Đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc, Nga giáng đòn mạnh vào Ukraine và phương Tây
(Dân trí) - Có thể nói, quyết định đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc của Moscow khiến việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine ra ngoài là bất khả thi, dường như mang lại một lợi thế địa chính trị rất lớn cho Nga.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, bắt đầu từ 0h ngày 20/7, họ sẽ coi tất cả tàu đi đến cảng của Ukraine đều có thể là tàu chở hàng quân sự, cũng như những quốc gia có quốc kỳ treo trên tàu đi đến Ukraine là các bên ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột hiện nay.
Moscow cảnh báo các khu vực phía đông nam - tây bắc của hải phận quốc tế ở Biển Đen tạm thời không an toàn cho giao thông hàng hải, tuy nhiên không nêu chi tiết về các khu vực sẽ bị ảnh hưởng.
Trước đó, Moscow tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, với lý do Ukraine liên tục tấn công vào cầu Crimea. Đây là thỏa thuận đạt được hồi tháng 7/2022 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do xung đột giữa Nga với Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Như vậy, có thể hiểu rằng tất cả các tàu "vận chuyển ngũ cốc" đi qua Biển Đen vào các cảng của Ukraine bị Nga coi là mục tiêu quân sự hợp pháp, có thể bị tấn công.
Nếu như Moscow "nói được làm được" thì từ ngày 20/7, cảng Odessa cùng một số cảng ven biển Đen khác chính thức bị phong tỏa, Ukraine dường như đã trở thành một quốc gia lục địa.
Thỏa thuận ngũ cốc là gì, tại sao Nga đình chỉ?
Thỏa thuận ngũ cốc hay Sáng kiến Biển Đen, được ký kết vào ngày 22/7/2022 bởi đại diện của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine cùng Liên Hợp Quốc, liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm của Ukraine, cũng như phân bón qua Biển Đen từ ba cảng, bao gồm cả Odessa. Việc điều phối lưu lượng tàu được xử lý bởi Trung tâm điều phối chung ở Istanbul.
Có hai thỏa thuận riêng biệt đã được ký kết với Moscow và Kiev: Thỏa thuận đầu tiên là xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ ba cảng, bao gồm Odessa, Yuzhny, Chernomorsk, thỏa thuận thứ hai là hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc, phân bón của Nga.
Thỏa thuận ngũ cốc này bị Moscow đình chỉ vì có mấy lý do chính sau đây:
Thứ nhất, Tổng thống Putin chỉ ra rằng các quốc gia phương Tây - EU nhập khẩu phần lớn ngũ cốc của Ukraine chứ không phải các nước nghèo. Ông nói: "Nga chiếm 20% thị phần lúa mì toàn cầu, trong khi Ukraine chiếm chưa đến 5%. Những con số này nói lên tất cả", ông nhấn mạnh, "bất kỳ tuyên bố nào cho rằng chỉ có ngũ cốc Ukraine mới cung cấp lương thực cho những người đói trên toàn thế giới là suy đoán và sai lầm".
Trên thực tế, các nước nghèo chỉ nhận được chưa đầy 3% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine, trong khi các nước giàu có của phương Tây - EU được hưởng lợi từ người cho đến gia súc.
Thứ hai, hầu như các thỏa thuận với Moscow bị đình trệ, không được thực hiện đầy đủ bởi các đối tác, bất chấp việc Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho phần đầu tiên của thỏa thuận với Kiev thì phương Tây đã cùng nhau chặn phần thứ hai - thỏa thuận với Nga.
Thứ ba, một điểm đặc biệt nguy hiểm là Ukraine có thể lợi dụng các tàu vận tải ngũ cốc làm "tàu sân bay" cho xuồng không người lái để tấn công các mục tiêu của Nga. Căn cứ Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol đã bị các phương tiện này tập kích không dưới 3 lần, mới đây cầu Kerch (cầu Crimea) cũng bị tấn công. Đồng thời, các tàu vận tải ngũ cốc bị Nga coi là có thể được sử dụng để vận chuyển vũ khí cho Ukraine qua đường biển.
Theo Tass, Tổng thống Vladimir Putin hôm 19/7 cho biết Moscow sẵn sàng ngay lập tức quay trở lại Sáng kiến Biển Đen nếu tất cả các điều khoản và "bản chất nhân đạo" của thỏa thuận được khôi phục.
Phát biểu trong cuộc họp với các thành viên Chính phủ, ông Putin nói rằng các nước phương Tây đã bóp méo hoàn toàn bản chất của thỏa thuận ngũ cốc. Theo Tổng thống Nga, chính các công ty châu Âu đã thu được lợi nhuận từ thỏa thuận này, trong khi phía Moscow lại chịu tổn thất.
Người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý rằng thỏa thuận ngũ cốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân Nga. Theo ông Putin, nông dân Nga thiệt hại 1,2 tỷ USD do giá ngũ cốc của nước này giảm từ 30-40% trên thị trường toàn cầu.
Tổng thống Putin cho biết, các nhà sản xuất phân bón của Nga cũng phải đối mặt với khó khăn tương tự khi thiệt hại của họ lên tới 1,6 tỷ USD.
Như vậy để Moscow quay trở lại tham gia Sáng kiến Biển Đen thì các điều kiện sau phải được thực hiện, bao gồm: gỡ bỏ trừng phạt đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga; gỡ bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga cung cấp thực phẩm cho thị trường thế giới, bao gồm việc kết nối với SWIFT; nối lại việc cung cấp các linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp, sản xuất phân bón; giải quyết tất cả các vấn đề về thuê tàu và bảo hiểm xuất khẩu thực phẩm của Nga; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti-Odessa; gỡ bỏ phong tỏa tài sản của Nga liên quan đến nông nghiệp; khôi phục bản chất nhân đạo ban đầu của thỏa thuận ngũ cốc.
Chắc chắn rằng để nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, các bên đều phải "có đi có lại mới toại lòng nhau".
Tại sao phương Tây ra sức phản đối việc Moscow đình chỉ thỏa thuận?
Moscow sử dụng "vũ khí đói"
Trước thời điểm xung đột nổ ra, Ukraine gần như bị cắt đứt khỏi Biển Đen, khi đó chưa có thỏa thuận ngũ cốc nào, hàng triệu tấn ngũ cốc cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Moscow tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Ở Châu Âu và Anh, giá lương thực bắt đầu tăng mạnh.
Giá thực phẩm tại các siêu thị của Anh tăng tổng cộng khoảng 25%, giá thịt tăng 35%, một số hàng hóa thậm chí còn cao hơn. Đây là một cú sốc đối với nhiều công dân châu Âu đã quen với lạm phát 1-2%.
Nhằm xử lý cuộc khủng hoảng an ninh lương thực cũng như tạo điều kiện cho người nông dân hai nước Nga - Ukraine, vào tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc, còn được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Khi thỏa thuận ngũ cốc có hiệu lực, lạm phát ở phương Tây bắt đầu giảm, giá cả ổn định một chút, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng biến mất.
Đây là đáp án cho câu hỏi tại sao phương Tây lại quan tâm sâu sắc với thỏa thuận ngũ cốc đến như vậy. Và đó là lý do tại sao người châu Âu bắt đầu giữ lại ngũ cốc dành cho châu Phi, để kiềm chế lạm phát, khắc phục tình trạng thiếu hụt, xoa dịu sự tức giận của những công dân bất mãn.
Tuy nhiên, đến ngày 20/10/2022, Moscow đã đình chỉ việc tham gia thỏa thuận sau khi Ukraine tấn công các tàu Nga ở Sevastopol, yêu cầu đảm bảo an ninh cho các tàu của mình, sau đó đã nối lại việc tham gia thỏa thuận vào ngày 2/11 cùng năm.
Hậu quả của việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc trong vòng ít ngày đã một lần nữa khiến châu Âu lao đao.
Theo Wall Street Journal, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy, giá tiêu dùng trong tháng 10/2022 tại Anh đã tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong hơn 40 năm trở lại đây - do giá năng lượng tăng vọt.
Giá cả leo thang đã tác động nghiêm trọng tới người dân và doanh nghiệp tại Anh, kể cả khi nền kinh tế suy yếu với tăng trưởng âm trong quý 3/2022. Tại các quốc gia châu Âu khác, lạm phát cũng đang tăng nhanh. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2022 tại Đức đã tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) tháng 6 vừa rồi cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tất cả quốc gia dùng chung đồng Euro đã giảm 0,4% trong quý 1/2024, sau khi giảm trong quý 4 năm ngoái. Hai quý tăng trưởng âm liên tiếp cho thấy dấu hiệu rõ rệt của một cuộc suy thoái kinh tế.
Ở châu Âu, chi tiêu hộ gia đình giảm trong cả quý 4/2022 và quý 1 năm nay. Nhập khẩu cũng giảm mạnh trong cả hai quý - một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của kinh tế Eurozone đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở các khu vực khác trên thế giới.
"Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, không chỉ với các nền kinh tế tiên tiến mà với cả các nền kinh tế đang phát triển. Những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế tiên tiến, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới không được như 10 năm trước", ông Pierre Olivier Gourinchas, Kinh tế Trưởng của IMF, đánh giá.
Lợi ích của các nước phương Tây từ thỏa thuận ngũ cốc dường như đã rõ ràng, có một điều thú vị nữa ở đây - vì sao châu Âu lại phụ thuộc vào ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác như vậy?
Bởi lẽ, họ đã có nguồn cung các sản phẩm từ Ukraine với số lượng dồi dào. Cho nên, không phải tự nhiên mà Ukraine tự gọi mình là một "siêu cường nông nghiệp".
Mặt khác, mặc dù tỷ lệ sinh thấp, tuy nhiên dân số châu Âu gần đây tăng thêm 100 triệu, chủ yếu là dân di cư, đặc biệt ngay trong năm 2022, tăng thêm 8 triệu người Ukraine.
Dân số của EU đang tăng lên, ngược lại, diện tích trồng trọt ngày càng thu hẹp lại bởi những chiếc cối xay gió cùng cánh đồng pin mặt trời mọc lên trên vùng đất mà họ từng trồng trọt.
Trong khi đó, lệnh trừng phạt Moscow buộc người nông dân châu Âu phải từ chối phân bón, nhiên liệu, ngũ cốc Nga, vì thế họ bắt đầu mua nhiều thực phẩm hơn để tích trữ. Do đó, họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp từ một "siêu cường nông nghiệp" - Ukraine. Đường biển gặp khó, Ukraine bắt đầu xuất khẩu ngũ cốc bằng các tuyến đường bộ.
Nhưng rất nhiều ngũ cốc không thể xuất khẩu bằng đường bộ, thế nên cần phải có một thỏa thuận ngũ cốc để có thể xuất khẩu bằng đường biển với khối lượng lớn hơn nhiều. Đây là lý do châu Âu cần "sáng kiến Biển Đen" hơn bất kỳ ai.
Hơn nữa khi Odessa bị phong tỏa, giá lương thực trên thế giới tăng vọt, nguy cơ trở lại thời kỳ khó khăn trước đó của châu Âu bắt đầu hiện diện.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và khẩn cấp, ông Martin Griffiths cho biết, cơ quan này sẽ làm hết sức có thể để Sáng kiến Ngũ cốc được gia hạn. Ông Martin Griffiths cho biết, nhờ thỏa thuận này, từ tháng 8/2022 đến nay, 25 triệu tấn thực phẩm đã được xuất khẩu từ Ukraine.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng mới chỉ có một phần nhỏ trong số 260.000 tấn phân bón của Nga bị mắc kẹt tại các cảng châu Âu đã được thông quan, kể từ khi nổ ra xung đột hồi cuối tháng 2/2022.
Tàu hàng neo tại cảng Odessa của Ukraine ở Biển Đen (Ảnh: Reuters).
Mỹ - NATO chỉ biết "ngồi nhìn" quyết định của Nga?
Đến thời điểm này, chưa một ai, kể cả Mỹ dám sử dụng hải quân để bảo vệ đoàn tàu chở ngũ cốc đi đến hay rời khỏi Odessa thì nói chi đến các quốc gia châu Âu thuộc NATO hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Không còn đường biển, phương Tây dự tính vớt vát bằng cách sử dụng đường bộ với các cảng trên sông Dnieper cụ thể 2 cảng là Izmail, đặc biệt cảng Reni cách Romania 100m cũng bị tấn công, hầu hết hạ tầng cầu cảng, kho tàng đều bị phá hủy.
Sự hiện diện của Hạm đội Nga ở Biển Đen, cùng với đó là hành vi đe dọa của Moscow sẽ bị xóa sổ. Ukraine sẽ đảm bảo tự do và an ninh ở Biển Đen cho thương mại thế giới
Có thể nói, vừa phong tỏa đường biển, vừa phá hủy hạ tầng kỹ thuật các cầu phà, bến cảng, kho chứa… Moscow dường như đã phát tín hiệu cứng rắn, thực hiện nghiêm chỉnh quyết tâm không để một hạt ngũ cốc của Ukraine nào ra nước ngoài.
Điều đáng nói là trước hành động cứng rắn của Nga, nhưng Mỹ NATO cũng chưa tìm ra được giải pháp nào thấu đáo.
Việc Ukraine gần đây liên tiếp tấn công các tàu Nga, thậm chí trong thông báo trên Telegram, Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết rằng: "Sự hiện diện của Hạm đội Nga ở Biển Đen, cùng với đó là hành vi đe dọa của Moscow sẽ bị xóa sổ. Ukraine sẽ đảm bảo tự do và an ninh ở Biển Đen cho thương mại thế giới", càng khiến tương lai của thỏa thuận ngũ cốc trở nên mờ mịt.