang mở rộng các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc bằng việc áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc theo Quy tắc về sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR - The Foreign Direct Product Rule). Quy tắc FDPR quy định nếu một sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ thì chính phủ Mỹ có quyền ngăn chặn việc kinh doanh nó, kể cả các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài. Mỹ đã sử dụng FDPR để ngăn chặn tập đoàn điện tử viễn thông Huawei và vào tháng 10 đã mở rộng sang ngành công nghiệp máy tính và siêu máy tính tiên tiến của Trung Quốc. Điều này không nằm ngoài mục đích của Mỹ nhằm làm chậm lại quá trình làm chủ công nghệ cao của Trung Quốc. Cuộc chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2023 được dự đoán sẽ không dịu bớt.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu bước sang năm 2023 được đánh giá sẽ xấu đi khi cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine tiếp tục gây căng thẳng cho thương mại toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu. Các biện pháp trừng phạt phối hợp của phương Tây đã cô lập Nga và hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với các công nghệ tiên tiến. Cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, cũng như đẩy giá lương thực tăng vọt. Điều này đã dẫn đến một thực trạng kinh tế mới, với lạm phát tăng cao hơn và chế độ chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới ưu tiên ổn định lạm phát hơn tăng trưởng kinh tế. Điều này được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2023.
Ngoài ra, các thị trường khác trên thế giới chờ đợi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mở cửa trở lại đầy đủ hơn sau nhiều tháng bị gián đoạn bởi chính sách chống Covid-19. Cách tiếp cận xét nghiệm hàng loạt cộng thêm phong tỏa diện rộng của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại cho nền kinh tế. Việc duy trì chính sách Không Covid (Zero Covid) trong một thế giới mà căn bệnh này đang có khuynh hướng trở thành đặc hữu, đòi hỏi phải ngừng các hoạt động đời sống đột ngột, sẽ làm phức tạp thêm môi trường kinh tế vĩ mô vốn đã đầy thách thức của Trung Quốc.
Các báo cáo của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới đã đưa ra các nhận định khá bi quan cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023. Theo Báo cáo Tình báo Thị trường Toàn cầu (Global Market Intelligence) của tổ chức S&P công bố vào cuối tháng 11/2022, đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine và các cú sốc địa chính trị khác sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Khó ai có thể đoán chắc khi nào chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ kết thúc và sẽ chấm dứt như thế nào. Nga, mặc dù nền kinh tế đang lao đao dưới các lệnh trừng phạt nặng nề, chắc chắn sẽ sử dụng nhiều binh lính mới được huy động để đảm bảo an toàn cho các khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập trong năm vừa qua. Trong khi đó, tại Mỹ, các dấu hiệu về thị trường việc làm thắt chặt và hoạt động kinh doanh chậm lại làm dấy lên lo ngại trong người dân Mỹ về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của tổ chức Goldman Sachs Research, Mỹ có thể sẽ "hạ cánh" nhẹ vào 2023 khi nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ tránh được suy thoái trong gang tấc với lạm phát giảm dần và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ. Trong dự báo mới vào tháng 11/2022, OECD dự đoán Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng lãi suất cơ bản 6 lần trong năm nay nhằm chế ngự lạm phát, sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023 (giảm mạnh so với 5,9% vào năm 2021), và tăng nhẹ lên 1% vào năm 2024.
Trên toàn cầu, lạm phát gia tăng và hoạt động kinh doanh, đặc biệt ở khu vực đồng euro và Vương quốc Anh, tiếp tục bị thu hẹp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới 2023 dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,7% trong năm 2023, và dự đoán năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái đối với hàng triệu người trên khắp thế giới. Theo ước tính của OECD, nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức tăng trưởng mạnh mẽ 5,9% vào năm 2021. OECD dự đoán năm 2023 sẽ còn tồi tệ hơn: Nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,2%. Thậm chí, các nhà phân tích của ngân hàng nổi tiếng Barclays còn bi quan hơn khi dự đoán thế giới sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,7% trong năm 2023, một sự suy giảm lớn so với mức tăng trưởng 6%+ của năm 2021 và giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 3,2% dự tính cho năm 2022.
Theo Barclays, lạm phát có thể sẽ giảm chậm, với giá tiêu dùng trên toàn thế giới tăng ở mức trung bình 4,6% trong 2023. Trên bình diện kinh tế chính trị, các chính phủ đang và sẽ phải tiếp tục đối mặt với một thách thức khó khăn như vừa phải trợ cấp cho người dân trong thời điểm lạm phát cao, đặc biệt là đối với các nhu yếu phẩm như thực phẩm và nhiên liệu, nhưng đồng thời cũng tránh tăng tổng cầu làm tăng nguy cơ lạm phát.
Theo cách nhìn tương đối lạc quan của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), mặc dù tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp nhưng chỉ một số khu vực cụ thể sẽ phải đối mặt với sự suy giảm. Trong số các quốc gia G7, Anh là quốc gia duy nhất có quy mô kinh tế chưa trở lại mức trước đại dịch và được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán nền kinh tế Anh sẽ giảm quy mô 0,3% vào năm 2023 và sẽ chỉ tăng trưởng 0,2% vào năm 2024. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh, nơi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô bao gồm gỗ, quặng, nhiên liệu và các sản phẩm đầu vào kinh tế quan trọng khác lại hưởng lợi từ lạm phát toàn cầu khi giá cả của những hàng hóa đó tăng lên. Một điểm sáng được dự báo trong năm 2023 là nền kinh tế Ấn Độ, nhưng nền kinh tế này không đủ lớn để thay đổi triển vọng tăng trưởng chung của cả toàn cầu.
Cạnh tranh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Những lo ngại gia tăng về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 cũng không làm giảm đi sự tăng cường chính sách quyết đoán của Bắc Kinh. Sau nhiều thập niên chờ thời cơ và che giấu sức mạnh, Trung Quốc dưới nhiệm kỳ 3 của Tổng bí thư Tập Cận Bình đang quyết đoán mở rộng dấu ấn an ninh và ngoại giao toàn cầu, đặc biệt thách thức vị thế của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Đông. Do đó, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ hầu như chỉ sẽ tập trung vào việc huy động các đồng minh và đối tác của Mỹ ngầm đối phó với Trung Quốc. Ngay cả danh sách "các thành viên tương lai" trong Hiệp định Đối tác Mỹ - Thái Bình Dương cũng không bao gồm Trung Quốc, khi quốc gia này vẫn tiếp tục bị coi là đối thủ chiến lược của Mỹ và là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở khu vực.
Một yếu tố quan trọng khác cũng cần chú ý là sự phát triển của các liên minh phương Tây trong khu vực, bao gồm AUKUS (Australia, Anh, Mỹ) hoặc Bộ Tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ). Trung Quốc được dự đoán tiếp tục củng cố năng lực quân sự với tốc độ nhanh chóng, nhưng Mỹ cũng hỗ trợ các đối tác khác trong khu vực củng cố năng lực quốc phòng.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm 2023 sẽ chứng kiến nhiều hơn các hoạt động tăng cường quốc phòng, an ninh từ các quốc gia trong khu vực cũng như từ các cường quốc bên ngoài. Các thể chế đa phương do Mỹ dẫn dắt sẽ phải cạnh tranh với những sáng kiến mới từ Trung Quốc. Các điểm nóng như Đài Loan, Triều Tiên, Iran vẫn luôn có khả năng châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang với các quốc gia liên quan.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được xem là một trong những điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn nhất trong khu vực. Năm 2022, Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa nhất từ trước tới nay, có thời điểm phóng 23 tên lửa trong một ngày. Mặc dù các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên không phải là mới, nhưng tần suất dày đặc đánh dấu sự leo thang căng thẳng đáng kể trong khu vực.
"Điều quan trọng về năm 2022 là từ "thử nghiệm" không còn phù hợp để nói về hầu hết các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tất cả những gì chúng ta chứng kiến trong năm nay cho thấy ông Kim Jong-un cực kỳ nghiêm túc về việc sớm sử dụng năng lực hạt nhân trong một cuộc xung đột nếu cần thiết", Ankit Panda, chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết.
Các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên cũng có nguy cơ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á, khi các quốc gia lân cận đang tăng cường sức mạnh quân sự và Mỹ cam kết bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản bằng "toàn bộ khả năng, bao gồm cả hạt nhân".
Biến đổi khí hậu
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Hầu hết các quốc gia đều tập trung sự chú ý vào vấn đề an ninh năng lượng của nước mình, đồng thời tạm gác lại các nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải carbon. Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, phương Tây đã tìm cách tiếp cận các quốc gia giàu dầu mỏ như Ả Rập Xê Út và Venezuela để thúc đẩy sản xuất. Đức thậm chí còn khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than do lo ngại Nga ngừng cấp khí đốt.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 được tổ chức ở Ai Cập vào tháng 11, các nước không đạt được tiến triển nào trong việc hối thúc các quốc gia giàu có bồi thường cho các nước nghèo hơn để đổi lấy việc giảm lượng khí thải.
Mặc dù giá khí đốt đã ổn định trong những tháng cuối năm 2022, nhưng điều này không có nghĩa là năm 2023 các nước sẽ không đối mặt với rủi ro. Châu Âu vẫn còn trải qua vài tháng mùa đông nữa, khi hệ thống sưởi ấm trong nhà đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân. Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vẫn còn cao.
Ngoài ra, châu Âu sẽ phải khắc phục tình trạng thâm hụt sản xuất điện do các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng tại các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Giá dầu thô sẽ khó có thể giảm thêm, trong khi các nhà sản xuất lớn như Ả-rập Xê-út không tăng sản lượng.
Năm 2023, thế giới tiếp tục bị chia rẽ vì cuộc xung đột ở Ukraine giữa những quốc gia ủng hộ cấm vận Nga và các quốc gia còn lại, nhưng hầu hết thế giới đều sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát gây ra từ cuộc xung đột này và hiểm họa hạt nhân vẫn không biến mất.
Một kỷ nguyên địa chính trị mới, suy thoái kinh tế, lạm phát, biến đổi khí hậu, căng thẳng Mỹ - Trung... sẽ là những vấn đề sẽ quyết định cục diện thế giới trong năm 2023. Thời gian sẽ trả lời cho việc liệu một thế giới trở nên toàn cầu hóa hơn có thể giải quyết các thách thức đặt ra hay không.
TS. Nguyễn Thành Trung - Thành Đạt