DMagazine

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao giữa bất ổn toàn cầu

(Dân trí) - Nhiều hãng tin quốc tế đã dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, tốc độ tăng trưởng năm nhanh nhất kể từ năm 1997.

VIỆT NAM TRÊN BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI TUẦN QUA

Nhiều hãng tin quốc tế đã dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, tốc độ tăng trưởng năm nhanh nhất kể từ năm 1997.

Những động thái mới của ngoại giao Việt Nam

Báo chí thế giới tuần qua đã có nhiều bài viết về Việt Nam.

Trang mạng của tỉnh Vân Nam, một địa phương Trung Quốc giáp Việt Nam ngày 30/12 đã đăng bài viết "Động thái mới của ngoại giao Việt Nam kể từ Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay" của các nhà nghiên cứu Mã Dũng Vân và Giả Siêu Chi Sam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội tỉnh Vân Nam.

Theo các nhà nghiên cứu này, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức đầu năm 2021 đã đưa ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới; Hội nghị Đối ngoại toàn quốc do Việt Nam lần đầu tiên tổ chức vào cuối năm 2021 đã đề xuất xây dựng và phát triển ngành ngoại giao Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc dân tộc. Từ Đại hội XIII đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa bản sắc ngoại giao độc đáo và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng thúc đẩy đổi mới lý luận ngoại giao, có nhiều động thái mới về ngoại giao đáng chú ý.

Trước hết, hội nghị đã lần đầu tiên đề xuất xây dựng và phát triển ngành ngoại giao hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu quan trọng, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc được tổ chức vào tháng 12/2021. Đó là một nền ngoại giao rất độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang bản sắc "cây tre Việt Nam".

Thứ hai, Hội nghị đã đưa ra đường lối ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới. Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo công tác đối ngoại và nguyên tắc đối ngoại. Trong đó, tư tưởng chỉ đạo là "thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa", "Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Nhận thức đúng về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Tự lực, tự cường là nhân tố cơ bản, lâu dài và mang tính quyết định; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là rất quan trọng.

Thứ ba, Hội nghị đã lần đầu tiên đề xuất xây dựng ngành ngoại giao hiện đại, toàn diện với 3 trụ cột lớn là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; chú trọng hơn tính tổng thể, tính phối hợp và tính sáng tạo của ngoại giao, nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao.

Thứ tư, Hội nghị đã lần đầu tiên đưa ra 3 nhiệm vụ cơ bản của ngoại giao Việt Nam, gồm tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo dựng và bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước. Trong đó, bảo vệ hòa bình, ổn định là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Thứ năm, Hội nghị đã đưa ra yêu cầu mới hội nhập quốc tế "toàn diện, sâu sắc". Thứ sáu, Hội nghị đã đưa ngoại giao đa phương lên vị trí nổi bật hơn.

Thứ bảy, Việt Nam cũng đã tổng kết các bài học kinh nghiệm ngoại giao như: kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với trách nhiệm quốc tế; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược; xây dựng đường lối ngoại giao thống nhất, đúng đắn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tìm kiếm sự hiểu biết và ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế; "nền tảng của mọi công việc" là xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước.

Thứ tám, ngoại giao Việt Nam coi trọng hơn tăng cường hoạch định chiến lược và đánh giá, dự báo tình hình. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoại giao Việt Nam phải có tinh thần nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, tích cực, chủ động, dám vượt qua những ràng buộc của tư duy cũ, hình thành tư duy và hành động vượt tầm quốc gia, vươn tầm khu vực và quốc tế.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao giữa bất ổn toàn cầu

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao giữa bất ổn toàn cầu - 1

Việt Nam được quốc tế đánh giá là phục hồi tốt hậu đại dịch Covid-19 (Ảnh: AFP).

Nhiều hãng tin quốc tế như Reuters của Anh, báo Hoàn Cầu, Sina, Giới tài chính của Trung Quốc ngày 29/12 đã dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, tốc độ tăng trưởng năm nhanh nhất kể từ năm 1997, được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ và xuất khẩu mạnh mẽ.

Con số này cao hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,0 - 6,5% và mức tăng trưởng năm 2021 chỉ là 2,58% do ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao như vậy, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của nó đối với nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam, nhà sản xuất chính các mặt hàng như dệt may, giày dép và điện tử cho các thương hiệu quốc tế lớn.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg của Mỹ cũng dẫn lại số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất châu Á trong năm nay, cho thấy Việt Nam có động lực tăng trưởng mạnh ngay trong bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu bắt đầu trở thành hiện thực.

Kết quả tốt hơn mong đợi cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có không gian chờ đợi và theo dõi trước khi quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ thay vì thắt chặt.

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 14/12 dự báo rằng mặc dù thương mại (của Việt Nam) tiếp tục mở rộng, nhưng nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 6,3%, do thương mại với các đối tác lớn chậm lại.

Trang tin Đài tiếng nói Đức ngày 29/12 cũng dẫn lời các chuyên gia cảnh báo rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và lạm phát quy mô lớn, tăng trưởng quý 4 năm 2022 của Việt Nam đã chậm lại.

Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng cho biết, do giảm đơn đặt hàng của nước ngoài, xuất khẩu quý 4 năm nay đã giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Theo nguồn tin trên, châu Âu và Mỹ là những thị trường chính của hàng hóa Việt Nam, khủng hoảng chi phí sinh hoạt gần đây của hai khu vực này đã dẫn đến sụt giảm sức mua của người tiêu dùng.

Việt Nam phục hồi kiểu mẫu hậu Covid-19

Giáo sư Edmund Malesky, Giám đốc Trung tâm Phát triển quốc tế Duke, Đại học Duke (Mỹ) có bài viết trên hãng tin Channel NewsAsia cho rằng, năm 2022, Việt Nam là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á, phần lớn là nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài chuyển từ Trung Quốc sang.

Trong đó, năm 2022, có ít nhất 11 công ty Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng Apple (Mỹ) đã chuyển đến Việt Nam. Các cuộc đàm phán liên quan đang được tiến hành nhằm tăng sản lượng máy tính bảng và điện thoại thông minh. Trong khi đó, tập đoàn Lego của Đan Mạch đã mở một nhà máy trị giá 1 tỉ USD ở tỉnh Bình Dương, thực hiện tiêu chuẩn cao về môi trường. Các tập đoàn lớn như Samsung (Hàn Quốc) và Intel (Mỹ) cũng đã tăng cường và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, có thêm 1.570 dự án mới trị giá 9,9 tỉ USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,7% (58 tỉ USD).

Theo Giáo sư Malesky, các nhà đầu tư nước ngoài tích cực chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là do một số nguyên nhân. Trước hết, Mỹ duy trì thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, làm tăng chi phí kinh doanh tại Trung Quốc. Thứ hai, các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa thị trường, tránh sự "không chắc chắn".

Thứ ba, giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn so với ở Trung Quốc. Thứ tư, Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid" làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Thứ năm, Việt Nam đã thực hiện chiến lược phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, duy trì được sức sống của nền kinh tế.

Thứ sáu, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Theo khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải trả các khoản phí không chính thức trong các giao dịch kinh doanh là phổ biến đã giảm từ 66% năm 2016 xuống còn 41% năm 2021. Việc không phải trả bất kỳ chi phí không chính thức nào đạt 41,9%. Các nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính và quản trị số hóa của Chính phủ Việt Nam đã làm giảm tham nhũng.

Thứ bảy, với những nỗ lực trong nhiều năm qua, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Các doanh nghiệp nước ngoài lạc quan hơn về khả năng cải thiện nguồn nhân lực của Việt Nam.

Thứ tám, Việt Nam rất quan tâm mở rộng và nâng cấp hạ tầng cơ sở để cải thiện khả năng "hấp thụ" đầu tư nước ngoài. Các chỉ số về chất lượng đường bộ, kết nối cảng - đường cao tốc và đường sắt - đường cao tốc đã tăng mạnh.

Mặc dù Việt Nam còn nhiều việc phải làm về chống tham nhũng, tiêu cực, cải thiện nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng cơ sở…, nhưng câu chuyện thành công của Việt Nam là đáng để học tập.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao giữa bất ổn toàn cầu - 2

Đông đảo người dân xuống đường chào đón năm mới 2023 tại thủ đô Hà Nội (Ảnh: AFP).

Đội tuyển bóng đá Việt Nam gây chú ý

Trước màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam tại vòng bảng của AFF Cup 2022, với các chiến thắng thuyết phục trước Lào (6-0) và Malaysia (3-0), mặc dù còn một số tranh cãi nhưng đội tuyển Việt Nam đã nhận được sự khen ngợi của nhiều huấn luyện viên, chuyên gia bóng đá và các tờ báo thể thao của khu vực.

Liones Lewis, cựu thủ môn Singapore của đội tuyển bóng đá Singapore giai đoạn 2004-2007, cho rằng tất cả các đội tuyển của các nước Đông Nam Á đều đang có sự tiến bộ lớn, trong đó Việt Nam đang chơi rất tốt. Việt Nam rất mạnh và đang chơi ấn tượng ở giải năm nay.

Trước đó, sau trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam-Philippines (1-0) diễn ra trên sân Hàng Đẫy hồi tháng 12/2022, huấn luyện viên Josep Ferre của tuyển Philippines đã hết lời khen ngợi đội tuyển Việt Nam, cho rằng đội tuyển Việt Nam là một đội mạnh của Đông Nam Á, có một số cầu thủ chất lượng, hệ thống thi đấu rất tốt, "vừa tấn công tốt vừa phòng ngự hay, không có điểm yếu nào".

Báo TNP của Singapore đã xếp cầu thủ, tiền vệ Quang Hải của Việt Nam đứng đầu trong danh sách 6 cầu thủ đáng xem nhất của AFF Cup 2022, đứng sau là cầu thủ Theerathon Bunmathan của Thái Lan, Shawal Anuar của Singapore, Jordi Amat của Indonesia, Safawi Rasid của Malaysia và Mark Hartmann của Philippines.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao giữa bất ổn toàn cầu - 3

Đội tuyển Việt Nam đã 2 trận thắng và 1 trận hòa tại AFF Cup 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Trước sức mạnh của đội tuyển Việt Nam, báo Bola Sports của Indonesia đã thừa nhận "e ngại" đội tuyển Việt Nam, cho rằng với tình thế hiện tại ở bảng A, đội tuyển Indonesia khó tránh khỏi viễn cảnh đụng độ đội tuyển Việt Nam tại bán kết. Nỗi lo của truyền thông Indonesia là có cơ sở, vì lịch sử đối đầu giữa tuyển Việt Nam và Indonesia gần đây luôn có chiến thắng nghiêng về tuyển Việt Nam.

Báo chí Malaysia cũng đánh giá cao đội tuyển Việt Nam trong thời điểm chơi thiếu người mà vẫn lấn lướt tuyển Malaysia trong cuộc đọ sức vào ngày 27/12. Trang chủ AFF Cup 2022 cũng khẳng định, tuyển Việt Nam với lực lượng nòng cốt có trình độ chuyên môn cao là ứng cử viên hàng đầu cho "ngôi vương" của giải đấu năm nay.

Việt Dũng

Tổng hợp