DMagazine

Cha đẻ của công nghệ OLED đến Việt Nam bàn về tương lai năng lượng

(Dân trí) - Giáo sư Richard Henry Friend, một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, sẽ tới Việt Nam tham dự sự kiện trao giải Vinfuture với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng.

CHA ĐẺ CỦA CÔNG NGHỆ OLED ĐẾN VIỆT NAM BÀN VỀ TƯƠNG LAI NĂNG LƯỢNG

Giáo sư Richard Henry Friend, một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 160.000 trích dẫn khoa học, sẽ tham dự sự kiện trao giải Vinfuture với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng nhằm tôn vinh các sáng tạo công nghệ toàn cầu.

Cha đẻ của công nghệ OLED đến Việt Nam bàn về tương lai năng lượng - 1

Giáo sư Richard Friend dự chương trình Giao lưu với Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo Vinfuture ngày 18/1 (Ảnh: Vinfuture).

Đam mê khoa học từ nhỏ

Giáo sư Richard Henry Friend sinh ngày 18/1/1953 tại London, Anh. Ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê dành cho khoa học.

Niềm yêu thích vật lý của Friend được khơi dậy từ khi ông 5 tuổi với bộ đồ chơi Meccano đầu tiên. Cậu bé Friend khi đó thích thú khám phá bộ lắp ráp với bánh răng, ròng rọc.

Năm 11 tuổi, Friend có bộ đồ chơi điện tử đầu tiên và bắt đầu quan tâm tới bóng bán dẫn. Càng trưởngthafnnh, ông càng dành sự quan tâm nhiều hơn cho khoa học và muốn khám phá lĩnh vực này.

Niềm đam mê khoa học ngày càng lớn dần lên khi Friend bước vào các cấp học cao hơn. Khi còn là học sinh trung học, ông cũng được truyền cảm hứng bởi các giáo viên tài năng dạy các môn vật lý và hóa học.

Cha đẻ của công nghệ OLED đến Việt Nam bàn về tương lai năng lượng - 2

Giáo sư Richard Henry Friend (Ảnh: Vinfuture).

Khi trở thành sinh viên Đại học Cambridge, Friend tiếp tục theo đuổi đam mê về khoa học tự nhiên. Ông nhận bằng tiến sĩ vào năm 1979 và tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Ông Friend hiện là Giáo sư Vật lý tại Đại học Cambridge và là Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý Bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge. Ông cũng là Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Singapore và là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khoa học của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) Singapore.

Ông Friend cũng là một trong những chuyên gia thẩm định của Chương trình Hợp tác Nghiên cứu Quốc tế (IRC) trực thuộc Liên minh Châu Âu (EU), có trụ sở tại Cambridge về công nghệ nano và là người đồng sáng lập của Cambridge Display Technology (CDT) và Plastic Logic.

Đóng góp bền bỉ cho khoa học

Giáo sư Richard Henry Friend là một trong những nhà vật lý có tầm ảnh hưởng nhất thế giới và là thành viên Hội đồng giải thưởng của nhiều giải thưởng uy tín quốc tế. Ông sở hữu khoảng hơn 20 bằng sáng chế, với 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới và là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học.

Giáo sư Friend và đội ngũ của mình đã phát triển các kỹ thuật xử lý polyme cho các polyme liên hợp, và chứng minh kích thích điện tử phi tuyến tính thông qua các phép đo điện và quang. Ông cùng các cộng sự lần đầu tiên xây dựng MOSFET (bóng bán dẫn hiệu ứng trường bán dẫn cách điện kim loại) với polyacetylene làm chất bán dẫn hoạt động, và trình diễn cơ chế hoạt động mới, với hành vi mới và đã thực hiện cấu tạo đầu tiên của đèn LED bán dẫn polyme hiệu quả, diện tích lớn (Điốt phát quang) dựa trên polyphenylene-vinylene.

Các nghiên cứu về OLED của giáo sư Friend đã được sử dụng để phát triển màn hình phẳng, màn hình cuộn và màn hình chuyển động trong tương lai. Ứng dụng được biết đến nhiều nhất là TV màn hình OLED. Nghiên cứu của ông cũng đã được ứng dụng để phát triển bóng bán dẫn hiệu ứng trường polyme, điốt phát quang, điốt quang điện, ống chống bơm quang học và bóng bán dẫn polyme in trực tiếp.

Phong tước Hiệp sĩ

Cha đẻ của công nghệ OLED đến Việt Nam bàn về tương lai năng lượng - 3

Giáo sư Friend (giữa) từng được nhận nhiều huân chương danh giá trong sự nghiệp khoa học (Ảnh: Imperial College London).

Với sự đóng góp không ngừng nghỉ cho khoa học và những thành tựu lớn lao trong sự nghiệp nghiên cứu giảng dạy, giáo sư Friend đã được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh vào năm 2002, Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Anh vào năm 1993.

Ông cũng giành được nhiều huy chương, giải thưởng danh giá như huy chương Faraday của IEE năm 2003, huân chương và giải thưởng của Viện Vật lý Katharine Burr Blodgett cùng với Tiến sĩ David Ffye vào năm 2009, giải thưởng Harvey của Technion ở Israel năm 2011.

Năm 2010, giáo sư Friend nhận Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ (Millennium Prize) danh giá cho sự phát triển của điện tử nhựa.

Ông cũng được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ để tôn vinh "những cống hiến xuất sắc cho ngành Vật lý".

Chìa khóa khoa học công nghệ

Trong suốt sự nghiệp của mình, giáo sư Friend luôn hướng đến mục tiêu đổi mới khoa học và công nghệ. Ông cho rằng, "thông qua việc nâng cao nhận thức về những đột phá trong khoa học và công nghệ, chúng ta có thể phá bỏ các rào cản, tạo sự chú ý cho những phát triển mới và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai".

"Sự sáng tạo và khám phá của mỗi cá nhân vẫn là yếu tố quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu, và khoa học công nghệ chính là chìa khóa để mang lại một tương lai bền vững và trao quyền vào tay mọi người", giáo sư Friend nhận định.

Cha đẻ của công nghệ OLED đến Việt Nam bàn về tương lai năng lượng - 4

Giáo sư Friend cho rằng khoa học công nghệ chính là chìa khóa để mang lại một tương lai bền vững cho thế hệ tương lai (Ảnh: Imperial College London).

Để con người có thể thực sự nắm giữ được chìa khóa khoa học công nghệ, giáo sư Friend cho rằng việc cải thiện kinh phí nghiên cứu là chưa đủ. Theo ông, điều quan trọng hơn là khuyến khích sự đổi mới mang tính đột phá, tạo nền tảng cho những sáng kiến ít được biết đến tại các lĩnh vực mới. Đặc biệt, ông nhắc tới sự cần thiết của việc tôn vinh những người có thể mang lại thay đổi tích cực cho mọi người trên thế giới.

Giáo sư Friend lấy ví dụ về Giải thưởng toàn cầu VinFuture dành cho các nghiên cứu khoa học và đổi mới mang tính đột phá, giúp tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của con người trên khắp thế giới. Và đây cũng chính là điểm khác biệt của Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu do người Việt Nam khởi xướng.

Lý giải thêm về tác động của những giải thưởng như VinFuture, giáo sư Friend khẳng định, VinFuture rõ ràng đã giải quyết hai vấn đề lớn là "trau dồi và nuôi dưỡng sự đổi mới".

Giáo sư Friend cho rằng, mặc dù con người đã có những tiến bộ vượt bậc, nhưng việc đổi mới để có thể giải quyết những thách thức toàn cầu vẫn chưa được chú trọng. "Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để tiếp thêm sinh lực, động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo của các nhà khoa học và kĩ sư - những người sẽ tạo ra những đổi mới này", giáo sư Đại học Cambridge nhấn mạnh.

Giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.

Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.

Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới.

Hệ thống giải thưởng VinFuture gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng) là một trong các giải thưởng thường niên lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.

Ngoài ra, VinFuture còn có 3 giải đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải (khoảng 11,5 tỷ đồng) gồm: Giải thưởng cho nhà khoa học nữ; Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển; Giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Thành Đạt