Giáo sư Trung Quốc: Hợp tác Việt - Trung cơ hội vượt xa thách thức
Nhân dịp chuyến thăm Việt Nam ngày 12-13/12 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Giáo sư Triệu Vệ Hoa chuyên nghiên cứu quan hệ Việt - Trung, Giám đốc Trung tâm quan hệ Trung Quốc và nước láng giềng thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí về tầm quan trọng của sự kiện này.
Khai mở không gian hợp tác mới
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có tác động như thế nào tới quan hệ hai nước?
- Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị núi sông liền một dải. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam, tăng cường sự tin cậy chính trị lẫn nhau.
Chuyến đi cũng sẽ thúc đẩy thực hiện đồng thuận mà lãnh đạo hai bên đã đạt được vào năm trước, tạo ra không gian hợp tác mới giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời tạo môi trường phát triển tốt đẹp cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và phát triển đất nước của hai nước.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, diễn ra sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào năm ngoái. Theo ông, ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm Việt Nam lần này là gì?
- Không tính các sự kiện ngoại giao đa phương thì chuyến công du Việt Nam nằm trong số ít những lần Chủ tịch Tập Cận Bình thăm một quốc gia khác trong năm 2023, thể hiện đầy đủ sự coi trọng của lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, cũng như đối với mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ đáp lại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm ngoái, mà còn diễn ra vào thời điểm thế giới đang trải qua nhiều biến động, thể hiện hơn nữa tính đặc biệt của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Chuyến thăm cho thấy lợi ích chung của hai nước vượt xa sự khác biệt và hai nước có thể vượt qua những khác biệt để hợp tác chặt chẽ, đầy đủ. Nó cũng đồng thời chứng minh cho thế giới thấy sự sáng suốt chính trị của lãnh đạo hai nước, là điển hình cho sự hợp tác phát triển quan hệ giữa các nước hiện nay.
"Cơ hội vượt xa thách thức"
Việt Nam và Trung Quốc có tiềm năng hợp tác lớn trong những lĩnh vực nào trong tương lai, thưa ông?
- Hiện nay, Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Trung Quốc từ sớm đã đưa ra khái niệm phát triển xanh. Năm 2021, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã xây dựng "Đề cương phát triển kinh tế số cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14".
Ngay từ năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất "Sáng kiến Vành đai và Con đường", và một trong những nội dung quan trọng nhất trong đó là thúc đẩy kết nối với các quốc gia khác thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đề xuất xây dựng Vành đai và Con đường chất lượng cao.
Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trên lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao và hiện đại hóa nông nghiệp, từ đó có cơ sở hợp tác rộng rãi.
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng mở ra không gian hợp tác mới giữa Trung Quốc và Việt Nam trên một loạt lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử, công nghiệp thông tin số, công nghiệp năng lượng xanh và nông nghiệp hiện đại.
Quan hệ Việt - Trung gặp những cơ hội và thách thức gì trong thời gian tới? Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác song phương trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư?
- Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đứng trước cả cơ hội và thách thức, nhưng cơ hội vượt xa thách thức.
Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, có đặc điểm và nhiệm vụ phát triển tương tự nhau.
Hai nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mức cao mới 234,92 tỷ USD.
Trung Quốc từ lâu vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung ứng hàng hóa lớn nhất và thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN.
Sự phát triển của hai nước phụ thuộc vào nhau, sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội cho Việt Nam, sự phát triển của Việt Nam cũng là cơ hội cho Trung Quốc. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết đã mở ra không gian rộng lớn hơn cho sự phát triển kinh tế - thương mại của Trung Quốc và Việt Nam.
Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt đồng thuận về việc kết nối các tuyến đường sắt Trung Quốc - Việt Nam và nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việt Nam cũng đang thảo luận việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam và đường sắt Bắc - Nam. Trong khi đó, xây dựng cơ sở hạ tầng là thế mạnh của Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc cũng đề xuất xây dựng Vành đai và Con đường chất lượng cao. Với việc kết nối Sáng kiến Vành đai và Con đường và xây dựng "Hai hành lang, Một vành đai", hai nước sẽ có tiềm năng hợp tác lớn và không gian hợp tác rộng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các công ty Trung Quốc rất quan tâm đến việc tham gia xây dựng Đường sắt cao tốc Bắc - Nam và Đường cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam.
Một khi Trung Quốc và Việt Nam hoàn thành kết nối đường sắt, việc này sẽ làm tăng đáng kể tốc độ luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước và tổng khối lượng thương mại giữa hai bên.
Hoàn thành kết nối đường sắt còn giúp khai mở kênh giao thương nhanh chóng và hiệu quả cho hàng hóa Việt Nam xuất sang châu Âu, từ đó thúc đẩy đáng kể xuất khẩu ngoại thương của Việt Nam, cải thiện tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn.