1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tăng cường sự hiện diện của thương hiệu Việt Nam ở những thị trường lớn

Minh Phương

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc họp giao ban giữa Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hiệp hội, doanh nghiệp dệt may, da giày nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.

Tăng cường sự hiện diện của thương hiệu Việt Nam ở những thị trường lớn - 1

Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì cuộc giao ban tháng 12/2022 giữa Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, vào chiều ngày 28/12, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã chủ trì cuộc giao ban tháng 12 giữa Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, các hiệp hội, doanh nghiệp dệt may, da giày, logistic và thủ trưởng một số đơn vị liên quan trong Bộ Ngoại giao.

Trong bối cảnh các ngành dệt may, da giày đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, xu hướng thị trường, các thách thức và cơ hội trong năm 2023 cũng như những yêu cầu mới đặt ra trong dài hạn đối với các ngành dệt may và da giày.

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất đánh giá tình hình kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến khó khăn, phức tạp. Dệt may, da giày là các ngành đối diện trực tiếp với các khó khăn trong ngắn hạn về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng và đơn giá, khó khăn nội tại về nguồn vốn, chi phí đầu vào, logistic, nguồn lao động... Về dài hạn, dệt may và da giày đứng trước các thách thức lớn về yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ mô hình sản xuất theo hướng bền vững, xanh, tuần hoàn và đáp ứng các quy định mới liên quan đến lao động, nguồn gốc xuất xứ, khả năng tái chế của sản phẩm từ các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU. Bên cạnh đó, dệt may và da giày của Việt Nam cũng gặp phải cạnh tranh lớn từ một số nước đang phát triển hiện đang đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh phục hồi kinh tế và thực hiện hiệu quả chiến lược "xanh hóa" các nhà máy sản xuất.

Các hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị các cơ quan đại diện tiếp tục chia sẻ thông tin, cảnh báo rủi ro về thị trường, kết nối giao thương, hợp tác đầu tư với đối tác, góp phần duy trì thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong đáp ứng các yêu cầu, quy định mới về nguyên liệu, công nghệ, lao động... và phát triển bền vững.

Các hiệp hội, doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện nghiên cứu, tư vấn về các vấn đề mang tầm chiến lược như xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu Việt Nam, thu hút nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, duy trì sự hiện diện của các tập đoàn lớn tại Việt Nam, đa dạng hóa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam ngoài các lợi thế truyền thống như lao động, chính sách thu hút đầu tư và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá hiệu quả để tăng cường sự hiện diện của thương hiệu Việt Nam ở những thị trường lớn như Mỹ, EU; nghiên cứu thành lập trung tâm nghiên cứu về đổi mới dệt may và da giày với một số đối tác phù hợp; tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp gắn với các dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn quan hệ ngoại giao; hợp tác với các doanh nghiệp sở tại để đưa sản phẩm Việt Nam vào các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị tại các thị trường tiềm năng; tận dụng hiệu quả hơn nữa các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tiếp tục trao đổi với các đối tác thành viên để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các hiệp định; tăng cường tham gia các sự kiện hội chợ, triển lãm về dệt may, da giày ở các nước... Các cơ quan đại diện cũng mong muốn nhận được các đề nghị cụ thể để triển khai hỗ trợ hiệu quả nhu cầu của các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước.

Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất thực chất, cụ thể của các đại biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện bám sát tình hình, theo dõi triển vọng kinh tế sở tại, các diễn biến, điều chỉnh chính sách về thương mại, lao động, quản trị tại thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để thông tin cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước.

Các Cơ quan đại diện cần nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam trong xử lý các thách thức, yêu cầu về phát triển bền vững. Thứ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện đặc biệt chú trọng tiếp cận các nguồn thông tin vĩ mô, chiến lược, dài hạn để tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước để có các điều chỉnh, ứng xử phù hợp.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các cuộc giao ban định kỳ có sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn của các ngành, lĩnh vực trọng điểm