(Dân trí) - Trong khi hàng triệu người Liên Xô cống hiến cho đất nước trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thì Adolf Tolkachev lại tuồn thông tin mật cho Mỹ, khiến ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô điêu đứng.
Theo tạp chí Nước Nga sau những sự kiện lớn (RBTH) của TV-Novosti, năm 2015, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã giải mật hơn 900 trang tài liệu liên quan đến vụ điệp viên hai mang Adolf Tolkachev của Liên Xô phản bội đất nước, khiến người Nga tức giận. Cũng trong thời gian này, David Emanuel Hoffman, nhà văn, nhà báo đoạt giải Pulitzer người Mỹ đã cho ra đời tiểu thuyết mang tên Billion Dollar Spy: A True Story of Espionage and Conspiracy (tạm dịch: Điệp viên tỷ đô la Mỹ: Câu chuyện có thật về gián điệp hai mang thời Chiến tranh Lạnh).
Trong trường hợp của Tolkachev, CIA đã "qua mặt" KGB suốt gần 7 năm mới bị phát hiện. Tolkachev được trả lương cao nhất, tương đương hàng chục triệu USD thời giá hiện nay. Việc làm của Tolkachev đã vô tình giúp Mỹ tiết kiệm hàng chục tỷ USD trong đổi mới công nghệ quân sự, vì thế Tolkachev được mệnh danh là "điệp viên tỷ đô".
Theo RBTH, vào một buổi tối mùa đông giá lạnh hồi tháng 1/1977 tại thủ đô Moscow, Liên Xô, đã xảy ra một vụ va chạm bất ngờ tại một trạm xăng gần đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ, giữa một người đàn ông bí ẩn khoảng 50 tuổi vào một người nước ngoài. Người nước ngoài này chính là trưởng phòng khu vực Moscow của CIA. Người kia là Tolkachev, chuyên gia hệ thống dẫn đường laser và công nghệ gây nhiễu radar của Viện nghiên cứu Fazotron (FSI).
Thực ra, đây không phải vụ va chạm ngẫu nhiên, mà thực chất nó liên quan đến vụ rò rỉ bí mật hàng không quân sự nghiêm trọng nhất trong lịch sử Liên Xô, giúp Lầu Năm Góc tiết kiệm hàng tỷ đô la Mỹ cho việc phát triển vũ khí mới. Tuy là người có quyền tiếp cận và giữ bí mật quốc gia, nhưng Tolkachev lại lóa mắt vì tiền, tự nguyện làm việc cho CIA từ năm 1979-1985 với mật danh Sphere (Địa cầu). Theo hồ sơ của tòa án, Tolkachev đã chuyển nhiều thông tin vũ khí tuyệt mật cho Mỹ, đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đến bờ vực thẳm.
Phải nói ngay rằng, thành tích của cơ quan tình báo Liên Xô KGB là rất to lớn. Chính những thông tin tình báo này đã giúp Liên Xô duy trì vị trí đầu tàu trong cộng đồng XHCN thời Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên trong lịch sử hoạt động của mình, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Vụ điệp viên Tolkachev là một ví dụ, khiến CIA thu được nhiều thông tin bí mật liên quan đến vũ khí hiện đại mà Liên Xô dày công phát triển.
Đầu tháng 4/1979, sau nhiều lần tiếp cận với CIA, Tolkachev đã chủ động bày tỏ động cơ qua một bức thư viết tay, đại ý ca ngợi nước Mỹ xinh đẹp và mong được sống tại mảnh đất tự do này. Để thực hiện giấc mơ, Tolkachev đã trình bày nguyện vọng hợp tác. Bằng việc làm này, Tolkachev còn để trả thù cho gia đình nhà ngoại. Vợ của Tolkachev, Natalia Ivanova, sinh năm 1933 cũng là nhân viên của FSI nhưng mẹ Natalia lại bị hành quyết năm 1938, còn bố vợ thì bị đưa đi cải tạo lao động, được thả năm 1955. Vợ chồng Tolkachev cùng con trai sống trong một căn hộ tầng 9 của một tòa nhà ở Quảng trường Kudrinskaya, cách ĐSQ Mỹ chỉ 400 m.
Trước khi gặp người của CIA, Tolkachev đã mất nhiều tuần đi bộ vào ban đêm quanh ĐSQ Mỹ để quan sát biển số xe ngoại giao, vạch ra cách tiếp cận với người của CIA. Chuyện gì đến rồi sẽ đến, trong vụ va chạm tại trạm xăng vào tháng 1/1977, Tolkachev đã gặp được người của CIA, để lại lá thư, nội dung là muốn thảo luận các vấn đề "tuyệt mật với một quan chức Mỹ thích hợp". Phải mất 2 năm liên lạc kiểu này, người Mỹ mới tỏ ra tin tưởng Tolkachev. Sau một vụ bê bối ngoại giao với Liên Xô, đầu năm 1978, Lầu Năm Góc yêu cầu CIA xác minh thông tin mà Tolkachev có trong tay. Sĩ quan CIA được giao làm việc này là John Guilsher, người giỏi tiếng Nga, khiến nhiều người lầm tưởng là cư dân Moscow chính hiệu.
Để giúp công việc hiệu quả, CIA đã đào tạo Tolkachev sử dụng máy ảnh hiển vi và thiết bị giải mã. Đến tháng 4/1980, Washington đã tiến hành các cuộc thử nghiệm chống nhiễu trên máy bay chiến đấu của Liên Xô, đây là một thông tin tình báo "độc nhất vô nhị" được Tolkachev tuồn cho. Thực chất đây là phát minh về hệ thống nhận dạng kẻ thù của các máy bay chiến đấu Liên Xô. Nhờ thông tin này Mỹ biết được cách Liên Xô cải tiến máy bay chiến đấu thế hệ mới. Ngoài ra, Tolkachev còn đưa cho CIA các tài liệu dạng ảnh mô tả chi tiết một số mẫu hệ thống tên lửa không đối không đang được cải tiến thông qua các công cụ gián điệp được CIA trang bị.
CIA còn cung cấp cho Tolkachev một số công cụ hoạt động khác như viên thuốc tự tử, thiết bị SRAC (Short-Range Agent Communications) dùng cho liên lạc khẩn cấp tương tự như một chiếc máy bộ đàm và có kích thước bằng hai bao thuốc lá. Hai bên thống nhất cách gặp nhau để trao và nhận thông tin như Tolkachev mở một phần cửa sổ nhà bếp của mình vào một thời điểm nhất định, đôi khi một chiếc xe hơi có thể đang đỗ ở một vị trí nào đó... Khi việc giao tiếp gặp khó khăn, SRAC sẽ được sử dụng.
Theo RBTH, mọi việc trở nên rủi ro khi Tolkachev phải sử dụng thư viện của FSI để tìm các tài liệu không liên quan đến lĩnh vực ông ta phụ trách. Chính điều này khiến các nhân viên KGB nghi ngờ. Năm 1983, FSI đưa ra các quy định mới về quyền riêng tư khiến Tolkachev lo lắng. KGB sau đó đã mở một cuộc điều tra, tập trung vào nguy cơ rò rỉ thông tin trên hệ thống nhận dạng kẻ thù của máy bay chiến đấu thế hệ mới đang phát triển.
Biết trước nguy cơ bị bại lộ, Tolkachev quá lo lắng nên đã đốt nhiều tài liệu và tiền bạc tại một khu nghỉ dưỡng. Trên đường trở về Moscow, Tolkachev còn ném các thiết bị gián điệp và giấy vụn ra cửa kính một chiếc ô tô đang đi trên đường.
Tháng 6/1985, KGB đã phát hiện Tolkachev đang làm gián điệp cho CIA. Trung tuần tháng 6/1985, sau 1 năm mất liên lạc, CIA có kế hoạch gặp Tolkachev. Cuộc gặp đã được lên kế hoạch, người của CIA cứ đến điểm hẹn rồi lại phải về tay không vì Tolkachev không xuất hiện. Cùng lúc, CIA cũng nhận thấy lực lượng do thám của KGB bỗng nhiên hiện diện dày đặc trên đường phố. KGB phát hiện ra một gói hàng dự kiến được chuyển cho Tolkachev, gồm máy ảnh nhỏ, tài liệu và số tiền hàng nghìn rúp, Tolkachev bị bắt ngay sau đó.
Một số nguồn tin của Mỹ cho rằng Tolkachev đã bị nhân viên CIA Edward Lee Howard bán đứng. Howard bị đồn là đã gặp các sĩ quan KGB ở Vienna, Áo, để bán thông tin từ năm 1984-1985. Tuy nhiên, các nguồn tin Nga sau đó cho rằng Moscow đã phát hiện và cung cấp thông tin tình báo giả cho Tolkachev nhằm ngăn chặn nỗ lực sao chép công nghệ của Liên Xô của Mỹ.
Nhờ thông tin của Tolkachev, Mỹ đã phát triển các hệ thống tác chiến điện tử hiệu quả hơn để đối phó với máy bay chiến đấu của Liên Xô. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ của Liên Xô và các đồng minh gần như bị đánh bại trong một thời gian dài. Hành động của Tolkachev đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô, khiến Moscow tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc "định hình lại" và thay đổi thiết kế. Tolkachev đã bị bắt vào năm 1985 và bị tử hình vào tháng 10/1986 vì tội phản quốc.