Nga đang "giương cung", sẵn sàng cho F-16 Ukraine trải nghiệm bất ngờ
(Dân trí) - Một cựu điệp viên của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho rằng, quân đội Nga đã sẵn sàng chờ đợi sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16 trên lãnh thổ Ukraine.
F-16 xuất hiện trên bầu trời Odessa
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington kết thúc hôm 11/7, Ngoại trưởng Mỹ thông báo, một số máy bay chiến đấu F-16 đang trên đường tới Ukraine. Sau đó không lâu, 4 chiếc F-16 được cho là đã xuất hiện trên bầu trời Odessa ở miền nam Ukraine.
Do lo ngại bị quân đội Nga bắn hạ, nên lãnh đạo NATO yêu cầu F-16 thực hiện nhiệm vụ ở miền nam Ukraine, đặc biệt là tại Crimea. Vì bán đảo này có ba mặt được biển bao quanh, nên nếu F-16 có gặp sự cố, thì việc cứu hộ cũng sẽ thuận tiện hơn.
Có thể các tiêm kích nói trên được cho là đã cất cánh từ Romania và quay trở lại căn cứ không quân Romania sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Truyền thông Nga suy đoán, đây có thể là lô F-16 đầu tiên do phi công Ukraine lái để bay thử nghiệm. Trước đó, những chiếc F-16 này đã được cất giữ ở Ba Lan hoặc Romania.
Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Romania nhanh chóng phủ nhận thông tin F-16 của Ukraine cất cánh từ lãnh thổ nước này, bay sang Ukraine và quay trở về căn cứ xuất phát. Đồng thời cáo buộc phía Nga truyền bá "thông tin sai lệch". Nhưng cho dù như vậy, việc xuất hiện của chúng, chắc chắn sẽ gây thêm sự phức tạp mới cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Moscow trước đó đã cảnh báo rằng, nếu máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine được triển khai ở nước thứ ba và tham gia các hoạt động quân sự ở Ukraine, Nga sẽ coi các sân bay của nước đó là mục tiêu tấn công quân sự.
Điều này có nghĩa là Nga không loại trừ khả năng sử dụng tên lửa (hoặc vũ khí khác) để tiến hành các cuộc tấn công chí mạng vào các căn cứ không quân ở Ba Lan hay Romania hoặc các quốc gia và vùng lãnh thổ khác bất cứ lúc nào.
Theo các hãng truyền thông Nga, địa điểm F-16 xuất hiện là ở Odessa, nơi có vị trí chiến lược.
Trước hết, Odessa chỉ cách bán đảo Crimea 180km. Các nhà phân tích nhìn chung cho rằng, sự xuất hiện của F-16 đồng nghĩa với việc Ukraine có thể tiến hành tấn công các trận địa phòng không Nga trên bán đảo, từ đó giành được vị thế đàm phán có lợi hơn cho mình.
Thứ hai, Odessa là thành phố cảng lớn nhất trên bờ Biển Đen và gần lãnh thổ Rumania. Nếu xảy ra tình huống F-16 đụng độ với lực lượng phòng không Nga, nhiều khả năng khi bị bắn hạ, nó sẽ rơi xuống Biển Đen, lúc đó NATO sẽ có thể giải cứu kịp thời, để đảm bảo những bí mật cốt lõi của dòng tiêm kích đa năng này không bị rơi vào tay Nga.
Ngoài ra, cách đây một thời gian, quân đội Ukraine đã chính thức tuyên bố rằng, các tàu chiến của NATO có thể có mặt vĩnh viễn ở Biển Đen. Nhiều người suy đoán rằng, điều này cũng có thể là sự chuẩn bị cho việc triển khai F-16 tới đây.
Trong bối cảnh đó, Nga quyết định tiến hành hoạt động nhằm vào các khu vực quan trọng ven biển của Biển Đen như Odessa và Nikolayev, nhằm giải quyết cơ bản các mối đe dọa tiềm tàng.
Gần đây, Nga đã sử dụng UAV cảm tử Geran-2, thực hiện các cuộc tấn công chính xác, đặc biệt là ở cảng Izmail, nơi đã xảy ra vụ nổ dữ dội. Có thể thấy, một loạt hành động quân sự này của Moscow không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất cho Kiev, mà còn tác động tâm lý sâu sắc đến Ukraine và các đồng minh.
Nga "giương cung" đợi F-16 Ukraine xuất hiện
Mặc dù NATO đã hứa cung cấp F-16 cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không, nhưng việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ này có rất nhiều biến số.
Washington Post cũng xác nhận thông tin tiêm kích F-16 đã tới Ukraine và sau đó đích thân Tổng thống Zelensky đã dự lễ tiếp nhận tại một căn cứ không xác định, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của dòng máy bay này. Tuy nhiên, số lượng ít và trước mối đe dọa mạnh mẽ từ hệ thống phòng không Nga, khiến số máy bay ít ỏi này khó có thể thay đổi cục diện chiến trường trong thời gian ngắn.
Sau khi tiếp nhận tiêm kích F-16, Không quân Ukraine chắc chắn sẽ đảm nhận sứ mệnh quan trọng là giành lại ưu thế trên không. Dù vậy, trước sức mạnh của Nga gồm các dòng tiêm kích đáng gờm như Su-35, Su-30SM và MiG-31K và mạng lưới phòng không dày đặc, liệu họ có thể xoay chuyển cục diện thành công hay không thì vẫn là một biến số khó tìm được lời giải.
Ngay cả các phi công Mỹ thực hiện điều khiển F-16 cũng sẽ rất vất vả khi đối đầu với một đối thủ ngang sức như Nga. Trong khi đó, việc phi công Ukraine có thể thiếu kinh nghiệm chiến đấu và vận hành tiêm kích phương Tây là một bất lợi lớn, dễ dẫn tới tai nạn do lỗi kỹ thuật hoặc con người.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp tác chiến trên không sẽ rất phức tạp, trong tình huống diễn biến căng thẳng, dễ dẫn tới việc "quân ta bắn quân mình" nếu các kíp trắc thủ tên lửa phòng không Ukraine nhận diện nhầm mục tiêu.
Quả vậy, ngày 26/8 vừa qua, một máy bay F-16 của Ukraine đã bị rơi ở miền Tây làm phi công hàng đầu nước này thiệt mạng. Cả Kiev và Washington đều chính thức thừa nhận sự việc, tuy nhiên chưa kết luận là tai nạn là do bị bắn nhầm, lỗi phi công hay kỹ thuật.
Có nguồn tin cho rằng chiến đấu cơ này bị tên lửa Patriot bắn hạ nhưng Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ không thể xác nhận rằng máy bay chiến đấu F-16 được chuyển giao cho Kiev bị chính người Ukraine bắn hạ bằng hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Việc mất một trong những chiếc F-16 trên bầu trời Ukraine sẽ là sự mất uy tín lớn đối với loại tiêm kích thế hệ 4 thành công nhất của Mỹ và với chính lực lượng Không quân Mỹ. Điều này đã được chuyên gia Vasily Prozoro, một cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) bình luận.
Trước đó, một công ty Nga đã công bố khoản tiền thưởng 15 triệu rúp cho quân nhân Nga nào bắn hạ được F-16 của Ukraine. "Cá nhân tôi đã chứng kiến những người lính Nga háo hức trở thành người đầu tiên phá hủy xe tăng Leopard, Abrams, Challenger 2. Họ rất phấn khích và không hề sợ hãi vũ khí phương Tây, điều này tương tự với F-16", cựu quan chức SBU cho biết.
Theo ông Prozorov, phi công Nga hiện là một trong những nhóm phi công được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm chiến đấu tốt nhất trên thế giới. Ông khẳng định rằng, phi công của bất kỳ quốc gia nào khác, sẽ phải cố gắng để theo kịp tính chuyên nghiệp của họ, dù là máy bay cường kích, ném bom hay đánh chặn.
Chuyên gia Prozorov nhấn mạnh: "Việc mất F-16 trên bầu trời Ukraine, cho dù chỉ một chiếc, sẽ là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với Không quân Mỹ. Đối với các phi công Ukraine, dù đã có 100 giờ bay trên loại tiêm kích không quen thuộc, thì việc trở thành một phi công giỏi là không thể".
Rõ ràng, F-16 chủ yếu sẽ đóng vai trò là phương tiện mang vũ khí tầm xa. Ngoài ra, phi công Ukraine có thể sẽ được hướng dẫn tránh không chiến, vì bất kỳ máy bay nào bị bắn hạ cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, chuyên gia kết luận.
Hãng thông tấn TASS đã phát hành một video hấp dẫn cho thấy sức mạnh và sự sẵn sàng của phi hành đoàn tiêm kích đa năng Su-35 Flanker-E của Nga. Trong một cuộc phỏng vấn, phi công Alexander tự tin nhận xét: "Phi công của chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để đập tan thử thách của F-16".
Tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo đã được chuyển giao cho Ukraine (Ảnh minh họa: FT/AFP).
Kiev sẽ có 10 chiếc F-16 trong năm nay?
Bất chấp mong muốn nhận được càng nhiều F-16 càng tốt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Kiev sẽ chỉ có thể sở hữu không quá 10 chiếc trong năm nay. Nguyên nhân chính là do thiếu phi công được đào tạo bài bản, New York Times nhận định.
Hiện nay vẫn chưa biết chắc chắn Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu chiếc trong mùa hè và cho đến cuối năm. Nhiều con số khác nhau đã được đề cập, nhưng Kiev dự kiến sẽ có 6 chiếc vào mùa thu và 20 chiếc vào cuối năm nay.
Tình hình liên quan đến phi công cũng chưa rõ ràng, số lượng tối đa phi công lái F-16 của Ukraine, mà Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch có thể đào tạo là 20 người.
Theo quy định, thường hai phi công phụ trách một máy bay, như vậy năm nay, lực lượng Không quân Ukraine may mắn lắm thì chỉ có thể sử dụng 10 F-16. Đó là nếu mọi việc suôn sẻ với việc cung cấp máy bay và đào tạo phi công, nếu không, Kiev sẽ chỉ có thể đưa vài chiếc F-16 vào chiến đấu.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine đã thông báo rằng, những chiếc đầu tiên được đưa vào biên chế sẽ không được sử dụng gần khu vực tiền tuyến, do sự tập trung dày đặc của các hệ thống phòng không của Nga. Nhiệm vụ chính của họ sẽ là phòng không, tức là săn lùng tên lửa Nga ở sâu trong hậu phương.
Không quân Ukraine quyết định hoãn việc giành ưu thế trên không và tấn công các vị trí của quân Nga trên mặt đất, cho đến "thời điểm tốt hơn".
Mặc dù đã chính thức nhận máy bay mới, tuy nhiên, trong khi mặt trận Kursk đang diễn ra vô cùng nóng bỏng, lực lượng mặt đất của Ukraine rất cần yểm trợ trên không nhưng F-16 vẫn chưa xuất kích. Có lẽ Kiev quyết định "ém hàng", chờ bao giờ đủ chín muồi mới tung ra.
Theo các thông tin trước đó, Kiev có ý định để lại một số F-16 được chuyển giao tại các sân bay của NATO làm lực lượng dự bị trong trường hợp bị tổn thất nặng nề.
Tất nhiên, Nga không chờ cho đến lúc F-16 Ukraine cất cánh làm nhiệm vụ. Từ cách đây vài tháng họ đã liên tục tiến hành các đợt tập kích bằng tên lửa và UAV nhằm đánh phủ đầu vào những căn cứ mà Kiev dự kiến có thể triển khai tiêm kích do Mỹ sản xuất này.
Trong đó, vụ mới nhất đã xảy ra hôm 26/8 nhằm vào sân bay Kolomyia ở miền Tây Ukraine, nơi F-16 có thể đang đồn trú. Hiện chưa có thông tin cập nhật về thiệt hại.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là một căn cứ phụ trợ nào đó, mà là một sân bay lớn và cách xa tiền tuyến để tiếp nhận bất kỳ loại tiêm kích hoặc vận tải quân sự nào thuộc loại lớn nhất, đồng thời nó có các nhà chứa bằng bê tông cốt thép kiên cố.
Trong thời kỳ Liên Xô, Trung đoàn không quân trinh sát cận vệ số 48 với các máy bay Il-28R, Yak-27R, Yak-28U, Su-17, MiG-25RB và Su-24MR đã đóng quân ở Kolomyia. Sau này căn cứ được Ukraine sử dụng cho các phi cơ mang tên lửa hành trình Storm Shadow xuất kích.
Chắc chắn, trong tương lai rất gần chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc đọ sức quyết liệt và gay cấn khi F-16 Ukraine chính thức tham chiến.