"Quần quật đón Tết"
Người xưa có một câu nói hoàn toàn đúng khi bàn về 3 ngày Tết, đó là "9 người 10 ý".
Nếu được hỏi ý kiến, ai đó sẽ nói rằng cần phải giữ gìn Tết cổ truyền bởi đây là văn hóa, là truyền thống của người Việt; người khác thì lại cho rằng nên bỏ Tết Nguyên đán để nghỉ Tết dương lịch, số ngày nghỉ trong năm không thay đổi nhưng tập trung vào một đợt theo đa số các nước trên thế giới… Qua đó sẽ giúp đất nước hòa nhập sâu rộng hơn với thế giới, giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả lao động, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư phương Tây.
Câu hỏi có nên bỏ Tết hay không được đặt ra suốt bao năm qua. Người Nhật đã bỏ Tết theo lịch mặt trăng, chuyển sang ăn Tết theo lịch mặt trời - một động thái dứt khoát trong chính sách "Duy Tân Minh Trị" để ngả về phương Tây nhằm phát triển kinh tế và thoát khỏi ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa.
Hiện nay, chỉ còn khoảng trên dưới 10 nước ăn Tết Nguyên Đán như Việt Nam. Vậy, ta có nên bỏ Tết âm lịch hay không?
Tôi thử làm một cuộc thăm dò nhỏ trong số những người thân, bạn bè. Đa số đều chia sẻ là… sợ Tết. Thậm chí có người ý niệm về Tết cũng giống như ý niệm về bia rượu, về những cuộc nhậu khề khà ngày này qua ngày khác, nhà này sang nhà khác. Nhưng sau một hồi suy nghĩ thì đa số không đồng ý bỏ Tết, mà chỉ đặt ra vấn đề cần ăn Tết, chơi Tết sao cho lành mạnh và văn minh hơn.
Một anh bạn tôi ví von Tết với bia rượu - thứ "đặc sản" ngày Tết: sau một cuộc nhậu say, đầu như búa bổ, cảm giác hoa mắt, chóng mặt thì quả thật là sợ rượu và quyết tâm bỏ rượu. Nhưng được một thời gian "cơn say" qua đi, nhịp sống trở lại hối hả như thường lệ, rồi sau một năm lại mong Tết đến để được ngồi nhậu cùng anh em, họ hàng cô bác.
Thực ra tục lệ ăn Tết của nhiều người Việt sẽ rất đáng từ bỏ dưới góc độ khoa học. Những bữa ăn lệch giờ giấc, lệch chế độ dinh dưỡng (nhiều đạm, thiếu rau), phụ nữ thì phát phiền vì phải nấu nướng quần quật, dọn dẹp quần quật, nề nếp sinh hoạt bị đảo lộn… Đó là chưa kể nhậu nhiều dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông. Năm nào báo chí cũng thống kê số vụ tai nạn trong những ngày Tết cao hơn ngày thường.
Rồi những tệ nạn trong ngày Tết như hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan; đốt vàng mã tràn lan gây tốn kém, ô nhiễm môi trường… đều là những việc cần phải bỏ trong ngày Tết.
Nhưng, suy cho cùng thì đó là sự cần thiết bỏ những nếp sống không văn minh, không khoa học trong ngày Tết chứ đâu phải là bỏ Tết.
Có thể là nếu bỏ Tết âm, chuyển sang ăn Tết dương lịch như người Nhật và các quốc gia phương Tây, ta sẽ thuận lợi hơn trong sắp xếp lịch nghỉ lễ và đi làm theo vòng quay dương lịch (trên thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI luôn ngần ngại vì kỳ nghỉ Tết Âm lịch của công nhân, người lao động, đây cũng là một yếu tố mà nhiều nhà đầu tư lấn cấn trước khi quyết định đầu tư nhà máy ở Việt Nam). Tuy nhiên đây là vấn đề có thể giải quyết được khi các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp tổ chức công việc khoa học, hợp lý, đảm bảo các dịch vụ công và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường trong kỳ nghỉ.
Nhìn sang Trung Quốc, kỳ nghỉ lễ Tết âm lịch kéo dài với hàng trăm triệu người "xuân vận" nhưng bao nhiêu năm qua họ vẫn là công xưởng của thế giới. Đâu có phải do Tết mà ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của công xưởng khổng lồ này?
Trong cuốn sách "Sự va chạm giữa các nền văn Minh" (The Clash of Civilizations), tác giả Samuel P. Huntington đã luận giải khá hay về vai trò của yếu tố "văn hóa", "văn minh" đến các quốc gia. Sự tăng trưởng kinh tế, các cuộc chiến tranh... đều liên quan đến yếu tố văn hóa. Người Việt chúng ta đã chủ trương tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế gắn với gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc. Điều này cũng đồng nghĩa chúng ta hướng đến một quốc gia phát triển nhưng không được phép quên mất mình là ai. Và nếu vậy, có phải văn hóa, lịch sử, truyền thống là những yếu tố định nghĩa chúng ta, giúp ta là người Việt chứ không phải người Đức, người Mỹ?
Kinh tế có thể tăng trưởng hay suy thoái ở mỗi thời kỳ, nhưng yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống khi đã mai một thì để lấy lại là không thể.
Trước câu hỏi có nên bỏ ăn Tết hay không, quan điểm của tôi giống với quan điểm mà rất nhiều người đã đặt ra: Không bỏ Tết nhưng từng bước thay đổi cách thức ăn Tết, thái độ với Tết. Làm sao để Tết thực sự là những ngày nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống, quây quần bên những người thân thiết, thăm thú những người mà ta thực sự quý trọng, dành thời gian khám phá những miền đất mới... và sạc năng lượng để chuẩn bị cho một năm hối hả ngược xuôi.
Còn cách thức ta đang làm hiện nay không giống ăn Tết, chơi Tết mà là "hành xác với Tết", "quần quật đón Tết" theo những phương thức phản khoa học. Chỉ cần thay đổi lề lối ấy thì câu hỏi có nên bỏ Tết không đã có câu trả lời thật rõ ràng.
Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!