Mỹ thể hiện vai trò dẫn dắt toàn cầu giữa đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Mỹ đang nỗ lực hàn gắn quan hệ đồng minh, khôi phục các định chế quốc tế và đi đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, đặc biệt là hỗ trợ phân phối vắc xin nhằm đưa thế giới sớm thoát khỏi đại dịch.
Dù có thể vẫn có những tính toán riêng phù hợp với lợi ích của nước Mỹ, song không thể phủ nhận những bước đi của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang dần quay trở lại vai trò lãnh đạo, gia tăng ảnh hưởng trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu.
Tái xây dựng quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Uy tín và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới đã bị suy giảm, xét trên mọi phương diện, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump gần như "bỏ rơi" đồng minh và đối tác của Mỹ; từ bỏ vai trò lãnh đạo của nước Mỹ; phát động cuộc chiến thương mại với đối thủ và cả đối tác, làm tổn thương cho chính nước Mỹ. Mạng lưới quốc tế mà Mỹ đã dày công xây dựng trên đà tan vỡ, niềm tin vào các định chế dân chủ rơi xuống mức thấp nhất. Trong khi đó, các thách thức toàn cầu mà nước Mỹ đang phải đối mặt, đã trở nên ngày càng phức tạp và bức thiết hơn.
Bước chân vào Nhà trắng, Tổng thống Biden đã có sự thay đổi quan điểm về vai trò và cách tiếp cận trong các mối quan hệ quốc tế, nhằm cứu vãn vị thế, gây dựng lại niềm tin vào vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, cũng như phối hợp giữa Mỹ với các đồng minh nhằm đối diện với các thách thức mới.
Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên về chính sách đối ngoại, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời đổi mới vai trò của Washington trong các định chế quốc tế, giành lại quyền lực và uy tín của nước Mỹ, đưa nước Mỹ trở lại vị thế lãnh đạo thế giới một lần nữa.
Chuyến công du châu Âu đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức kéo dài 8 ngày, từ 9-16/6, bao gồm nhiều hoạt động, từ cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Nữ hoàng Elizabeth II, tới dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và gặp gỡ song phương với các lãnh đạo khối này. Sau đó là cuộc gặp với lãnh đạo NATO tại Brussels và cuộc gặp riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Cuối cùng là cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ. Mục đích chính của chuyến đi này nhằm đưa ra thông điệp "nước Mỹ đã trở lại", tái xây dựng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời "nắn gân" các đối thủ của Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ với EU, các đồng minh NATO được cho là chạm đáy, căng thẳng liên tục leo thang, khi chính quyền cựu Tổng thống Trump không xem trọng hợp tác và gây sức ép về thương mại với EU, cũng như đòi hỏi tăng đóng góp tài chính với các thành viên NATO. Vì vậy, hàn gắn quan hệ hai bờ Đại Tây Dương là một trong những lựa chọn chiến lược của Washington. Trước chuyến công du, Tổng thống Biden tiết lộ mục tiêu của ông là "củng cố liên minh, cho Nga và Trung Quốc thấy rõ (quan hệ giữa) Mỹ và châu Âu bền chặt". Ngày 10/6, một phiên bản mới của Hiến chương Đại Tây Dương nhằm định hình liên minh phương Tây trong thời hiện đại đã được ký kết tại Anh.
Một nội dung trọng tâm trong chuyến thăm châu Âu lần này của Tổng thống Mỹ Biden là bàn cách đối phó tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ông Biden và các lãnh đạo nhóm G7 công bố Sáng kiến "Tái xây dựng thế giới tốt hơn", bao gồm việc gây quỹ cho việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở những quốc gia có nhu cầu trước năm 2035, nhằm cạnh tranh với Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Đối với Nga, Washington sẽ gây sức ép buộc Moscow chấm dứt các động thái khiêu khích, bao gồm cáo buộc tấn công an ninh mạng vào các doanh nghiệp, cũng như nghi vấn can thiệp vào bầu cử tại Mỹ.
Cùng với đó, Mỹ đang nỗ lực khôi phục các định chế quốc tế. Bằng chứng cụ thể là chính quyền ông Biden đã đưa nước Mỹ trở lại thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu; gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Nga; tham gia trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc; tiếp tục tham gia và tài trợ kinh phí cho Tổ chức Y tế Thế giới; sẵn sàng trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA)…
Dẫn dắt nỗ lực tiêm chủng toàn cầu
Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Biden chính thức công bố khoản viện trợ 500 triệu liều vắc xin Pfizer-BioNTech cho 100 quốc gia thu nhập thấp. Trong đó, 200 triệu liều vắc xin sẽ được cung cấp trong năm 2021 và 300 triệu liều còn lại trong nửa đầu năm 2022. Tất cả đều sẽ được phân phối qua COVAX, sáng kiến vắc xin toàn cầu do Liên Hợp Quốc bảo trợ hướng đến mục tiêu cung ứng vắc xin cho các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Lượng vắc xin này giúp khoảng 250 triệu người trên thế giới được tiêm đủ liều.
Đây được coi là khoản hỗ trợ, đóng góp lớn nhất của Mỹ tính đến thời điểm này cho nỗ lực toàn cầu chống dịch Covid-19. Ông Biden gọi đây là một "bước đi lịch sử" trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này và khẳng định, đây là trách nhiệm của Mỹ. Trước đó, chính quyền ông Biden có kế hoạch cung cấp 80 triệu liều vắc xin cho các nước, được thực hiện ngay từ tháng 6. Tổng thống Biden cam kết, Mỹ sẽ là kho chứa vắc xin trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19.
Điều quan trọng hơn, người đứng đầu Nhà Trắng đã bác bỏ những lo ngại về việc Washington sẽ sử dụng vắc xin làm công cụ ngoại giao để đánh đổi lợi ích với các nước trên thế giới. "Nước Mỹ sẽ cung cấp 500 triệu liều vắc xin này vô điều kiện. Viện trợ vắc xin sẽ không đi kèm bất cứ áp lực lợi ích hay thỏa hiệp nào. Chúng tôi làm điều này để bảo vệ mạng sống con người, để chấm dứt đại dịch. Tất cả chỉ có vậy", ông Biden khẳng định.
Kế hoạch đóng góp vắc xin ngừa Covid-19 của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh dư luận gần đây lên tiếng đề nghị các nước giàu cần thể hiện trách nhiệm lớn hơn trong đối phó với đại dịch, giữa bối cảnh nguồn cung vắc xin cho các nước nghèo đang khan hiếm. Bằng cách nắm lấy vai trò dẫn dắt nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, cung cấp cho thế giới nguồn lực chống lại dịch bệnh vốn đã khiến gần 3,8 triệu người chết, nước Mỹ đang giành lấy vị thế lãnh đạo mà Washington luôn theo đuổi.
Các nỗ lực của Mỹ đã tạo hiệu ứng tích cực và nhận được những lời khen ngợi. Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi Tổng thống Biden đang đưa nước Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo thế giới một cách đáng kinh ngạc và đó là điều tuyệt vời. Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá các cam kết mà ông Biden đưa ra là thông điệp rõ ràng cho thấy chủ nghĩa đa phương đã được tăng cường và sẽ lại có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong G7. Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh quyết định của Mỹ sẽ quay trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc dưới vai trò quan sát viên, sau 3 năm Mỹ rời bỏ tổ chức này.
Giới chuyên gia cho rằng, những bước đi trên tuy mới chỉ là ban đầu, song rất kịp thời của chính quyền Biden đã tạo hiệu ứng tích cực đối với cục diện hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời khích lệ các nước cùng tham gia vào nỗ lực chung để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực. Những bước đi đó cũng là minh chứng rõ nét cho chính sách đối ngoại "nước Mỹ đã trở lại" của Tổng thống Biden.