DNews

Nguy cơ xung đột Ukraine lan rộng sau các vụ UAV lọt sâu vào lãnh thổ Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Những vụ tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga làm gia tăng nguy cơ xung đột Nga - Ukraine leo thang và lan rộng.

Nguy cơ xung đột Ukraine lan rộng sau các vụ UAV lọt sâu vào lãnh thổ Nga

MỘT LOẠT VỤ TẤN CÔNG

Việc Ukraine tấn công bằng thiết bị không người lái (UAV) vào đất Nga từng là điều không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, đây đã trở thành điều thường thấy trong cuộc xung đột hiện nay, Kiev thậm chí cảnh báo sẽ còn nhiều hơn nữa những vụ việc như vậy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 30/7 tuyên bố: "Ukraine đang trở nên mạnh mẽ hơn. Dần dần, chiến tranh đang quay trở lại lãnh thổ của Nga - đến các trung tâm biểu tượng và căn cứ quân sự của nước này".

Thời gian gần đây Ukraine được cho là liên tiếp tiến hành các vụ tấn công bằng UAV vào lãnh thổ Nga, trong đó có nhiều địa điểm quan trọng như Điện Kremlin, căn cứ không quân chiến lược, tòa tháp ở Moscow, nơi có một số văn phòng chính phủ, nơi quản lý các tổ hợp công nghiệp - quân sự.

Theo BBC, kể từ đầu năm nay có tổng cộng hơn 120 vụ tập kích UAV nhằm vào đất Nga hoặc lãnh thổ do Nga kiểm soát. Các cuộc tấn công chủ yếu nhằm vào vùng Bryansk và Belgorod của Nga, gần biên giới phía tây với Ukraine cũng như vào bán đảo Crimea.

Đặc biệt, những tháng gần đây, vùng Moscow, cách biên giới Ukraine khoảng 450km, liên tục hứng các cuộc tập kích UAV. Hồi tháng 2, một UAV rơi cách Moscow khoảng 100km. Ảnh chụp các mảnh vỡ cho thấy đó dường như là UAV loại UJ-22 do Ukraine sản xuất có tầm hoạt động lên tới 800km.

Càng về sau, tần suất xuất hiện của các UAV "lạ" ở khu vực Moscow càng tăng, thậm chí những thiết bị này đã tiếp cận trung tâm thủ đô của Nga.

Nga cáo buộc Ukraine tìm cách ám sát Tổng thống Putin khi rạng sáng 3/5, hai chiếc UAV nghi của Ukraine đã tiếp cận Điện Kremlin - một địa danh mang tính biểu tượng ở Moscow và là nơi ở chính thức của người đứng đầu chính phủ Nga. Các UAV này đã bị vô hiệu hóa, song vụ việc đặt ra những câu hỏi liên quan đến mức độ an ninh ở nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Nga.

Tiếp đó, hôm 30/5, một số tòa nhà ở trung tâm Moscow bị hư hại trong vụ tập kích UAV được coi là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay nhằm vào "trái tim" của nước Nga.

Khoảnh khắc UAV cảm tử lao vào Điện Kremlin

Hôm 4/7, cuộc tập kích UAV nhằm vào Moscow khiến các chuyến bay phải chuyển hướng khỏi sân bay quốc tế Vnukovo. Hoạt động của sân bay này tiếp tục bị gián đoạn trong ngày 30/7 và 1/8 vì lý do tương tự.

Ngoài ra, các cơ sở quân sự, hạ tầng năng lượng của Nga cũng trở thành mục tiêu trong những vụ tập kích kiểu này. Theo BBC, kể từ đầu năm nay, ít nhất 9 vụ tấn công UAV nhằm vào các kho chứa dầu của Nga, một trong số đó nằm ở thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea.

Hôm 31/5, một nhà máy lọc dầu ở vùng Krasnodar, miền Nam nước Nga, cách Crimea khoảng 200km, cũng bị tập kích. Cách đó không lâu, một vụ tấn công UAV nhằm vào một doanh trại huấn luyện ở Voronezh khiến ít nhất 10 binh sĩ Nga bị  thương.

Layla Guest, nhà phân tích tại công ty tư vấn an ninh Sibylline, nói: "Lực lượng Ukraine dường như ưu tiên nhắm vào các mục tiêu như nhà máy lọc dầu, mạng lưới hạ tầng hậu cần nhằm gây gián đoạn tối đa cho Nga, tạo điều kiện cho chiến dịch phản công".

Tháng 12 năm ngoái, một căn cứ không quân của Nga nằm cách biên giới Ukraine khoảng 600km cũng bị UAV tập kích, khiến 3 người thiệt mạng.

Rạng sáng ngày 5/12/2022, hai căn cứ đồn trú máy bay ném bom của Nga bị tấn công, khiến hai máy bay ném bom tầm trung Tu-22M3 bị hư hại. Những căn cứ này cách biên giới Ukraine 500-700km.

Nguy cơ xung đột Ukraine lan rộng sau các vụ UAV lọt sâu vào lãnh thổ Nga - 1

Hai căn cứ không quân của Nga cách biên giới Ukraine hàng trăm km bị tập kích UAV cuối năm 2022 (Đồ họa: Aljazeera).

Bất chấp những dấu hiệu rõ ràng, Ukraine đến nay gần như vẫn phủ nhận trách nhiệm trong các cuộc tập kích vào lãnh thổ Nga hoặc lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Ukraine chỉ cho biết nước này đang tăng cường sản xuất UAV trong bối cảnh nhu cầu trên chiến tuyến tăng mạnh. Giới chuyên gia cũng chỉ ra, tầm hoạt động UAV của Ukraine cũng được cải thiện đáng kể.

"Mặc dù Ukraine không xác nhận lực lượng của họ tập kích vào Moscow, nhưng tôi nghĩ các cuộc tấn công phủ đầu mà chúng ta đã thấy năm ngoái chứng minh rằng Ukraine có khả năng tiến hành các cuộc tấn công tầm xa như vậy từ bên trong lãnh thổ Ukraine", David Cenciotti, biên tập viên của trang Aviationist, bình luận.

Chuyên gia Anh về UAV Steve Wright cũng cho rằng UAV tiếp cận Điện Kremlin được phóng đi từ Ukraine.

Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov thậm chí tuyên bố UAV có tên gọi R18 của nước này "có thể bay từ Kiev đến Moscow và quay trở lại". Tuy vậy, thông tin này chưa thể xác thực.

ĐÒN TÂM LÝ CỦA UKRAINE?

Các cuộc tấn công UAV vào Moscow dường như cho thấy Ukraine đang gây tổn thất tâm lý đối với Nga, nhưng họ rõ ràng cũng có những mục tiêu quân sự trong bối cảnh xung đột kéo dài.

Justin Bronk, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân và công nghệ tại Viện nghiên cứu quân chủng liên hợp Hoàng gia Anh, nhận định: "Tập kích bằng UAV là hành động có chủ ý nhằm gây tác động tâm lý đối với cả giới lãnh đạo và người dân Nga".

Cũng theo chuyên gia vũ khí và công nghệ David Hambling, các cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Moscow sẽ khiến người dân Nga ngày càng cảm thấy quốc gia của họ đang trong một cuộc xung đột vũ trang.

Trở lại với vụ tấn công bằng UAV vào khu tài chính Moscow City hồi cuối tháng 7, hiện chưa rõ mục tiêu thực sự của Ukraine khi hai lần nhắm đến tòa tháp này. Moscow City không giống mục tiêu mà Ukraine lựa chọn tập kích trước đó như cơ sở hậu cần, căn cứ quân sự của Nga.

Nguy cơ xung đột Ukraine lan rộng sau các vụ UAV lọt sâu vào lãnh thổ Nga - 2

Tòa nhà ở trung tâm tài chính Moscow bị hư hại sau vụ tập kích UAV hồi cuối tháng 7 (Ảnh: AFP).

Câu hỏi hiện nay là liệu các cuộc tập kích bằng UAV của Ukraine nhằm vào một số mục tiêu nhất định hay liệu chúng có đi chệch khỏi điểm đến ban đầu do tác động của hệ thống phòng thủ của Nga hay không.

Theo ông Hambling, tấn công hai lần cùng một tòa nhà cho thấy "việc nhắm mục tiêu khá chính xác", và với tư cách là một cơ sở của cơ quan chính phủ, đó rõ ràng là một mục tiêu có giá trị.

Chuyên gia về UAV Steve Wright cho rằng những cú va chạm liên tiếp vào tòa tháp này là một "đòn tâm lý" của Ukraine với Nga trong khi vẫn hạn chế nguy cơ thương vong dân sự ở mức tối thiểu.

Ngoài đòn tâm lý, những cuộc tập kích bằng UAV có thể là cách Ukraine phát đi thông điệp rằng họ đang sở hữu công nghệ UAV mới, hiệu quả. "Nó cho thấy rằng bên tấn công đã có thể xây dựng, thử nghiệm và triển khai những cỗ máy này theo từng đợt gồm hàng chục chiếc", ông Wright viết.

Trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine, các chuyên gia đều dự đoán khi công nghệ ngày càng phát triển, UAV tấn công theo bầy đàn sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với hệ thống phòng không của đối phương.

Samuel Bendett, nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, cho biết mặc dù những UAV này không mang theo đầu đạn lớn, nhưng chúng từng gây ra một số "thiệt hại nghiêm trọng" đối với Moscow.

Tuy nhiên, nếu so với tên lửa, tập kích bằng UAV có thể là bước đi ít rủi ro hơn cho Ukraine khi theo đuổi chiến lược "đưa chiến tranh vào nước Nga".

Ông Hambling nói rằng: "Khi một UAV có thể tấn công bất kỳ tòa nhà nào với hàng trăm kg thuốc nổ, đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ các cơ sở quân sự và chính phủ của họ".

Theo giới chuyên gia, chỉ cần một trong những UAV Ukraine chọc thủng được hệ thống phòng không của Nga, đó cũng đã là một bước đột phá với Ukraine.

Mặc dù vậy, vẫn phải xem xét khả năng chống chịu của các UAV (Beaver) trước hệ thống tác chiến điện tử và gây nhiễu của Nga. Những cuộc tấn công mới đây cho thấy Ukraine chỉ đang trong giai đoạn đầu của việc phát triển các loại vũ khí này, công nghệ sẽ được cải tiến dần sau mỗi lần triển khai.

"Ukraine chỉ mới ở giai đoạn đầu sản xuất hàng loạt UAV tấn công tầm xa và chắc chắn họ sẽ học được nhiều điều từ những vụ tập kích đầu tiên", ông Hambling nói.

Sau đó, Ukraine có thể tìm cách nhắm mục tiêu vào các hạ tầng điện, mạng viễn thông của Nga. "Một cuộc tấn công có tổ chức và phối hợp chặt chẽ hơn nhằm vào Moscow trên quy mô lớn hơn có thể gây tác động lớn hơn", ông Hambling cảnh báo.

Về phía Ukraine, người phát ngôn không quân Yurii Ihnat nhấn mạnh những cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái vào Moscow chủ yếu tập trung làm ảnh hưởng đến người Nga, những người vẫn thấy cuộc chiến xa xôi.

"Luôn luôn có những thứ bay trên bầu trời Nga và Moscow. Giờ đây, cuộc chiến đã bắt đầu ảnh hưởng tới những người chưa từng phải lo ngại về nó. Bất kể người Nga tuyên bố họ đã bắn hạ tất cả UAV, sự thực là luôn luôn sẽ có một số cuộc tấn công được thực hiện thành công", ông nói.

Sau vụ Moscow bị tập kích UAV gần đây, một nhân chứng chia sẻ: "Tôi và một số người bạn đã thuê một căn hộ để nghỉ ngơi, rồi bất ngờ chúng tôi nghe thấy tiếng nổ, mọi người đều giật mình. Rất nhiều khói bốc lên, đến mức chúng tôi không thể nhìn thấy gì. Từ tầng trên nhìn xuống chúng tôi thấy lửa cháy".

Keir Giles, một chuyên gia về Nga tại Chatham House, bình luận: "Chúng khiến người Nga nhận ra rằng họ không hề hoàn toàn tách biệt khỏi những gì đang xảy ra tại Ukraine".

Trong khi đó, Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng đối ngoại châu Âu, nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa các cuộc tập kích vào Moscow và vùng biên giới Nga như Belgorod, Kursk.

Cụ thể, theo chuyên gia này, tập kích vào Moscow chủ yếu nhằm mục tiêu đánh vào tâm lý, trong khi những vụ tấn công vùng biên giới Nga dường như liên quan nhiều hơn đến cuộc phản công hiện tại của Ukraine.

Ông Gressel lập luận Kiev đang tìm cách buộc Moscow tăng cường an ninh dọc biên giới, do đó phải rút bớt lực lượng từ chiến trường Ukraine hoặc chuyển một phần hệ thống phòng không tăng cường cho Moscow. Nếu Nga buộc phải rút một số hệ thống phòng không khỏi vùng chiến sự Ukraine để bảo vệ thủ đô, điều này sẽ là một bước tiến lớn đối với Kiev.

Thiệt hại do cuộc tấn công bằng UAV tự sát gây ra là hạn chế, nhưng hệ thống phòng không của Moscow phải chịu áp lực rất lớn. Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khả năng phòng không.

Do đường biên giới giữa Nga - Ukraine trải dài nên việc Moscow thiết lập một tuyến phòng thủ liên hoàn là điều không dễ dàng. Trong khi đó, các cuộc tập kích UAV nhằm vào Moscow có thể trở nên thường xuyên và lan rộng hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, ông nói không thể chắc chắn liệu chiến lược này có cải thiện cơ hội phản công thành công của Ukraine trong vài tuần tới hay không.

CẢNH BÁO CỨNG RẮN CỦA NGA  

Nguy cơ xung đột Ukraine lan rộng sau các vụ UAV lọt sâu vào lãnh thổ Nga - 3

Nga cảnh báo đáp trả quyết liệt các vụ tập kích UAV vào lãnh thổ Nga hoặc lãnh thổ do Nga kiểm soát (Ảnh: TASS).

Để đối phó với mối đe dọa từ UAV Ukraine, các doanh nghiệp quân sự Nga đang phát triển các hệ thống chống UAV bằng vũ khí laser và vi sóng, thiết bị xung điện tử di động và hệ thống chống UAV di động.

Ông Dmitry Rogozin, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Giao thông vận tải Nga tin rằng, Nga cuối cùng sẽ giải quyết được vấn đề UAV bay đến các thành phố lớn. Trong tương lai, Nga có thể xây dựng một "mái vòm" phòng thủ, được bao phủ bởi các hệ thống phòng không tiên tiến hơn.

Với Ukraine, giới chuyên gia cảnh báo, việc theo đuổi chiến lược "đưa chiến tranh vào đất Nga" đi kèm nhiều rủi ro.

Moscow tuyên bố Nga có quyền "đáp trả quyết liệt" các vụ tập kích UAV vào Moscow, vùng biên giới hay bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga có thể tấn công vào "các mục tiêu không điển hình" ngoài các nhà kho quân sự và những cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Một số chuyên gia phân tích lo ngại Moscow có thể đáp trả bằng những vụ tấn công hạn chế nhằm vào Ukraine.

Theo tài liệu "Các nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân" công bố năm 2020 nêu rõ Moscow có quyền đáp trả hạt nhân nếu các cơ sở trọng yếu của chính phủ hay quân đội bị tấn công.

Hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẽ đáp trả hạt nhân Kiev, nhưng Nga chắc chắn sẽ không ngồi yên khi những vụ tập kích vào lãnh thổ ngày càng nhiều. Điều này có thể khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang, kéo dài hơn nữa.

Trong khi đó, phản ứng về những vụ tập kích vào trong lãnh thổ Nga, hầu hết các nước phương Tây đưa ra những bình luận thận trọng. Họ khẳng định Ukraine có quyền tự vệ, song cũng nêu rõ quan điểm không ủng hộ, không hỗ trợ Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga.

"Chúng tôi khẳng định rất rõ ràng với Ukraine cả kín đáo và công khai rằng, chúng tôi sẽ không ủng hộ các cuộc tấn công vào nước Nga. Chúng tôi không tạo điều kiện, cũng không khuyến khích những hành động đó", người phát ngôn Hội đồng An ninh Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh.

Ông Kirby cho biết thêm: "Chúng tôi không nói với họ (Ukraine) cách thức tiến hành các chiến dịch. Cuối cùng, Tổng thống Volodymyr Zelensky và các chỉ huy quân sự của ông ấy sẽ phải quyết định sẽ làm gì và sử dụng các thiết bị được cung cấp như thế nào bởi hiện nay họ là người sở hữu chúng".

Một người phát ngôn chính phủ Đức tuyên bố luật pháp quốc tế cho phép Ukraine phòng vệ, song phản đối việc sử dụng vũ khí do Berlin viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Về phần mình, Pháp cũng ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine miễn là các phương tiện quân sự của Paris không được sử dụng để tập kích lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly nhấn mạnh: "Kiev có quyền tự vệ và có thể triển khai quân vượt qua biên giới để làm suy yếu khả năng của Moscow trong các hoạt động quân sự ở Ukraine". Theo ông, tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong nước Nga là một chiến thuật tự vệ khả thi đối với lực lượng của Kiev.

Trái ngược với Mỹ, Anh đi đầu trong việc hỗ trợ vũ khí tấn công tầm xa cho Ukraine, mới đây nhất là hệ thống lửa hành trình Storm Shadow có tầm bắn lên đến 250km.

Hiện rất khó có thể xác định chi tiết loại vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công này và chính xác mục tiêu nào trong tầm ngắm vì cả Nga và Ukraine đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào thấy những vũ khí này do phương Tây viện trợ.

Michael Kimmage, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết ông tin vào những tuyên bố lập trường của phương Tây về cuộc tấn công UAV vào Nga. "Tôi nghĩ họ không thích điều này xảy ra. Đó không phải kiểu leo thang mà họ muốn thấy", ông Kimmage nói.

Theo ông, những cuộc tấn công này "có lẽ được chấp nhận như là một phần của cuộc phản công bởi mục đích là làm hao hụt các lực lượng của Nga, buộc họ phải phân tán lực lượng nhằm đối phó với một số vấn đề trong nước".

Oleg Ignatov, Oleg Ignatov, chuyên gia phân tích tại Nhóm xử lý khủng hoảng Nga, cũng cho rằng vũ khí mà Kiev đề nghị phương Tây cung cấp đến nay chủ yếu nhằm mục đích răn đe.

Theo ông, Washington có thể thuyết phục Kiev không sử dụng vũ khí Mỹ như pháo phản lực HIMARS để tấn công lãnh thổ Nga, nhưng không thể làm gì hơn nếu Ukraine quyết định sử dụng UAV nội địa cho chiến lược này.

Theo BBC, Newsweek, WSJ

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine