DMagazine

"Cú sảy chân" khiến bà Liz Truss khép lại nhiệm kỳ thủ tướng Anh chóng vánh

(Dân trí) - Chính sách kinh tế gây tranh cãi và hàng loạt sóng gió bủa vây đã khiến bà Liz Truss phải từ chức sau 44 ngày nắm quyền, trở thành thủ tướng Anh tại vị ngắn nhất trong lịch sử.

"CÚ SẢY CHÂN" KHIẾN BÀ LIZ TRUSS KHÉP LẠI NHIỆM KỲ THỦ TƯỚNG ANH CHÓNG VÁNH

Chính sách kinh tế gây tranh cãi và hàng loạt sóng gió bủa vây đã khiến bà Liz Truss phải từ chức sau 44 ngày nắm quyền, trở thành thủ tướng Anh tại vị ngắn nhất trong lịch sử.

Khi bà Liz Truss nhận bàn giao nhiệm vụ tại dinh thủ tướng Anh từ người tiền nhiệm Boris Johnson 6 tuần trước, bà cam kết sẽ đưa nước Anh "vượt qua cơn bão" của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ sau 44 ngày tại vị, tới ngày 20/10, cũng tại số 10 phố Downing ở London, bà Truss tuyên bố từ chức. Bà thẳng thắn thừa nhận không thể thực hiện được những lời hứa khi ra tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ trong lúc cả nước Anh và thế giới đang chìm ngập trong tình trạng bất ổn.

Giới quan sát nhận định, ngoài những yếu tố khách quan, cú sảy chân của bà Truss cũng là do chính "cơn bão" mà bà tạo ra với chính sách kinh tế gây tranh cãi, khiến bà bị nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền mất tín nhiệm dù mới chỉ nhận nhiệm vụ lãnh đạo hơn một tháng.

Các chuyên gia nhận định với CNN rằng, nhiệm kỳ ngắn ngủi của bà Truss được đánh dấu bởi chính sách kinh tế kém hiệu quả và một đảng Bảo thủ ngày càng chia rẽ.

6 tuần sóng gió

Cú sảy chân khiến bà Liz Truss khép lại nhiệm kỳ thủ tướng Anh chóng vánh - 1

Bà Truss trước trụ sở đảng Bảo thủ hôm 5/9 khi bà được chọn giữ chức thủ tướng Anh (Ảnh: Reuters).

Ngày 5/9, bà Truss được tuyên bố là lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, thay thế ông Johnson - người buộc phải từ chức sau các bê bối.

Bà Truss tiếp quản chính phủ trong điều kiện rất không thuận lợi, trong lúc nước Anh đang đối mặt với một nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng và hệ thống y tế tồn tại nhiều vấn đề sau đại dịch Covid-19.

Bà Truss, cựu ngoại trưởng dưới thời ông Johnson, cũng đối mặt với thách thức ngoại giao khổng lồ liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Khi nhậm chức, bà Truss nêu ra các ưu tiên là giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao, cải thiện an ninh năng lượng của Anh và khắc phục các vấn đề tại Dịch vụ Y tế Quốc gia.

Chỉ 2 ngày sau đó, Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời. Trong khoảng thời gian nước Anh tổ chức quốc tang và tưởng nhớ cố Nữ hoàng, giới quan sát nhận định, bà Truss sẽ có thể có không gian để xốc lại chính phủ, đưa ra một cách tiếp cận mới mẻ, thống nhất cho các vấn đề của đất nước. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Ngày 23/9, bước đi lớn đầu tiên của bà Truss sau khi làm thủ tướng chính là tung ra chính sách kinh tế "ngân sách nhỏ". Bà Truss và đồng minh chính trị thân thiết nhất, cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng đã giới thiệu về kế hoạch sâu rộng nhằm đưa đất nước thoát khỏi suy thoái, bao gồm một loạt các khoản cắt giảm thuế sẽ được tài trợ bởi các khoản vay cao hơn từ chính phủ.

Theo giới quan sát, kế hoạch trên được xem là một canh bạc khổng lồ khi nó là đợt cắt giảm thuế tại Anh lớn nhất trong 50 năm qua, nhưng lúc thực thi lại thiếu kế hoạch cụ thể về việc nguồn tiền nào sẽ chi trả cho nỗ lực trên. Kế hoạch gây tranh cãi ngay lập tức đã khiến thị trường Anh chao đảo và khiến đồng bảng Anh tụt xuống mức giá thấp kỷ lục trong 50 năm qua, với 1 bảng Anh chỉ đổi 1,03 USD.

Cú sảy chân khiến bà Liz Truss khép lại nhiệm kỳ thủ tướng Anh chóng vánh - 2

Đồng bảng Anh liên tục mất giá trong thời gian qua khi thị trường phản ứng với kế hoạch thuế gây tranh cãi của bà Truss (Ảnh: AP).

Bà Truss đã bảo vệ kế hoạch tham vọng này, tuyên bố chính phủ Anh đang "khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và chúng tôi cũng đang hỗ trợ thuế cho những công dân bình thường".

Tuy nhiên, thị trường lại không phản ứng như bà kỳ vọng khi giá trái phiếu sau đó sụp đổ, gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường thế chấp và đẩy các quỹ hưu trí đến bờ vực mất khả năng thanh toán.

Chỉ sau vài tuần áp dụng chính sách cắt giảm thuế táo bạo, bà Truss vào ngày 14/10 đã quyết định sa thải ông Kwarteng, trong một nỗ lực nhằm cứu vãn tình hình.

Bà chọn ông Jeremy Hunt, cựu Ngoại trưởng Anh, lên thay ông Kwarteng. Ông Hunt trở thành Bộ trưởng Tài chính thứ 4 của Anh trong 3 tháng qua.

Ba ngày sau khi lên nắm quyền, ông Hunt tuyên bố hủy bỏ gần như tất cả các biện pháp giảm thuế của ông Kwarteng và bà Truss trong nỗ lực xoa dịu thị trường hoang mang và khôi phục uy tín của chính phủ.

Động thái này được xem đã tác động mạnh tới bước đi lớn đầu tiên của bà Truss sau khi lên làm thủ tướng, khiến uy tín của bà sụt giảm trong dư luận và trong đảng Bảo thủ.

Áp lực tiếp tục đè nặng lên bà Truss khi thành viên nội các chủ chốt, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman tuyên bố từ chức hôm 19/10. Lý do bà Braverman đưa ra là bà đã sử dụng thư điện tử cá nhân để gửi tài liệu quan trọng, nhưng theo các chuyên gia, bà đã bày tỏ sự bất mãn với sự lãnh đạo của bà Truss trong thư từ chức.

"Chính phủ hoạt động dựa trên việc người mắc lỗi phải nhận trách nhiệm về hành động của mình. Tỏ ra như thể mình không mắc sai lầm, tiếp tục như thể mọi người không thể thấy rằng mình đã sai và hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên đúng đắn một cách kỳ diệu không phải là cách làm chính trị nghiêm túc", bà Braverman viết.

Áp lực dồn dập từ các bên đã khiến bà Truss nhận ra tình hình không thể cứu vãn, dẫn tới việc bà tuyên bố từ chức chỉ sau 45 ngày tại vị, trở thành thủ tướng nắm quyền ngắn nhất trong lịch sử Anh.

Cú sảy chân

Cú sảy chân khiến bà Liz Truss khép lại nhiệm kỳ thủ tướng Anh chóng vánh - 3

Bà Truss từ chức tại số 10 phố Downing, London hôm 20/10, chỉ sau 45 ngày tại vị (Ảnh: Reuters).

Theo chuyên gia chính trị Rosa Prince, vấn đề đầu tiên mà bà Truss gặp phải sau khi nhậm chức là bà không thể tìm cách đoàn kết được đảng Bảo thủ đang có những dấu hiệu mâu thuẫn và chia rẽ sau khi ông Johnson từ chức.

Bà Prince cho rằng, bà Truss có thể kéo đảng cầm quyền xích lại gần nhau thông qua việc bổ nhiệm các đối thủ trong đảng vào các vị trí trong nội các. Tuy nhiên, bà lại chọn đưa các đồng minh, được giới quan sát nhận xét là chưa có kinh nghiệm phong phú để đối mặt với những thách thức khổng lồ của Anh, vào chính phủ.

Theo chuyên gia Prince, điều này đã được chứng minh khi bà Truss chọn bạn thân Kwarteng làm Bộ trưởng Tài chính, và họ đã cùng nhau thi hành chính sách thuế được đánh giá là như lý thuyết kinh tế hàn lâm và thiếu các biện pháp thi hành cụ thể.

Kết quả là, kế hoạch kinh tế Trussonomics đầy tham vọng mà bà ấp ủ đã bất thành và thậm chí gây cú sốc lớn cho thị trường và dư luận.

Cú sảy chân khiến bà Liz Truss khép lại nhiệm kỳ thủ tướng Anh chóng vánh - 4

Bà Truss và đồng minh chính trị thân thiết, cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng (Ảnh: BBC).

Việc bà Truss thay thế đồng minh thân cận nhất, ông Kwarteng, bằng một Bộ trưởng Tài chính có quan điểm trung dung như ông Hunt được xem là không đủ để cứu vãn tình hình và mọi thứ bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát của bà.

Ngoài vấn đề về cơ cấu nhân sự, chuyên gia Fraser Nelson của The Spectator nhận định, kế hoạch "ngân sách nhỏ" đánh dấu cú sảy chân của bà Truss, khiến vị thế của bà lung lay nghiêm trọng trong thời gian ngắn.

Theo ông Nelson, nhiệm vụ của bà Truss là phải chứng minh cho công chúng và nhà đầu tư Anh thấy được rằng kế hoạch thuế của bà sẽ mang lại lợi ích. Điều này giống một người đi gọi vốn, họ cần phải thuyết phục nhà đầu tư về tính khả thi và lợi nhuận mang lại.

Tuy nhiên, chính quyền của bà Truss đã không thể thực hiện được điều này. Kế hoạch chi 116 tỷ USD để cắt giảm thuế, tăng chi tiêu của bà thiếu đi sự rõ ràng cần thiết về việc liệu chính phủ của bà sẽ lấy tiền ở đâu. Thêm vào đó, thông thường, các kế hoạch tài chính quy mô lớn ở Anh sẽ được Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách kiểm toán một cách độc lập. Nhưng ông Kwarteng nói rằng, Anh không có thời gian cho một cuộc kiểm toán như vậy - một động thái gây choáng váng cho thị trường tài chính.

Chính sự mơ hồ này đã khiến cho các nhà đầu tư ở Anh không ủng hộ kế hoạch, cho rằng nó sẽ làm nợ công tăng vọt và gây ra tác động ngược. Điều đó làm suy giảm niềm tin vào khả năng thanh toán các hóa đơn của chính phủ và đặt ra câu hỏi về năng lực kinh tế của chính quyền bà Truss.

Thị trường tài chính Anh rõ ràng là không thích kế hoạch kinh tế của bà, thể hiện qua việc đồng bảng Anh mất giá kỷ lục. Tuy nhiên, ngay cả người dân thường ở Anh cũng không ủng hộ kế hoạch trên khi họ đang phải gánh chịu áp lực từ lạm phát trong thời gian qua.

Cú sảy chân khiến bà Liz Truss khép lại nhiệm kỳ thủ tướng Anh chóng vánh - 5

Khủng hoảng năng lượng, lạm phát đang ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Anh (Ảnh: AP).

Đồng bảng sụt giá khiến vật giá mọi mặt hàng ở Anh leo thang do các nhà nhập khẩu đối mặt với chi phí tăng vọt. Kế hoạch tăng lãi suất để làm giảm lạm phát cũng gây ra tác dụng phụ khi có thể làm tăng chi phí thế chấp đối với các chủ nhà ở Anh. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng năng lượng không có dấu hiệu hạ nhiệt cũng khiến tình hình thêm phức tạp.

Theo The Week, nói một cách ngắn gọn, với kế hoạch giảm thuế của bà Truss, giới chuyên gia cho rằng những người giàu nhất ở Anh sẽ thu được lợi lớn, với những người kiếm được trên 1 triệu USD mỗi năm, có thể được cắt giảm 58.000 USD tiền thuế. Điều này đã khiến bà Truss và chính phủ của bà bị chỉ trích.

Ngày 1/10, Guardian cho biết, tỷ lệ ủng hộ bà Truss đã tụt xuống mức thấp hơn ông Johnson vào thời điểm ông sắp từ chức. Chỉ 18% dư luận Anh ủng hộ bà Truss, trong khi 55% không đồng tình với cách làm của bà.

Khoảng 24 giờ đồng hồ trước khi bà Truss từ chức, chính trường Anh tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng. Sự bất bình của các nhà lập pháp gia tăng cuộc bỏ phiếu vào tối 19/10 về việc khai thác khí đá phiến - một hoạt động mà bà Truss muốn tiếp tục thực hiện bất chấp sự phản đối của nhiều đảng viên Bảo thủ.

Theo AP, bầu không khí trong cơ quan lập pháp Anh trở nên căng như dây đàn. Động thái từ chức của cựu Bộ trưởng Nội vụ Braverman được xem là tín hiệu cho thấy đảng Bảo thủ không muốn trao thêm cho bà Truss cơ hội để sửa chữa những sai lầm.

Tương lai chính trường Anh

Theo luật, chính phủ Anh sẽ không cần phải kêu gọi tổ chức bầu cử cho tới tháng 12/2024, thời điểm đánh dấu 5 năm sau khi đảng Bảo thủ thắng cử năm 2019.

Tuy nhiên, sau khi bà Truss từ chức, Công đảng đối lập đã ngay lập tức yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm với việc đảng Bảo thủ đối mặt với hàng loạt các vụ lùm xùm trong thời gian qua.

Các vụ bê bối của ông Johnson và nhiệm kỳ chóng vánh của bà Truss đã khiến tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm sút, theo AP. Điều đó có nghĩa là, nếu bầu cử được tổ chức lúc này, đảng Bảo thủ có nguy cơ mất rất nhiều ghế. Vì vậy, thủ tướng mới nhậm chức từ đảng Bảo thủ được cho sẽ không kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, mà sẽ cố gắng dùng 2 năm tới để xây dựng lại sự tin tưởng từ công chúng.

David Lawrence, chuyên gia từ tổ chức Chatham House, cho rằng các chính trị gia Anh giờ đây sẽ tập trung vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và năng lượng. Đảng Bảo thủ được cho sẽ tìm cách khắc phục vấn đề này để cải thiện sự ủng hộ của người dân Anh.

Đảng Bảo thủ thông báo sẽ chọn lãnh đạo mới vào ngày 28/10. Bà Truss sẽ vẫn giữ chức thủ tướng tới thời điểm đó. Ứng viên thay thế bà Truss sẽ cần ít nhất 100 đề cử từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Yêu cầu này sẽ thu hẹp số ứng viên tiềm năng xuống còn tối đa là 3 (đảng Bảo thủ hiện có 357 ghế trong Hạ viện).

Trong trường hợp chỉ có một người đạt đủ tiêu chuẩn, người đó sẽ trở thành lãnh đạo đảng mới và tân thủ tướng của Anh. Nếu có nhiều hơn một người vượt trên 100 phiếu, một cuộc bỏ phiếu trực tuyến sẽ diễn ra.

Cú sảy chân khiến bà Liz Truss khép lại nhiệm kỳ thủ tướng Anh chóng vánh - 6

Ông Rishi Sunak (trái) và ông Boris Johnson đang được xem là những cái tên sáng giá kế nhiệm bà Truss (Ảnh: Reuters).

Một số cái tên tiềm năng đã được nêu ra, trong đó có ông Rishi Sunak, người đã thất bại trước bà Truss trong cuộc bỏ phiếu của đảng Bảo thủ hơn một tháng trước. Ông Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, trước đó từng cảnh báo rằng kế hoạch thuế của bà Truss sẽ khiến thị trường Anh chao đảo. Ông Sunak có kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng kinh tế và cũng như giúp Anh vượt qua thời kỳ đại dịch Covid-19.

Sự tin tưởng từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ, và sự dự đoán chính xác của ông về tương lai kế hoạch thuế của bà Truss, biến ông thành một trong những ứng viên sáng giá nhất, theo CNN.

Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện Penny Mordaunt cũng được xem là một gương mặt có thể kế nhiệm bà Truss. Giống như ông Sunak, bà Mordaunt thuộc nhánh khá trung dung trong đảng Bảo thủ. Việc chọn một lãnh đạo trung dung có thể sẽ giúp đảng này trở nên đoàn kết hơn trước thách thức trong vài năm tới.

Một cái tên được nhắc tới liên tục từ ngày hôm qua chính là cựu Thủ tướng Boris Johnson. Nhiều chính trị gia đã bày tỏ sự ủng hộ với ông Johnson, dù ông trước đó từng phải từ chức vì các bê bối chính trị.

Đức Hoàng

Theo Spectator, The Week, Guardian, AP