(Dân trí) - Kể từ thay thế ông Trump vào vị trí chủ nhân Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nỗ lực khôi phục vị thế của Mỹ trên toàn cầu với nhiều cam kết, song ông cần đảm bảo lời nói đi liền với hành động.
CÚ XOAY CHUYỂN CỦA MỸ ĐỂ TRỞ LẠI VAI TRÒ "ANH CẢ" TOÀN CẦU
Kể từ thay thế ông Trump vào vị trí chủ nhân Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nỗ lực khôi phục vị thế của Mỹ trên toàn cầu với nhiều cam kết, song ông cần đảm bảo lời nói đi liền với hành động.
Tháng 9/1990, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã có bài phát biểu với những tuyên bố hùng hồn về một "trật tự thế giới mới", trong đó "không gì có thể thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ".
Song sau hơn một phần tư thế kỷ kể từ phát biểu đó, vị thế của nước Mỹ đã sụt giảm, đặc biệt mạnh mẽ trong 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Với cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết", xem nhẹ các thiết chế đa phương và quan hệ với các đồng minh, ông Trump đã khiến vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington bị nghi ngờ hơn bao giờ hết.
Gạt bỏ sự nghi ngờ đó là một trong những trọng tâm đối ngoại của ông Joe Biden sau khi ông lên nắm quyền vào đầu năm nay. Là người dày dặn kinh nghiệm ngoại giao với thời gian dài phục vụ ở Thượng viện cũng như với tư cách phó tổng thống trong 2 nhiệm kỳ của chính quyền Barack Obama, ông Biden quyết tâm khôi phục vị trí của nước Mỹ trên trường quốc tế.
"Nước Mỹ đã trở lại", ông nói trong một bài phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ không lâu sau khi nhậm chức tháng 1/2021. "Chúng ta là quốc gia làm được những điều lớn lao. Chính sách ngoại giao của Mỹ đã biến điều đó thành hiện thực. Và chính quyền chúng ta đã sẵn sàng tiếp nhận vai trò lãnh đạo và dẫn đầu một lần nữa".
Và chỉ trong 11 tháng của nhiệm kỳ của ông Biden, nước Mỹ thực sự đã "trở lại" với nhiều cam kết, bao gồm một dự án hàng chục nghìn tỷ USD được cho là đối trọng với chương trình "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Song điều mà ông Biden cần phải cho thấy hơn hết, là ông có năng lực biến những lời hứa thành hành động và hiện thực.
MỸ MẠNH MẼ TRỞ LẠI "VŨ ĐÀI QUỐC TẾ"
Nỗ lực đưa "nước Mỹ trở lại" của ông Biden bắt đầu bằng việc đảo ngược những chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Ông tuyên bố coi trọng các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu và châu Á, tôn vinh chủ nghĩa đa phương và nhấn mạnh cam kết của chính quyền đối với một "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". Ông coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng và kiểm soát vũ khí là công cụ thiết yếu. Ông thậm chí đã triệu tập một hội nghị nơi Mỹ muốn tái lập vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ.
Ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Biden đã đưa nước Mỹ trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris, cam kết quốc tế mà ông Trump đã từ bỏ. Ông cũng đích thân tham dự COP26, diễn đàn đa phương quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tại Anh hồi tháng 11, trong chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ khi nhậm chức.
"Chúng tôi sẽ chứng minh với thế giới rằng Mỹ không chỉ quay lại mà còn hy vọng sẽ dẫn đầu bằng sức mạnh sinh ra từ tấm gương chúng tôi", ông Biden nói tại hội nghị được tổ chức ở thành phố Glasgow, Anh.
Tổng thống Mỹ đã đưa ra một số cam kết, bao gồm việc đạt mục tiêu "phát thải ròng bằng không" vào năm 2050 hay chương trình đầu tư vào năng lượng sạch trị giá 555 tỷ USD. Tuy những cam kết này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng cũng như phụ thuộc nhiều vào quốc hội Mỹ, nỗ lực của ông Biden được soi chiếu trong sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong cuộc họp báo trước khi rời Glasgow, ông Biden một lần nữa tìm cách khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ, nói rằng việc lãnh đạo Trung Quốc không xuất hiện tại hội nghị là một "sai lầm lớn". "Họ đã mất khả năng ảnh hưởng đến mọi người trên khắp thế giới và những người có mặt tại COP lần này", ông nói.
Hồi tháng 6, ông Biden có chuyến công du nước ngoài đầu tiên để tham dự hội nghị với lãnh đạo các nước G7 tại Cornwall, Anh. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức mặt đối mặt kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, làm gián đoạn các hoạt động ngoại giao.
Tại hội nghị, ông Biden đã thuyết phục các đồng minh của mình ở cả châu Âu và châu Á liên kết với nhau để đối phó với Trung Quốc, thông qua kế hoạch "Build Back Better World" (B3W). Dù thông tin vẫn còn hạn chế, sáng kiến này đã được nhìn nhận rộng rãi là cách mà Washington dùng để cạnh tranh với chương trình "Vành đai và Con đường" mà ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013.
Theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv, tính đến giữa năm 2020, hơn 2.600 dự án với kinh phí 3,7 nghìn tỷ USD có liên quan đến chương trình "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh, dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tháng 6 năm ngoái cho hay khoảng 20% dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Nhà Trắng cho biết, thông qua B3W, Mỹ và các thành viên G7 sẽ cùng nhau đóng góp lên đến 40 nghìn tỷ USD để trợ giúp các nước đang phát triển về hạ tầng, phục hồi sau đại dịch. Bốn lĩnh vực trọng tâm trong sáng kiến này bao gồm khí hậu, y tế, công nghệ số và bình đẳng giới. Washington nhấn mạnh rằng B3W là thỏa thuận hợp tác về hạ tầng được định hướng bởi hệ giá trị dân chủ, có tiêu chuẩn cao và minh bạch.
Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức "trật tự quốc tế tự do" mà Mỹ làm chủ kể từ sau Thế chiến II, sự ra đời của B3W cho thấy nỗ lực của chính quyền Biden nhằm đưa Washington trở lại với vai trò lãnh đạo thế giới, theo một số nhà quan sát.
"B3W là nỗ lực của chính quyền Biden trong việc tạo ra 'trật tự quốc tế tự do' 2.0. Đây là bộ quy tắc chặt chẽ hơn để bảo vệ các ngành công nghiệp thế hệ tiếp theo và các khoản đầu tư sinh lời trước ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn mà Bắc Kinh không muốn tuân thủ", tiến sĩ Zeno Leoni, người chuyên nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung tại trường King's College London (Anh), viết.
Vị chuyên gia cho rằng cái tên của dự án đã phản ánh một trong những mục tiêu tham vọng nhất của Mỹ từ sau tuyên bố về "trật tự thế giới mới" của Tổng thống Bush "cha" năm 1990. Dù vậy, số tiền khổng lồ dự trù đổ vào B3W cũng làm dấy lên những hoài nghi về việc Mỹ có thể biến hứa hẹn thành hiện thực hay không.
Trong những tháng qua, các quan chức chính quyền Mỹ đã được triển khai tới châu Phi, Nam Mỹ cũng như châu Á để xác định các dự án trọng điểm đưa vào khuôn khổ B3W. Dự kiến, khoảng 5 đến 10 dự án trên khắp thế giới sẽ được khởi động vào tháng 1 năm sau, Reuters đưa tin.
Cũng nhắm đến Trung Quốc, Mỹ đã tiếp thêm động lực cho các liên minh mà nước này xây dựng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Bộ Tứ và AUKUS. Một hội nghị của nhóm Bộ Tứ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, đã diễn ra vào tháng 3. Trong bối cảnh đại dịch, nỗ lực "ngoại giao vaccine" của nhóm, với sự dẫn dắt của Mỹ, đã được đón nhận mạnh mẽ tại khu vực. Trong khi đó, AUKUS là bộ ba mới ra đời, gồm Mỹ, Anh và Australia, được cho là tập trung vào các thách thức an ninh truyền thống xuất phát từ Trung Quốc.
Những nhóm này, dù không phải liên minh về mặt chính thức, đều được xem là cách để Mỹ tập hợp lực lượng nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực. Chính sách Trung Quốc dưới thời Biden về cơ bản là sự tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn dưới thời Trump, dù ông Biden cũng tăng cường can dự và đối thoại với Bắc Kinh.
MỸ DẪN DẮT TOÀN CẦU GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19
Trong một năm đại dịch tiếp tục hoành hành khắp thế giới, Mỹ đã thể hiện vai trò dẫn dắt toàn cầu với hàng loạt cam kết về hỗ trợ y tế cho các nước và viện trợ hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19. Các lô vaccine đã được phân phối đi khắp thế giới thông qua COVAX, sáng kiến vắc xin toàn cầu do Liên Hợp Quốc bảo trợ hướng đến mục tiêu cung ứng vắc xin cho các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Mỹ đã cam kết tặng ít nhất 1,1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới trước năm 2023. Cho tới cuối tháng 12/2021, 316 triệu liều đã được bàn giao cho các nước và 34,3 triệu liều đã được vận chuyển nhưng chưa bàn giao.
Sự đóng góp vắc xin Covid-19 của Mỹ diễn ra trong bối cảnh dư luận gần đây lên tiếng đề nghị các nước giàu cần thể hiện trách nhiệm lớn hơn trong đối phó với đại dịch, giữa lúc nguồn cung vắc xin cho các nước nghèo đang khan hiếm và nhiều nước bày tỏ lo ngại về sự bất bình đẳng vaccine. Bằng cách nắm lấy vai trò dẫn dắt nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, cung cấp cho thế giới nguồn lực chống lại đại dịch mà cho tới nay đã nước đi sinh mạng của hơn 5,4 triệu người, nước Mỹ đang nắm lấy vị trí lãnh đạo, thể hiện vai trò "anh cả" dẫn dắt thế giới giải quyết các thách thức toàn cầu.
NHỮNG "ĐIỂM TRỪ" ĐỐI NGOẠI
Kết quả một cuộc khảo sát của Gallup, được công bố hồi tháng 8, cho thấy dư luận thế giới đã đánh giá tích cực hơn về vai trò lãnh đạo của Mỹ so với thời Trump. Theo đó, tại 46 nước và vũng lãnh thổ, tỷ lệ hài lòng với vai trò lãnh đạo của Mỹ trung bình ở mức 49%, ngang bằng với tỷ lệ mà ông Obama nhận được trong năm đầu nhiệm kỳ. Vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump, tỷ lệ này là 30%. Mỹ cũng được nhìn nhận tích cực tại các nước G7, với tỷ lệ tăng từ 30 đến 38 điểm phần trăm ở Anh, Đức và Canada.
Song giới phân tích cũng đặt ra hoài nghi về những cam kết bằng lời của ông Biden và hành động thực tế. Việc ông Biden đến nay vẫn chưa cho thấy dấu hiệu có thể đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đặt ra những câu hỏi về chiến lược của Mỹ tại khu vực, nơi Trung Quốc ngày càng có ảnh lớn hơn về kinh tế. Và cùng với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020 mà Trung Quốc là thành viên, Mỹ hiện đứng ngoài hai thỏa thuận thương mại tự do lớn của châu Á. Bắc Kinh cũng đã nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 9.
"Chính quyền Biden nên hành động để sửa chữa tình trạng bất ổn trong chính sách đối ngoại thời hậu Afghanistan bằng cách tham gia các thỏa thuận kinh tế nhằm tập hợp các đối tác toàn cầu và khôi phục niềm tin vào sự lãnh đạo của Mỹ", Frederick Kempe, chủ tịch kiêm CEO tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, kêu gọi trong một bài viết.
"Thời hậu Afghanistan" mà ông Kempe nhắc đến là ám chỉ cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông hồi tháng 8, trao lại chính quyền cho phe Taliban. Đây được xem là "bóng đen" chính sách đối ngoại lớn nhất đến nay của ông Biden. Không thể quy hết trách nhiệm cho ông về những thất bại trong cuộc chiến vốn đã kéo dài qua 4 đời tổng thống Mỹ, song quyết định rút quân gấp rút đã làm tan tành các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Biden nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình nội bộ Afghanistan.
Việc rút quân vội vàng cũng khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cảm thấy khó chịu. "Việc thiếu hoàn toàn các cuộc tham vấn trước quyết định rút quân đã để lại một vết sẹo", Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển và là đặc phái viên của Liên minh châu Âu, nói với BBC.
Thực tế, việc chính quyền Biden va chạm ngoại giao với các đồng minh thân cận nhất cho thấy những vấn đề sâu sắc hơn.
Vào tháng 11, Phó tổng thống Kamala Harris đã đến Paris để hàn gắn quan hệ với Pháp, sau khi Washington lập nhóm AUKUS, làm Paris mất hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD đã đàm phán với Australia. Ông Biden sau đó đã thú nhận rằng cách xử lý vấn đề của ông - vốn đã khiến Pháp tức giận đến mức triệu hồi đại sứ về nước tạm thời - là "vụng về".
Chính quyền Biden cũng phải vật lộn để khắc phục những thiệt hại do chính quyền Trump gây ra. Ông Biden kế thừa một Bộ Ngoại giao thiếu nhân lực, thiếu kinh phí, hoạt động không hết công suất. Tuy nhiên, chính quyền hiện tại đang mất nhiều thời gian hơn so với các chính quyền tiền nhiệm để bổ nhiệm đại sứ tại các nước. Dù việc này phần lớn là do đảng Cộng hòa cản trở, ông Biden đã chậm đề cử hàng chục vị trí quan trọng cần sự phê chuẩn của Thượng viện.
Theo Hiệp hội Ngoại giao đoàn Mỹ, tính đến đầu tháng 11, gần một nửa số đại sứ quán Mỹ trên thế giới thiếu vắng đại sứ cần được Thượng viện phê chuẩn.