Tâm điểm
Lưu Đình Long

Từ vụ án phóng hỏa quán cà phê: Lửa sân si

Sáng sớm 19/12, hầu hết các trang báo online đều đăng những dòng tin thật nặng nề. Ngọn lửa oan khuất tối 18, rạng sáng 19/12 đã thiêu rụi một quán cà phê ở 258 đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến 11 người chết, 7 người thoát nạn trong đó có 4 nạn nhân phải nhập viện điều trị.

Nghi phạm vụ hỏa hoạn nhanh chóng bị bắt và khai nhận hành vi phạm tội đến từ sự sân si, nóng giận bởi mâu thuẫn trước đó với nhóm khách của quán.

Theo lời khai ban đầu, sau khi cãi cọ và bị nhóm khách đánh, nghi phạm gọi xe taxi đến chợ Cổ Nhuế mua một xô nhựa rồi mang đi mua xăng. Đến 23h ngày 18/19, hắn quay lại hất xăng vào quán cà phê, bật lửa đốt. Ngọn lửa bùng lên dữ dội, bắt cháy vào xe máy và vật dụng ở tầng 1, chặn cửa ra vào làm những người bên trong không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, phải chạy lên các tầng trên dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Từ vụ án phóng hỏa quán cà phê: Lửa sân si - 1

Hiện trường vụ phóng hỏa quán cà phê ở Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Văn Hải)

Ngay trong ngày, các lực lượng chức năng phối hợp với thành phố Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả. Thủ tướng đã có công điện về vụ án này, yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe, phòng ngừa.

Kẻ thủ ác phải đền tội theo đúng quy định pháp luật. Không thể nào khác được. Nhưng với những người đã nằm xuống một cách oan khuất và gia đình, người thân của họ thì giờ đây không gì có thể bù đắp được.

Mâu thuẫn, tức giận, đánh nhau, nổi nóng, trả thù, dẫn đến thương vong là "kịch bản" thường thấy trong cuộc sống.

Mấy ngày trước, trên dòng chủ lưu thời sự, dư luận bức xúc trước hàng loạt vụ bạo lực trên đường. Trong đó có vụ việc bùng phát chỉ sau một va chạm nhẹ, với diễn biến là người đàn ông 40 tuổi ở TPHCM đã chặn đầu xe cô gái và ra nhiều đòn hiểm, đánh tới tấp khiến nạn nhân bị thương.

Hành vi ngông cuồng, coi thường pháp luật, sức khỏe người khác đó bị camera hành trình của một ôtô cùng chiều ghi lại, phát tán trên mạng xã hội. Công an quận 4 vào cuộc, xác định vụ việc xảy ra ở đường Khánh Hội. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã bắt tạm giam đối tượng và khởi tố vụ án.

Hàng trăm bình luận trên nhiều trang báo và mạng xã hội đều chê trách bị can, bày tỏ cần xử nghiêm để răn đe. Phản ứng đó cho thấy, vụ việc cụ thể này như một giọt dầu đổ vào đống lửa bức xúc của cộng đồng khi chính họ cũng đã từng chứng kiến, hoặc là nạn nhân của thói bạo lực, bắt nạt trên đường kiểu này.

Bắt nạt trên đường đi không chỉ là đánh, gây thương tích, mà còn gồm những hành vi khác như hăm dọa, chửi bới, rượt đuổi rồi đe nẹt, dùng ánh mắt hung hăng để thị uy…

Ở TPHCM, một thành phố lớn với dân số đông, mật độ xe cộ trên đường luôn dày đặc thì việc va chạm khi tham gia giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi từng bị va quẹt xe đến té ngã và cũng từng thắng không kịp, tông vào đuôi xe người khác. Có những người cảm thông thì chỉ nhìn lại, đón nhận lời xin lỗi rồi vui vẻ lướt qua. Nhưng không ít người từ sự cố nhỏ như vậy đã gây hấn.

Một ngày sau "điểm nóng" quận 4, vụ việc ở quận 3 cũng khiến cộng đồng dậy sóng, nhất là khi xem màn rượt đuổi như phim hành động ở quận trung tâm TPHCM. Ba nhân vật chính gồm tài xế xe buýt Võ Thanh Bằng (61 tuổi, ngụ quận Bình Tân), nhân viên xe buýt Phạm Duy Niên (20 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) và shipper Lê Minh Hiền (37 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) đã bị công an tạm giữ để điều tra.

Có thể kể thêm vụ bốn thanh niên đi trên hai xe máy ép một nam thanh niên đi xe máy khác té ngã tại TP Thủ Đức. Sau đó, cả bốn người xông đến đánh hội đồng nạn nhân.

Mới đây là vụ việc tài xế xe ôtô hành hung người đàn ông chở con đi học bằng xe máy trước khu vực Bệnh viện Từ Dũ (quận 1). Tài xế này hiện đã bị khởi tố.

"Bộ đui hả", "mày muốn chết hay gì", "mày coi chừng tao"… Tôi nhiều lần nhận được những câu nói gay gắt như thế chỉ vì những va quẹt nhỏ hoặc thiếu quan sát khi qua đường khiến đối tượng thắng vội.

Nhiều năm trước, Mễ Thuận - bạn học Đại học của tôi - còn bị hành hung chỉ vì va vào đuôi xe một người đàn ông ngay trung tâm quận 1. Tôi nhớ, lúc đó cũng vào mùa Giáng sinh như bây giờ, TPHCM nhộn nhịp trang trí mừng năm mới, lên đèn chào mùa lễ hội cuối năm. Bọn tôi, sinh viên nên cũng háo hức xuống phố sau giờ học. Rồi sự cố xảy ra. Cú va nhẹ của Thuận vào đuôi xe khiến người đàn ông nổi giận, bám đuôi văng tục. Thuận chở tôi, im lặng đi tiếp, người đàn ông vẫn bám theo, ép xe vào lề rồi đấm vào người cậu ấy một cái khá mạnh. Chúng tôi chưa kịp phản ứng gì, người đàn ông rồ ga bỏ đi.

"Kỷ niệm" đi dạo phố lần đó khiến những sinh viên tỉnh lẻ như tôi, Thuận mới về TPHCM học tập cảm thấy sợ hãi, tự nhắc cẩn thận hơn với những chuyện bất như ý trên đường.

Trở lại với sự việc người đàn ông gây ra vụ ồn ào ở quận 4 và đã bị khởi tố, bị can lý giải do gặp nhiều nỗi buồn trong cuộc sống nên ức chế, dẫn tới hành động nóng nảy, gây tổn thương cho nạn nhân. Tất nhiên, lời giải thích này ít được cảm thông. Vụ án đốt quán cà phê gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội khiến 11 người chết cũng từ mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Một vòng xoáy bạo lực.

Có thật là khi hành hung ai đó (chỉ vì một chuyện nhỏ) là do bột phát, do những áp lực mà người đó đang gánh? Nếu có, thì điều này không thể xem là cách giải tỏa cảm xúc, ngược lại còn có thể đưa con người đến vực sâu tội lỗi.

Sân si trên đường hay ở bất cứ đâu cũng đều là bất thiện, mang lại tổn hại cho người khác và chính mình. Tổn hại lâu dài về mặt sức khỏe thân tâm chính là sự nóng giận khiến phát sinh bệnh tật nhiều hơn, giết chết sự bình an của mình. Tổn hại về tư cách khiến người ta xa lánh hay vướng vòng lao lý nếu cơn sân si đưa đến hành vi phạm pháp.

Học cách quản lý cảm xúc, nâng cao trí tuệ cảm xúc là bài học và sự thực hành bị bỏ quên từ bé. Lâu dần, con người buông thả cảm xúc, dễ tức giận và dễ dùng nắm đấm để hành xử từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Đó là kiểu hành xử bạo lực, bản năng.

Khi phạm lỗi mới ăn năn hoặc lúc chịu phạt mới hối hận nhận ra sai lầm thì đã muộn màng, học phí quá đắt. Phải chăng, trong mỗi người chúng ta đều có cơn sân si cần kiểm soát? Tập làm chủ cảm xúc bằng cách nhìn sâu vào những vụ việc pháp lý kể trên ít nhiều là cách ta tự nhắc nhở mình trong đời sống hàng ngày, chưa nói đến việc tự nhắc nhở để tránh những hành vi bạo lực mà trước hết là để hành xử cân bằng hơn.

Áp lực cuộc sống, những bất như ý trong đời ai cũng đã, đang và sẽ phải đối diện. Nhưng, quan trọng nhất là ứng xử hợp tình hợp lý. Tạo sự cân bằng trong đời sống của mình có lẽ là điều chúng ta cần có mỗi ngày, nhưng nhiều khi điều này bị bỏ quên cho đến khi ta mất kiểm soát.

Thực ra, chỉ cần ghi nhớ lời ông bà xưa đúc kết - một điều nhịn, chín điều lành - thì có lẽ con người đã bớt trả giá cho sự nóng nảy, sân si không đáng của mình trên đường đời.

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!