Xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông: Xin đừng bất ngờ!
Hôm trước, tôi đọc được tiêu đề một bài báo trên Dân trí, rằng: "Nhiều người đi bộ bất ngờ khi bị cảnh sát giao thông xử phạt". Tôi hơi bất ngờ bởi sự "bất ngờ" của người dân khi bị xử phạt!
Trong bối cảnh các chiến dịch đảm bảo an toàn giao thông thường tập trung vào phương tiện, việc "để mắt" đến người đi bộ là một động thái mới mẻ, đồng thời mở ra nhiều tranh luận về tính cần thiết, cách triển khai và tác động của chính sách này. Nhưng tôi nghĩ không ai nên bất ngờ về việc này, dù mới mẻ. Bởi chế tài xử phạt người đi bộ sai luật thì không hề mới mẻ.
Trước hết, cần nhìn nhận rằng người đi bộ cũng là một phần quan trọng trong hệ thống giao thông. Dù không điều khiển phương tiện, hành vi của họ vẫn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chung. Những hành động như sang đường không đúng vạch kẻ, vượt đèn đỏ, hay sử dụng điện thoại khi đi qua đường không còn xa lạ, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Theo thống kê từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ chiếm một tỷ lệ không nhỏ, và nhiều trường hợp xuất phát từ việc thiếu ý thức tuân thủ luật. Do đó, việc xử phạt người đi bộ vi phạm là một cách để nhắc nhở rằng luật giao thông không chỉ dành cho tài xế, mà áp dụng cho tất cả mọi người.

Nghị định 168 quy định, phạt tiền 150.000 - 250.000 đồng đối với người đi bộ khi không đi đúng phần đường quy định (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Về mặt lý thuyết, động thái này thể hiện tính công bằng trong thực thi pháp luật. Nếu chỉ xử phạt xe máy, ô tô hay xe đạp mà bỏ qua người đi bộ, thì sẽ tạo ra một khoảng trống trong quản lý giao thông. Chẳng hạn, một người đi bộ bất ngờ băng qua đường có thể buộc tài xế phải phanh gấp, gây nguy cơ tai nạn dây chuyền. Việc xử phạt không chỉ nhằm răn đe mà còn gửi thông điệp rằng mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình trên đường phố. Đây là một bước tiến hướng tới xây dựng một xã hội giao thông văn minh, nơi mọi người đều tôn trọng quy định vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, thực tế triển khai lại đặt ra không ít thách thức. Trước tiên, phản ứng bất ngờ của một bộ phận người dân cho thấy chính sách này chưa được tuyên truyền đầy đủ. Nhiều người đi bộ dù biết rằng hành vi của mình vi phạm luật, nhưng lại không nghĩ rằng những lỗi như "sang đường sai vạch" lại bị phạt, vì trước nay chưa thấy ai nói về việc bị xử phạt. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng phải có một kế hoạch truyền thông trước khi áp dụng biện pháp mạnh tay.
Một chiến dịch truyền thông hiệu quả, với các biển báo rõ ràng, chương trình hướng dẫn trên mạng xã hội, hay thậm chí những buổi tuyên truyền tại cộng đồng, sẽ giúp người dân hiểu rõ quy định và ý nghĩa của việc tuân thủ.
Thứ hai, việc xử phạt người đi bộ không đơn giản như với phương tiện. Khác với phương tiện có biển số và giấy tờ rõ ràng, việc xác minh danh tính của người đi bộ có thể gặp khó khăn, đặc biệt khi họ không mang giấy tờ tùy thân. Hơn nữa, quyết định xử phạt cần được cân nhắc sao cho hợp lý với hoàn cảnh thực tế. Ví dụ, hoàn cảnh thực tế của hạ tầng khiến việc tuân thủ luật là bất khả kháng.
Một vấn đề khác là nguy cơ tiêu cực trong quá trình thực thi. Lực lượng chức năng cần đảm bảo xử phạt đúng quy định, công tâm, không thiên vị.
Cuối cùng, xử phạt chỉ nên là một phần trong chiến lược toàn diện. Thay vì chỉ tập trung vào "phạt", cơ quan chức năng cần đầu tư vào hạ tầng giao thông để hỗ trợ người đi bộ. Nhiều khu vực tại Việt Nam vẫn thiếu vạch kẻ đường, cầu vượt hay đèn tín hiệu dành cho người đi bộ, khiến việc tuân thủ luật trở nên khó khăn. Chẳng hạn, tại một số nút giao thông đông đúc, người dân buộc phải băng qua đường vì không có lối đi an toàn. Nếu hạ tầng không được cải thiện, việc xử phạt sẽ có thể bị xem là "bắt lỗi" hơn là bảo vệ an toàn.
Nhìn chung, việc xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông là một bước đi cần thiết để nâng cao ý thức và đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, chính sách này cần đi đôi với tuyên truyền, cải thiện hạ tầng và cách thực thi minh bạch, công bằng. Quan trọng hơn, nó phải hướng tới mục tiêu thay đổi thói quen của người dân một cách tự giác, thay vì chỉ tạo áp lực bằng xử phạt. Một xã hội giao thông văn minh không chỉ được xây dựng bằng luật lệ, mà còn bằng sự đồng thuận và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Từ góc độ quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ việc xử phạt lỗi của người đi bộ để đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần tham gia giao thông. Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện luật lệ, mà còn là câu chuyện văn hóa. Vì thế, cần phải có lộ trình đảm bảo sự hợp lý của công lý.
Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!