Người dân dựng barie chặn xe máy: Ngõ phố là của ai?
Vừa qua người dân trong một số ngõ nhỏ ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã dựng barie chắn ngang ngõ, chặn dòng xe máy dẫn ra đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm. Việc này tạo ra nhiều tranh cãi về quyền quản lý, sử dụng với đường giao thông.
Mỗi bên đều đưa ra những lý lẽ của riêng mình. Đối với những người dân đang sinh sống trong ngõ, những năm gần đây tuyến đường phía trước bị tắc khiến dòng phương tiện thường xuyên chuyển hướng đi vào ngõ hẹp (chỉ rộng từ 1 đến 1,1m) vào giờ cao điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc tham gia giao thông của người dân trong ngõ, nhất là các em nhỏ đi học.
Nhiều người dân phản ánh, con ngõ nhỏ này vốn là lối đi lại nội bộ của khu dân cư, được hình thành do người dân hai bên ngõ tự nguyện hiến đất trước đây. Khu dân cư đã họp và đồng thuận lắp đặt các chốt barie để ngăn xe máy đi vào từ năm 2022.
Ngược lại, về phía người đi đường, nhiều ý kiến cho rằng việc cư dân trong ngõ dựng barie chắn ngang ngõ vào giờ cao điểm làm cản trở dòng phương tiện, góp phần khiến tình trạng ùn tắc ở tuyến đường Nguyễn Trãi càng thêm trầm trọng. Nhiều vụ tranh chấp, cãi vã, mất an ninh trật tự đã xảy ra do tình trạng nêu trên.
Đại diện cơ quan quản lý ở địa phương dù khẳng định việc người dân trong ngõ tự ý dựng barie là không phù hợp với quy định pháp luật, nhưng trước tình hình cụ thể và đề đạt tha thiết của các hộ dân nên không dễ dàng để quyết định xử lý mạnh tay.
Trước đây, khi còn ở trong một khu tập thể cũ ở quận trung tâm Hà Nội, tôi thường xuyên chứng kiến các vụ cãi vã về chỗ đỗ ôtô giữa chủ xe với chủ nhà dọc theo đường nội khu. Các chủ nhà mặt đường thường phản ứng rất gay gắt đối với những trường hợp ôtô đỗ trên lòng đường trước nhà họ, do cản trở đi lại và ảnh hưởng kinh doanh. Một số chủ nhà đã để cục bê tông, thùng nhựa… trên lòng đường nhằm gây cản trở người đỗ xe.
Người đỗ xe thì cho rằng vỉa hè trước nhà cư dân đủ rộng và đường là của chung, nếu không có biển cấm thì họ có quyền dừng đỗ tự do. Nhiều vụ va chạm đã xảy ra và công an phường được mời đến, nhưng cũng chỉ dừng ở mức hòa giải, hạ nhiệt vụ việc để không gây mất trật tự khu vực.
Ngoài các vụ va chạm kể trên, một số chủ nhà không xua đuổi xe ôtô đến đỗ ở lòng đường trước cửa nhà mình mà tự đứng ra thu phí, với mức phí theo mặt bằng chung trong khu vực.
Lại có trường hợp, ai đó đỗ một chiếc xe bán tải cũ suốt 2 năm ở lòng đường, rác rưởi và nước tù đọng trong gầm và thùng xe gây mất vệ sinh môi trường, dù bức xúc nhưng cư dân không có cách nào giải quyết vì phía cơ quan quản lý giải thích là đường… không có biển cấm đỗ.
Tuy khác nhau về diễn biến, nhưng các sự việc trên đều có chung bản chất là xác lập quyền sử dụng và quản lý đối với đường giao thông và vỉa hè.
Luật Giao thông đường bộ 2024 yêu cầu phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, kết nối đồng bộ, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội… Luật nghiêm cấm lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Tổ chức, cá nhân phát hiện công trình đường bộ bị hư hỏng hoặc bị xâm hại, hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm phải kịp thời thông báo cho UBND cấp xã, cơ quan quản lý đường bộ hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý. Khi nhận được tin báo, cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Một số địa phương ban hành quy định riêng để quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn. Đơn cử TP Hà Nội có các quy định về sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông; sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông, giữ xe; sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông, giữ xe… Trường hợp để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè gây mất trật tự, mỹ quan đô thị, Chủ tịch, Trưởng công an cấp xã và huyện phải chịu trách nhiệm trước cấp trên.
Về cơ bản theo quy định pháp luật chung và quy chế của từng địa phương, mọi người đều có quyền bình đẳng trong việc sử dụng các không gian lòng đường và vỉa hè đô thị. Nếu không bị cấm, người dân có thể dừng, đỗ phương tiện trên các tuyến đường phù hợp với quy định chung; mọi hành vi cản trở giao thông, tự ý thu phí đỗ xe của cá nhân đều là trái với quy định pháp luật…
Thực tế đa dạng nên bên cạnh việc bổ sung quy định để điều chỉnh, thiết nghĩ trước mắt các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung trong văn bản pháp luật liên quan, đang có hiệu lực, để người dân nắm rõ và có những ứng xử phù hợp. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý để chính quyền có thể mạnh tay xử lý tình trạng người dân chiếm dụng trái phép không gian lòng đường và vỉa hè, nhất là chiếm dụng cho mục đích cá nhân.
Đối với trường hợp cụ thể, chẳng hạn như một số con ngõ nhỏ ở phường Thượng Đình, có thể áp dụng biện pháp linh hoạt trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, chẳng hạn như cắm biển hạn chế lưu lượng phương tiện và tổ chức phân luồng giao thông khoa học hơn.
Giải pháp gốc rễ của vấn đề là đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đô thị. Chẳng hạn với thành phố Hà Nội, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20%-26%. Nhưng thực tế đến đầu năm 2024, tỷ lệ này mới đạt hơn 12,1%. Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) yêu cầu đạt 3%-4% nhưng cũng mới đạt chưa đến 1%.
Thiếu đường và bãi đỗ xe là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải phương tiện, gây tắc nghẽn giao thông, gián tiếp khiến đông đảo người dân hàng ngày phải tìm mọi cách để di chuyển, dừng đỗ phương tiện.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!