Vui như… giáp Tết
Cứ đến sau rằm tháng Chạp, tôi lại hoài niệm về những ngày giáp Tết thời thơ ấu, nhớ đến mức da diết cảm giác "chờ Tết", chờ để được nghỉ học, nghỉ làm, chờ được ăn những gì ngon nhất của 12 tháng dài dằng dặc giữa hai mùa Tết trong điều kiện nghèo khó ở miền Trung.
Tôi nhớ lại cảnh ông ngoại những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, từ rằm tháng chạp đã chuẩn bị dây lạt (làm từ tre non) để chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét. Thực ra nhà nghèo đâu nhiều nhặn gì cho cam, chỉ 10-12kg nếp và 7-10kg lợn hơi "đụng" chung với 5-7 nhà khác trong xóm. Nhà nào trong xóm cũng chuẩn bị Tết nên không khí háo hức cứ lan tỏa khắp nơi. Viết đến đây tôi lại nhớ những khuôn mặt thân quen của ông bà nội ngoại, của bác, cậu, người thân, hàng xóm trong cảnh Tết xưa nhưng nay đã khuất núi ở cõi vĩnh hằng.
Những ngày giáp Tết cũng là thời gian gấp rút của vụ đông Xuân ở miền Trung. Trời mưa dầm rét buốt, người nông dân vẫn phải xuống ruộng cấy lúa rất cực khổ. Tuy vậy, với tâm lý "sắp Tết rồi" nên ai ai cũng gấp rút làm cho xong để kịp đón Tết. Trẻ con chúng tôi học trường làng, đến mùa vụ đều phải tham gia cày bừa, nhổ mạ, cấy lúa, gieo lạc... phụ giúp cha mẹ, ông bà.
Ngày nay việc làm nông đã khác, có máy móc cơ giới hóa nhưng với thế hệ 6x, 7x thì những ký ức đó sẽ rất khó phai mờ, nhất là những lúc xa quê.
Từ 23 tháng Chạp cho đến 30 Tết là những ngày chộn rộn nhất. Dù bận rộn, bon chen, vất vả… nhưng ai rồi cũng dành sức để "lo cho cái Tết". Lũ trẻ vẫn vui vì được nghỉ học và ba mẹ mua cho tấm áo mới. Bà mẹ ở quê vẫn ngóng chờ đưa con đi xa trở về. Kinh tế còn khó khăn nhưng xuống phố chúng ta đều cảm nhận được một mùa xuân mới khi hoa đào, hoa mai khoe sắc.
Thực sự Tết đến thì vui nhất vẫn là trẻ con, còn người lớn chúng ta nhiều khi lo lắng đến bạc mặt. Nhưng suy cho cùng Tết là một sự bắt đầu cho một chu kỳ mới tùy mỗi hoàn cảnh. Với tôi, nếu không có những cột mốc như Tết thì cuộc sống cứ trôi theo dòng chảy bất tận của thời gian, dòng chảy không ngừng của cơm áo gạo tiền mà không có điểm tạm dừng để nghỉ ngơi, để đoàn tụ và để cảm xúc ngược về quá khứ.
Bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi rất nhiều so với 20, 30 năm trước, con người ta lớn lên, xã hội dần già hóa và không còn sự háo hức chờ Tết như trước, thậm chí những năm gần đây có nhiều ý kiến than khổ vì Tết, đòi bỏ Tết cổ truyền. Nhưng rồi mọi người vẫn thấy Tết chứa đựng nhiều ý nghĩa không thể nào bỏ được.
Tết nghĩa là hy vọng, là bắt đầu một chu kỳ mới. Vậy phải chăng đây là lúc dành thời gian để "trở về" với chính mình, với gia đình để có những ngày giáp Tết và ngày Tết có ý nghĩa nhất theo cách của mình.
Tác giả: Ông Đặng Công Hoàn là Tiến sĩ kinh tế, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!