(Dân trí) - Hàng chục năm kể từ khi phát hiện ra lăng mộ Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, nơi này vẫn chứa những bí mật mà hậu thế có thể mất thêm hàng trăm nữa để tìm câu trả lời.
KHO BÁU VÀ NHỮNG CĂN PHÒNG BÍ MẬT TRONG LĂNG MỘ TẦN THỦY HOÀNG
Hàng chục năm kể từ khi phát hiện ra lăng mộ Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, nơi này vẫn chứa những bí mật mà hậu thế có thể mất thêm hàng trăm nữa để tìm câu trả lời.
VƯƠNG QUỐC THU NHỎ TRONG LÒNG ĐẤT
Với tư tưởng duy trì quyền lực và cuộc sống vương giả ở thế giới bên kia, Tần Thủy Hoàng - vị vua thứ 36 của nhà Tần và cũng là hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa - đã ra lệnh xây dựng một lăng mộ đồ sộ cho mình. Theo các ghi chép lịch sử, Tần Thủy Hoàng dường như đã cho xây dựng công trình này ngay từ khi lên ngôi vương vào năm 13 tuổi.
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng bởi hơn 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề trong gần 40 năm mới hoàn thành vào khoảng năm 208 trước Công nguyên, vài năm sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời. Lăng mộ nằm ở phía Bắc dãy núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Nhằm tái hiện cuộc sống vương giả ở miền cực lạc, Tần đế được cho là đã chôn trong lăng mộ tất cả những gì ông từng sở hữu khi còn sống như ngọc ngà, châu báu, đội quan tùy tùng. Thậm chí, sau khi qua đời, các phi tần không có con cũng bị buộc tuẫn táng, chôn cất cùng trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
Sau khi việc xây dựng lăng mộ, chôn cất và cất giấu kho báu hoàn tất, con trai Tần Thủy Hoàng được cho là đã hạ lệnh đóng cửa hầm đến huyệt và cửa ngoài hầm, khiến những người thợ không thể thoát ra ngoài cùng với những bí mật về lăng mộ.
Theo các ghi chép, lăng mộ nằm dưới một gò mộ cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp, dài 350 m từ Nam đến Bắc, và 354 m từ Tây sang Đông. Gò mộ sau được phủ kín bằng cây xanh để biến thành một quả đồi nhân tạo.
Bố cục lăng mộ được tin mô phỏng theo kinh đô nhà Tần là Hàm Dương. Trên mặt đất chung quanh lăng còn có hai lớp tường thành, diện tích thành bên ngoài là 2 km² có cửa. Giữa hai lớp thành có các giác lâu, cung tẩm, chùa chiền, nhà ở...
Bên dưới mặt đất là địa cung hình chữ nhật có chiều dài 460 m từ Nam sang Bắc, rộng 392 m từ Tây sang Đông, bốn phía có tường bao bọc cao 27 m, dày 4m. Tổng diện tích địa cung là 180.000 m². Từ trên xuống dưới có 3 tầng: trên cùng là ngoại cung, tiếp theo là nội cung và sau cùng là tẩm cung. Diện tích tẩm cung khoảng 20.000 m².
Trong tẩm cung phát hiện nồng độ thủy ngân cao hơn mức bình thường 280 lần. Theo không ít giai thoại ly kỳ, mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng được bao bọc bởi một dòng sông thủy ngân. "Sử ký" của Tư Mã Thiên nói rằng, lăng mộ Tần Thủy Hoàng hội đủ các điều kiện của một vương quốc nhỏ, trên có thiên văn, dưới có địa lý.
Quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1974 khi một nhóm nông dân ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc tìm cách khoan một nguồn nước. Từ đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra khoảng 2.000 tượng binh mã bằng đất nung với kích thước tương đương người thật được bố trí trong 3 gian phòng tách biệt. Tất cả binh lính đều quay mặt về hướng Đông để bảo vệ sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời từ những cuộc tấn công của đối phương có thể đến từ hướng đó.
Bí ẩn về những căn phòng với những tượng đất trên thực tế chỉ chiếm 1% diện tích của toàn lăng mộ. Phần trung tâm lăng mộ với chiều cao gần 30 m xây dựng bên dưới cấu trúc kim tự tháp bằng đất nung vẫn chưa hề được khai quật. Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thăm dò lăng mộ Tần Thủy Hoàng bằng những biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại.
BÍ MẬT LĂNG MỘ TRUNG TÂM
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật một số ngôi mộ khác nằm trong quần thể lăng mộ. Trong khi đó, khu vực trung tâm lăng mộ, nơi được tin là có chứa di thể Tần đế, hiện vẫn là vùng cấm và các nhà khảo cổ không được phép xâm phạm. Điều này một phần do sự hạn chế của trình độ khoa học hiện nay. Giới chuyên gia lo ngại, việc mạo hiểm khai quật có thể phá vỡ kiến trúc của lăng mộ.
Vào năm 2007, nhờ công nghệ cảm ứng điều khiển từ xa, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện ra một cung điện cao 30 m trong khu lăng mộ hơn 2.000 tuổi của hoàng đế Tần Thủy Hoàng.
Nó chôn sâu trong khu lăng mộ, gần nơi phát hiện các hố chôn hàng nghìn binh mã đất nung. Do nằm hoàn toàn trong lòng đất nên rất khó nắm bắt hình ảnh tổng thể của cấu trúc này. Cung điện có thể đã được xây để giúp linh hồn của Tần Thủy Hoàng siêu thoát, Duan Qingbo, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khảo cổ Thiểm Tây, nhận xét.
Vậy di thể của Tần đế được đặt ở đâu trong khu lăng mộ, ở độ sâu bao nhiêu và liệu có còn nguyên vẹn hay không? Hàng nghìn năm qua đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề này, nhưng vẫn chưa một lần chắc chắn.
Người ta tin rằng, lăng mộ trung tâm chính là nơi đặt di thể của Tần Thủy Hoàng cùng với hơn 50.000 cổ vật quan trọng. Các sử gia thời xưa từng ghi chép, Tần Thủy Hoàng tạo ra một vương quốc và cung điện dưới lòng đất, với vòm lăng mộ bắt chước bầu trời đêm, và ngọc trai làm tinh tú. Tuy nhiên, vẫn chưa ai chạm được đến ngôi mộ trung tâm, nơi có cung điện chứa xác Tần Thủy Hoàng vì sợ sẽ phá hỏng những tầng cấu trúc bên dưới.
Các chuyên gia nước ngoài đã dựa vào "Sử ký" và các tài liệu liên quan khác để mô phỏng lại cung điện ngầm bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng và kết quả cho thấy độ sâu của cung điện dưới lòng đất sẽ từ 500 m đến 1.000 m.
Tuy vậy, giới nghiên cứu Trung Quốc đã nhanh chóng bác bỏ ý kiến này. Họ tin rằng nếu độ sâu của cung điện dưới lòng đất là 1.000 m, nó sẽ vượt quá độ sâu lòng sông Vị Hà, điều đó sẽ gây ra nguy cơ nước sông Vị Hà chảy ngược vào cung điện dưới lòng đất ngay cả khi lăng mộ được thiết kế hệ thống chống thấm. Ngoài ra, các chuyên gia địa chất Trung Quốc sau nhiều lần khảo sát thực địa cũng cho rằng cung điện dưới lòng đất của Tần Thủy Hoàng không sâu tới mức đó.
Vì vậy, tuyên bố "vượt qua ba suối" của sử gia Tư Mã Thiên là khá đáng tin cậy, nghĩa là, vị trí di thể của Tần Thủy Hoàng chỉ nằm sâu cách mặt đất trong khoảng 100 m đến 300 m.
Việc toàn bộ di thể và hài cốt được gìn giữ nguyên vẹn sau hàng nghìn năm là điều hiếm thấy, đặc biệt trong môi trường ẩm thấp của những lăng mộ sâu trong lòng đất như vậy. Vào giữa thập niên 1970 của thế kỷ XX, việc phát hiện khu mộ Mã Vương Đôi nổi tiếng thời nhà Hán và di thể phu nhân Tân Truy vẫn còn nguyên vẹn đã khiến giới khoa học vô cùng kinh ngạc. Do vậy có nhiều người suy đoán rằng di thể của Tần đế có thể cũng giữ được nguyên vẹn như vậy.
NHỮNG KHO BÁU DƯỚI LÒNG ĐẤT
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, lăng mộ Tần Thủy Hoàng có hàng loạt chiến thuyền, những xe ngựa bằng đồng cùng với 12 tượng đồng khổng lồ, những con chim bằng vàng, cũng như các kho báu khác được chôn giấu.
Tương truyền rằng, Tần Thủy Hoàng đã xây dựng lăng mộ với kiến trúc của thành Hàm Dương thu nhỏ với đầy đủ yếu tố thiên văn, địa lý. Những viên dạ minh châu được dùng làm mặt trời, trăng sao thắp sáng lăng mộ, bên dưới bao quanh bởi dòng sông thủy ngân.
Tuy vậy, chưa ai có thể kiểm chứng những điều này bởi việc khai quật lăng mộ mà vẫn đảm bảo giữ nguyên hiện trạng, cấu trúc của lăng mộ là bất khả thi với trình độ khoa học hiện nay. Hơn nữa, theo các ghi chép sử thi, lăng mộ được thiết kế hệ thống bẫy nhiều lớp để ngăn chặn những kẻ trộm mộ tìm cách đánh cắp kho báu như bẫy cát, bẫy cung nỏ, bẫy thủy ngân, và không loại trừ khả năng các hệ thống này vẫn còn hoạt động sau hàng nghìn năm.
Các nhà khảo cổ cho rằng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc có thể đã được chôn cùng với kho báu quốc gia. Họ đã dùng kỹ thuật scan để khám phá khu vực lăng mộ và phát hiện ra một lượng lớn đồng xu cổ nằm bên dưới một ngôi mộ chưa mở.
Michael Petzet, Chủ tịch Ủy ban lăng mộ và công trình quốc tế, cho rằng đống tiền này chính là kho báu quốc gia được chôn dưới cung điện ngầm. Ông cho biết, những đồng xu thời nhà Tần hầu hết được làm bằng đồng và một số làm bằng bạc. Tuy nhiên, theo ông, chừng nào các nhà khoa học chưa thể tìm ra cách bảo vệ những đồng xu thì khối tiền đó vẫn nên để nguyên tại chỗ bởi khai quật lên đồng nghĩa với việc phá hủy chúng.
Một trong những "kho báu" hiếm hoi mà hậu thế đã khai quật ở quần thể khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một phần đội quân đất nung cùng với những vũ khí sắc bén như kiếm đồng, cung nỏ, mũi tên.
Giới khảo cổ đã tìm thấy khoảng 2.000 tượng binh sĩ trong đội quân đất nung mà các nhà khảo cổ tin rằng có tới 8.000 tượng. Một lô kiếm đồng được khai quật cùng các chiến binh và ngựa đất nung của Tần Thủy Hoàng có chiều dài trung bình 80 cm. Sau khi được khai quật và tẩy gỉ, những thanh kiếm bằng đồng vẫn sáng như mới, đủ sắc để xé được 19 lớp giấy báo. Sau khi kiểm tra, nhà nghiên cứu đã tìm thấy một lớp màng oxit chứa crom dày khoảng 10 micromet trên bề mặt của những thanh kiếm đồng có thể gây ra phản ứng khử oxy của thân kiếm. Điều này cũng tương tự như công nghệ mạ crom hiện đại được Đức tìm ra vào năm 1937.
Trong khi đó, nỏ được làm bằng dâu tằm và được đánh giá không chỉ bắn xa hơn cung tên, sát thương hơn mà còn có tỷ lệ bắn trúng cao hơn. Theo ước tính của các nhà khảo cổ phương Tây, loại nỏ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tầm bắn lên tới 800 m, sức căng lên tới hơn 350 kg. Các nỏ này được tìm thấy cùng với các mũi tên được chế tạo phức tạp được nhận định có thể dễ dàng xuyên qua áo giáp.
Đây có lẽ chỉ là một phần rất nhỏ trong những bí ẩn của lăng mộ Tần Thủy Hoàng được đưa ra ngoài. Các chuyên gia khảo cổ tin rằng, hậu thế có thể phải mất thêm vài trăm nữa mới có thể giải mã hết những bí mật này.
Minh Phương
Theo BBC, People's Daily, Inf News