DNews

Đối thủ "không đội trời chung" có thể làm phân tâm Israel đối phó Hamas

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, lực lượng Hezbollah của người Li Băng có thể đóng vai trò quan trọng trong kịch bản xung đột Israel - Hamas lan rộng ra khu vực và khiến Tel Aviv phải san sẻ nguồn lực chiến đấu.

Đối thủ "không đội trời chung" có thể làm phân tâm Israel đối phó Hamas

Giáo sư Đại học Notre Dame (Mỹ) Asher Kaufman nhận định, Li Băng - quốc gia đang trong cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và chính trị - có thể đối mặt với rủi ro bị kéo vào cuộc chiến leo thang giữa Israel - Hamas.

Hezbollah, lực lượng phi chính phủ đang hoạt động ở miền nam Li Băng, đã phát đi những tín hiệu cho thấy, họ có thể tạo ra một mặt trận khác cho Israel. Trong những ngày qua, Hezbollah đã thực hiện một số vụ tấn công vào mục tiêu Israel từ Li Băng, dẫn tới các đòn hỏa lực đáp trả từ Tel Aviv.

Ông Kaufman nhận định, Hezbollah có thể sẽ đóng vai trò chủ chốt có thể dẫn tới kịch bản chiến sự Hamas - Israel vượt ra ngoài khu vực nếu nhóm vũ trang Li Băng quyết định tham chiến.

Tiềm lực quân sự hùng hậu

Đối thủ không đội trời chung có thể làm phân tâm Israel đối phó Hamas - 1

Thành viên Hezbollah trong một cuộc diễn tập (Ảnh: AFP).

Lực lượng Hezbollah là một tổ chức dân quân của người Hồi giáo dòng Shiite. Đây được coi là một trong những lực lượng vũ trang phi chính phủ có tiềm lực mạnh hàng đầu thế giới.

Theo giới quan sát, Hezbollah có tiềm lực quân sự khá mạnh khi sở hữu nhiều vũ khí, khí tài hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực, thiết giáp, các hệ thống phòng không, pháo và súng máy.

Chuyên gia Kali Robinson từ tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), nhận định Hezbollah có tầm ảnh hưởng lớn ở Li Băng. Hezbollah được nhiều người dân Li Băng cho rằng có công lớn khiến Israel phải rút quân khỏi miền nam Li Băng vào năm 2000 và 2006.

Đó là lý do mà tổ chức này không ngừng lớn mạnh trong những năm qua và không ngừng củng cố vai trò quân sự, chính trị vững chắc ở Li Băng.

Hezbollah có ghế trong quốc hội Li Băng, có vị trí trong chính phủ quốc gia Trung Đông, nhưng nhóm này cũng đồng thời tự vận hành nền chính trị, quân sự và xã hội của riêng mình. Họ cũng có mạng lưới truyền thông riêng và có tầm ảnh hưởng lớn. Giới học giả nghiên cứu quốc tế gọi đây là mô hình "nhà nước trong nhà nước".

Hezbollah kiểm soát phần lớn các khu vực có đa số người Shiite sinh sống ở Li Băng, các phần ở thủ đô Beirut, miền nam, cũng như khu vực phía đông Thung lũng Bekaa.

Trong khi đó, trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định Hezbollah là lực lượng dân quân được đào tạo như quân đội chính quy và trang bị như một quốc gia.

Thống kê từ năm 2016 cho thấy Hezbollah có 150.000-200.000 quả rocket đủ cỡ nòng từ 107mm, 122mm, 240mm, 300mm. Phần lớn rocket của Hezbollah có tầm ngắn, không dẫn đường nhưng chúng có thể tạo ra sức công phá lớn nếu được bắn ồ ạt vào mục tiêu.

Hiện thời, phương Tây cho rằng, với sự trợ giúp của Iran, tiềm lực rocket của Hezbollah giờ đây có thể còn trở nên mạnh mẽ hơn nữa.

Ngoài ra, Hezbollah còn sở hữu kho gồm hàng trăm tên lửa đạn đạo, tên lửa chống hạm nhờ sự hỗ trợ của Iran, theo Wall Street Journal. Đặc biệt, Hezbollah cũng sở hữu tiềm lực máy bay không người lái (UAV) đáng gờm trong khu vực. Ngay từ năm 2010, Israel từng nhận định Hezbollah đã có UAV tầm hoạt động hơn 460km.

Đối thủ "không đội trời chung" của Israel

Đối thủ không đội trời chung có thể làm phân tâm Israel đối phó Hamas - 2

Pháo binh của quân đội Israel bắn vào mục tiêu ở Li Băng ngày 6/8/2021 (Ảnh: Flash90).

Hezbollah tự nhận mình là một phong trào kháng chiến của người Shiite và thể hiện hệ tư tưởng của mình trong một tuyên ngôn năm 1985.

Trong văn bản này, Hezbollah tuyên bố sẽ buộc các cường quốc phương Tây rời khỏi Li Băng, chống lại nhà nước Israel tới cùng. Hezbollah cũng ủng hộ một chế độ Hồi giáo lấy cảm hứng từ Iran, nhưng nhấn mạnh rằng người dân Li Băng nên có quyền tự quyết cho việc này.

Theo Reuters, giới chính trị phương Tây tin rằng Hezbollah là lực lượng được Iran hậu thuẫn trong nhiều năm qua.

Mâu thuẫn giữa Hezbollah và Israel đã có từ hàng chục năm và có liên quan tới xung đột Israel - Palestine kể từ năm 1948.

Li Băng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc xung đột nói trên. Khoảng 110.000 người Palestine đã sang tị nạn tại Li Băng vào năm 1948. Theo Asia Times, từ Li Băng, một số nhóm dân quân của người Palestine đã mở các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Israel kiểm soát.

Sau đó, Israel đã đưa quân vào Li Băng với mục đích loại bỏ Tổ chức Giải phóng Palestine và thành lập một chính phủ thân Israel ở Beirut. Họ không đạt được cả 2 mục tiêu.

Vào năm 1982, Iran và Syria đã hỗ trợ thành lập ra Hezbollah với mục tiêu đẩy lùi Israel. Theo Asia Times, quyền lực của Hezbollah ở Li Băng ngày càng gia tăng do sự hỗ trợ của Iran và cấu trúc xã hội nội bộ mạnh mẽ và gắn kết giữa những người theo dòng Shiite ở nước này.

Như vậy, Hezbollah được thành lập nhằm mục tiêu đối đầu trực tiếp với Israel và lịch sử hơn 40 năm qua của lực lượng này đã ghi nhận những cuộc đối đầu nảy lửa giữa 2 bên.

Ngay cả khi Israel rút quân khỏi miền nam Li Băng từ năm 2000, Tel Aviv vẫn tiếp tục nổ ra xung đột với Hezbollah, đặc biệt ở Shebaa Farms. Đây là khu vực mà Israel đã giành được từ năm 1967 và Li Băng cũng tuyên bố chủ quyền với vùng này.

Tại biên giới Israel - Li Băng, Liên hợp quốc cũng đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình UNIFIL tới hiện diện, cho thấy bầu không khí căng thẳng giữa 2 đối thủ chưa thể giảm nhiệt trong những năm qua.

Năm 2006, xung đột một lần nữa leo thang thành cuộc chiến kéo dài nhiều tháng giữa Hezbollah và Israel. Lực lượng dân quân Li Băng khi đó đã phóng hàng nghìn rocket vào khu vực do Tel Aviv kiểm soát.

Đối thủ không đội trời chung có thể làm phân tâm Israel đối phó Hamas - 3

Một vụ không kích của Israel vào Li Băng năm 2006 (Ảnh: AP).

Kể từ đó, Hezbollah và Israel không tái diễn cuộc chiến toàn diện nào nữa. Tuy nhiên, vào năm 2009, Hezbollah một lần nữa nhắc lại mục tiêu sẽ chống lại nhà nước Israel tới cùng.

Vào tháng 12/2018, Israel tuyên bố phát hiện hàng km đường hầm chạy vào khu vực phía bắc nước này đang kiểm soát từ Li Băng. Israel cáo buộc Hezbollah đã xây đường hầm nói trên. Hai bên tiếp tục vướng vào các cuộc giao tranh quy mô nhỏ trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, Israel nhiều lần bày tỏ lo ngại về vai trò của Hezbollah trong cuộc nội chiến Syria từ năm 2011. Hezbollah đã công khai xác nhận tham gia vào cuộc chiến trên từ năm 2013 và đã cử khoảng 7.000 thành viên đến hỗ trợ chính phủ Syria chống lại các lực lượng đối lập của người Hồi giáo dòng Sunni.

Trong quá trình tham chiến ở Syria, mặc dù Hezbollah đã phải chịu một số lượng thương vong đáng kể, nhưng sự mất mát này cũng giúp họ thu về lợi ích. Cuộc xung đột đã giúp Hezbollah có cơ hội để thử vũ khí, phát triển chiến lược quân sự và chiến thuật tác chiến quy mô cấp chiến dịch lớn.

Sự lớn mạnh của Hezbollah đã khiến Israel nhiều lần công khai lo ngại. Israel trong những năm qua nhiều lần tấn công các mục tiêu ở Syria nhằm làm suy giảm tiềm lực quân sự của Hezbollah ở quốc gia láng giềng.

Mặt trận mới cho Israel?

Đối thủ không đội trời chung có thể làm phân tâm Israel đối phó Hamas - 4

Thành viên Hezbollah trong một hoạt động diễu hành (Ảnh: AFP).

Theo tổ chức CFR (Mỹ), sau cuộc tấn công Israel của Hamas hôm 7/10, Hezbollah đã bắn đạn pháo qua biên giới Israel - Li Băng để thể hiện điều mà các nhà lãnh đạo của nhóm gọi là "tinh thần đoàn kết" với Hamas.

Các chuyên gia cho rằng Iran và Hezbollah có thể đã tư vấn và huấn luyện Hamas về chiến thuật đối phó với Israel, mặc dù Hamas tuyên bố họ tự lên kế hoạch về cuộc tấn công ngày 7/10.

Hezbollah đã phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thêm cho Hamas trong cuộc chiến này, điều này có thể đặt ra thách thức nghiêm trọng cho Israel và gây ra bất ổn hơn nữa trong khu vực. Bạo lực bùng nổ ở biên giới Israel - Li Băng có thể khiến Tel Aviv phải san sẻ tiềm lực cho mặt trận thứ 2", chuyên gia Ray Takeyh của CFR nhận định.

Trong khi đó, nhà phân tích Bruce Hoffman của CFR cảnh báo rằng nếu Israel mở chiến dịch trên bộ ở Gaza, điều này có thể thúc đẩy Hezbollah tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Israel.

Kịch bản này có thể làm gia tăng bất lợi cho Israel vì năng lực của Hezbollah vượt trội hơn nhiều so với Hamas. Trước đó, các chuyên gia an ninh cảnh báo, tiềm lực vũ khí của Hezbollah đủ sức để bắn phá khắp các lãnh thổ do Israel kiểm soát trong thời gian dài.

Hôm 25/10, các quan chức cấp cao của Hezbollah, Hamas, Islamic Jihad đã gặp mặt để thảo luận về con đường dẫn tới "chiến thắng" trước Israel.

Các nhà lãnh đạo Hezbollah đã nhiều lần cảnh báo Israel sẽ phải trả giá cho một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, đồng thời cho biết các cuộc tập kích Israel bằng tên lửa của Hezbollah là một nỗ lực nhằm ngăn cản IDF tập trung toàn bộ sự chú ý vào Gaza.

Mặt khác, khả năng Hezbollah tham gia sâu ở mức độ nào vào xung đột Israel - Hamas vẫn còn là một câu hỏi lớn, vì điều này có thể làm ảnh hưởng tới vị thế của Hezbollah ở Li Băng.

Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã nhiều lần tuyên bố rằng vai trò hàng đầu của nhóm là bảo vệ chủ quyền của Li Băng. Mặt khác, Hezbollah cũng có quan hệ chặt chẽ với Iran và từng giúp sức cho Tehran trong cuộc nội chiến Syria trước đó để bảo vệ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad.

Tuy nhiên, cuộc chiến trên lãnh thổ Syria sẽ rất khác so với cuộc chiến ở Israel khi Tel Aviv cũng sở hữu nền quân sự hùng mạnh hàng đầu Trung Đông, cũng như có sự trợ giúp của đồng minh Mỹ.

Hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant từng cảnh báo Hezbollah không nên leo thang căng thẳng và xung đột với Tel Aviv, vì nếu kịch bản đó xảy ra, Israel sẽ đáp trả cứng rắn.

"Hezbollah đã phạm sai lầm trong quá khứ và đã phải trả giá rất đắt. Nếu (Hezbollah) làm leo thang xung đột, chúng tôi sẽ đưa Li Băng trở lại thời kỳ đồ đá. Chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình và phá hủy từng tấc đất của Hezbollah và Li Băng", ông Gallant phát biểu.

Nếu Li Băng bị kéo vào xung đột và đối mặt với nguy cơ bị tàn phá, Hezbollah có thể gặp phải nguy cơ bị mất đi sự ủng hộ từ người dân.

Theo trang tin Mỹ Axios, hiện chưa rõ Hezbollah có nhận được đa số ủng hộ trong dư luận Li Băng để can thiệp vào xung đột Israel - Hamas hay không. Mặt khác, nếu Hezbollah tham gia xung đột, câu hỏi là Li Băng liệu có thể chống chịu được nếu bị kéo vào một cuộc chiến mà Mỹ cũng có thể tham gia vào hay không?

Trong những năm gần đây, Li Băng đã đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị, đại dịch Covid-19, vụ nổ như "bom nguyên tử" ở cảng Beirut năm 2020 làm 200 người chết và 250.000 người vô gia cư.

Li Băng cũng trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới gần đây, với GDP bình quân đầu người giảm 36,5% từ năm 2019 đến năm 2021.

Giới chuyên gia cảnh báo, giao tranh gay gắt giữa Hezbollah và Israel có thể sẽ làm trầm trọng thêm cuộc sống của người dân thường Li Băng, buộc hàng nghìn người có thể sẽ phải di tản nếu xung đột quy mô lớn nổ ra.

Theo Asia Times, quyết định có tham chiến hay không sẽ cho thấy ưu tiên của Hezbollah là gì và liệu họ có sẵn sàng đối mặt với rủi ro bị suy giảm vị thế chính trị hiện có ở Li Băng hay không.

Liên minh các nhóm vũ trang ở Trung Đông?

Đối thủ không đội trời chung có thể làm phân tâm Israel đối phó Hamas - 5

Các quan chức cấp cao của Hezbollah, Hamas, Islamic Jihad gặp nhau hôm 25/10 (Ảnh: Reuters).

Theo truyền thông phương Tây, từ đầu năm nay lãnh đạo Hezbollah Nasrallah đã bắt đầu nhắc tới thuật ngữ "sự thống nhất của các mặt trận".

Cụm từ này ám chỉ các nhóm vũ trang, lực lượng quân sự khác nhau sẽ phối hợp lại để đối phó với tầm ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Đông và Israel. Điểm chung của các lực lượng này, theo NPR, dường như là họ đều nhận được sự hỗ trợ từ Iran một phần nào đó.

Các chuyên gia quân sự cho biết đã có nhiều sự phối hợp xuyên biên giới giữa các nhóm trong những năm gần đây, ngay cả trước khi ông Nasrallah nhắc về điều này.

Nhà phân tích Kim Ghattas từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) nhận định: "Trong vài năm qua, Iran đã nỗ lực điều phối các lực lượng ủy nhiệm theo cơ chế mà họ mô tả là sự thống nhất các mặt trận, nhằm gây áp lực lên Israel theo nhiều hướng. Đó là một hoạt động phối hợp logic hơn, thay vì mỗi nhóm làm việc riêng của mình".

Theo bà Ghattas, các lực lượng tham gia vào liên minh này dường như có cả Hezbollah, Hamas. Nó dường như bắt nguồn từ một liên minh không chính thức, lỏng lẻo giữa các nhóm Hồi giáo dòng Sunni, Shiite có quan hệ với Iran ở Yemen, Syria, Li Băng, Gaza và Iraq. 

Iran và lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran bị phương Tây cáo buộc đã phát triển mạng lưới này trong nhiều năm qua.

Mohanad Hage Ali, chuyên gia Trung tâm Trung Đông Carnegie có trụ sở tại Beirut, cho rằng "sự thống nhất giữa các mặt trận" của các nhóm được Iran hậu thuẫn có cơ chế như một liên minh quân sự kiểu "mô hình NATO" ở Trung Đông.

Nếu nhận định này là đúng, cơ chế này sẽ cho phép các nhóm và lực lượng quân sự can thiệp và hỗ trợ nếu bất cứ nhóm thành viên nào khác phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu.

Vì vậy, theo chuyên gia Hage Ali, Hezbollah, lực lượng được Iran hậu thuẫn, sẽ có thể rơi vào thế khó vì họ dường như sẽ phải tham gia vào cuộc chiến Israel - Hamas ở một mức độ nào đó, đồng thời đối mặt với rủi ro phải trả giá đắt nếu mặt trận đối đầu với Tel Aviv mở rộng.

Theo Asia Times, NPR, Axios