(Dân trí) - Giáo sư Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018, đến Việt Nam trong tuần này để tham dự VinFuture - một sự kiện quan trọng và quy mô của giới khoa học công nghệ toàn cầu.
GIỚI KHOA HỌC VIỆT NAM SẮP ĐƯỢC TRÒ CHUYỆN
VỚI NGƯỜI PHÁT MINH RA SIÊU LASER
Giáo sư Gérard Albert Mourou, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật điện và laser và chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018, có chuyến thăm Việt Nam trong tuần này để tham dự VinFuture - một sự kiện quan trọng và quy mô của giới khoa học công nghệ toàn cầu.
Hàng loạt nhà khoa học nổi tiếng của thế giới đương đại sẽ quy tụ tại tuần lễ trao giải VinFuture, diễn ra từ 18- 22/1, để cùng trò chuyện, trao đổi và tìm ra chủ nhân của các giải thưởng danh giá với tổng giá trị lên tới 4,5 triệu USD. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học lừng danh thế giới sẽ đưa ra những dự báo chi tiết và phác họa tương lai của nhân loại trên 3 lĩnh vực: Năng lượng, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Sức khỏe.
Đây còn là cơ hội hiếm hoi để giới nghiên cứu và công chúng Việt Nam gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với những tên tuổi đình đám góp phần làm nên sức mạnh của các "gã khổng lồ" công nghệ tên tuổi trên toàn thế giới.
Giáo sư Mourou, một trong các thành viên của Hội đồng giải thưởng VinFuture, sẽ tham gia phiên tọa đàm "Tương lai của Năng lượng" vào ngày 19/1, nơi được mô tả giống như một "Bàn tròn Nobel" khi quy tụ tới thêm một chủ nhân khác của giải Nobel là giáo sư Konstantin S. Novoselov, người được trao giải Nobel Vật lý danh giá năm 2010 khi mới 36 tuổi, nhờ phát hiện thế kỷ đến từ cuộn băng dính.
Tại đây, những câu hỏi về nguồn năng lượng thay thế quan trọng nhất trong tương lai, cách thức để năng lượng trở nên sạch hơn, rẻ hơn và dễ dàng tiếp cận với đại đa số người dân toàn cầu… sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Đây sẽ là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của cả giới khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.
"Cha đẻ" của công nghệ khuếch đại xung laser cực ngắn
Sinh ngày 22/6/1944 tại Pháp, giáo sư Gérard Mourou là một nhà khoa học nổi tiếng và được xem là "cha đẻ" của công nghệ khuếch đại xung laser cực ngắn, kỹ thuật được sử dụng trong những ca phẫu thuật mắt cho hàng triệu người mỗi năm.
Từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê với vật lý vì cha làm việc trong một công ty điện lực ở dãy Alps. Cả hai thường xuyên trò chuyện về điện, dòng điện, ampe, hiệu điện thế, máy biến áp và những thứ tương tự. Cha của ông luôn giải thích về cách thức hoạt động của chúng như thế nào, tạo cho ông niềm đam mê tìm tòi khám phá lớn.
"Ngày trước, cha từng vinh dự được uống cà phê với bà Joliot-Curie", giáo sư Gérard Mourou kể lại lời của cha từng nói với mình khi ông mới 5 tuổi. Người cha liên tục ca ngợi và nói rằng bà ấy là một nhân vật rất quan trọng, người đã nhận được giải Nobel. "Tôi lúc đó 5 tuổi và lần đầu tiên tôi nghe nói đến giải Nobel", ông nhớ lại.
Lớn lên, ông theo học vật lý tại Đại học Grenoble, sau đó là Đại học Pierre-et-Marie-Curie ở Paris, nơi ông nhận bằng tiến sĩ năm 1973. Một thời gian sau, ông chuyển đến Mỹ và trở thành giáo sư Đại học Rochester. Tại đây, ông làm việc cùng nghiên cứu sinh Donna Strickland về xung laser. Công trình mang tính đột phá của họ xuất bản năm 1985.
Cái tên Mourou ghi dấu ấn quan trọng vào năm 1994 khi ông và nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan phát hiện ra rằng, sự cân bằng giữa sự khúc xạ tự tập trung và sự nhiễu xạ tự suy giảm bởi sự ion hóa và sự hiếm hoi của chùm tia laser cường độ terawatt trong khí quyển tạo ra "sợi" hoạt động như các ống dẫn sóng cho chùm tia do đó ngăn ngừa sự phân kỳ.
Nhờ những nghiên cứu không mệt mỏi của mình về laser, năm 2018, ông cùng với cộng sự Donna Strickland được trao giải Nobel Vật lý cho sự phát minh về một kỹ thuật được gọi là khuếch đại xung chirped (CPA), sau này được sử dụng để tạo xung laser cực kỳ xung, cường độ rất cao. Công trình sáng tạo của họ có thể được tìm thấy trong các ứng dụng bao gồm phẫu thuật sửa mắt, và dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến liệu pháp điều trị ung thư và các nghiên cứu vật lý khác trong tương lai.
Ngoài giải Nobel, những công bố khoa học mang tính đột phá của ông đã được tôn vinh bằng nhiều giải thưởng danh giá từ năm 1995 đến nay, tiêu biểu là các giải thưởng: Giải R.W. Wood Prize được trao bởi OSA (1995), giải SPIE Harold E. Edgerton (1997), giải IEEE LEOS Quantum Electronics (2004), giải Willis E. Lamb cho Khoa học Laser và Quang học Lượng tử (2005), giải Charles Hard Townes được trao bởi OSA (2009), giải Arthur L. Schawlow trong Khoa học Laser được trao bởi Hiệp hội Vật lý Mỹ (2018)…
Năm 2004, ông Mourou trở về Pháp, nơi ông hiện là giáo sư Đại học École Polytechnique và giám đốc Viện nghiên cứu d'Optique Appliquee (Phòng thí nghiệm Quang học Ứng dụng) tại ENSTA từ 2005- 2009. HIện ông là giám đốc sáng lập của Trung tâm Khoa học quang học siêu nhanh tại Đại học Michigan.
Đam mê, kiên trì và tập trung
Với nhà khoa học Mourou, chìa khóa đi đến thành công chỉ gói gọn trong 3 chữ: đam mê, kiên nhẫn và tập trung.
Tại Tuần lễ Nobel ở Stockholm, Thụy Điển năm 2018, ông đã có lời nhắn nhủ gửi đến nhà khoa học trẻ về sự đam mê. "Những sinh viên thực sự muốn dấn thân vào khoa học và làm nghiên cứu thì phải đam mê. Nếu không, bạn nên làm thứ gì đó khác. Điều này phải xuất phát từ trái tim vì sẽ cực kỳ khó khăn", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhà khoa học này cũng cho rằng muốn trở thành nhà khoa học giỏi cũng cần có khả năng chịu đựng việc ở trong phòng thí nghiệm suốt thời gian dài, phải thật kiên nhẫn và tập trung.
Trong một buổi trả lời phỏng vấn trang web The Conversation sau khi nhận giải Nobel 2018, ông Mourou đã nói rằng: "Điều thật sự làm tôi mơ ước chính là các ứng dụng trong tương lai của phát minh đã mang đến cho chúng tôi giải Nobel Vật lý 2018. Đam mê là động lực làm việc của chúng tôi. Ngoài ra, cần phải kể đến sự tò mò tìm hiểu mà chúng tôi luôn muốn được thỏa mãn. Sau khi nhận giải, chúng tôi sẽ tiếp tục lao vào nghiên cứu... Tôi tin trong vòng từ 10-15 năm tới, chúng tôi có thể giới thiệu đến các bạn ứng dụng của kỹ thuật này".
Giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.
Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.
Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới.
Hệ thống giải thưởng VinFuture gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng) là một trong các giải thưởng thường niên lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.
Ngoài ra, VinFuture còn có 3 giải đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải (khoảng 11,5 tỷ đồng) gồm: Giải thưởng cho nhà khoa học nữ; Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển; Giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Thanh Thành
Tổng hợp