Xây dựng một xã hội văn minh hơn, xin hãy bảo vệ người đi bộ
Nhiều người Việt Nam chúng ta hẳn đã nhiều lần chứng kiến cảnh những người nước ngoài lúng túng, hoặc thậm chí sợ hãi, mỗi khi đi bộ qua đường ở những thành phố lớn. Chúng ta có thể từng bật cười trước hình ảnh đó, một số có thể từng hướng dẫn họ về "cách qua đường kiểu Việt Nam", đó là cứ mạnh dạn mà bước, xe cộ sẽ tránh bạn. Nhưng liệu chúng ta có từng dừng lại và suy nghĩ, "cách qua đường kiểu Việt Nam" đó có phải là điều chúng ta muốn tiếp tục tồn tại trong một xã hội đang hướng tới sự văn minh, tiến bộ lên?
Thông tin trên báo Dân trí cho hay, mới đây cảnh sát giao thông (CSGT) tại Hà Nội đã tiến hành xử phạt một số người đi bộ qua đường không đúng quy định. Điều này là rất cần thiết, bởi việc qua đường không đúng quy định tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây tai nạn rất cao đối với cả người đi bộ và các phương tiện lưu thông trên đường. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cùng với việc xử phạt, thì điều quan trọng hơn là, chính quyền cần đảm bảo người đi bộ thực sự được cung cấp đầy đủ hạ tầng để có thể đi bộ đúng quy định, an toàn và thậm chí thoải mái.

Một bạn trẻ ở Hà Nội giơ tay báo hiệu "xin đường" dù đi trên đúng vạch sang đường dành cho người đi bộ, thời điểm này đèn tín hiệu cho người đi bộ đã chuyển sang màu xanh (Ảnh: Tố Linh)
Tôi đã từng đi bộ khá nhiều ở Hà Nội, TPHCM, cũng như một số thành phố lớn trên thế giới. Tôi có thể khẳng định, mình chưa bao giờ có thể đi bộ liên tục quá 500m ở bất cứ khu vực nào tại Hà Nội, TPHCM mà hoàn toàn chỉ đi trên vỉa hè và trên vạch kẻ qua đường, không phải đi xuống lòng đường ở những chỗ không phải là vạch kẻ qua đường. Hầu như mọi vỉa hè ở 2 thành phố lớn này đều có những chỗ bị gián đoạn bởi cửa hàng, quán ăn, hàng rong, xe cộ, công trình xây dựng lấn chiếm, khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường. Cảnh người đi bộ Việt Nam, khách du lịch quốc tế, len lỏi dưới lòng đường hòa lẫn trong dòng xe cộ có lẽ đã quá quen mắt tới nỗi có lẽ hiếm ai trong chúng ta có lúc dừng lại nhìn và suy nghĩ, liệu có gì không ổn ở đây?
Đó là vỉa hè, còn khi cần băng qua đường thì tình trạng tồi tệ không kém. Có thể nói chúng ta hoàn toàn chưa xây dựng được văn hóa và ý thức nhường đường cho người đi bộ. Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: "Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn".
Ở nhiều nơi gắn biển cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ thường kèm theo câu: "Chú ý nhường đường cho người đi bộ". Tuy nhiên, tôi cho rằng, những quy định và biển báo nêu trên thuộc loại "vô nghĩa" nhất và ít được đếm xỉa tới nhất hiện nay. Điều này không chỉ xuất phát từ ý thức cá nhân mỗi người, mà tôi cho rằng chính quyền và các cơ quan chức năng cũng chưa quan tâm đủ tới việc thực thi. Kết quả là ai trong chúng ta chắc chắn cũng đã đều phải trải nghiệm một cách bất đắc dĩ "cách qua đường kiểu Việt Nam", đó là cứ "nhắm mắt" mà đi, với hy vọng (và nhiều khi cả cầu nguyện) rằng các phương tiện sẽ tránh mình.
Thực tế, trải nghiệm này là vô cùng căng thẳng với nhiều người, nhất là những người già, người sức khỏe yếu, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bế trẻ em hoặc đẩy xe trẻ em..., bởi các phương tiện hiếm khi "giảm tốc độ, nhường đường" như luật quy định, mà thậm chí nhiều khi còn phóng nhanh hơn để kịp vượt qua cắt mặt trước khi người đi bộ đi tới, nhiều khi còn kèm theo cả tràng còi như để "khủng bố" tinh thần người đi bộ, với thông điệp "hãy tránh ra để xe đi trước".
Tôi đã từng chứng kiến những khách nước ngoài đi bộ qua đường đúng quy định trên vạch kẻ, những chiếc xe máy lao đến, vướng víu không qua được ngay nên bấm còi inh ỏi bực tức, và những người khách kia quay sang nhìn cũng với vẻ bực tức hoặc sợ hãi không kém và kèm theo cả sự khó hiểu tột độ. Liệu đó có phải là cách chúng ta muốn đối xử với người đi bộ, cho dù là đồng bào mình hay khách quốc tế? Quan trọng hơn nữa, ai trong chúng ta cũng có thể đóng cả hai vai, khi lên xe thì chúng ta là người điều khiển phương tiện, nhưng khi không đi xe thì chúng ta cũng chính là người đi bộ cơ mà? Vì sao cứ lên xe là chúng ta như biến thành một "tầng lớp" khác và đối xử với người đi bộ một cách "thù địch" như vậy?
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, chính quyền cần tiếp cận một cách toàn diện hơn, thay vì hô hào chung chung kiểu "giành lại vỉa hè cho người đi bộ", vốn đã hô hào nhiều lần nhưng xong đâu lại vào đó.
Trước hết, mong rằng những người nắm những vị trí lãnh đạo, quản lý ở các đô thị đi bộ nhiều hơn, trực tiếp trải nghiệm thực tế cũng như những bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông, thay vì cứ mỗi bước đều có xe đưa rước. Thứ hai, chính quyền cần rà soát lại toàn bộ hệ thống vỉa hè, vạch qua đường, biển báo, đèn tín hiệu phục vụ người qua đường, trong tổng thể hạ tầng đô thị; xác định những bất cập, thiếu sót; đặt mình vào góc nhìn của người đi bộ, nhất là những người yếu thế, để xây dựng một kế hoạch chỉnh trang toàn diện, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người đi bộ, và gián tiếp cũng chính là đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Du khách đi xuống lòng đường ở phố Tạ Hiện vì lối đi trên vỉa hè đã bị bịt kín (Ảnh: Tố Linh)
Thứ ba, cần bổ sung các quy định, xây dựng các phương án để khi có các thay đổi, điều chỉnh tạm thời vì những lý do, mục đích khác nhau cần thiết trong việc sử dụng vỉa hè, thì có giải pháp dự phòng để vẫn đảm bảo lưu thông bộ hành thông suốt, an toàn. Tôi xin ví dụ, từ cả tháng nay, một công trình xây dựng lớn trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, đã rào kín vỉa hè cho tới sát mép đường để phục vụ việc thi công, và mặc nhiên người đi bộ phải đi xuống lòng đường cả một đoạn dài hàng trăm mét mà không hề nhận được sự quan tâm nào từ chính quyền cũng như chủ đầu tư. Ở một số nước, tôi đã chứng kiến khi có công trình xây dựng tạm thời lấn chiếm vỉa hè thì họ lấy một phần lòng đường, rào kín lại để làm lối đi cho người đi bộ. Ở ta thì tư duy đang ngược lại, nhiều nơi xén bớt vỉa hè để mở rộng đường cho xe chạy.
Thứ tư, Luật Giao thông đường bộ cần phải điều chỉnh theo hướng bắt buộc các phương tiện dừng lại hẳn để nhường đường cho người đi bộ qua đường, thay vì quy định "giảm tốc độ" như hiện nay, vốn rất chung chung và khó áp dụng. Đây cũng chính là quy định và văn hóa giao thông ở nhiều nước tiên tiến, mà bất cứ ai đã từng ghé thăm cũng đều có thể chứng kiến.
Thứ năm, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cho mọi người, bắt đầu từ trẻ em, về ý thức dừng xe, nhường đường cho người đi bộ, coi đó là biểu hiện của sự văn minh, tiến bộ, cũng như phê phán hành vi không nhường đường, cướp đường của người đi bộ.
Thứ sáu, cần tăng cường giám sát, nhắc nhở, xử phạt những tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân lấn chiếm vỉa hè trái quy định, cũng như những người điều khiển phương tiện giao thông không tuân thủ quy định, không nhường đường cho người đi bộ, gây mất an toàn.
Chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một xã hội văn minh hơn, phồn vinh phát triển hơn, những đô thị đáng sống hơn, người dân khỏe mạnh hạnh phúc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Chúng ta đã nhận diện nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, mất an toàn thực phẩm, tắc đường, tai nạn giao thông... Xây dựng được cho người đi bộ một hạ tầng đô thị văn minh, an toàn, khuyến khích việc đi bộ, cũng chính là góp phần quan trọng vào việc giảm sự phụ thuộc vào các phương tiện cá nhân gây ô nhiễm, tăng tính kết nối với các phương tiện giao thông công cộng, giảm tắc đường, đồng thời nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân.
Tác giả: Ông Phạm Tuấn Anh là Tổng Biên tập báo Dân trí.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!