DNews

Biệt kích Israel công phá "thành trì ngầm" của Hamas thế nào?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Để tiến vào mạng lưới hầm ngầm chằng chịt và nguy hiểm của Hamas, Israel đã, đang và sẽ phải áp dụng các chiến thuật và biện pháp quân sự hiện đại cũng như truyền thống để đối phó.

Biệt kích Israel công phá "thành trì ngầm" của Hamas thế nào?

Theo Al Jazeera, sau khi Israel mở chiến dịch trên bộ vào Gaza và cắt đôi 2 phần bắc - nam của dải đất hẹp, họ phải đối mặt với thách thức lớn và có thể mất rất nhiều thời gian để xử lý: Đường hầm của Hamas. 

Giới quan sát nhận định, những đoạn hầm mà Israel phá hủy trong ngày qua chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống kéo dài hàng trăm km mà Hamas xây dựng trong nhiều năm.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, Israel có thể đối mặt với thương vong lớn khi bắt đầu tăng tốc đưa nhân lực vào trong những tuyến đường nhỏ hẹp, chứa nhiều cạm bẫy của Hamas. Vì vậy, Israel sẽ cần có những chiến thuật bài bản để giảm thiểu rủi ro. 

Tìm lối vào và bản đồ hóa đường hầm

Biệt kích Israel công phá thành trì ngầm của Hamas thế nào? - 1

Binh sĩ Israel đứng trước lối vào một hầm ngầm của Hamas (Ảnh: Reuters).

Để giành được vị trí chiến đấu trong hầm ngầm, Israel cần phải xác định càng nhiều lối vào càng tốt. Đối với một hệ thống được cho là dài tới 500km, số lượng lối vào có lẽ lên tới hàng chục nghìn.

Hầu hết các lối vào đều được giấu kín bên trong các tòa nhà, gara, cơ sở công nghiệp, nhà kho, dưới bãi rác và cả dưới đống đổ nát sau một tháng Israel dồn dập không kích Gaza.

Tuy nhiên, Israel dường như đã có sự chuẩn bị cho việc tác chiến dưới lòng đất từ năm 2014. Israel có công nghệ giám sát liên tục bằng UAV, sử dụng phần mềm để phân tích chuyển động, nhận diện các khuôn mặt và đối chiếu với cơ sở dữ liệu về các thành viên Hamas mà Tel Aviv đã định danh.

Công nghệ này dường như đã giúp Israel phát hiện hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn lối vào các hầm ngầm.

Ngoài ra, Israel cũng có mạng lưới tình báo hoạt động khá hiệu quả và họ có thể có những nguồn cung cấp thông tin để chia sẻ các vị trí nghi ngờ là lối vào hầm ngầm của Hamas cho phía Tel Aviv.

Việc nắm được lối vào là hữu ích nhưng điều này chưa thể đảm bảo được nếu tấn công vào đó, đường hầm sẽ trở nên vô dụng với Hamas. Một đường hầm có nhiều lối ra, vào phức tạp nên việc bản đồ hóa những tuyến đường này là điều cần thiết.

Những người xây dựng đường hầm, Hamas, có lợi thế rất lớn vì họ nắm rõ mạng lưới. Phần mềm của Israel có thể gợi ý về việc 2 lối vào kết nối với nhau, nhưng nó không thể tiết lộ các tuyến đường, chỉ đường hoặc thể hiện những đường đi bị ẩn giấu.

Để lập bản đồ các đường hầm với độ chính xác, biệt kích Israel phải vào bên trong, đối mặt với những mối đe dọa lớn. Đầu tiên là về mặt kỹ thuật: Thiết bị định vị GPS trở nên vô dụng vì tín hiệu vệ tinh không thể xuyên qua lòng đất.

Israel có thể sẽ sử dụng các thiết bị kết hợp cảm biến từ tính, không bị ảnh hưởng khi đi dưới lòng đất và cảm biến chuyển động giống như cảm biến được sử dụng trong máy đếm bước chân. Đây là một hệ thống thô sơ và thiếu chính xác, nhưng có còn hơn không.

Biệt kích Israel công phá thành trì ngầm của Hamas thế nào? - 2

Một đường hầm của Hamas (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, theo Forbes, Israel được cho cũng có công nghệ UAV cho phép hoạt động dưới hầm ngầm. Công nghệ này có thể giải quyết được các bài toán hóc búa: Cấu trúc ngầm đầy chướng ngại vật và dễ va chạm có thể làm gẫy cánh quạt khiến UAV bị vô hiệu. Ngoài ra, UAV thường dựa vào GPS hoặc vệ tinh để điều hướng và tín hiệu dưới lòng đất có thể không hiệu quả.

Vấn đề đầu tiên có thể được giải quyết bằng cảm biến chống va chạm và các cánh quạt được đặt trong lồng bảo vệ. Vấn đề còn lại có thể được xử lý bằng công nghệ tọa độ hóa và dựng lại bản đồ môi trường (SLAM).

Công ty Elbit Systems của Israel đã phát triển một hệ thống mang tên Legion-X có thể linh hoạt chia sẻ dữ liệu giữa nhiều thiết bị không người lái như robot, UAV dưới lòng đất.  Legion-X có thể tích hợp UAV Lanius - dòng thiết bị được đặc biệt thiết kế để hoạt động trong nhà và dưới lòng đất.

Lanius là một máy bay 4 cánh nhỏ có khả năng tìm kiếm và tấn công kết hợp. Lanius được trang bị cảm biến cất cánh, mang lượng thuốc nổ cỡ lựu đạn, biến nó trở thành UAV có thể bay lảng vảng trong không gian hạn chế và tấn công khi cần thiết.

Zachary Kallenborn, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: "Elbit tuyên bố rằng Legion-X được thiết kế để tác chiến dưới lòng đất. Câu hỏi được đặt ra là liệu hệ thống thông tin liên lạc và định vị hoạt động dưới lòng đất có hiệu quả hay không?".

Cuộc chiến sinh tồn dưới lòng đất

ham-ngam_USA Today

Ảnh minh họa về hệ thống hầm ngầm của Hamas (Ảnh: USA Today).

Dù Israel sở hữu công nghệ hiện đại, nhưng để áp dụng trong một cuộc chiến quy mô lớn như dưới lòng đất Gaza lại là câu chuyện khác. Vì vậy, theo các chuyên gia, Israel có thể không có cách nào khác là phải đưa các biệt kích và đặc vụ xuống lòng đất để thực hiện các nhiệm vụ thăm dò, chiến đấu.

Sau khi xâm nhập vào trong hầm ngầm, đặc vụ Israel sẽ phải tác chiến với kính nhìn đêm thay vì dùng đèn chiếu do rủi ro bị lộ vị trí chiến đấu. Do không thể dùng tín hiệu vô tuyến để liên lạc, quân nhân Israel sẽ phải giao tiếp với các đơn vị trên mặt đất bằng điện thoại chiến trường, công nghệ có từ hơn 100 năm trước.

Các binh sĩ sẽ phải mang theo cuộn dây để đảm bảo duy trì kết nối, yếu tố sẽ khiến họ di chuyển chậm và kém linh hoạt hơn. Ngay cả khi không gặp phải sự phản kháng của Hamas, họ vẫn phải dừng lại ở mọi ngã ba và đánh giá xem các nhánh của hầm sẽ dẫn đến đâu.

Một lực lượng nhỏ sẽ phải được bố trí ở mỗi bên đường hầm để phòng thủ trước các cuộc phản công. Mỗi khi họ tìm thấy một trục thẳng đứng, hầu như luôn được sử dụng làm lối vào, họ sẽ phải tạm dừng, lập bản đồ vị trí và chuyển nó trở lại các đơn vị trên mặt đất.

ham-ngam_USAToday

Mặt cắt một đường hầm ngầm (Đồ họa: USA Today).

Đơn vị mặt đất sẽ phải nhanh chóng định vị lối vào đó và đảm bảo an toàn để thành viên Hamas không xâm nhập vào lối này để tấn công binh sĩ Israel đang tìm đường phía dưới. Nếu không thể đảm bảo an toàn, các binh sĩ mặt đất sẽ báo đồng đội phía dưới đi vòng, hoặc dừng nhiệm vụ.

Quá trình này có thể lặp đi lặp lại hàng trăm lần, với mức độ căng thẳng dồn dập, gây nên áp lực tâm lý cho các quân nhân Israel.

Israel, một quốc gia có nền quân sự hiện đại, sở hữu các robot có khả năng di chuyển dưới hầm. Chúng có thể đóng vai trò đi tiên phong, phát hiện các mối đe dọa và cạm bẫy. Tuy nhiên, hạn chế lớn của robot là chúng không thể leo cầu thang hoặc vượt qua chướng ngại vật quá lớn.

Mọi bước chuẩn bị công phu của Israel đề cập bên trên có một mục tiêu duy nhất là đảm bảo không có đối phương dưới các hầm ngầm. Tuy nhiên, điều này là không thực tế vì Hamas chắc chắn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hầu hết các đường hầm có thể đã bị gài bẫy bằng các thiết bị nổ ngẫu hứng (IED) được cài đặt sẵn. Chúng có thể được nối với ngòi nổ từ xa, nhưng chúng cũng có thể được kích hoạt bởi các ngòi nổ chuyên dụng có gắn cảm biến để phản ứng với ánh sáng, độ rung, tiếng ồn, chuyển động và thậm chí tăng nồng độ CO2 khi có mặt con người.

Các đường hầm được nối bằng dây và cáp mang điện, internet, điện thoại và đường dây liên lạc quân sự. Hamas có thể có các thiết bị quan sát và phát hiện cho phép họ biết người Israel đang ở đâu để họ có thể kích nổ bom từ xa tại đúng vị trí đó.

Đặc vụ Israel không thể đơn giản cắt tất cả các dây điện vì điều đó có thể kích hoạt một số ngòi nổ. Các vụ nổ trong đường hầm nguy hiểm hơn rất nhiều so với trên mặt đất, khi chúng có thể hút cạn dưỡng khí khiến những người còn sống cũng có nguy cơ bị nghẹt thở.

Ngoài ra, Hamas cũng có thể đốt các hợp chất gây cháy để hút bớt dưỡng khí hoặc tạo khói độc hại bay mù mịt phía dưới. Chiến thuật này giúp Hamas bảo toàn các đường hầm không bị phá hủy sau khi buộc đối phương phải rút lui vì bị ngạt thở.

Biệt kích Israel chắc chắn sẽ được trang bị thiết bị thở nhưng việc đeo những chiếc mặt nạ và bình dưỡng khí cồng kềnh khiến việc liên lạc và chiến đấu trở nên khó khăn hơn trong điều kiện chật hẹp.

Biệt kích Israel công phá thành trì ngầm của Hamas thế nào? - 5

Một số hầm ngầm của Hamas đặt sâu dưới lòng đất, tạo thành nhiều tầng (Ảnh: Reuters).

Để tăng khả năng chiến đấu thành công hơn, nhiệm vụ của đặc vụ Israel dường như sẽ phải là đẩy được thành viên Hamas lên mặt đất, vì chiến đấu dưới lòng đất sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Bộ chỉ huy Israel biết rằng lợi thế về công nghệ và vũ khí của họ trên bộ cao hơn đáng kể so với bên dưới lòng đất, vì vậy họ muốn Hamas phải ra ngoài bằng mọi giá. 

Để làm như vậy, Israel có thể sử dụng các biện pháp hóa học như hơi cay, một ít trong số đó có tác dụng lâu dài trong các đường hầm chật hẹp. Nếu Hamas không có đủ thiết bị bảo hộ cho các thành viên dưới hầm ngầm, chiến thuật của Israel có thể phát huy tác dụng.

Ngoài ra, nước cũng là một biện pháp để buộc Hamas ra bên ngoài. Một số chuyên gia từng nói về khả năng Israel làm ngập đường hầm để buộc đối phương phải ra ngoài.

Trong kịch bản không thể buộc Hamas ra ngoài, Israel phải chuẩn bị cho việc chiến đấu dưới lòng đất và đây là thách thức khổng lồ. Các đường hầm quá chật hẹp, không đủ để đưa vũ khí quá lớn vào.

Nếu dùng súng hạng nhẹ, súng lục để tác chiến, khi khai hỏa, ánh sáng lóe lên có thể làm biệt kích Israel bị ảnh hưởng tới thị giác, đặc biệt khi họ đeo kính nhìn đêm. Vì vậy, có khả năng biệt kích Israel sẽ mang theo vũ khí cỡ nòng nhỏ hơn với bộ triệt âm, không chỉ nhằm mục đích giảm tiếng ồn mà nhằm ngăn chặn ánh sáng lóe lên ở đầu nòng.

Dù chọn loại súng nào, biệt kích trong đường hầm sẽ chỉ có hỏa lực hạn chế vì chỉ có 2 người có thể bắn cùng một lúc, một người quỳ, người còn lại đứng trên họ.

Biệt kích Israel công phá thành trì ngầm của Hamas thế nào? - 6

Tổng chiều dài của hầm ngầm Hamas xây dựng được cho lên tới 500km (Ảnh: Reuters).

Lựu đạn cầm tay và súng trường gần như chắc chắn đã bị loại bỏ khi tác chiến dưới đường hầm. Lựu đạn gây choáng có thể mang lại hiệu quả bằng cách khiến Hamas bị mất thị giác và thính giác tạm thời, nhưng vẫn rất rủi ro vì chúng có thể gây nguy hiểm cho chính các binh sĩ Israel.

Ngoài ra, biệt kích Israel có thể sẽ mang theo dao chiến đấu vì việc giao tranh cận chiến là điều có khả năng cao sẽ xảy ra.

Đã có nhiều thảo luận về việc sử dụng chó nghiệp vụ dưới các đường hầm, nhưng chuyên gia Zoran Kusovac cho rằng đây không phải là ý hay, vì chó có thể trở nên khó dự đoán về mặt hành vi khi phải tác chiến trong điều kiện khá cực đoan như đường hầm.

Chúng có thể trở nên mất kiểm soát vì ánh sáng lóe lên trong không gian tối tăm, hay tiếng ồn của súng đạn trong không gian hẹp.

Phá hủy đường hầm

Biệt kích Israel công phá thành trì ngầm của Hamas thế nào? - 7

Tác chiến đường hầm là một trong những thách thức lớn nhất với Israel vì họ không thể phát huy tối đa sự vượt trội về công nghệ vũ khí trước Hamas (Ảnh: Reuters).

Hamas rất cần đường hầm để tác chiến nên Israel sẽ muốn phá hủy các tuyến đường của đối phương càng nhiều càng tốt, để vô hiệu hóa chúng. Các kỹ sư chiến đấu của Israel tuyên bố họ đang thử nghiệm "bom bọt biển", một thiết bị chứa hai chất hóa học tạo ra bọt xốp.  

Đây là loại bom không chứa chất nổ nhưng được sử dụng để bịt kín các khoảng trống hoặc lối vào đường hầm nơi các binh sĩ có thể xuất hiện.

"Bom bọt biển" được chứa trong một hộp nhựa, có vách bằng kim loại ngăn cách hai chất lỏng. Lúc mở vách ngăn này, các hợp chất sẽ trộn lẫn với nhau tạo ra phản ứng hình thành bọt xốp, loại bọt này dãn nở nhanh chóng và sau đó đông cứng lại, bịt kín một không gian.

Ý tưởng của công nghệ này là tạo nút chặn các đường hầm, ngăn các lối đi chằng chịt của Hamas từ bên trong, thay vì chỉ bịt đường vào.

Ngoài ra, Israel cũng muốn phá hủy từ bên trong các hầm ngầm của Hamas bằng các vụ nổ, dù đây là nhiệm vụ không dễ. Họ không thể chỉ đặt thuốc nổ trong hầm và chờ hầm sập. Để hiệu quả, biệt kích Israel có thể cần đào hố trong hầm, đặt thuốc nổ và kích hoạt để làm sập cấu trúc hầm. 

Chuyên gia cảnh báo, cuộc chiến dưới lòng đất sẽ là một cuộc chiến sinh tồn căng thẳng, và Israel có thể sẽ mất nhiều tháng và chấp nhận kịch bản tổn thất lớn để hy vọng đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn khi với 500km đường hầm, việc phá hủy hoàn toàn thực sự là nhiệm vụ quy mô khổng lồ. 

Theo Al Jazeera, Forbes, USA Today

Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas