(Dân trí) - Lần đầu tiên tôi gặp Nữ hoàng Anh là năm 2011 khi tôi trình Quốc thư lên Nữ hoàng, bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ ở Anh, bà ân cần hỏi tôi: "Sao Đại sứ đến trình Quốc thư mà không có phu nhân đi cùng?".
Lần đầu tiên tôi gặp Nữ hoàng Anh là năm 2011 khi tôi trình Quốc thư lên Nữ hoàng, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ ở Anh, bà thân tình và ân cần hỏi tôi: "Sao Đại sứ đến trình Quốc thư mà không có phu nhân đi cùng?".
Ngày hôm nay, khi mở trang BBC, đập vào mắt tôi đầu tiên là dòng thông báo Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96, sau 70 năm trị vì.
Từ nước Đức, gia đình tôi đã cùng nhau ngồi nhớ lại những kỷ niệm của chúng tôi với Nữ hoàng Anh trong 3 lần mà chúng tôi có vinh hạnh được diện kiến Nữ hoàng trong nhiệm kỳ Đại sứ của tôi tại Anh (2011-2014) và cùng chia sẻ nỗi mất mát không gì bù đắp được với người dân Anh lúc này.
Dù biết sức khỏe bà đã yếu dần đi trong thời gian qua và cả thế giới đều cầu nguyện cho bà khi nghe tin tình trạng của bà có dấu hiệu chuyển biến xấu, nhưng gia đình tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi đọc tin về sự ra đi của bà. Bà có một cuộc hôn nhân tuyệt vời và đáng ngưỡng mộ với Hoàng thân Philip. Khi ông mất, tôi đã nghĩ bà khó mà có thể sống xa ông lâu…
Tôi bắt đầu học những từ Tiếng Anh đầu tiên cùng các bạn sinh viên Liên Xô tại Moscow đầu những năm 1980. Khi ấy giấc mơ của tôi là được đến London và ghé thăm Tháp đồng hồ Big Ben. Gần 20 năm sau đó, tôi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc, cũng là Đại sứ trẻ nhất trong Ngoại giao đoàn ở London. Không chỉ được ngắm Big Ben như trong giấc mơ thời trẻ, tôi đã có cơ hội diện kiến Nữ hoàng Anh.
Lần đầu tiên tôi gặp Nữ hoàng Elizabeth II là vào ngày 8/6/2011, ngày tôi trình Quốc thư lên Nữ hoàng, bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ của mình.
Đại sứ Vũ Quang Minh trình quốc thư lên Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào năm 2011 (Ảnh: Getty).
Năm đó bà đã 85 tuổi, cực kỳ minh mẫn, thông tuệ. Dù sở hữu khí chất hoàng gia cao quý được bồi đắp suốt mấy chục năm trị vì, nhưng Nữ hoàng lại cho tôi có cảm giác giống như tôi đang nói chuyện với bà mình.
Trong buổi gặp đầu tiên, bà thân tình và ân cần hỏi tôi: "Vì sao Đại sứ đến trình Quốc thư mà không có phu nhân đi cùng?".
Tôi trả lời: "Phu nhân của tôi đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Canada nên không thể có mặt trong sự kiện này. Tuy nhiên, phu nhân và con trai tôi vẫn đang dưới sự trị vì của Nữ hoàng (vì Canada thuộc khối Thịnh vượng chung, Nữ hoàng Anh vẫn là Nguyên thủ Quốc gia trị vì ở Canada, về nguyên tắc)".
Bà cười lớn khi nghe tôi nói và hào hứng kể: "Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện. Có cả một bộ sưu tập tranh Việt Nam trong Hoàng gia Anh".
Bà đặc biệt hiểu về quan hệ giữa hai nước Anh - Việt và hy vọng tôi sẽ nỗ lực để làm mối quan hệ đối tác chiến lược vừa hình thành giữa hai nước tiếp tục phát triển.
Lần thứ 2 diện kiến Nữ hoàng trong buổi chiêu đãi tại Lễ hội Mùa hè trong vườn Cung điện Buckingham, vừa nhìn thấy vợ tôi, bà cười: "Đây chính là Phu nhân Đại sứ mới từ Canada sang đúng không?". Tôi rất ngạc nhiên vì bà còn nhớ…
Lần thứ 3 gặp bà là trong Quốc yến của Vương quốc Anh do Nữ hoàng tổ chức. Cả hai lần gặp sau này, chúng tôi đã được có nhiều thời gian trò chuyện với cả bà và Hoàng thân Philip cũng như Thái tử Charles và vợ chồng Hoàng tử William - Kate.
Không chỉ Nữ hoàng Elizabeth thân thiện, Hoàng thân Philip cũng là một người cực kỳ đáng mến và lịch lãm. Nữ hoàng và Hoàng thân dừng lại nói chuyện với từng khách, và đã dành đặc biệt nhiều thời gian trò chuyện với chúng tôi về Việt Nam, về các tác phẩm nghệ thuật, tranh của Việt Nam được các thành viên Hoàng gia Anh sưu tập.
Trước khi đến nước Anh, nhiều người nói với tôi người Anh rất lạnh lùng, kiêu kỳ. Nhưng 3 lần tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II, tôi chỉ cảm thấy bà tôn quý nhưng ấm áp, hiền hậu. Trong mắt tôi, bà đại diện cho tất cả những gì đẹp đẽ và hoàn hảo nhất của nước Anh.
Với tôi, nước Anh là một nơi để lại cho tôi những hồi ức đặc biệt.
Trong nhiệm kỳ của tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Vương quốc Anh vào năm 2013. Đó là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư đến một cường quốc có thể chế chính trị khác. Chuyến thăm đó, Nữ hoàng Elizabeth II rất tiếc không đón chính thức được (vì đã có các cuộc thăm cấp Nhà nước lên kế hoạch từ trước theo quy định lễ tân Hoàng gia), nhưng bà đã ủy quyền cho Thái tử Charles - vị Vua tương lai của nước Anh, trân trọng đón và hội đàm với Tổng Bí thư ta. Sau này mỗi lần gặp lại, Thái tử Charles và Thủ tướng Anh lúc đó (David Cameron) đều nhắc lại cuộc gặp với những lời ấm áp. Cả hai đều nói, họ bất ngờ vì họ có thể tìm được nhiều giá trị chung đến thế với một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản.
Cũng trong nhiệm kỳ của tôi ở Anh, tôi đã chứng kiến đám cưới Hoàng gia Anh của Hoàng tử William và Công nương Kate. Người dân Anh tràn ra đường phố, tự tổ chức tiệc ăn mừng, vui như ngày hội của Vương quốc. Họ không chỉ vui vì chứng kiến một đám cưới Hoàng gia sau nhiều năm chờ đợi. Sự ăn mừng của họ thể hiện sự kính trọng mà họ dành cho Hoàng gia Anh nói chung và Nữ hoàng Elizabeth II nói riêng. Mấy chục năm trị vì, bà đã được người dân yêu quý và tôn kính đến gần như tuyệt đối.
Hôm nay, tôi có đọc được một nhà bình luận chính trị viết trên BBC rằng: "Giữa một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, Nữ hoàng Elizabeth II là một hằng số, là một giá trị bất biến đại diện cho tất cả những điều đẹp đẽ nhất của Vương quốc Anh". Bà là biểu tượng không thể thay thế, là điểm tựa bình an không chỉ cho Hoàng gia mà cả Vương quốc Anh, là người mà 70 năm trị vì, chưa từng "bước hụt" bước chân nào.
Xin vĩnh biệt Nữ hoàng!
Đại sứ Vũ Quang Minh hiện là Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức. Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh từ năm 2011 đến 2014.