DNews

Đòn Blitzkrieg kinh điển của Hamas vào Israel: Những điều "không thể ngờ"

Lê Ngọc Thống

(Dân trí) - Lực lượng vũ trang Hamas đã thực hiện một cuộc đột kích kinh điển mang dáng dấp chiến tranh hiện đại vào Israel, quốc gia có quân đội được coi là hùng mạnh nhất Trung Đông và thế giới.

Đòn Blitzkrieg kinh điển của Hamas vào Israel: Những điều "không thể ngờ"

Đầu tiên phải thống nhất quan điểm với các bạn rằng, ở đây chúng ta chỉ bàn về quân sự,  về nghệ thuật tác chiến trong cuộc xung đột giữa Lực lượng vũ trang Hamas (sau đây gọi tắt là Hamas) và nhà nước Israel mà thôi.

Vào ngày 7/10, khi cả thế giới đang chia sẻ bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai về địa chính trị toàn cầu và tuyên bố thử thành công tên lửa có động cơ hạt nhân tầm bay không giới hạn mang tên Burevestnik… Hamas tiến hành một đòn tấn công chớp nhoáng (Blitzkrieg) được cho là thành công vào lãnh thổ Israel.

Điều đáng chú ý là các nhà lãnh đạo Hamas coi chiến dịch mang tên "Hồng thủy Al-Aqsa" là một "hành động quân sự đặc biệt", có lẽ họ lấy cảm hứng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chăng?

Hamas đã thực hiện một cuộc đột kích kinh điển mang dáng dấp chiến tranh hiện đại vào Israel, quốc gia được coi là hùng mạnh nhất Trung Đông, có một quân đội tinh nhuệ, thiện chiến, trang bị vũ khí, công nghệ hiện đại bậc nhất Trung Đông và thế giới.

Bất chấp hàng rào hiện đại và tân tiến được Israel dựng quanh Gaza, nhưng Hamas đã thành công khi sử dụng một lực lượng dù lượn đổ bộ sâu, đột kích vào sâu trong nội địa, đồng thời, kết hợp cơ giới, ủi phá hàng rào làm cửa mở, theo chiến thuật "trong đánh ra, ngoài đánh vào" dưới nền của 5.000 quả "pháo hoa" Qassam.

Trong mắt cơ quan tình báo và quân đội Israel, có lẽ Hamas chỉ là một lực lượng vũ trang "nhỏ bé" chỉ trang bị súng AK, nhưng họ đã tiến hành hoạt động tác chiến cấp chiến dịch, đột kích với phương án tác chiến "3 chiều lập thể" hiện đại, khiến toàn bộ lãnh thổ phía Nam Israel đứng hình, quân đội bối rối, 50 xe thiết giáp và 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava bị phá hủy hoặc thu giữ.

Thậm chí, các căn cứ Nahal Oz và Kfar Azza ở phía đông Gaza bị các chiến binh Hamas tràn vào gây thương vong và lấy đi số lượng lớn vũ khí, xe cộ và quân phục của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), điều này sẽ gây ra vấn đề lớn cho cơ quan an ninh Israel.

Vài ngày đã qua kể từ hôm 7/10, nhưng đâu đó người Do Thái vẫn còn bàng hoàng trong sự kiện được cho là khủng khiếp nhất trong lịch sử Israel.

Đòn Blitzkrieg kinh điển của Hamas vào Israel: Những điều không thể ngờ - 1

Xe tăng Merkava IV hiện đại của Israel bị Hamas phá hủy (Ảnh: Reuters).

Những điều "không thể ngờ" từ chiến dịch của Hamas

Thứ nhất, cơ quan tình báo quốc phòng nổi tiếng của Israel dường như quá đỗi bất ngờ về quá trình chuẩn bị của Hamas. Phải chăng Israel đã tin tưởng thái quá về "hàng rào điện tử", về các thiết bị theo dõi công nghệ cao nhất cử nhất động của lực lượng Hamas?

Thứ hai, quân đội Israel chưa chuẩn bị để chiến đấu, ỷ lại công nghệ của "bức màn sắt". Người ta đặt một dấu hỏi lớn về mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Israel trứ danh vì khi lực lượng biệt kích của Hamas xuất hiện, nhiều binh sĩ và sĩ quan chỉ huy, kể cả cấp cao bị bắt còn xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại giá hàng chục triệu USD mỗi chiếc như Merkava cũng bị thu giữ.

Hầu hết mục tiêu lãnh thổ mà Hamas tấn công đều được chiếm lĩnh ngay từ phút đầu, có cả thành phố hơn 140.000 dân.

Không thể phủ nhận, lực lượng Hamas tấn công rất bài bản. Họ phóng hàng ngàn rocket Qassam khá thô sơ trong vài giờ để làm quá tải hệ thống phòng thủ Iron Dome "Vòm sắt", sau khi "sắt bị nung chảy" thì số đạn còn lại tiếp tục nhiệm vụ một cách dễ dàng hơn.

Trong xung đột năm 2019, Hamas đã sử dụng chiến thuật kể trên nhưng với số đạn ít hơn, bắn rải rác trong nhiều ngày, còn lần này là ở tầm cao mới, với khoảng 5.000 quả trong vài giờ thì đúng là không có hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể ngăn chặn nổi. Tuy nhiên, nghi vấn ở đây là, Hamas làm sao có nhiều rocket Qassam đến thế, họ chuẩn bị bao lâu, cất giấu thế nào mà lực lượng tình báo Israel nổi tiếng không hề hay biết?

Đáng chú ý, Hamas sử dụng cả lực lượng biệt kích tấn công vào lãnh thổ, hậu quả của đòn tấn công trên bộ là xe tăng của Israel không chỉ bị bắt, mà máy bay F-16 cũng sơ tán, không phải bằng cất cánh mà bằng lăn bánh trên đường giao thông.

Tiếp theo, giới quân sự tinh hoa Israel vốn được đánh giá là tài giỏi, nhưng cú đánh chớp nhoáng vừa qua của Hamas đã cho thấy dường như đâu đó có hiện tượng chủ quan.

Họ đã gặp may mắn, bởi nếu lực lượng Hamas đông hơn, biết sử dụng xe tăng, xe thiết giáp chiến lợi phẩm, với mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Israel như vậy, rất có thể đòn tấn công bất ngờ kể trên sẽ còn hiệu quả hơn nữa và khiến nhà nước Do Thái nhận thêm khó khăn.

Có thể nói, kể từ năm 1948, khi nhà nước Israel nổi lên sau chiến tranh với Ả rập thì lãnh thổ Israel chưa từng chứng kiến quy mô bị tấn công lớn đến thế, kể cả chiến tranh Trung Đông năm 1973 khi Ai Cập tấn công vào Israel cũng chưa có quy mô và bất ngờ như vậy.

Đòn Blitzkrieg kinh điển của Hamas vào Israel: Những điều không thể ngờ - 2

Các phóng viên nấp sau các xe ô tô giữa lúc binh sĩ Israel đấu súng với các chiến binh Hamas gần biên giới với Gaza (Ảnh: AFP).

Hệ quả của đòn tấn công chớp nhoáng

Thứ nhất, một trong những hệ quả xét theo quan điểm quân sự của cuộc tấn công ngày nay của Hamas vào nhà nước Do Thái là việc làm lung lay huyền thoại về "sự bất khả xâm phạm" của xe tăng Merkava và hệ thống phòng không Iron Dome "vòm sắt" trứ danh của Israel.

Về xe tăng Merkava "bất bại", như bạn đã biết, xe tăng Merkava có trang bị hệ thống phòng hộ chủ động Trophy, được thiết kế để bảo vệ chiến xa trước các loại vũ khí chống tăng như súng phóng lựu, tên lửa chống tăng có điều khiển, bằng cách tạo ra một bán cầu bảo vệ có kiểm soát. Kết quả là cả thế giới đã chứng kiến rằng Merkava nổi tiếng đang bị hạ gục bởi các UAV giá rẻ, vì Trophy tỏ ra kém hiệu quả trước những mối đe dọa từ trên cao.

Một số lượng không nhỏ xe tăng Merkava đã bị Hamas bắt giữ. Giờ đây, không loại trừ khả năng chuyển giao xe tăng hoặc các bộ phận riêng lẻ của chúng cho các chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu.

Về hệ thống phòng không "vòm sắt" trứ danh

Với chiến thuật tấn công phóng cấp tập hàng ngàn rocket Qassam khá thô sơ trong thời gian vài giờ, Hamas đã khiến cho các hệ thống "vòm sắt" quá tải, đứng hình vì hết sạch cơ số đạn để sẵn sàng khai hỏa.

Tính đến sáng 9/10, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, trên khắp Israel, chỉ có 3 hệ thống "vòm sắt" bao trùm Tel Aviv, cùng 1 hệ thống gần Jerusalem và 1 hệ thống khác ở Netivot, miền nam Israel là còn có thể khai hỏa.

Các khẩu đội tên lửa phòng không Iron Dome còn lại của IDF được cho là đã phải ngừng hoạt động do thiếu đạn. Các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ viết rằng, điều này giải thích cho một hiện tượng khiến nhiều người ngạc nhiên là sau đợt phóng dồn dập đầu tiên, các vụ phóng tên lửa Qassam tiếp theo đang diễn ra, mặc dù rời rạc, nhằm vào Ashkelon, Ashdod và Sderot đã không còn bị ngăn chặn của phòng không Israel nữa.

Đây là lý do chính xác được xác nhận gián tiếp qua thông tin mới nhất từ báo The Washington Post của Mỹ, theo đó, chính quyền Israel đã yêu cầu Washington hỗ trợ khẩn cấp việc cung cấp thêm tên lửa cho Iron Dome. Và người Mỹ đã đồng ý "ngay và luôn", không hề do dự. Máy bay vận tải đầu tiên chở hàng hóa này đã hạ cánh xuống lãnh thổ nhà nước Do Thái.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết "chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden là đảm bảo rằng Mỹ đang cung cấp cho Israel mọi thứ họ cần trong thời điểm này để đối phó với các cuộc tấn công từ Hamas".

Nhưng, rắc rối duy nhất đối với Israel là bản thân Mỹ không có nhiều những tên lửa như vậy cho một cuộc chiến nghiêm trọng. Đơn giản vì năm 2019, Lầu Năm Góc chỉ mua 2 hệ thống Iron Dome từ Israel với tổng cộng chỉ có 12 bệ phóng và 240 tên lửa đánh chặn, để bố trí xung quanh các căn cứ của họ ở Trung Đông thay thế một số hệ thống phòng không Patriot được rút đi để triển khai đến Đông Âu mà thôi.

Vậy liệu 240 tên lửa đánh chặn đó có bắn hạ hết 1.000 quả rocket Qassam không? Câu trả lời rất dễ đoán.

Đòn Blitzkrieg kinh điển của Hamas vào Israel: Những điều không thể ngờ - 3
Chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden là đảm bảo rằng Mỹ đang cung cấp cho Israel mọi thứ họ cần trong thời điểm này để đối phó với các cuộc tấn công từ Hamas.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

Thứ hai, Hamas được cho là đang áp dụng chiến thuật sử dụng dân làm lá chắn, nhưng khó hơn, ở đây là dân Do Thái. Vì thế để loại bỏ triệt để lực lượng Hamas đang cố thủ trong các làng mạc, trang trại, thành phố đô thị ở Israel thì cần nhiều thời gian.

Thứ ba, bây giờ chính quyền Israel đang lần tìm manh mối để xác định xem lực lượng Hamas lấy đâu ra nhiều vũ khí tiên tiến của NATO, của Anh đến như vậy?

Shabtai, một sỹ quan quân đội Israel đã nghỉ hưu nói: "Nếu ai đó nói với tôi sớm hơn, rằng tên lửa chống tăng có điều khiển NLAW của Anh có thể đốt cháy xe tăng Israel trên lãnh thổ Israel thì tôi sẽ không tin. Bây giờ thì đó là sự thật và phải tìm ra nơi Hamas lấy vũ khí NLAW".

Không khó! Truyền thông đã đăng tin nhiều lần và đến lượt nữ nghị sĩ Mỹ Marjorie Taylor Greene, đảng Cộng hòa và là thành viên Quốc hội Mỹ, tuyên bố vũ khí mà Hamas sử dụng trong cuộc xung đột với Israel có thể đến từ... chợ đen.

Thứ tư, lực lượng Hezbollah chưa vào cuộc. Đây là ẩn số lớn bởi Hezbollah là lực lượng mà quân đội Israel ngán ngẩm nhất. Nếu Hezbollah mở mặt trận phía Bắc thì Israel sẽ lưỡng đầu thọ địch. Lãnh đạo Hezbollah tuyên bố: "Lịch sử, vũ khí và tên lửa của chúng tôi luôn ở bên các bạn (Hamas và Palestine). Tất cả chúng tôi đều ở bên bạn". Bây giờ, trong bối cảnh tình hình thế giới đa cực, sức mạnh quốc phòng của Mỹ đã suy giảm… Israel sẽ buộc phải có những lựa chọn rất ngặt nghèo.

Bất luận thế nào, lực lượng Hamas có bị truy đuổi tận gốc, Israel có thu hồi lại những vùng đã mất hay không… thì đây vẫn là một thất bại khó chấp nhận nổi của IDF. Nếu như thất bại này làm ảnh hưởng tới tinh thần của quân đội Israel, thì ngược lại là chất kích thích cho các lực lượng thù địch với Israel trỗi dậy. Đòn tấn công chớp nhoáng ngày 7/10 có thể chưa dừng lại…

Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas