Cựu quan chức quân đội Nga nói về chiến dịch phản công của Ukraine
(Dân trí) - Đại tá về hưu Mikhail Khodaryonok, chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga, giải thích lý do vì sao kế hoạch phản công của Ukraine không thành và dự đoán bước đi tiếp theo của Kiev.
Trong tuần qua, Ukraine đã bắt đầu tung ra những đòn tấn công quyết liệt, có sự tham gia của các đơn vị dự bị chiến lược do NATO đào tạo và trang bị trong "mũi tấn công chính" ở phía nam Orekhov, thuộc vùng Zaporizhia. Nếu vượt qua được hàng phòng thủ Nga sẽ mở ra cơ hội cho Ukraine tiến về Tokmak và sau đó đến Melitopol gần biển Azov.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Ukraine có thể đạt được thành công khi triển khai đầy đủ mọi nguồn lực.
Theo Đại tá Khodaryonok, cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra được gần 2 tháng nhưng dường như không diễn ra theo kế hoạch ban đầu.
Kiev đã đặt ra những mục tiêu gì?
Khi một chiến dịch tấn công được lên kế hoạch, hai điều quan trọng cần được xác định: mục tiêu trước mắt và các mục tiêu xa hơn.
Mục tiêu trước mắt thường là đánh bại các lực lượng tuyến đầu, tiến tới hạ gục chủ lực và kiểm soát các địa bàn quan trọng để làm suy yếu khả năng phòng thủ chiến lược của đối phương và tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Khodaryonok, việc Ukraine nỗ lực giành quyền kiểm soát các khu định cư như Pyatikhatki, Rabotino, Urozhaynoye, Kleshcheyevka và những khu vực khác, kể cả họ có chiếm lại được Artemovsk (Bakhmut) đi chăng nữa cũng hoàn toàn không phải là "mục tiêu trước mắt" của cuộc phản công.
Đối với Quân đội Ukraine, mục tiêu trước mắt ít nhất là phải kiểm soát được Melitopol, một thành phố lớn thực sự.
Vì vậy, có thể nói, Quân đội Ukraine thậm chí còn chưa tiến gần đến mục tiêu trước mắt. Thế nên, ông Khodaryonok cho rằng không cần thảo luận nhiều về các mục tiêu xa hơn của họ.
Đối với Ukraine, việc hoàn thành các mục tiêu xa hơn trong cuộc phản công có nghĩa là đưa mọi thứ quay trở lại biên giới năm 1991. Nhưng cho đến nay, điều này vẫn chỉ là một giấc mơ của giới lãnh đạo quân sự và chính trị Ukraine. Có thể nói rằng chiến dịch phản công đã được tiến hành nhưng chưa hoặc thậm chí không đạt được các mục tiêu đề ra.
Có điều gì sai?
Vài ngày trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Reznikov cho biết hoạt động của quân đội nước này "tiến độ chậm, nhưng đang diễn ra theo đúng kế hoạch". Đồng thời, ông nói thêm, "giá trị chính đối với chúng tôi là mạng sống của những người lính Ukraine".
Khi một cuộc phản công được lên kế hoạch, một số lịch trình nhất định đã được vạch ra cho mỗi ngày, mỗi tuần,... Lực lượng pháo, tên lửa cũng có lịch chuẩn bị, tập kích các mục tiêu ưu tiên vào thời gian nào, sẵn sàng chi viện hỏa lực tức thời theo yêu cầu ra sao.
Những tuyên bố của ông Reznikov cho thấy mọi thứ diễn ra không đúng kế hoạch, thậm chí dường như đó là một nỗ lực để biện minh cho sự thất bại rõ ràng của chiến dịch.
Theo chiến lệ, thông thường, một chiến dịch phản công (hoặc tấn công) đúng nghĩa xảy ra khi có hoạt động tác chiến binh chủng hợp thành hoặc quân binh chủng hợp thành ở cấp quân đoàn trở lên, với sự tham gia cùng lúc của nhiều lực lượng. Nếu những cuộc tấn công chỉ được thực hiện bởi các tiểu đoàn hoặc lữ đoàn thì không khác gì hoạt động chiến đấu thông thường.
Vì vậy, xét trên thực tế chiến trường, cuộc tấn công của Ukraine có thể được coi là các trận chiến cục bộ, được tiến hành để cải thiện vị trí, và không có gì hơn thế.
Các chuyên gia Ukraine bày tỏ quan điểm rằng "chúng ta đang dần nghiền nát lực lượng và tài nguyên của đối phương, và sớm hay muộn sẽ đến lúc hệ thống phòng thủ của Nga sẽ sụp đổ ở một điểm quan trọng hoặc ở một số khu vực".
Nếu Kiev tiến hành một cuộc chiến chống lại một quốc gia nhỏ có dân số ít và tiềm lực sản xuất vũ khí hạn chế, thì chiến thuật như vậy sớm muộn gì cũng có thể đạt được hiệu quả. Nhưng, Ukraine đang đối đầu với một cường quốc có khả năng huy động vượt xa cùng nền công nghiệp quốc phòng vững chắc, nhanh chóng tăng tốc sản xuất mọi thứ đáp ứng yêu cầu của chiến trường. Do vậy, triển vọng của cuộc phản công không mấy hứa hẹn.
Mỗi ngày giao tranh sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, họ liên tục mất nhân sự và thiết bị, còn kho đạn vốn khan hiếm đã sắp trống rỗng.
Giới lãnh đạo chính trị - quân sự Ukraine nhiều lần tuyên bố rằng không phải tất cả lực lượng dự bị được huấn luyện đều đã được đưa vào chiến đấu. Một lần nữa, điều này nghe có vẻ lạ.
Đối với quân đội bất kỳ nước nào, số lượng dự trữ, thiết bị, mức độ huấn luyện chiến đấu và hành động tác chiến luôn là những bí mật quân sự hàng đầu. Việc đưa dự trữ chiến lược vào trận kịp thời và quan trọng nhất là bất ngờ, có thể thay đổi toàn bộ diễn biến của cuộc xung đột, nhưng công khai nói về điều này dường như trái với lẽ thường.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Theo ông Khodaryonok, ngay từ đầu, việc Quân đội Ukraine cố gắng tiến hành phản công vào ngày 4/6 mà không có ưu thế về không quân và hỏa lực pháo là một kế hoạch khác thường. Trong hoàn cảnh hiện tại, ít ai dám chắc rằng chiến dịch đang diễn ra sẽ mang lại bất kỳ kết quả chính trị hay quân sự thuyết phục nào.
Hơn nữa, để vượt qua hàng phòng thủ được xây dựng kiên cố và trang bị tốt của Nga, Kiev cần phải có tên lửa, pháo binh, tăng thiết giáp và công binh nhiều hơn nữa.
Thất bại trong cuộc phản công hiện tại của Ukraine cũng có thể dẫn đến thất bại trong toàn bộ chiến dịch hè thu, vì sau khi mất nhiều quân nhân và thiết bị, họ sẽ khó có thể khôi phục tiềm năng tấn công cho tới đầu mùa đông 2023-2024.
Để cuộc phản công lần thứ hai thành công, Kiev cần nhận được nhiều máy bay chiến đấu đa năng, tăng đáng kể nguồn cung cấp cho các đơn vị pháo tự hành, xe tăng, trực thăng tấn công, có kho đạn dồi dào cho pháo cỡ lớn và pháo phản lực.
Hiện tại, có vẻ như cuộc phản công thứ nhất sắp kết thúc mà không có kết quả, và cuộc phản công thứ hai sẽ không sớm xảy ra. Đặc biệt, việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cho Quân đội Ukraine dự kiến sẽ không sớm hơn mùa đông, do đó, rất có thể cuộc phản công thứ hai sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm sau.
Tuy nhiên, Quân đội Nga sẽ không ngồi yên trong thời gian này, họ có thể chủ động tiến hành một cuộc tấn công và áp đặt ý chí của mình lên đối phương.
Tóm lại, ông Khodaryonok muốn nhấn mạnh rằng việc đưa ra các dự báo nói chung là rất khó khăn, nhất là các dự đoán dài hạn.