Buồn vui thưởng Tết
Thưởng Tết luôn là một khoản mà hầu hết mọi người lao động đều quan tâm. Tùy vào từng công ty, cơ quan và vị trí công việc mà khoản thưởng Tết ít hay nhiều.
Những năm trước Covid-19, cứ đến đợt này là dân tình lại xuýt xoa vì đọc được trên báo, nghe được bạn bè truyền tai nhau về những mức thưởng khủng.
Còn nhớ, một doanh nghiệp bất động sản, công ty cũ của vợ tôi, đã thưởng Tết cho các lãnh đạo cấp trung mỗi người một xe ô tô Honda Camry.
Hay một cô em của tôi còn được thưởng Tết hơn một triệu cổ phiếu, quy ra cũng lên tới 10 tỷ đồng, tất nhiên, cô bị áp điều kiện không được bán ra trong vòng 3 năm và cam kết tiếp tục làm tại công ty 5 năm tiếp theo. Hay như hồi tôi còn làm tại cơ quan cũ, thưởng Tết ngoài một khoản tiền còn được xấp phiếu mua hàng siêu thị, giỏ quà.
Theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động (ngoại trừ các trường hợp có trong hợp đồng); phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cùng với năng suất làm việc của người lao động mà người sử dụng lao động quyết định có thưởng Tết hay không. Vậy nên mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh tùy điều kiện kinh doanh của công ty trong năm đó.
Dù sao, tâm lý chung của người lao động là cứ cuối năm thì trông ngóng xem sẽ được thưởng Tết như thế nào. Mới đây tôi nhận được thư của một người em tên M., tâm sự xin lời khuyên có nên nghỉ việc hay không vì môi trường làm việc độc hại, nhiều thị phi, thậm chí bị sếp quấy rối. Tôi khuyên M. nên báo cáo sự việc tới các tổ chức liên quan và cơ quan chức năng, ví dụ công đoàn…
"Thôi, em cố chịu tiếp vậy. Qua Tết em sẽ xin nghỉ. Chứ xin nghỉ bây giờ mất luôn thưởng Tết". M. nói với tôi như vậy. Dù câu chuyện của M. không phải điển hình, nhưng phần nào cho thấy tâm lý "chờ thưởng Tết" là có thật. Tuy nhiên, vì không bị ràng buộc bởi luật nên thưởng Tết nhiều khi phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ban lãnh đạo doanh nghiệp, cả trong việc thưởng Tết nói chung cũng như mức thưởng cho từng cá nhân nói riêng (muốn cho bao nhiêu thì cho).
Ở đây nếu nhìn vấn đề từ quyền lợi chính đáng của người lao động thì thiết nghĩ tổ chức công đoàn tại công ty có vai trò quan trọng. Công đoàn mạnh thì việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động sẽ tốt hơn, và ngược lại, nếu tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp chỉ là cánh tay nối dài của ban lãnh đạo thì rất khó để là chỗ dựa cho người lao động.
Chúng ta vừa trải qua một năm kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, có thể thấy bức tranh chung là các doanh nghiệp, bao gồm khối FDI, đã có nhiều nỗ lực đảm bảo lương, thưởng Tết nếu so với những năm gần đây. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo của 62/63 tỉnh, thành về tình hình tiền lương, thưởng Tết 2024 cho thấy, về tiền lương năm 2023, tăng 3% so với năm ngoái, bình quân ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng.
Trên 56% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng tết Dương lịch với mức thưởng bình quân là 1,85 triệu đồng/người, tăng 49% so với năm trước. Trên 61% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng tết Nguyên đán với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Trong bức tranh chung trên đây, tôi được biết nhiều doanh nghiệp điêu đứng, thu không đủ bù chi, phải lôi cả "của để dành" ra mà duy trì doanh nghiệp. Có những người bạn của tôi đang làm chủ doanh nghiệp đã phải bán cả tài sản của mình đi, vì hy vọng qua đợt khó khăn này mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại.
Hay như chính doanh nghiệp gia đình của mình, năm 2023 bất động sản đóng băng, không có mấy dự án nhà mới được bàn giao khiến mảng sản xuất và kinh doanh rèm của nhà tôi tê liệt.
Nếu như trước kia, mỗi ngày nhà tôi đều đặn chục đơn may rèm thì năm nay, cả tuần, thậm chí cả tháng mới có chục đơn. Nhưng thay vì cắt giảm nhân sự, làm việc luân phiên, vợ tôi đã mở thêm hệ thống giặt là để nhân viên có thêm việc.
Tôi biết nhiều chủ doanh nghiệp cũng giống như vợ tôi, co chỗ này, kéo chỗ kia, đợi một ngày mọi thứ tốt lên. Vì như vợ tôi nói: Họ đã đi theo nhà mình đến 10 năm rồi, họ cũng muốn ở lại với mình cho đến lúc già yếu, hết khả năng lao động. Nên phải chia tay họ là điều em không bao giờ muốn".
Năm nay, vợ tôi quyết định vẫn thưởng Tết không phải bằng lợi nhuận chúng tôi đã có mà bằng chính quỹ lương của vợ chồng tôi. Bởi bình thường, dù không nhận lương nhưng vợ chồng tôi vẫn dành ra một khoản tương đương quỹ lương cho vai trò điều hành và truyền thông, để dành nó cho các công tác xã hội cũng như quỹ ma chay cưới hỏi, thăm bệnh, giúp đỡ nhân viên.
"Thêm một cái bánh chưng là Tết của họ bớt đi một tiếng thở dài chồng nhỉ?", vợ tôi nói.
Chuyện buồn vui thưởng Tết, ngẫm nghĩ cho kỹ cũng là chuyện tình người và lợi ích bền vững của chính doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp nào thì tài sản quan trọng nhất cũng chính là con người.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!